Tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang toàn dân và Cách mạng Tháng tám
TCCSĐT - Cách mạng Tháng Tám là cuộc tổng khởi nghĩa với lực lượng chính trị của toàn dân là chủ yếu, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang toàn dân.
Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã suy ngẫm rất nhiều về một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Kế thừa di sản quân sự của dân tộc và tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã hình dung một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Việt Nam. Năm 1924, trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Người viết: “Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị từ trong quần chúng” (1).
Nguyễn Ái Quốc đã có những cống hiến to lớn về nghiên cứu chủ nghĩa thực dân và vấn đề giải phóng dân tộc. C.Mác và Ph.Ăngghen chưa đề cập đến vấn đề chống chủ nghĩa thực dân nhưng đã xây dựng học thuyết về đấu tranh cách mạng với nòng cốt là giai cấp vô sản vào thời điểm mà sự thống trị của châu Âu đối với thế giới mới bắt đầu, chủ nghĩa thực dân chưa phổ biến, lúc đó chỉ mới có sự đô hộ của đế quốc Anh ở Ấn độ và đế quốc Pháp ở Angiêri. C.Mác qua đời năm 1883 khi đó cuộc chinh phục của đế quốc Pháp ở Việt Nam chưa kết thúc.
V.I.Lênin đã có những cống hiến to lớn về nghiên cứu “Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” công bố năm 1917. Tuy nhiên sau khi giành được chính quyền, V.I.Lênin không có nhiều thời gian dành cho vấn đề thuộc địa, nhưng ông đã có sự chỉ dẫn quý báu khi nói đến vai trò của phong trào giải phóng dân tộc.
Nguyễn Ái Quốc là người nghiên cứu sâu về chủ nghĩa thực dân và vấn đề giải phóng dân tộc. Người đã viết tác phẩm “Bản án chủ nghĩa thực dân”, đã nhiều lần phát biểu ý kiến về vấn đề chủ nghĩa thực dân trên diễn đàn của Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế cộng sản, đã có nhiều bài viết về vấn đề thuộc địa đăng trên báo Le Paria.
Trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc. Nhân dân Việt Nam khi thời cơ đến, có thể chủ động đứng lên, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Đây là một luận điểm đặc biệt sáng tạo, khác với quan điểm của Quốc tế cộng sản, đặt cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, coi cách mạng thuộc địa là “hậu bị quân” của cách mạng ở chính quốc và cách mạng giải phóng thuộc địa chỉ có thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi: “Việc giải phóng các thuộc địa chỉ có thể tiến hành với việc giải phóng giai cấp công nhân ở chính quốc” (Tuyên ngôn của Quốc tế cộng sản tháng 3-1919).
Thực tiễn lịch sử của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn sáng tạo, hoàn toàn đúng đắn. Nếu dân tộc Việt Nam ỷ lại, chờ đợi cách mạng vô sản Pháp thành công mới giành độc lập thì bao giờ cho đến ngày ấy?
Sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trước yêu cầu của tình hình mới, tháng 1-1941, Nguyễn Ái Quốc vượt biên giới Việt – Trung về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nơi Người đặt chân đầu tiên trên quê hương là Pắc Bó. Từ Bến Nhà Rồng đến Pắc Bó, Người đã phải đi mất 30 năm.
Tại Pắc Bó, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII vào tháng 5-1941. Đây là một hội nghị lịch sử, quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết, là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất lại (chỉ thực hiện giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng).
Trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình lúc đó, Hội nghị đã đưa ra một nhận định hết sức quan trọng, giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Hội nghị nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(2).
Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Người đã nhân danh nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc viết lá thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm…”.
Hội nghị Trung ương lần thứ VIII cũng là hội nghị quyết định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển hoàn chỉnh tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang ở Việt Nam. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang do toàn dân tộc tiến hành. Người chủ trương đi vào quần chúng, tuyên truyền vận động giác ngộ quần chúng, phát triển lực lượng chính trị, trên cơ sở đó thành lập lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, thực hiện khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng tạo lực, tạo thế, tạo thời và nắm vững thời cơ. Trong lời kêu gọi đồng bào tháng 5-1941, Người đã phân tích các cuộc khởi nghĩa trước chưa thành công vì hai nguyên nhân: Một là, vì cơ hội chưa chín, hai là vì nhân dân ta chưa đồng tâm hiệp lực. Mùa thu năm 1944, Người quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao Bắc Lạng vì bây giờ thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới.
Tháng 7-1945 phát xít Đức – Ý bại trận, phát xít Nhật nguy khốn chuẩn bị đầu hàng, lúc này Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ốm nặng, nằm trên giường bệnh ở lán Na Lừa (Tân Trào), Người đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (3).
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đem sức ta mà giải phóng cho ta” khi có thời cơ đến và tư tưởng về khởi nghĩa vũ trang toàn dân là linh hồn của đường lối cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội 1966, tr. 468-469
(2): Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII tháng 5-1941.
(3): Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử NXB Chính trị quốc gia 1994, tr.196.
Tuyên dương 20 thanh niên Công an tiêu biểu làm theo lời Bác  (19/08/2012)
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 họp phiên thứ 4  (19/08/2012)
Khánh thành công trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè  (19/08/2012)
Họp Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Nam Phi – Việt Nam  (19/08/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên