Xã hội hóa dịch vụ công: Quan điểm tiếp cận và kinh nghiệm từ một số nước

Trần Ngọc Hiên GS, TS, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
16:58, ngày 18-06-2012
TCCSĐT: Sự phát triển dịch vụ công là một tất yếu cả kinh tế và chính trị khi một quốc gia đã chuyển sang nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền. Vì vậy, sự phát triển về lượng và chất của dịch vụ công là một tiêu chí để đánh giá nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền. Mức độ phát triển dịch vụ công phản ánh mức độ phát triển tính chất xã hội của kinh tế thị trường, tính chất nhân dân của Nhà nước pháp quyền. Nó khác hẳn tính chất bao cấp ban ơn của Nhà nước trong nền kinh tế kế hoạch hóa, nhà nước hóa.

1. Tính tất yếu phát triển dịch vụ công trong nền kinh tế thị trường

Tiếp cận vấn đề "dịch vụ công" “xã hội hóa” nó hiện có nhiều quan niệm. Ở các nước châu Âu thì: "dịch vụ công là các hoạt động vì lợi ích chung của xã hội, do cơ quan nhà nước hoặc tư nhân đảm nhiệm". Trong nền kinh tế thị trường, các lợi ích chung mà dịch vụ công đem lại thể hiện dưới hình thức hàng hóa công cộng. Đó là loại hàng hóa mà mọi người đều có thể sử dụng, là loại hàng hóa mà việc tiêu dùng của người này không làm giảm lượng tiêu dùng của người khác và nó vẫn tồn tại khi không tiêu dùng.

Khái niệm dịch vụ công nói trên được dùng khá phổ biến ở nhiều nước châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Dịch vụ công có nhiều loại, từ y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo cho đến an ninh, bảo trợ xã hội... Khi kinh tế và đời sống xã hội càng phát triển thì dịch vụ công càng phát triển thêm nhiều loại mới với những phương thức cung cấp mới.

Dịch vụ công có những đặc điểm: có tính chất xã hội cao, có mục tiêu là phục vụ lợi ích cộng đồng, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, công bằng và có tính quần chúng rộng rãi. Vì vậy, tính kinh tế, lợi nhuận trong cơ chế thị trường không phải là điều kiện cần có của hoạt động dịch vụ công. Việc trao đổi dịch vụ công không thông qua hoặc không bao hàm quan hệ thị trường đầy đủ. Cũng có những dịch vụ công, người sử dụng phải trả một phần hay toàn bộ kinh phí mà nhà nước vẫn có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ này không nhằm mục tiêu lợi nhuận (như pháp luật, an ninh, quốc phòng, cấp các loại giấy tờ bảo đảm quyền sở hữu và các lợi ích khác của dân).

Sự phát triển của dịch vụ công phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá của mỗi quốc gia. Như ở Canada, có tới 34 loại hoạt động được coi là dịch vụ công (quốc phòng, an ninh, pháp chế, tạo việc làm, quy hoạch, bảo vệ môi trường và các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, bảo hiểm xã hội... ). Ở Pháp, khái niệm dịch vụ công được hiểu là, bao gồm các hoạt động công ích (điện, nước, giao thông công cộng, vệ sinh môi trường...); các hoạt động sự nghiệp phục vụ nhu cầu tinh thần, sức khỏe của người dân (giáo dục, y tế, thể thao, thể dục...); các dịch vụ hành chính công (thuế vụ, an ninh, quốc phòng, cấp phép hộ khẩu, hộ tịch...). Còn ở Italia, dịch vụ công được giới hạn ở hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh tế công ích (điện, nước sạch, vệ sinh môi trường). Các hoạt động cấp phép hộ khẩu, hộ tịch lại do cơ quan hành chính thực hiện.

2. Cách tiếp cận dịch vụ công và sử dụng hiệu quả của nó

Có nhiều cách tiếp cận dịch vụ công khác nhau, từ đó sẽ có những hiệu quả khác nhau.

- Từ quản lý nhà nước: dịch vụ công là những hoạt động của cơ quan nhà nước trong chức năng quản lý hành chính và chức năng cung ứng các hàng hoá công cộng phục vụ các nhu cầu chung và thiết yếu của xã hội. Cách tiếp cận này nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của Nhà nước.

Các cơ quan nhà nước trực tiếp cung ứng dịch vụ công, những dịch vụ mà chỉ cơ quan công quyền mới đủ tư cách và điều kiện để làm, liên quan đến an ninh quốc gia và lợi ích chung của đất nước. Với trách nhiệm của mình, nhà nước cũng trực tiếp cung ứng các loại dịch vụ ở các địa bàn, các lĩnh vực không thuận lợi mà thị trường không thể hay không muốn đầu tư (như phát triển ở các vùng sâu, vùng xa). Với trách nhiệm của mình, nhà nước phải thành lập các đơn vị sự nghiệp như bệnh viện, trường học, các cơ sở cung cấp điện nước, một số công ty và tất cả đều không vì mục tiêu lợi nhuận. Ban đầu, nhà nước đầu tư, sau đó họ sẽ tự trang trải, và chỉ nhận sự hỗ trợ của nhà nước khi cần thiết.

- Từ nhu cầu xã hội phát triển trong một không gian và thời gian nhất định

Cùng với tiến trình phát triển và mở rộng kinh tế thị trường, phát triển cơ cấu xã hội công dân thì mức sống và lối sống cũng không ngừng thay đổi, phát sinh sự thay đổi trong nhu cầu xã hội về số lượng và chất lượng trên các địa bàn đô thị và nông thôn khác nhau. Sự phát triển như vậy thường vượt quá khả năng cung ứng và quản lý của nhà nước. Nhưng nếu nhà nước không đáp ứng và hướng dẫn các nhu cầu ấy thì sẽ phát sinh tình trạng tự phát trong cung ứng và tiêu dùng với nhiều vấn nạn xã hội và kinh tế, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, nhà nước giải quyết sự phát triển các nhu cầu xã hội bằng cách chuyển một phần hoạt động cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức ngoài nhà nước, dưới các hình thức:

Nhà nước ủy quyền cho các tổ chức xã hội hay các công ty tư nhân cung ứng một số dịch vụ mà nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và thường có nguồn kinh phí từ ngân sách (vệ sinh môi trường, hệ thống cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải...). Các tổ chức và công ty được ủy quyền phải tuân thủ những quy định của nhà nước và được nhà nước cấp kinh phí.

Chuyển giao trách nhiệm cung ứng dịch vụ công cho một số tổ chức ngoài nhà nước có điều kiện thực hiện có hiệu quả (đào tạo, khám chữa bệnh, tư vấn, giám định). Các tổ chức ngoài nhà nước (như các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội) này được khuyến khích hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận, mà chỉ thu phí để tự trang trải.

Tư nhân hóa một số dịch vụ công theo những tiêu chí về quyền lợi và trách nhiệm, đồng thời nhà nước vẫn giám sát và bảo đảm lợi ích công cộng theo pháp luật.

Ở trình độ phát triển cao về kinh tế và xã hội, nhà nước mua dịch vụ công từ khu vực tư nhân, những dịch vụ mà tư nhân có thể làm tốt (như bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, phương tiện tin học, đáp ứng nhu cầu về phương tiện đi lại, làm vệ sinh và công việc phục vụ trong cơ quan). Nhờ đó, số người làm dịch vụ trong cơ quan nhà nước sẽ được giảm bớt.

- Hiệu quả của cách tiếp cận đúng dịch vụ công

Sự phát triển dịch vụ công với những hiệu quả của nó có ý nghĩa là điều kiện và động cơ phát triển kinh tế, xã hội và chính trị.

Hiệu quả của dịch vụ công trong phát triển kinh tế - xã hội ngày nay tính ưu việt của một xã hội, một thể chế chính trị ngày càng thể hiện rõ ở chất lượng cung ứng dịch vụ công. Qua đó, thể hiện sự hợp tác tốt đẹp giữa nhà nước, cộng đồng và các tổ chức xã hội. Nếu dịch vụ công làm không tốt, chất lượng thấp, hoặc dối trá lừa đảo thì tác động xấu và trực tiếp đến đời sống xã hội, đến uy tín chính trị của nhà nước và dân tộc. Hiệu quả của dịch vụ công đối với phát triển kinh tế  - xã hội được thể hiện ở hai nội dung:

Hiệu quả của thể chế kinh tế thị trường (giao dịch kinh tế, cạnh tranh thị trường, bảo vệ tài nguyên, tài sản công cộng...) và sự ổn định xã hội, duy trì trật tự và an toàn cho cộng đồng, thành viên xã hội được bảo vệ sức khỏe, giáo dục, việc làm, thông tin, bảo vệ quyền công dân.

Hiệu quả dịch vụ công trong nâng cao vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Ngày nay, nhà nước phải bảo đảm tốt hai chức năng: chức năng quản lý và chức năng phục vụ. Cùng với hiệu quả của dịch vụ công, chức năng phục vụ ngày càng nổi lên và chức năng quản lý ngày càng gọn nhẹ và hiệu quả. Gắn kết nhuần nhuyễn hai chức năng quản lý và phục vụ là khoa học và nghệ thuật quản lý, là văn hóa và đạo đức của nhà nước. Đó là con đường để nhà nước trở thành một nhà nước tiết kiệm, trong sạch mà kết quả chung là đi đến "xã hội lớn, nhà nước nhỏ", xã hội ngày càng tự chủ hơn, nhà nước ngày càng hiệu quả hơn, gần dân hơn.

Để nâng cao dần hiệu quả dịch vụ công, nhà nước phải xác định rõ từng thời kỳ: loại dịch vụ công nào nhà nước cần trực tiếp làm, loại nào ủy quyền cho tổ chức ngoài nhà nước và loại nào nhà nước cần phối hợp với các tổ chức ấy. Nhìn chung, nhà nước chỉ trực tiếp cung ứng dịch vụ công nào mà khu vực ngoài nhà nước không thể làm thay hay không muốn làm.

3. Đổi mới cung ứng dịch vụ công - Kinh nghiệm của một số nước

Nhu cầu dịch vụ công ngày càng tăng, đòi hỏi phải đổi mới cung ứng dịch vụ công. Phân tích kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, có thể rút ra kinh nghiệm đổi mới ở hai trường hợp (hay hai trình độ phát triển và có thể tham khảo đối với Việt Nam) sau đây:

Thứ nhất, trường hợp cung ứng dịch vụ công của khu vực công kém hiệu quả hơn khu vực tư nhân. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới WB ở 58 nước, trong báo cáo thường niên 1997 thì chỉ có 6% số người được hỏi cho là nhà nước cung ứng dịch vụ công có hiệu quả, còn 36% cho là không hiệu quả. Đặc biệt dịch vụ xây dựng đường sá, dịch vụ y tế là kém hiệu quả nhất.

Theo nhà kinh tế J.Stiglitz thì dự án xây dựng và dịch vụ nhà ở công cộng tốn kém hơn nhà ở khu vực tư nhân khoảng 20%, chi phí gom rác thải do khu vực công làm cao hơn khu vực tư nhân 20%, chi phí phòng cháy, chữa cháy của khu vực tư nhân (do nhà nước cấp tiền) thấp hơn khu vực công 47%.

Người ta nhận ra rằng, nếu nhà nước tự mình làm tất cả dịch vụ công, bỏ qua các nguồn lực khác, thì chẳng những gánh nặng ngân sách tăng lên, mà còn dẫn đến một nhà nước yếu và một xã hội kém phát triển. Trong trường hợp ấy, phương hướng đổi mới cung ứng dịch vụ công là:

- Nhà nước cho thuê hay bán một phần tài sản hoặc một phần số cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước cung ứng dịch vụ công ra ngoài xã hội cho tổ chức xã hội hay tư nhân.

- Nhà nước phối hợp với tổ chức xã hội và tư nhân thực hiện cung ứng dịch vụ công theo pháp luật và quy chế.

- Cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công trong khu vực nhà nước theo kịp đà phát triển của khoa học và công nghệ.

- Tạo ra và duy trì được sự cạnh tranh giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ. Muốn thúc đẩy sự cạnh tranh cung ứng dịch vụ, cơ quan nhà nước không đơn thuần là điều tiết mà còn khuyến khích và tạo động lực thị trường. Ở Niu Di Lân, để nâng cao chất lượng vận tải, Chính phủ đã cho công ty tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ này và tạo sự cạnh tranh, nhờ đó đã nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và giảm cước phí vận tải.

Thứ hai, trường hợp ở các nhà nước phát triển, việc cung ứng dịch vụ công không theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng cung ứng dịch vụ công ở các nước (đã có sự phát triển về dịch vụ công) không theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội do các nguyên nhân chủ yếu là:

Một là, nhờ những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, nên khu vực tư nhân có khả năng tiếp nhận một số dịch vụ mà trước đây chỉ nhà nước mới làm được. Chẳng hạn, sử dụng kỹ thuật truyền hình cáp cho phép nắm thời gian sử dụng của từng máy thu hình, hoặc qua thiết bị tự ghi có thể đo chính xác lượng sử dụng khí ga, điện, nước của từng hộ để thu tiền. Tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy quá trình xã hội hóa dịch vụ công đang là một xu hướng phát triển hiện nay.

Hai là, mức sống của cá nhân được nâng cao đã tạo điều kiện cho họ tự mua sắm những phương tiện mà trước đây chỉ sử dụng công cộng, rõ nhất là lĩnh vực văn hóa.

Ba là, có chính sách thúc đẩy cạnh tranh giữa khu vực công với khu vực tư trong cung ứng dịch vụ về phúc lợi ở các nước như Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển. Chính sách thúc đẩy cạnh tranh ở Phần Lan (nước có truyền thống duy trì hệ thống bệnh viện tư nhiều thập kỷ) giữa các bệnh viện tư nhằm vào chất lượng phục vụ, hạ mức phí đã tác động tới hệ thống y tế công, buộc hệ thống này phải cải cách.

Kinh nghiệm trên đây chỉ rõ rằng, khi nhà nước tạo ra một sân chơi bình đẳng sẽ tạo ra sức cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ công. Nhờ đó, người tiêu dùng có được quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.

Kinh nghiệm còn cho thấy, chỉ khi các tổ chức dịch vụ công bước vào cuộc cạnh tranh thì mọi việc mới thay đổi. Cạnh tranh và đổi mới đi đôi với nhau, đưa đến kết quả cả người dân, nhà nước và cung ứng dịch vụ cùng có lợi. Chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới xóa bỏ được sự bất bình đẳng và độc quyền. Những chuyển biến theo hướng tốt ấy chỉ có thể diễn ra trong môi trường xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền.

Những chuyển biến tốt trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ chỉ duy trì và phát triển được khi nhà nước coi trọng vấn đề xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đây là hai vấn đề cần được nghiên cứu riêng nhằm xây dựng các chuẩn mực có tính quốc gia, chẳng hạn dịch vụ công trong khoa học và công nghệ phải có chuẩn mực trong các dịch vụ chứng chỉ hành nghề, dịch vụ giám sát môi trường, tư pháp pháp lý, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

4. Một số đặc điểm cần chú ý khi thực hiện xã hội hóa dịch vụ công ở Việt Nam

Xã hội hóa dịch vụ công là một xu hướng tất yếu gắn liền với phát triển kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở từng giai đoạn phát triển. Không thể kìm hãm hay tự do hóa nhu cầu đó. Vì vậy, cần tính đến hai đặc điểm:

- Điều kiện bên trong về nhà nước và xã hội chưa quen với yêu cầu xã hội hóa dịch vụ công. Trong khi thói quen bao cấp, cửa quyền của cơ quan nhà nước chưa xóa bỏ hết thì tính tự phát của thị trường, của người dân lại phát sinh khá phổ biến. Ngay những người muốn sống đúng pháp luật hay cạnh tranh lành mạnh cũng còn nhiều khó khăn, trong khi nạn hối lộ, tham nhũng lớn, nhỏ biểu hiện khắp nơi. Đó là khó khăn cho xã hội hóa dịch vụ công.

- Nước ta hội nhập với những nền kinh tế thị trường và xã hội đã phát triển cao nhưng vẫn trong quỹ đạo chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa bá quyền. Do đó, phải có trình độ phân tích, lựa chọn, học tập vận dụng những cái hay, nhận biết được những cái dở của họ để không nhầm lẫn và không bị lừa. Đây mới là bản lĩnh Việt Nam./.