TCCSĐT - Giá trị của Tuyên ngôn Độc lập chính là ở chỗ mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc và dân chủ cộng hòa, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và do đó đã mở ra một kỷ nguyên Hiến pháp cho Việt Nam, định hướng những tư tưởng chiến lược cho việc xác lập mọi bản Hiến pháp của nước ta trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cũng như trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Mối quan hệ mật thiết giữa Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định hiện trạng xã hội nước ta ở giai đoạn lịch sử trước và ngay sau năm 1945 là: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ” (1).

Trước yêu cầu của lịch sử dân tộc, ngay sau khi giành được chính quyền và sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 34, ngày 20-9-1945, lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, gồm 7 người: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu; Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.

Trong nhiều phiên họp của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên và đề nghị đưa quan điểm “lấy dân làm gốc” vào bản Hiến pháp với những điều luật ngang tầm với nền chính trị và pháp luật tiên tiến của thế giới lúc bấy giờ và có những điều còn có giá trị vượt thời gian cho đến hôm nay. Song để có được những giá trị chính trị và pháp lý căn bản đó, cần phải thấy rõ những tư tưởng vĩ đại trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo đã được quán triệt sâu sắc vào trong bản Hiến pháp năm 1946. Nhất là tư tưởng: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Tư tưởng này đã tạo cơ sở cho việc ra đời bản Hiến pháp năm 1946; “Hiến pháp năm 1946 gắn bó hữu cơ với Tuyên ngôn độc lập” (2); và Tuyên ngôn Độc lập là cơ sở của Hiến pháp, như Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã từng nhận định.

Ba cơ sở của Hiến pháp trong Tuyên ngôn Độc lập

Một là, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền độc lập dân tộc.

Đây là cơ sở đầu tiên của Hiến pháp. Để khẳng định quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ mọi người đều có quyền “không ai có thể chối cãi được” (3), đó là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Từ đó, Người đã suy rộng ra là: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tiếp đó, Người khẳng định với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”.

Quyền độc lập dân tộc, quyền căn bản nhất của một quốc gia, sau này đã được Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua ngày 9-11-1946 xác lập và thành văn. Ngay từ những lời đầu tiên, những điều đầu tiên, Hiến pháp đã khẳng định: “Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa”. Tiếp đó là việc tự xác lập chính thể của riêng mình; đặc biệt là việc khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”, có Quốc kỳ, Quốc ca và Thủ đô riêng. Cùng với đó, Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều là sự thể hiện toàn bộ tinh thần độc lập và tự quyết dân tộc, toàn bộ thể chế chính trị và luật pháp, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân… tất thảy đều do nhân dân Việt Nam tự định ra và tổ chức thực hiện, mà không được có sự can thiệp hay sự áp đặt của nước ngoài… Tất cả nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện sự kế thừa và cụ thể hóa ý chí độc lập dân tộc và hiện thực độc lập dân tộc của nhân dân ta mà Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định và tuyên bố.

Hai là, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền dân chủ và chủ quyền của nhân dân Việt Nam đối với vận mệnh của dân tộc mình
 
Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định: “Dân ta đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Rõ ràng, chẳng những sự phụ thuộc với chế độ thực dân đã không còn mà những quyền uy của chế độ chuyên chế quân chủ cũng bị nhân dân ta lật nhào. Chủ thể của cuộc cách mạng xã hội mới ngay từ khi xã hội cũ bị lật đổ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ trong Tuyên ngôn Độc lập là “Dân ta”; “Toàn thể dân tộc Việt Nam”, cụ thể là “nhân dân cả nước ta nổi dậy, giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Nói cách khác, chính Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định quyền dân chủ và chủ quyền của nhân dân Việt Nam đối với vận mệnh của dân tộc mình - tự nhân dân là người thiết lập nên chính thể “Dân chủ Cộng hòa”. Mà dân chủ và chủ quyền quốc gia chính là một trong những điều kiện thiết yếu tiếp theo của Hiến pháp đã được Tuyên ngôn xác lập. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được hình thành ngay sau khi Tuyên ngôn công khai tuyên bố với toàn thế giới.

Thực tiễn đã cho thấy, khi Hiến pháp năm 1946 được công bố thì những điều căn bản nhất về chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân mà Tuyên ngôn định ra đã được thể hiện đầy đủ nhất trong Hiến pháp. Điều thứ 1 ghi nhận: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Những quyền cơ bản của công dân đều được ghi rõ: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá; đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình. Tiếp đó, những điều căn bản nhất khẳng định chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân đã được xác lập, như: Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra; Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia; Nghị viện nhân dân do công dân Việt Nam bầu ra… Như vậy, một lần nữa cho thấy, ý chí chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân mà Tuyên ngôn độc lập khẳng định đã tạo cơ sở, tiền đề cho Hiến pháp thể hiện cụ thể hơn.

Ba là, Tuyên ngôn Độc lập vạch đường hướng thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã đanh thép tuyên bố sự cáo chung đối với chế độ cũ: “Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ”; đồng thời “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hẳn những Hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Còn đối với trật tự xã hội mới, bản Tuyên ngôn độc lập xác lập và khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững tự do độc lập ấy”. Chính thể mà dân ta lập nên là “Chế độ Dân chủ Cộng hòa”.

Như vậy, sau mấy trăm năm dưới sự đè nén của chế độ quân chủ chuyên chế và gần 100 năm dưới sự cương tỏa, áp bức của chế độ thực dân (chế độ cộng hòa đại nghị tư sản Pháp), lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta đã có một tuyên ngôn chính thức tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam đã trở thành một nhà nước dân chủ cộng hòa. Đây chính là cơ sở cho Hiến pháp sau này thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa cho Nhà nước Việt Nam. Và quả đúng như vậy, ngay từ Lời nói đầu của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 đã khẳng định: “Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan”.

Cùng với đó, Điều thứ 1 thuộc Chương I - Chính thể, đã ghi nhận “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền lực trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp ghi nhận một hình thức đại diện để thực hiện quyền lực nhân dân là thông qua Nghị viện nhân dân. Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; do công dân Việt Nam bầu ra; giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài…

Có thể thấy rằng, tất cả tinh thần và lời văn, tất cả những văn bản pháp lý, bằng chứng pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam mới đã chứng minh: Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 chính là sự thể hiện sinh động ý chí và quyền tự quyết dân tộc, chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân và con đường đi lên của dân tộc Việt Nam mà Tuyên ngôn độc lập năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên bố. Tuyên ngôn độc lập 1945 chính là cơ sở cho Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư tưởng và hành động trong một nhân cách vĩ đại, nhân cách thời đại - Nhân cách Hồ Chí Minh, tác giả chính khởi thảo cả hai văn bản nổi tiếng: Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 càng cho thấy một chỉnh thể thống nhất giữa hai văn bản này. Giá trị của Tuyên ngôn độc lập chính là ở chỗ mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc và dân chủ cộng hòa, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và do đó đã mở ra một kỷ nguyên Hiến pháp cho Việt Nam, định hướng những tư tưởng chiến lược cho việc xác lập mọi bản Hiến pháp của nước ta trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cũng như trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

 

 
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.8.

(2) Vũ Đình Hòe, Hiến pháp 1946 của Việt Nam - một mô hình mới - Hiến pháp dân tộc và dân chủ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.6.

(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.1.