TCCSĐT - Na Uy, Australia và Hà Lan là ba nước dẫn đầu thế giới về chỉ số phát triển con người năm 2011 (HDI), còn Cộng hòa Congo, Niger và Burundi là những nước xếp cuối cùng. Đây là những đánh giá mới nhất trong Báo cáo Phát triển con người năm 2011 (HDR) của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố vào đầu tháng 11-2011 tại Copenhagen (Đan Mạch).

 

Cộng hòa Congo với hơn 3 triệu người chết vì chiến tranh xếp cuối cùng trên biểu đồ HDI 2011.

 

 

Theo báo cáo nhan đề “Bền vững và bình đẳng: Tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả”, Liên hợp quốc đã đánh giá chỉ số phát triển tại 187 nước, trong đó, Mỹ, New Zealand, Ai len, Cộng hòa Liechtenstein, Đức, Thụy Điển, nằm ở tốp 10 trên biểu đồ HDI (1) 2011 nhưng theo chỉ số phát triển con người có điều chỉnh khía cạnh bất bình đẳng (IHDI) (2) về hệ thống y tế, giáo dục, và thu nhập bình quân đầu người, một số quốc gia giàu có đã tụt khỏi tốp 20: Mỹ rớt từ vị trí 4 xuống 23, Triều Tiên từ 15 xuống 32, và Israel từ 17 xuống 25.

Sở dĩ Mỹ và Israel bị đánh tụt hạng về IHDI trong Báo cáo Phát triển con người 2011 là bởi sự bất bình đẳng trong thu nhập, hệ thống y tế, trong khi đó lỗ hổng giáo dục quá lớn giữa các thế hệ lại là “điểm trừ” của Triều Tiên.

Nhóm các nước đứng đầu danh sách về IHDI nhờ vào sự bình đẳng trong hệ thống y tế, giáo dục và thu nhập gồm có: Thụy Điển (từ vị trí 10 lên vị trí 5), Đan Mạch (từ 16 lên 12), và Slovenia (từ 21 lên 14).
Chỉ số IHDI, Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) và Chỉ số bất bình đẳng giới (GII) được thiết lập nhằm bổ sung cho chỉ số HDI trong Báo cáo Phát triển con người, dựa vào các mặt tỷ lệ nhập học, tuổi thọ trung bình và GDP bình quân đầu người.

Trưởng Ban thống kê Báo cáo phát triển con người của Liên hợp quốc Milorad Kovacevic cho biết: IHDI giúp chúng tôi đánh giá tốt hơn các mức độ phát triển của tất cả các khía cạnh trong đời sống xã hội, chứ không phải chỉ là đánh giá một người “trung bình”. Theo ông M.Kovacevic, báo cáo coi sự phân bổ y tế và giáp dục quan trọng ngang hàng thu nhập, và số liệu hiện cho thấy sự bất bình đẳng lớn tại nhiều nước trên thế giới.

Báo cáo phát triển con người 2011 lưu ý rằng, sự phân phối thu nhập ngày càng mất cân đối tại hầu hết các nước trên thế giới, trong đó châu Mỹ La-tinh vẫn là khu vực bất bình đẳng nhất về mặt thu nhập, mặc dù một số nước như Brazil và Chile đang thu hẹp khoảng cách thu nhập trong nước. Tuy nhiên, ở IHDI tổng quát, gồm cả tuổi thọ trung bình và tỷ lệ nhập học, châu Mỹ La-tinh lại bình đẳng hơn khu vực châu Phi hạ Sahara và Nam Á.

Để đánh giá sự phân phối thu nhập cũng như các mức độ khác nhau của tuổi thọ trung bình và tỷ lệ nhập học của các quốc gia, IHDI sử dụng phương pháp luận của nhà kinh tế học Anthony Barnes. Việc sử dụng phương pháp này nhằm đánh giá sự bất bình đẳng trong hệ thống y tế, giáo dục và thu nhập bởi phương pháp này chính xác hơn nhiều so với hệ số Gini (3).

Cũng theo Báo cáo phát triển con người năm 2011, mức HDI trung bình đã tăng lên đáng kể từ năm 1970, cụ thể đã tăng 41% trên toàn cầu và 61% tại các nước có HDI thấp hiện nay, phản ảnh những thành tựu tổng quan cơ bản về các khía cạnh y tế, giáo dục và thu nhập. Biểu đồ HDI 2011 kéo dài trong 5 năm cho thấy, những xu hướng gần đây tại các quốc gia giai đoạn 2006-2011 có 72 nước đã tăng hạng, đứng đầu là Cuba (từ vị trí 51 lên 41), Venezuela and Tanzania (từ 73 và 152 lần lượt lên 66 và 145), trong khi đó lại có 72 nước khác bị tụt hạng như Kuwait (từ 63 xuống 55) và Phần Lan (từ 22 xuống 17).

Còn 10 nước đứng cuối trong bảng xếp hạng HDI 2011 đều nằm ở khu vực châu Phi hạ Sahara: Guinea, Cộng hòa Trung Phi, Sierra Leone, Burkina Faso, Liberia, Chad, Mozambique, Burundi, Niger và Cộng hòa Congo.

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ gần đây, những nước có HDI thấp này vẫn đang phải gánh chịu mức thu nhập bất cân xứng, ít cơ hội được đi học, và tuổi thọ thấp hơn nhiều tuổi thọ trung bình của thế giới bởi tỷ lệ tử vong do bệnh sốt rét và AIDS quá cao. Tại nhiều nước, những vấn đề này lại phát sinh từ các cuộc xung đột vũ trang do tranh chấp quyền lực.

Trong số những nước đứng cuối biểu đồ HDI 2011, Cộng hòa Congo với hơn 3 triệu người chết vì chiến tranh và những căn bệnh có bắt nguồn từ chiến tranh những năm gần đây, chính là lời thúc giục cấp bách nhất đối với hành động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.

Bên cạnh những đánh giá về y tế, giáo dục và thu nhập, Báo cáo phát triển con người năm 2011 còn nhấn mạnh đến quyền con người được tận hưởng môi trường lành mạnh, tầm quan trọng của việc các thực thể xã hội hòa hợp với các chính sách về môi trường. Báo cáp phát triển con người năm 2011 kêu gọi một phương pháp tiếp cận táo bạo mới nhằm kiểm soát tình hình tài chính và môi trường toàn cầu./.
------------------
1. Chỉ số phát triển con người (HDI): là một cách đo lường phối hợp các thành tựu ở ba khía cạnh cơ bản của phát triển con người - sống lâu và mạnh khỏe, tiếp cận với tri thức, và một mức sống tốt. Để thuận tiện cho việc so sánh, giá trị trung bình của các thành tựu trong ba khía cạnh này được đặt trong thang bậc đo từ 0 đến 1, trong đó chỉ số càng cao thì càng tốt, và các chỉ số này được tổng quát hóa bằng các phương tiện hình học .

2. HDI có điều chỉnh khía cạnh bất bình đẳng (IHDI): là một cách đo lường mức độ trung bình của phát triển con người trong một xã hội, trong đó có xem xét vấn đề bất bình đẳng. Chỉ số này là HDI trung bình của một người trong xã hội. Chỉ số này sẽ thấp hơn HDI tổng thể nếu có sự bất bình đẳng trong phân bổ y tế, giáo dục và thu nhập, Trong điều kiện bình đẳng hoàn hảo, HDI và IHDI sẽ bằng nhau; sự chênh lệch giữa hai chỉ số này càng lớn thì bất bình đẳng càng lớn.

3. Hệ số Gini dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập.