Việc làm cho người lao động trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra với tốc độ cao như hiện nay ở nước ta cả trước mắt và trong những năm tới vẫn là vấn đề nóng bỏng, tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của đất nước. Giải pháp ổn định đời sống, tạo việc làm cho người bị thu hồi đất; chính sách đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án; vấn đề tái định cư, sử dụng đất đã thu hồi... được Nhà nước đặc biệt quan tâm.

I - CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT - NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
 
Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, triển khai các dự án lớn của nền kinh tế diễn ra mang tính quy luật. Đất đai được chuyển đổi ở nước ta đã góp phần phát triển mạnh nền kinh tế - xã hội và bảo đảm tiềm lực an ninh quốc phòng của đất nước.

Nhờ có đất thu hồi, cả nước đã xây dựng được 131 khu công nghiệp, thu hút được hàng trăm dự án đầu tư lớn. Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài 1988 - 2006 đạt 78.248,2 triệu USD (vốn thực hiện 37.271,7 triệu USD); đầu tư ở khu vực dân doanh, giá thực tế năm 2006 đạt 150.500 tỉ đồng. Nước ta đã nâng cấp và xây dựng mới được hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại hơn. Một số thành phố lớn được nâng cấp mở rộng nhanh. Nhiều thị xã được mở rộng, nâng cấp lên thành thành phố, hình thành một hệ thống các đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh, từng bước thực hiện tốt mục tiêu chiến lược phát triển đô thị Việt Nam. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thu hút, giải quyết việc làm ổn định cho hàng triệu lao động với mức thu nhập khá. Số lao động làm việc trực tiếp trong các khu công nghiệp do Chính phủ cấp phép không ngừng tăng: năm 2000 là 201 nghìn lao động, đến năm 2005 là 953 nghìn người. Ngoài ra, còn có trên 1 triệu lao động gián tiếp làm dịch vụ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở nước ta đặt ra các vấn đề cần được giải quyết một cách đồng bộ là: đời sống, việc làm của người bị thu hồi đất; chuyển đổi nghề nghiệp cho những người bị mất tư liệu sản xuất; chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; vấn đề tái định cư, sử dụng hợp lý đất đã thu hồi… Theo báo cáo của 14 tỉnh/thành phố, tình hình lao động bị mất việc làm nông nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 do bị thu hồi đất là 265.709 người. Bình quân, mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có khoảng 13 lao động mất việc làm cần phải chuyển đổi nghề mới.

Việc thu hồi đất tập trung phần lớn vào đất canh tác nông nghiệp và vùng đông dân cư, tập trung vào một số xã, nhất là ở ven đô thị lớn (khoảng 70% - 80%). Tính chung, đất nông nghiệp bị thu hồi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích đất nông nghiệp (khoảng 1%-2%), nhưng tình trạng khó khăn về việc làm của người lao động cũng phát sinh tập trung ở một số địa bàn nhất định.

Khu vực nông thôn hiện có khoảng 24 triệu lao động và họ chỉ mới sử dụng khoảng 80% thời gian làm việc, 20% thời gian còn lại tương đương với 4,8 triệu lao động thiếu việc làm. Trong 5 năm tới, số lao động tăng thêm là 5 triệu người, số lao động thiếu việc làm 4,8 triệu người và 2,5 triệu lao động mất việc do đất nông nghiệp bị thu hồi, tổng cộng riêng nông thôn là 12,3 triệu người. Như vậy, vấn đề việc làm và thu nhập của những người có đất bị thu hồi 5 năm tới vẫn là vấn đề nóng bỏng tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Khó khăn trong giải quyết việc làm cho lao động các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp thường gặp phải là:

- Người dân chưa kịp chuẩn bị để kiếm một nghề mới khi đột ngột mất đất, mất việc làm. Bản thân họ ít có khả năng tìm ngay việc làm mới để bảo đảm thu nhập. Tình trạng thất nghiệp toàn phần và thất nghiệp một phần rất gay gắt. Đa số thanh niên các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có trình độ văn hóa thấp, trong khi để có một nghề chắc chắn đáp ứng chỗ làm việc trong các doanh nghiệp, phần lớn yêu cầu phải có trình độ từ phổ thông trung học.

- Chính phủ đã có những quy định cụ thể hỗ trợ cho những người mất đất được đào tạo nghề mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề từ 300 - 700 nghìn đồng/người chỉ có thể tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn với các nghề đơn giản. Đa số các cơ sở dạy nghề tại các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không đủ năng lực tiếp nhận số lượng nhiều và đào tạo nghề có chất lượng, nên đối tượng này khó cạnh tranh khi đi tìm việc làm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất...

- Các doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng lao động trẻ, khỏe. Những lao động lớn tuổi (trên 35 thậm chí từ 26 - 35 tuổi) chưa qua đào tạo rất khó tìm việc làm trong khi, đa số họ là người phải gánh chịu trách nhiệm chính nuôi sống gia đình; bộ phận này đứng trước nguy cơ thất nghiệp kéo dài lớn nhất.

Đất đai được thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư lớn. Bình quân mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có 13 lao động mất việc làm. Do vậy, vấn đề việc làm và thu nhập của những người có đất bị thu hồi đang là vấn đề nóng bỏng, tác động sâu sắc tới sự phát triển bền vững của đất nước.

- Tình trạng người lao động còn thụ động, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vào tiền đền bù; tâm lý chờ nhận sự ưu đãi của Nhà nước đang tồn tại khá phổ biến ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

- Cơ cấu nguồn thu của các hộ dân bước đầu đã có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp giảm, thu từ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, từ tiền lương tiền công và từ thương mại dịch vụ tăng hơn. Tuy vậy, số hộ bị giảm thu nhập còn rất lớn.Trên phương diện này, có thể đánh giá tính kém hiệu quả của các phương thức đền bù mà các địa phương đã triển khai. Việc một bộ phận hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp tăng tài sản do có tiền đền bù, nhưng là sự biến động tăng không bền vững. Sử dụng tiền đền bù không đúng mục đích đang ẩn chứa những yếu tố bất ổn trong thu nhập của họ.

Hiện nay, nhiều địa phương đã có chính sách quy định các doanh nghiệp sử dụng đất phải có trách nhiệm sử dụng lao động tại chỗ mất việc làm do bị thu hồi đất nông nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp lại chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Tình trạng quy hoạch treo, hoặc chủ đầu tư nhận đất nhưng không triển khai dự án dẫn đến dân mất đất mà không có việc làm, còn doanh nghiệp không thu hút được lao động vào làm việc khá phổ biến.

Rõ ràng là, việc thu hồi đất nông nghiệp chưa có sự gắn kết với quy hoạch, kế hoạch, chính sách và biện pháp chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động. Hơn thế, việc tổ chức triển khai còn thiếu công khai, dân chủ, minh bạch, thiếu thông tin, tuyên truyền để người lao động chủ động học nghề, chuyển nghề và tự tạo việc làm. Tồn tại này là căn nguyên xảy ra những phức tạp trong đời sống, gây hậu quả nặng nề và mất lòng tin của một bộ phận nhân dân vào chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, dẫn đến những khiếu kiện, có nguy cơ mất ổn định xã hội. Phương châm địa phương có công trình, có dự án, dân có việc làm đang là vấn đề khó khăn.

II - TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG VÙNG CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT

1 - Đào tạo, dạy nghề cho lao động mất việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thu hút họ vào các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc du nhập nghề mới ở địa phương bị thu hồi đất.

Nhu cầu sử dụng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất rất lớn, nên việc đào tạo, dạy nghề cho lao động mất việc làm là hướng trọng điểm.Trước hết, cần chú trọng phát triển mở rộng dạy bổ túc văn hóa cho lao động trẻ, khỏe dưới 35 tuổi để họ có đủ trình độ vào các lớp đào tạo tập trung theo học những nghề mà khu công nghiệp, khu chế xuất... cần tuyển dụng.

Mô hình tạo việc làm thông qua du nhập ngành nghề thủ công và hình thành, phát triển làng nghề được các địa phương Hải Dương và Vĩnh Phúc, Hà Tây... rất chú trọng. Các nghề thu hút được nhiều người vào làm việc như: dệt chiếu, mây tre đan, gốm sứ, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ gỗ, hàng thêu, thảm... Những nghề này thu nhập còn thấp nhưng dễ học và quy mô sản xuất có thể mở rộng, sản phẩm được mua, bán trao đổi với số lượng lớn trên thị trường trong nước và cả quốc tế, đem lại nguồn lợi cho người lao động và tăng thu nhập ngân sách địa phương.

2 - Thu hút lao động mất việc làm vào các khu công nghiệp, khu chế xuất và khuyến khích các hộ gia đình dành tiền nhận đền bù vào việc học nghề tạo việc làm

Việc thu hút lao động mất việc làm do bị thu hồi đất vào các khu công nghiệp phụ thuộc vào các quy định cụ thể ràng buộc với các chủ dự án sử dụng đất để họ cam kết sử dụng lao động tại chỗ. Các chính sách thu hút lao động vào khu công nghiệp cần được nhanh chóng sửa đổi cho phù hợp. Có cơ chế hỗ trợ cho các trung tâm dạy nghề tại địa phương để đào tạo nghề có địa chỉ và đạt chất lượng cao. Đối với các hộ bị thu hồi đất, tiền đền bù là tài sản quý giá nên cần phải được tuyên truyền, hướng dẫn họ sử dụng hợp lý. Chính quyền các cấp cần giúp đối tượng này lựa chọn ngành nghề đào tạo mà các khu công nghiệp đang cần tuyển dụng lao động. Cùng với hỗ trợ tiền đào tạo từ ngân sách địa phương, nên khuyến khích các hộ sử dụng tiền được đền bù để cho con em họ, học nghề, học ngoại ngữ... và tạo điều kiện cho họ đi lao động xuất khẩu, khuyến khích lao động xuất khẩu gửi tiền về đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

3 - Với đối tượng người lao động tuổi từ trên 35, khó có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi đất, Nhà nước cần có chính sách dành cấp một phần đất trong hoặc sát với khu công nghiệp để tổ chức các hoạt động dịch vụ

Biện pháp này nếu được triển khai có hiệu quả sẽ tạo ra hệ thống dịch vụ mới như xây nhà cho thuê, bán hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ ăn uống, sửa chữa phương tiện xe đạp, xe máy... tăng mức thu nhập của người dân có đất bị thu hồi. Số liệu điều tra tại các địa phương được nghiên cứu cho thấy, có 65,7% số người được hỏi đã ủng hộ việc dùng một phần đất dự án để phát triển dịch vụ và 58,3% số người ủng hộ việc dùng tầng trệt nhà chung cư dành cho dân thuê mặt bằng kinh doanh.

4 - Hỗ trợ lao động đi tìm việc làm

Chính sách ưu tiên giới thiệu, tư vấn việc làm miễn phí, thông qua hội chợ việc làm, hỗ trợ tìm việc cũng là một hướng mở tích cực tạo ra cơ hội có việc làm cho lao động. Kinh nghiệm ở Hải Dương và Vĩnh Phúc và một số tỉnh khác là thành lập tổ công tác phối hợp với chính quyền để cùng các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, các đơn vị xuất khẩu lao động có uy tín mở hội nghị chuyên đề về đào tạo và giải quyết việc làm, xúc tiến xây dựng các đề án kinh tế dài hạn có tính khả thi cho hộ gia đình có đất bị thu hồi. Các xã, thôn bị thu hồi từ 40% - 50% diện tích trở lên thì địa phương hỗ trợ thực hiện quy hoạch lại nông thôn. Cấp đất kinh doanh dịch vụ và kết hợp huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện các hộ bị thu hồi đất tổ chức lại chỗ ở và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

5 - Xây dựng, triển khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng mạng lưới đào tạo nghề tại địa phương vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất gắn với giải quyết việc làm cho lao động mất việc làm

Giải pháp tạo việc làm cho lao động vùng bị thu hồi đất bằng nhiều biện pháp: đào tạo nghề mới, thu hút lao động vào các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ diện tích mặt bằng kinh doanh dịch vụ... Cần phải được làm đồng bộ, tích cực bằng chủ trương chính sách của Nhà nước và việc thực hiện của các doanh nghiệp.

Khi xây dựng, triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần chú trọng các nội dung thiết thực là: xác định số lượng lao động bị mất việc làm, khả năng sử dụng lao động của ngành tại địa phương, nắm bắt tiêu chí tuyển lao động ở các khu công nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật, loại hình nghề nghiệp, sức khỏe và giới tính cần tuyển dụng từ đó đặt ra yêu cầu về tài chính từ ngân sách địa phương hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động mất việc làm.

Mạng lưới đào tạo nghề phải được phân bố đều, thủ tục hành chính thuận lợi. Cơ sở đào tạo nghề phải đáp ứng được qui mô đào tạo, loại hình chất lượng nghề đào tạo để sau khi tốt nghiệp, học viên có thể tìm được việc làm ngay trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề bằng cách thu hút đội ngũ các nhà chuyên môn - kỹ thuật, nhà khoa học của các trường, viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ... đóng trên địa bàn để mời tham gia đào tạo nhân lực lao động chất lượng cao.

Ngoài việc thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo mới cần phải hình thành cơ chế, hình thức thích hợp đào tạo lại, đào tạo nâng cao kiến thức, tay nghề thường xuyên cho người lao động. Mạng lưới đào tạo lại, đào tạo nâng cao phải đáp ứng phổ biến, thuận lợi cho nhu cầu của tất cả những người lao động có thể tham gia học tâp. Đào tạo lại, đào tạo nâng cao phải bao trùm ở tất cả các cấp trình độ: trên đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và sơ cấp, công nhân kỹ thuật.

Lập quỹ đào tạo nghề, thực hiện xã hội hóa việc huy động các nguồn quỹ từ: ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp, đóng góp của các chủ dự án sử dụng đất và sự đóng góp của các tổ chức xã hội, Hiệp hội nghề nghiệp, của Chính phủ và tổ chức quốc tế...