Tiếp tục hoàn thiện và phối hợp đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát
Diễn biến lạm phát tại các khu vực lớn trên thế giới
Tại Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, đến tháng 3-2011, lạm phát đã tăng lên 5%, vượt xa so với dự kiến là 4%. Nguyên nhân là do sự tác động kép của giá hàng hóa toàn cầu tăng và chi phí dịch vụ cùng giá của nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu trong nước biến động lớn, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu đã vượt lên trên mức độ dự báo, giá bất động sản tiếp tục nóng, thúc đẩy lạm phát của nước này tăng lên cao nhất trong 3 năm qua.
Tại Hàn Quốc, lạm phát đến tháng 3-2011 cũng đã lên tới 4,7%, mức tăng cao nhất trong 29 tháng qua của nước này. Tại Thái Lan lạm phát đến tháng 3-2011 cũng lên tới 3,14%, cao nhất trong 7 tháng qua. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát tại hai quốc gia này cũng được xác định là do giá lương thực, thực phẩm, nhiên liệu tăng cao.
Quốc đảo Xinh-ga-po đến tháng 3-2011, lạm phát tăng lên 5,2%, cao nhất trong nhiều tháng qua cũng chủ yếu do giá thị trường thế giới. Một số quốc gia khác ở châu Á, như: Phi-lip-pin, Ma-lay-xi-a, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a… lạm phát cũng lên tới mức cao nhất trong hơn một năm qua.
Tại Vương quốc Anh, đến tháng 2-2011, lạm phát cũng lên tới 4,4%, tăng gấp 2 lần năm 2008, nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu và quần áo tăng. Trong khu vực đồng Euro, đến tháng 3-2011, lạm phát cũng lên mức 2,6%, cao nhất kể từ tháng 10-2008, cao hơn nhiều so với mức dự báo là 2,0%.
Để kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương các nước nói trên đều phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, với nhiều đợt tăng lãi suất chủ đạo. Trung Quốc còn thực hiện nhiều đợt tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Mức tăng lãi suất và dự trữ bắt buộc trong mỗi đợt điều chỉnh của ngân hàng trung ương các quốc gia nói trên chỉ từ 25 đến 50 điểm, cao nhất cũng chỉ 75 đến 100 điểm; tương ứng với 0,25% - 0,50%, hay 0,75% và 1,0% mức lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc, để tránh cú sốc cho thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đồng thời, các quốc gia đó không áp dụng thêm các công cụ hành chính nào khác (như hạn mức tín dụng, các cấm đoán khác về sử dụng vốn cho vay và tỷ lệ sử dụng vốn trong cho vay…) mà chỉ sử dụng công cụ gián tiếp trong điều hành chính sách tiền tệ. Tại nhiều nước, chính phủ còn thực thi nhiều biện pháp khuyến khích phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước, tăng cường quản lý chặt chẽ thị trường, chống lợi dụng đầu cơ, tăng giá bất hợp pháp.
Lo ngại lạm phát tại châu Á tiếp tục gia tăng
Mặc dù rất nỗ lực, nhưng cuộc chiến lạm phát ở châu Á tiếp tục phải đối mặt với một số diễn biến mới. Nhiều phân tích cho rằng: thảm họa động đất tại Nhật Bản sẽ đẩy lạm phát tại châu Á tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Giá chip DRAM sử dụng trong điện thoại di động và máy tính xách tay và các thiết bị điện tử đầu tháng 4-2011 đã tăng khoảng 8% so với thời điểm trước khi sóng thần xảy ra ngày 11-3-2011 do lo ngại nguồn cung từ Nhật Bản bị sụt giảm. Giá khí đốt hóa lỏng cũng tăng 10 – 20% tại thị trường châu Âu và châu Á do giới đầu tư dự đoán Nhật Bản sẽ tăng nhu cầu mua vào để bù cho điện hạt nhân bị thiếu hụt nghiêm trọng. Giá dầu thô có thể tiếp tục tăng lên do vẫn xảy ra bất ổn tại khu vực Trung Đông. Giá gỗ xây dựng cũng gia tăng do Nhật Bản có nhu cầu lớn để xây dựng lại nhà ở. Sóng thần cũng làm Nhật Bản giảm 20% lúa gạo, trong khi đó, nước này phải nhập khẩu 59% nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước, trong đó, nhập khẩu gần 100% nhu cầu bột mì và đậu, 40% nhu cầu thịt. Hiện nay, Nhật Bản cũng đang nhập khẩu 40% mặt hàng hải sản. Tình trạng nhập khẩu ồ ạt thực phẩm, khí ga hoá lỏng có nguy cơ đẩy giá mặt hàng này trong khu vực châu Á tăng cao, dự báo cũng sẽ tác động mạnh đến lạm phát. Nhiều nền kinh tế khác ở châu Á cũng tiếp tục có nhu cầu lớn về nhập khẩu lương thực - thực phẩm, nên đang gây ra một số lo ngại chưa thể giảm giá mặt hàng này trên thị trường thế giới trong thời gian tới.
Việt Nam không là ngoại lệ
Lạm phát của Việt Nam nằm trong tình trạng chung của khu vực châu Á cũng như nhiều nền kinh tế khác của thế giới. Để kiềm chế lạm phát, Việt Nam đã phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ hơn so với ngân hàng trung ương nhiều quốc gia trên thế giới.
Nguyên nhân lạm phát của Việt Nam đã được xác định bao gồm cả ba yếu tố: tiền tệ, cầu kéo và chi phí đẩy. Mặt hàng lương thực - thực phẩm chiếm tỷ trọng 39,93% trong rổ hàng hóa tính CPI có mức tăng giá cao nhất và là nguyên nhân lớn nhất làm cho chỉ số CPI tăng cao. Nhóm mặt hàng này tăng giá vừa do thiên tai, vừa do dịch bệnh và giá thu mua hàng hóa cho xuất khẩu. Giá cả thị trường thế giới tăng, cùng với biến động của lãi suất và tỷ giá thị trường trong nước, việc điều chỉnh giá bán điện, giá bán lẻ xăng dầu… là những nguyên nhân trực tiếp đẩy chi phí hàng loạt mặt hàng và dịch vụ tăng cao.
Về yếu tố tâm lý, Việt Nam là nền kinh tế bị đô la hóa cao. Bên cạnh đó, vàng miếng được người dân sử dụng như một đồng tiền với đầy đủ chức năng như tiền tệ, nhất là trong cất trữ tài sản và thanh toán mua nhà, đất tại nhiều nơi. Trong điều kiện giá vàng thị trường thế giới biến động mạnh, Việt Nam lại phải nhập khẩu tới 95% nhu cầu vàng cho thị trường trong nước, với khối lượng nhập khẩu lớn. Hơn nữa tỷ giá VND/USD tăng mạnh, làm cho giá vàng thị trường trong nước tăng cao. Vàng, đô la Mỹ tăng giá lại tác động đến tâm lý người dân về tình trạng lạm phát, về sự mất giá của Đồng Việt Nam, nên người dân càng tìm đến những tài sản bảo toàn giá trị như nhà, đất, vàng và USD. Diễn biến đó một lần nữa lại tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, gây sức ép lên huy động vốn nội tệ và lãi suất huy động vốn nội tệ. (Đồ thị dưới đây cho thấy rõ mức độ tăng của giá vàng, USD, lương thực, thực phẩm kể từ kỳ gốc năm 2009 đến nay và mối quan hệ với chi số CPI). Tại Việt Nam, giá vàng và ngoại tệ không thuộc nhóm hàng hóa và dịch vụ tính chỉ số CPI nhưng có tác động rất lớn về mặt tâm lý, về chi phí đẩy lên CPI. CPI, giá vàng, ngoại tệ cũng tác động lên giá bất động sản, thực tế thấy rất rõ tại khu vực Hà Nội và biến động tiền gửi nội tệ trong hệ thống ngân hàng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh những tháng đầu năm 2011.
Nhập siêu ở mức độ lớn và kéo dài, càng tạo lên sức ép của tỷ giá. Đồng Việt Nam mất giá mạnh lại tác động đến tâm lý của người dân. Trong khi nội tệ của các nước trong khu vực đứng giá, hay lên giá (trừ Nhân dân tệ theo quan điểm của EU và các nhà lập chính sách của Mỹ), làm cho giá hàng hóa nhập khẩu và giá dịch vụ tính ra Đồng Việt Nam tăng cao, thúc đẩy CPI biến động.
Các giải pháp kiềm chế lạm phát
Trước diễn biến nói trên, ngày 24-2-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Các giải pháp đó đang được Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt.
Đối với ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, cùng 7 biện pháp cụ thể để thắt chặt tiền tệ, tăng cường quản lý thị trường ngoại hối và hoạt động ngân hàng, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại đã và đang triển khai tích cực, nghiêm túc chủ trương kiềm chế lạm phát.
Trước khi có Nghị quyết số 11, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện một số giải pháp thắt chặt tiền tệ và tăng cường quản lý ngoại hối. Cụ thể: kể từ ngày 17-2-2011, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn lên 11%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác là 11%/năm (so với mức 9% trước đây), giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu ở mức 7%/năm.
Từ ngày 11-2-2011 Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 9,3% tỷ giá liên ngân hàng và thu hẹp biên độ giao dịch tỷ giá VND/USD của các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp cũng như khách hàng nói chung từ +-3% xuống còn +-1%. Trong điều hành các đợt sau này, cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2011 tỷ giá liên ngân hàng cũng được chủ động điều chỉnh tăng nhưng với mức độ không lớn. Thực hiện quy định này, các ngân hàng thương mại niêm yết đúng tỷ giá giao dịch với khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và không thu thêm phí.
Tiếp đó, trên cơ sở diễn biến của thị trường và thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 8-3-2011, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng một số loại lãi suất chủ đạo. Theo đó, các mức lãi suất trên đồng loạt được điều chỉnh tăng lên 12%/năm. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 7%/năm lên 12%/năm, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 11%/năm lên 12%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng từ 11% lên 12%/năm. Đến ngày 31-3-2011, Ngân hàng Nhà nước quyết định tiếp tục tăng cao hơn nữa hai loại lãi suất nói trên: cho vay tái cấp vốn, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ, cùng lên mức 13%/năm.
Với việc tăng mạnh lãi suất tái chiết khấu và các loại lãi suất khác, Ngân hàng Nhà nước siết chặt thêm việc bơm tiền cho các ngân hàng thương mại, thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ về việc siết chặt thị trường tín dụng, kiềm chế lạm phát.
Hỗ trợ cho điều hành tỷ giá là một số biện pháp hành chính được triển khai nhằm thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Quản lý ngoại hối. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các ngành chức năng, như: quản lý thị trường, công an, tiến hành kiểm tra, xử phạt và xử lý các trường hợp niêm yết, bán hàng hóa và dịch vụ thu bằng ngoại tệ trái phép, thu đổi ngoại tệ trái phép của các cửa hàng vàng bạc tư nhân, tập trung là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về nghiệp vụ kinh doanh vàng và huy động vốn bằng vàng của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đang dừng cấp phép sản xuất và kinh doanh vàng miếng; đồng thời, khẩn trương hoàn thành dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng.
Một giải pháp khác cũng đang được các ngân hàng thương mại chấp hành triển khai theo Chỉ thị số 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đó là xây dựng lại kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2011 không quá 20% so với cuối năm 2010.
Về chiến lược kinh doanh, để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và thực hiện Nghị quyết số 11, các ngân hàng thương mại đều điều chỉnh phần lớn tăng trưởng tín dụng trong năm nay sang tập trung cho sản xuất, khu vực nông nghiệp - nông thôn, sản xuất và thu mua hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, với kỳ vọng sẽ góp phần rất lớn vào tăng trưởng tạo ra nhiều hàng hóa cho thị trường.
Theo quy định trong Chỉ thị số 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đến 30-6-2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất của các tổ chức tín dụng so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31-12-2011 tối đa là 16%, trong đó hạn chế cho vay chứng khoán và đầu tư bất động sản.
Dự báo lạm phát của Việt Nam trong ngắn hạn
Ngoài những tác động chung về diễn biến thị trường khu vực cũng như thế giới, trong thời gian gần đây, Chính phủ liên tiếp cho phép điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu và dự kiến tiếp tục điều chỉnh tăng cao hơn trong thời gian tới. Đóng góp vào chỉ số CPI tháng 3-2011 tăng 2,17% (3 tháng đầu năm 2011 tăng 6,12%) thì nhóm giao thông vận tải đã tăng vọt lên 6,99%. Nên với mức điều chỉnh ngày 30-3-2011, giá bán lẻ xăng, dầu thị trường trong nước tăng thêm từ 2.000 đồng – 2.800 đồng/lít và chắc chắn sẽ điều chỉnh tiếp theo trong thời gian tới giá xăng, dầu sẽ làm cho nhóm giao thông vận, tải và chi phí một loạt mặt hàng, dịch vụ khác tăng khá.
Đồng thời trần giá vé máy bay cũng đang được đề nghị điều chỉnh tăng 22%. Từ ngày 8-4-2011, giá vé tàu hỏa cũng tăng từ 5-8%. Giá bán lẻ gas cũng tăng 20.000 – 30.000 đồng/bình. Với diễn biến giá nhiên liệu trên thị trường thế giới hiện nay, nên giá ga đang chịu sức ép tiếp tục tăng lên. Ngày 4-4-2011, giá dầu thô Brent biển Bắc đã tăng lên tới 121 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 8-2008, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực châu Á. Các lĩnh vực khác sử dụng nhiều xăng dầu, như: đánh bắt thủy, hải sản, san lấp mặt bằng, nhiệt điện... cũng bị sức ép tăng giá do chi phí xăng dầu tăng. Giá bán lẻ điện tăng cũng góp phần tạo sức ép tăng chi phí sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm, khó khăn về nguồn cung thực phẩm ra thị trường cùng với các chi phí đầu vào của sản xuất lương thực - thực phẩm gia tăng, gây sức ép tăng giá nhóm mặt hàng này trên thị trường. Từ ngày 1-4-2011, giá bán than thị trường trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được Bộ Tài chính cho phép tăng bước I từ 20 40%, một loạt lĩnh vực, nhất là nhiệt điện, sản xuất xi măng, thép, giấy, phân bón, gạch ngói nung... chịu tác động lớn của việc điều chỉnh này. Từ ngày 1-5-2011, mức lương tối thiểu tăng lên 830.000 đồng/tháng, Chính phủ quyết định chi hơn 3.200 tỉ đồng trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng khó khăn .
Giải pháp trong thời gian tới
Về nguyên lý, để kiềm chế lạm phát khi chỉ số CPI tăng cao thì phải thắt chặt tiền tệ, trong đó, tập trung là tăng lãi suất chủ đạo của Ngân hàng Trung ương, khi đó sẽ tác động làm tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại và làm giảm nhu cầu vay, thu hút bớt tiền từ lưu thông về, làm giảm tổng cầu. Đây được coi là biện pháp cổ điển, có tính truyền thống trong điều hành chính sách tiền tệ thực hiện kiềm chế lạm phát. Song, cần phải thấy rõ nguyên nhân của lạm phát không phải chủ yếu là tiền tệ, vì vậy dư luận không nên gây sức ép lớn lên điều hành chính sách tiền tệ, tập trung quá nhiều vào giải pháp tiền tệ từ góc độ ngân hàng, mà cần phải xác định đúng mức tới vấn đề tiền tệ từ góc độ ngân sách nhà nước. Bởi vì dù có thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức độ nào đi nữa, rút thêm bao nhiêu tiền từ lưu thông về đi chăng nữa, thì cũng không thể làm cho giá bán lẻ xăng, dầu, cước phí giao thông vận tải, giá nông sản - thực phẩm, thuỷ, hải sản xuất khẩu giảm được. Trong thực tế thời gian qua cũng như hiện nay, dù có tăng lãi suất lên cao nhưng các ngân hàng thương mại vẫn khó huy động vốn nội tệ vì người dân sử dụng đầu tư vào các tài sản có tính chất bảo toàn giá trị. Tăng lãi suất huy động vốn làm cho lãi suất cho vay tăng cao, tác động lên sản xuất kinh doanh nói chung. Do đó, cần cân nhắc mức độ thắt chặt tiền tệ cũng như phối hợp các biện pháp sử dụng thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới. Mức độ thắt chặt cần được căn cứ vào chỉ số CPI, diễn biến thanh khoản của các ngân hàng thương mại, khả năng chịu đựng của sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm trong xã hội, sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của một số chính sách có liên quan, như: chính sách tài khóa, chính sách thương mại, chính sách đầu tư,... và biện pháp cụ thể của một số bộ ngành khác, như: giảm nhập siêu, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường quản lý thị trường.... Cần có lộ trình ngắn hạn giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế. Bởi vì với lãi suất cho vay hiện nay lên tới 17 – 22%/năm, cao nhất trong khu vực đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và chính lãi suất cao làm cho chi phí vốn cao, đẩy giá thành và giá bán, hạn chế kênh tiếp cận vốn của sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác, tác động ngược lại mục tiêu kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, cần có các chính sách cụ thể, hữu hiệu đầu tư phát triển nông nghiệp – nông thôn, vừa có tác dụng góp phần kiềm chế lạm phát tận gốc vừa đem lại thu nhập cho người nông dân nhờ giá nông sản - thực phẩm trên thị trường thế giới tăng, góp phần phát triển bền vững lĩnh vực này.
Cụ thể là, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, chính sách vĩ mô tác động đến giảm cầu, nhưng cũng cần có chính sách tác động có hiệu quả đến tăng cung của nhóm mặt hàng ảnh hưởng lớn đến lạm phát. Việc tăng cung về sản xuất lương thực - thực phẩm đòi hỏi các chính sách về khuyến lâm, khuyến ngư, giúp người nông dân giảm thiệt hại, cả chính sách đáp ứng nhu cầu vốn cho người sản xuất. Theo đó, ngân sách cần đầu tư hợp lý, có hiệu quả, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp – nông thôn, phòng ngừa dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, phát triển giống mới, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề…Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cho vay cần được nới rộng, khuyến khích đối với các tổ chức tín dụng đầu tư cho khu vực nông nghiệp – nông thôn với mức cao hơn các lĩnh vực khác. Lãi suất và kênh hỗ trợ vốn cũng cần có những biện pháp cụ thể, phù hợp theo hướng nói trên. Cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước nhưng không vì thế hạn chế đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn; đảm bảo mức tăng trưởng dư nợ tín dụng hợp lý nhưng không thể cào bằng nhu cầu vay của hộ nông dân, kinh tế trang trại, thu mua và chế biến nông sản, thuỷ sản, thực phẩm xuất khẩu. Việc đáp ứng nhu cầu vốn kể cả kênh ngân sách và kênh ngân hàng cho lĩnh vực này không chỉ tạo ra nguồn cung, gia tăng nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu, mà còn tạo việc làm tại chỗ, tạo nền tảng xoá đói giảm nghèo bền vững.
Trong 3 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 19,25 tỉ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 12,27 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 63,8%, nguyên nhân chính là do giá nhiều loại nhiên liệu, nông sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá nhân hạt điều tăng 36,8%, giá cà phê nhân tăng 46,9%, giá hạt tiêu tăng 59,2%, giá cao su tăng 59,5%, than đá tăng 56,9%, giá dầu thô tăng 31,9%, … Giá xuất khẩu các mặt hàng thuỷ, hải sản, gạo, … cũng tăng khá. Vì vậy, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn với lãi suất hợp lý cho lĩnh vực thu mua, chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu nói trên có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng nguồn thu ngoại tệ, tăng thu nhập cho những người có liên quan, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tình trạng thiếu vốn hoặc vốn vay với lãi suất quá cao, làm cho việc thu mua một số mặt hàng nông sản xuất khẩu thường rơi vào các nhà đầu tư nước ngoài, họ mua được khi giá rẻ. Ví dụ: kim ngạch xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2011 đạt 1 tỉ USD thì lợi nhuận chủ yếu rơi vào các nhà đầu tư nước ngoài, họ chiếm tới 60 – 70% sản lượng cà phê xuất khẩu, vì thu mua được của người sản xuất với giá rẻ nhờ có tiềm lực về vốn.
Hơn thế nữa cần có kế hoặch triển khai cụ thể để giải pháp tăng nguồn vốn cho vay đối với Ngân hàng chính sách xã hội và mở rộng dư nợ cho vay không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát mà thực sự tạo ra những tác động tốt bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tăng trưởng bền vững; giảm đầu tư công nhưng không vì thế mà đình hoãn các dự án về lĩnh vực năng lượng, nhiên liệu, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, giao thông quan trọng,…mà cần có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đó cũng như hiệu quả đầu tư./.
Quan điểm của C. Mác về sở hữu và việc vận dụng ở Việt Nam dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (09/05/2011)
Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới  (09/05/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay