TCCS - Ra đời ngày 6-12-1989, hai mươi năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam lãnh đạo các thế hệ cựu chiến binh tiếp tục phát huy bản chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", xây dựng Hội theo tinh thần Tám chữ vàng được Ban Bí thư Trung ương tặng "Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới"; góp phần vào những thành công trên mọi lĩnh vực của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Không ngừng phát triển tổ chức Hội Cựu chiến binh trên cơ sở đẩy mạnh hoạt động thi đua sâu rộng

Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Cựu chiến binh (CCB) đã có trên 2,4 triệu hội viên, với cơ cấu tổ chức rộng khắp từ Trung ương tới cơ sở, xã, phường, thôn, bản. Hiện nay, hầu hết các xã, phường đều có CCB tham gia cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp. Đây là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa tin cậy góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Hội là xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, nhất là ở địa phương, cơ sở.

Phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu" được chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở và được phát động liên tục, rộng khắp với nhiều nội dung, chỉ tiêu, hình thức đa dạng, phong phú, đã trở thành động lực thúc đẩy các cấp Hội, cán bộ, hội viên phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.

Ngoài phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu" được phát động hằng năm, Hội còn phát động các đợt thi đua theo chuyên đề như: CCB thi đua giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, thi đua thực hiện tốt cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; thi đua học tập nâng cao dân trí, xây dựng gia đình học tập, xã hội học tập; tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hoạt động thi đua của Hội CCB Việt Nam đã góp phần tích cực để toàn Hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Hội; hằng năm, trung bình tỷ lệ tổ chức Hội đạt trong sạch, vững mạnh gần 90%, tỷ lệ hội viên gương mẫu đạt 95%, tỷ lệ gia đình hội viên văn hóa là 90%.

Năm năm qua, có 51/63 Hội CCB tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội, 113 Hội CCB huyện và tương đương được Nhà nước tặng Huân chương Lao động các loại; 187 Hội CCB các cấp được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, có 14 CCB được tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Năm 2002, Hội CCB Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; năm 2005, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2006, được Chính phủ tặng Cờ Thi đua về "giải nhất trong phong trào thi đua 2006 khối các tổ chức chính trị - xã hội".

Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên

Trung ương Hội đã chú trọng chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức tốt việc quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cơ sở giữ vững định hướng tư tưởng, giúp cho cán bộ, hội viên tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành quản lý có hiệu quả của Chính phủ; đồng thời tích cực góp phần đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch sai trái, bảo vệ quan điểm, đường lối, cương lĩnh của Đảng.

Các tổ chức Hội đã thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". 100% cơ sở Hội đã tổ chức cho hội viên học tập các chuyên đề và xây dựng chương trình thực hiện Cuộc vận động, đồng thời chỉ đạo chuyển sang làm theo với yêu cầu: từng cán bộ, hội viên nghiêm túc tự phê bình và phê bình, liên hệ những thiếu sót, khuyết điểm, những việc làm chưa phù hợp với chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó đề ra kế hoạch, tiêu chí cụ thể làm theo, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Hầu hết các tỉnh, thành Hội đã tổ chức xây dựng được những mô hình điểm về làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trung ương Hội phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam phát động cuộc thi viết "Cựu chiến binh làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thu được hơn 800 tác phẩm có chất lượng và tâm huyết; báo Cựu chiến binh, Thông tin Cựu chiến binh và một số báo, tờ tin của các tỉnh, thành Hội đã mở chuyên mục đăng tải những gương "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Các cấp Hội đã thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động, làm cho cuộc vận động có chiều sâu và sức lan tỏa lớn trong quần chúng.

Tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Các cấp Hội luôn tích cực tham gia công tác hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tham gia giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, đồng thời bản thân CCB chấp hành nghiêm Luật Khiếu nại, tố cáo.

Thời gian qua, các cấp Hội đã tham gia hòa giải trên 67.000 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tổ chức 21.587 cuộc tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho trên 2 triệu lượt CCB, thanh, thiếu niên và nhân dân; cảm hóa được trên 37.000 đối tượng lầm lỗi, chậm tiến. Nhiều CCB tham gia đấu tranh chống tham nhũng một cách có lý, có tình, đạt kết quả tốt được cấp trên khen thưởng (đợt tuyên dương 10 gương mặt tiêu biểu về đấu tranh chống tham nhũng vừa qua của Chính phủ có 3 đồng chí là hội viên CCB), góp phần làm trong sạch nội bộ, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và 10 tỉnh ven biển Trung Bộ, Trung ương Hội đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn và xây dựng chương trình hành động cụ thể. Vì vậy, những năm qua ở một số cơ sở thuộc bốn vùng trên, khi kẻ địch gây rối, chống phá, các cấp Hội ở đây đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết các “điểm nóng”, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Hội đã huy động hàng ngàn hội viên CCB tham gia các tổ công tác đến cơ sở vận động quần chúng.

Nét nổi bật là các cấp Hội đã cử cán bộ, hội viên có uy tín, kinh nghiệm, có sự hiểu biết về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo, tham gia lực lượng nòng cốt, tổ bảo vệ an ninh, tổ hòa giải, phối hợp cùng các cơ quan chức năng trực tiếp xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, vụ việc phức tạp xảy ra.

Trong năm 2008, Hội CCB tỉnh Gia Lai đã cử 3 cán bộ thường trực cùng 52 cán bộ hội viên xuống 7 xã, 12 trọng điểm làm công tác vận động quần chúng, xây dựng bồi dưỡng 5.000 hội viên trung kiên là người dân tộc ở 16 huyện, thị thành phố. Tỉnh Hội Kon Tum phối hợp với lực lượng công an, quân đội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 11.000 lượt CCB tham gia lực lượng nòng cốt làm công tác dân vận, quản lý địa bàn và xử lý các tình huống xấu xảy ra. Hội CCB tỉnh Đắk Nông cử 100 cán bộ, hội viên thường xuyên tham gia cùng các lực lượng hậu thuẫn cho cấp ủy, chính quyền giải tỏa các vụ gây rối, bạo loạn. Hội CCB tỉnh Lâm Đồng thường xuyên có 2 đoàn cán bộ bám sát các xã trọng điểm làm công tác vận động quần chúng; bồi dưỡng 1.230 CCB tham gia lực lượng nòng cốt, làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với mô hình 1+1, 1+2, 1+3: mỗi hội viên CCB vận động từ 1 đến 3 gia đình đồng bào dân tộc cùng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội... Tỉnh Đắk Lắk cũng thường xuyên cử 1.000 hội viên tham gia công tác vận động quần chúng.

Hội đã chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên ở cơ sở tổ chức hàng vạn buổi giao lưu giữa CCB và thanh, thiếu niên học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức sinh động: nói chuyện truyền thống, trao đổi gợi mở cho thanh, thiếu niên những kinh nghiệm trong rèn luyện, học tập, lao động, chiến đấu theo mục tiêu lý tưởng phù hợp với giai đoạn cách mạng mới và giải quyết các mối quan hệ xã hội... (riêng năm 2008, đã tổ chức trên 16.000 buổi giao lưu, thu hút gần 3 triệu lượt thanh, thiếu niên và hàng trăm ngàn CCB, con quân nhân). Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ nâng cao lòng yêu nước, giữ vững và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện mới; đồng thời hiểu đúng lịch sử, trân trọng và có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống của quê hương, đất nước. Hàng ngàn CCB có trình độ, năng lực đã được Đoàn mời làm báo cáo viên tham gia chương trình giáo dục thanh niên theo quy định của Trung ương Đoàn.

Tích cực tham gia hoạt động xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo

Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu Đại hội III của Hội đề ra. Hội đã tổ chức tập huấn về vay vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề cho trên 27 vạn cán bộ, hội viên; khai thác được trên 9.000 tỉ đồng vốn từ các nguồn (gấp trên 8 lần so với 5 năm trước), trong đó vốn do hội viên ở cơ sở tự nguyện đóng góp để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình là 461 tỉ 863 triệu đồng (chỉ riêng năm 2008, toàn Hội vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội là 2.845 tỉ 973 triệu đồng, vượt 71% kế hoạch); tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, xóa được 35.845 nhà dột nát. Đời sống của đa số hội viên được nâng lên, cơ bản không còn hộ đói; hộ nghèo chỉ còn 6% (136.413 hộ).

Đã có gần 50% CCB có mức sống khá trở lên, gần 2.500 doanh nghiệp do CCB làm chủ thu hút gần 10 vạn lao động, một số doanh nghiệp có doanh thu tới hàng ngàn tỉ đồng; gần 3 vạn CCB là chủ trang trại thu hút khoảng 20 vạn lao động, đã tích cực thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần khắc phục suy giảm kinh tế đất nước.

Hội tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, đóng góp được 107 tỉ đồng vào các quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", quỹ "Vì người nghèo", "Vì trẻ thơ", "Khuyến học"... Hoạt động tình nghĩa trong Hội luôn được coi trọng và ngày càng mở rộng với nhiều hình thức phong phú như phong trào xây dựng "Quỹ tấm lòng vàng", "Kho thóc Cựu chiến binh", "Ngày vì đồng đội"... Hầu hết các cơ sở Hội đều có quỹ, bình quân 120.000đồng/hội viên (gấp 4 lần năm 2003) để giúp đỡ hội viên ốm đau, gặp thiên tai hoạn nạn và tổ chức tang lễ khi hội viên qua đời.

Hội CCB là đoàn thể đi trước trong vận động giúp CCB và con cháu CCB bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh. Làng Hữu Nghị của Trung ương Hội đã làm tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa trị bệnh tật, phục hồi chức năng cho CCB và con cháu CCB bị nhiễm chất độc trong chiến tranh. Năm năm qua, Làng đã tiếp nhận, chăm sóc và điều trị gần 2.000 CCB và con cháu CCB (gấp 20 lần so với 5 năm trước). Kết quả đó đã có ảnh hưởng tốt trong cả nước và quốc tế, thu hút trên 1.000 lượt khách của trên 60 quốc gia và hàng trăm tập thể, cá nhân trong nước đến thăm, sẻ chia khó khăn, ủng hộ tiền và hiện vật để chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh.

Hội phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Năm năm qua, các cấp Hội đã mở 11.830 lớp tập huấn cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, hội viên về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông; tổ chức trên 160.000 cuộc tuyên truyền cho hơn 14 triệu lượt CCB, thanh, thiếu niên, học sinh và nhân dân, góp phần tích cực vào cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Tham gia đối ngoại nhân dân

Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới, Hội đã tích cực, chủ động hội nhập với các tổ chức CCB khu vực và thế giới: là thành viên của Liên đoàn Cựu chiến binh thế giới (WVF); Ủy ban Thường trực Tổ chức Cựu chiến binh châu Á - Thái Bình Dương (SCAP); thành viên của Hiệp hội Cựu chiến binh các nước Đông Nam Á (VECONAC) và Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2003 - 2005.

Hội đã phát triển quan hệ song phương với tổ chức CCB của các nước láng giềng và bạn bè truyền thống ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Mỹ La-tinh. Hội còn quan hệ với tổ chức CCB các nước trước kia từng tham gia chiến tranh Việt Nam như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân. Thông qua hoạt động đối ngoại, Hội đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của CCB nhiều nước đối với nước ta và hạn chế các mặt tiêu cực trong quan hệ song phương; đồng thời đấu tranh với những luận điệu, hành động sai trái, góp phần ngăn chặn và làm thất bại các hoạt động thù địch chống phá Việt Nam. Trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, Hội luôn nắm vững và vận dụng đúng đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước, giữ vững độc lập tự chủ, bảo đảm lợi ích quốc gia, trách nhiệm quốc tế, góp phần làm cho đối tác hiểu rõ, hiểu đúng về đất nước, con người Việt Nam; về chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta và nâng cao hình ảnh đất nước, con người và CCB Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Phương hướng hoạt động thời gian tới

- Tổ chức động viên cán bộ, hội viên nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị, tuyên truyền vận động nhân dân và bản thân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng vào các văn kiện dự thảo của Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, theo sự chỉ đạo của cấp ủy các cấp.

- Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đi vào chiều sâu và với những nội dung làm theo cụ thể, thiết thực hơn.

- Tổ chức tốt việc tiếp tục thi đua CCB nêu cao tinh thần tự lực, tự cường làm giàu nhanh, hợp pháp và bền vững, giúp nhau nâng cao đời sống, làm tốt công tác từ thiện và tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

- Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội; cùng các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các nghị quyết liên tịch đã ký./.