Thả diều... giữ đất (!)
Các cụ ta nói: “ở đời có bốn điều dại dột: Làm mai, gá bạc, nuôi cu, thả diều”.
Ấy là rất đúng với thời xưa!
Còn bốn điều các cụ nói, nếu vận vào thời nay, e chỉ đúng có ba, còn điều cuối, chập chờn sai toét!
Bởi lẽ, thời nay, lắm người thả diều mà... đắc lợi, chẳng “dại dột” như các cụ phán bảo! Diều bay càng xa, họ càng đắc lợi. Càng thả nhiều diều, họ càng vơ lắm bạc vàng. Chính là thói thả diều... giữ đất của những kẻ đầu cơ điền địa, trong buổi xô bồ lắm nơi đua nhau “trải thảm”, tranh tối tranh sáng ngược xuôi cắt đất màu mỡ chào vốn đầu tư nước ngoài làm dự án, ù ù cạc cạc dọc ngang dẹp làng thổ cư, thu đất trồng lúa mời ông doanh nghiệp mở công ty, xí nghiệp... cốt mưu “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”, “ta cứ làm để mưu lợi cho ta, dù sau ta là nạn đại hồng thủy” (!).
*
* *
Có lẽ hẳn vì thế và do vậy, từ năm 2001 đến hết năm 2007, cả nước có nửa triệu héc-ta đất nông nghiệp được thu hồi, chủ yếu là đất thâm canh lúa và cây lương thực chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp! Nay, 2008, hiện trạng ấy vẫn còn đó và có chiều hướng không giảm, trong khi dân số không ngừng tăng và nhu cầu lương thực cũng tăng lên không ngừng.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cứ tốc độ này, chỉ hai năm nữa, tức 2010, mỗi người chỉ còn bình quân 100 mét vuông! Là quê hương của lúa nước, nông nghiệp còn rất lâu nữa, vẫn là xương sống của nền kinh tế quốc dân, mà thu hồi đất nông nghiệp như thế, tới năm 2015, hỏi rằng mỗi người còn mấy tấc đất cắm dùi? Nhưng, vẫn hằng năm hơn 7 vạn héc-ta đất bị thu và hơn 30% số đó bị bỏ hoang! Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hơn hai lần cảnh báo, nhưng điều đó không những không giảm, lại có cơ tăng lên. Không dùng, họ cho thuê lại mặt bằng để trục lợi (!). Họ đang thả diều... giữ đất!
Đất nông nghiệp bị thu hẹp bởi một lô thủ phạm: khu công nghiệp (rất mừng), khu đô thị, thậm chí cả khu du lịch - vui chơi giải trí (thì thật đáng lo ngại thay!). Rõ ràng, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất không thể không xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị... nhưng nhiều địa phương lại để mọc lên như nấm sau mưa những khu ấy, một cách phong trào, ồ ạt, thậm chí tự phát ganh đua, nên đất nông nghiệp mới bị thu hồi vô tội vạ (!). Vì thế, không ít nơi sau nhiều năm xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất... bằng mọi giá, nên chỉ sử dụng được hơn 50% đất thu hồi, còn lại bỏ mặc cho cỏ leo bèo lấp, hoang hóa suốt nhiều năm! Họ bán lại dự án vô tội vạ (!). Họ đang thả diều... giết đất!
Mới đây, tại nhiều nơi kể cả những vùng đất chuyên canh, thâm canh cây lúa suốt ngàn đời cũng phát sinh “hội chứng” làm sân gôn (golf) nuốt chửng cả hàng chục, thậm chí hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp(!), mà không ít trong số đó đang bỏ lơ bỏ lửng, vì không khả thi. Chưa kể tới, nếu có khả thi, thì mỗi héc-ta cỏ sân gôn hằng năm thải ra 5 tấn hóa chất từ việc chăm sóc cỏ, đang hủy hoại không tiếc thương môi trường sống và sản xuất! Họ đang thả diều... đốt đất!
V.v.. và v.v..
*
* *
Thả diều là dại dột? Như thế, là không. Xem ra các cụ nhà ta uổng công mất rồi, dù biết rằng tấm lòng cổ nhân muốn lo xa cho hậu thế!
Đã đến lúc, phải ra tay quyết liệt, mà trước hết là Chính phủ, tất cả các cấp, các ngành với sự giám sát của toàn dân! Như thế, chúng ta mới có cơ tránh được khủng hoảng trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì, “phi nông bất ổn”! Vì, “dân dĩ thực vi thiên” (dân lấy ăn làm trời)! Mà nhãn tiền là, cơn đói lương thực toàn cầu đang chứng thực điều đau lòng đó, ở ngay chính các nước công nghiệp hóa quanh ta và cả những châu lục khác! Xem toàn cục để hành động cục bộ một cách hợp lẽ và hợp lòng dân chính là cái nhìn rộng mở nhưng cụ thể, thiết thực và hiệu quả, là xuất phát từ chính ta, thật đúng với sức ta, trong mỗi bước đi công nghiệp hóa!
Mà trước mắt là, phải cắt đứt phăng những mớ dây diều... đang giữ đất! /.
Xét xử sơ thẩm bốn bị cáo nguyên là cán bộ cảnh sát điều tra, phóng viên báo chí vi phạm pháp luật  (15/10/2008)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn  (15/10/2008)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn  (15/10/2008)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm thành phố Men-bơn  (15/10/2008)
Hy Lạp coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam  (15/10/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên