Góp phần vạch trần luận điệu cổ xúy “con đường thứ ba” để Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội
TCCS - Lợi dụng sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu; sự phát triển mang tính toàn cầu và đạt nhiều thành tựu to lớn của chủ nghĩa tư bản, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị khẳng định rằng chúng ta đang rơi vào “đường cùng, ngõ cụt” trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội và rằng, muốn đất nước phát triển, Đảng ta phải rẽ sang “con đường thứ ba” - chủ nghĩa xã hội dân chủ (?!). Đây là âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm, cần nhận diện, kiên quyết phản bác, góp phần củng cố niềm tin và sự kiên định của dân tộc ta vào mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Không thể xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội
Theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khái niệm “chủ nghĩa xã hội” chính là hiện thân cho ước mơ của quần chúng muốn xóa bỏ hiện tượng người bóc lột người. Bàn về vấn đề này, V.I. Lê-nin khẳng định, mục đích cuối cùng của giai cấp vô sản là xóa bỏ mọi sự phân chia giai cấp trong xã hội, tiêu diệt triệt để tình trạng người bóc lột người, thiết lập chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, không phải chỉ đến khi giai cấp vô sản ra đời mà thực chất khát vọng này đã xuất hiện từ rất sớm. “Đã lâu rồi, đã hàng bao thế kỷ nay, thậm chí hàng ngàn năm nay, nhân loại mong ước thủ tiêu “lập tức” mọi sự bóc lột”(1) cũng như “muốn xóa bỏ sự khác nhau giữa người giàu và người nghèo. Đó là nguyện vọng có tính chất xã hội chủ nghĩa”(2).
Hơn 70 năm tồn tại và phát triển, với tư cách là một hệ thống, mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã thể hiện đầy đủ bản chất của một xã hội tốt đẹp mà loài người từng khao khát hướng đến, góp phần to lớn và có ý nghĩa quyết định vào việc hiện thực hóa các mục tiêu cơ bản của thời đại. Chính vì vậy, sự sụp đổ của nó được xem là một biến cố lịch sử lớn trong thế kỷ XX, gây chấn động toàn cầu, là tổn thất nặng nề của những người cộng sản trên con đường hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự sụp đổ đó trở thành cơ hội cho kẻ thù của chủ nghĩa Mác, chĩa mũi nhọn tấn công vào “niềm tin, lý tưởng” của những người cộng sản chân chính. Các thế lực thù địch cho rằng, “Chủ nghĩa Mác đã bị chôn vùi dưới đống gạch của bức tường Béc-lin" (?!)...
Hiện nay, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường…, các thế lực thù địch ngoan cố đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, trong đó mục tiêu trọng tâm của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tiến tới mục tiêu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta(3). Để từng bước thực hiện mưu đồ thâm độc này, các thế lực thù địch ra sức công kích, ngụy biện rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin “đã lỗi thời” chỉ phù hợp với thế kỷ XIX (?!); cho rằng: “Trào lưu cộng sản đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử…” (?!)...
Đó là những luận điệu phi lịch sử, phản động, phản khoa học. Rõ ràng, khi tung ra những luận điệu đó, mục đích của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị là gieo rắc cho quần chúng nhân dân tâm lý hoài nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn. Với phương châm “sự dối trá sẽ trở thành sự thật khi được lặp lại đủ mức”, không từ mọi thủ đoạn, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, những luận điệu vô căn cứ đó được lặp đi, lặp lại, với nhiều giọng điệu, cung bậc khác nhau hòng lung lạc niềm tin của nhân dân ta vào mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cần khẳng định ngay, mục tiêu hướng tới của chúng ta là tốt đẹp, con đường chúng ta lựa chọn và kiên định là đúng đắn - đây là chân lý mà không một thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nào có thể xuyên tạc, bóp méo được. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi không chỉ tạo ra bước ngoặt căn bản trong lịch sử nước Nga, mà còn mở đường cho một thời đại mới của loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Từ đây, phương hướng, nhịp điệu phát triển của lịch sử xã hội loài người có sự thay đổi căn bản - các nước trên thế giới, kể cả những nước lạc hậu, với điều kiện nhất định, đều có thể bước vào thời kỳ quá độ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam kiên định chủ nghĩa xã hội và lựa chọn con đường bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chế độ xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, hoàn toàn phù hợp với quy luật chung, phù hợp với điều kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam. Gần 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tính đúng đắn của mục tiêu chủ nghĩa xã hội đã được khẳng định, luận giải rõ ràng trên phương diện lý luận, khảo nghiệm sinh động trên phương diện thực tiễn và trên con đường hiện thực hóa mục tiêu đó, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(4).
“Con đường thứ ba” - thực chất là duy trì, cải cách chủ nghĩa tư bản
Các thế lực thù địch rêu rao rằng, không nên đi theo con đường chủ nghĩa tư bản, cũng không nên theo con đường chủ nghĩa xã hội, muốn đất nước phát triển, phải rẽ sang “con đường thứ ba” - chủ nghĩa xã hội dân chủ. Các thế lực thù địch xảo biện rằng: “Lịch sử đang phát triển như vậy, không phải chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản, cũng không phải chủ nghĩa tư bản thay thế chủ nghĩa xã hội, mà là sự kết hợp, dung hòa giữa hai bên, trở thành một chế độ mới là chủ nghĩa xã hội dân chủ” (?!). Thậm chí, để khẳng định cho lập luận này chúng còn cho rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội chỉ có thể từ những nước tư bản phát triển mới có cơ sở xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn ở một số nước chưa qua chủ nghĩa tư bản như Việt Nam sẽ chỉ là “con đường vòng đến chủ nghĩa tư bản”. Để không đi theo vết xe đổ này, muốn hay không Việt Nam phải rẽ sang “con đường thứ ba” - chủ nghĩa xã hội dân chủ (?!).
"Chủ nghĩa xã hội dân chủ là quan điểm tư tưởng và chính trị rất đa dạng, nhiều màu sắc về cải tạo chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội bằng con đường cải cách dân chủ, đối lập với hệ tư tưởng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ nghĩa xã hội khoa học và thực tiễn hoạt động của các đảng cộng sản và công nhân”(5). Những người theo trường phái hay khuynh hướng này cho rằng, giai cấp công nhân chỉ cần đấu tranh nhằm thực hiện những cải cách đối với các vấn đề xã hội trong lòng chủ nghĩa tư bản, tất yếu dân chủ sẽ được thực hiện, chủ nghĩa xã hội sẽ ra đời một cách từ từ, hòa bình, trong khuôn khổ nhà nước và pháp luật tư sản(6). Thực chất, “đây là những quan niệm tư tưởng rất đa dạng và nhiều màu sắc do những đại biểu của các trào lưu chính trị khác nhau vạch ra, nhằm đối lập một cách tích cực với hệ tư tưởng khoa học triệt để của chủ nghĩa xã hội khoa học hiện thực hơn là với hệ tư tưởng của chủ nghĩa tư bản. Đó là một trong những hình thức giả mạo chủ nghĩa xã hội phổ biến nhất”(7).
Năm 1951, Đại hội ở Phran-Phuốc (Đức) đã thông qua Cương lĩnh của Quốc tế xã hội chủ nghĩa với chủ trương “đấu tranh thông qua nghị trường, tiến hành các cải cách xã hội để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản”(8). Đây chính là lý luận về cái gọi là “con đường thứ ba” - "con đường không tư bản hay cộng sản dẫn dắt các quốc gia, dân tộc đến với một thế giới hòa bình, tự do, dân chủ, công bằng và nhân đạo" (?!). Những nhà tư tưởng cổ xúy khuynh hướng này lập luận rằng, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), trật tự thế giới thay đổi, phân thành hai cực: tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Tuy đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - kỹ thuật, song các quốc gia hầu như phạm phải những sai lầm nhất định và đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Chủ nghĩa tư bản với ưu thế của nền kinh tế thị trường phát triển năng động, đáp ứng tốt những nhu cầu vật chất của con người cũng không thể che đậy những vấn nạn mang tính cố hữu như nghèo đói, thất nghiệp, phân cực xã hội, bất bình đẳng…; với nền kinh tế kế hoạch, quản lý nhà nước tập trung, chủ nghĩa xã hội lại đang rơi vào trì trệ, chế độ cực quyền, quan liêu. Trước bối cảnh đó, các quốc gia cần chung tay tìm ra con đường mới cho sự phát triển chung của nhân loại, và chủ nghĩa xã hội dân chủ tất yếu trở thành sự lựa chọn của thời đại, “phương thuốc cứu rỗi nhân loại đang lầm đường, lạc lối”(9).
Chủ nghĩa xã hội dân chủ mưu toan xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản và khẳng định đây chính là ưu thế nổi bật so với chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản. Sau hơn một thập kỷ truyền bá, sự ảo tưởng này đã bị dập tắt, thực tế chỉ ra rằng “các đảng xã hội dân chủ đã không xóa bỏ được khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, không giải quyết được vấn đề cơ bản lợi ích và nhu cầu của quần chúng nhân dân lao động. Nó chỉ giới hạn trong các biện pháp đấu tranh đòi hỏi những lợi ích kinh tế trước mắt”(10). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng “nền dân chủ xã hội đã phản bội lại xã hội tốt đẹp mà nó hứa hẹn và đại diện, đó là quyền bình đẳng, đoàn kết, tính di động xã hội, lòng tin và ý thức cộng đồng”(11). Có thể thấy, với nền tảng lý luận của mình, chủ nghĩa xã hội dân chủ chẳng những không gây sát thương mà còn tạo tấm khiêng vững chắc cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản; gây ra những lầm tưởng và hy vọng có thể xoa dịu cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra gay gắt trong lòng chủ nghĩa tư bản. Bởi vì, “Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ đó là những người vô sản chưa am hiểu đầy đủ những điều kiện giải phóng giai cấp mình, hoặc là những đại biểu của giai cấp tiểu tư sản, tức là của một giai cấp mà trên nhiều mặt, có quyền lợi giống như vô sản trong việc giành chế độ dân chủ và trong việc thực hiện những biện pháp xã hội chủ nghĩa xuất phát từ chế độ dân chủ đó”(12).
Sự vận động của đời sống chính trị thế giới đương đại cho thấy, các quốc gia, dân tộc đã hoặc chỉ có thể lựa chọn chủ nghĩa tư bản, hoặc chủ nghĩa xã hội, nếu có một con đường khác, ưu việt, hợp lý và vượt lên trên cả hai chế độ thì chỉ là sự tồn tại nhất thời hoặc là những ý tưởng kiểu “kinh viện”. Không những thế, ở góc độ thế giới quan và hệ tư tưởng, mọi sự hy vọng về một khả năng trung lập thế giới quan, nỗ lực xây dựng một chính đảng, một phong trào, một chế độ xã hội không cần một hệ tư tưởng nền tảng nào, có thể giải thể một hệ tư tưởng mà vẫn đưa phong trào tới đích chỉ là hy vọng hão huyền và nỗ lực một cách không tưởng. “Thỏa hiệp toàn diện theo chủ nghĩa tự do mới đã được thực tiễn chứng minh không phải là lối thoát. Cự tuyệt đổi mới, bất chấp những thay đổi hiện thực thì chỉ có thể là con đường cụt. Vứt bỏ hoặc lẫn lộn ý tưởng và giá trị cơ bản của mình, chạy theo hướng “trung dung” thì lại tự phá nhà mình. Nếu không có cách thực hiện sự thống nhất giữa giá trị cơ bản và biến đổi của mình trong điều kiện lịch sử mới, chỉnh đốn lại đường lối của mình, thì sẽ không có cách nào xây dựng được nền tảng xã hội ổn định, các đảng xã hội dân chủ sẽ lâm vào tình trạng suy thoái lâu dài”(13).
Dù có khoác lên mình “bộ áo” nào đi nữa, chủ nghĩa xã hội dân chủ trong chừng mực nào đó vẫn là vũ khí của các nhà tư tưởng xét lại và tư sản. Đó là hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa trên lời nói, nhưng thực chất lại là hệ tư tưởng cải lương và xét lại. Với tất cả những sự pha tạp, nhiều màu sắc trong các quan niệm lý luận và cương lĩnh thực tiễn kêu gọi thực hiện dân chủ, bản chất đều là phủ định những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, phủ định những luận điểm cơ bản của nó về sự cần thiết phải cải tạo xã hội tư bản một cách triệt để và cách mạng bằng cách thiết lập nền chuyên chính vô sản, về việc thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và thủ tiêu toàn bộ hệ thống quan hệ xã hội tư bản chủ nghĩa, về vai trò chủ đạo của giai cấp công nhân trong sự nghiệp thủ tiêu chế độ người bóc lột người. Lờ đi, cố tình không đề cập đến những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực, những nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ buộc tội một cách vô căn cứ các đảng cộng sản là ít chú ý đến sự phát triển các thể chế dân chủ trong đời sống xã hội… Suy đến cùng, “mô hình xã hội - dân chủ chỉ là một hình thái của chế độ tư bản chủ nghĩa”(14).
Trên thực tế, những quan niệm về dân chủ hóa vô hạn đời sống xã hội mà những người bảo vệ chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền bá chỉ là những hệ thống lý thuyết trừu tượng, trống rỗng dựa vào quan niệm sai lầm, siêu giai cấp về dân chủ và không chú ý đến sự phụ thuộc khách quan của cả quá trình hoàn thiện dân chủ vào những điều kiện cụ thể và trình độ phát triển của những mặt này hay mặt khác của đời sống xã hội. Tất cả những lời nói ba hoa, trừu tượng về dân chủ, tất cả những lập luận về sự phát triển vô hạn của dân chủ thực tế chỉ phục vụ một mục đích: đánh lạc hướng giai cấp công nhân khỏi cuộc đấu tranh thật sự vì chủ nghĩa xã hội, đánh tráo cuộc đấu tranh đó bằng cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hóa đời sống xã hội theo tinh thần của giai cấp tư sản.
Cho đến nay, trên bình diện lý thuyết, khái niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ, có thể khẳng định rằng, “mục đích thật sự của chủ nghĩa xã hội dân chủ là duy trì chủ nghĩa tư bản chứ không phải cải tổ nó thành xã hội xã hội chủ nghĩa, là cải cách chủ nghĩa tư bản trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản”(15). “Con đường thứ ba” xuất hiện là do xuất phát từ điều kiện thực tế của chủ nghĩa tư bản trong quá trình toàn cầu hóa, các chính đảng cánh tả phương Tây phải đưa ra các giải pháp để xử lý các vấn đề hiện thực trong xã hội tư bản, phản ánh hiện tượng và xu thế tả khuynh của hình thái ý thức chính trị ở các nước phương Tây. Về thực chất, đây là một sự thỏa hiệp chính trị giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa xã hội dân chủ, là một phong trào tư tưởng của chủ nghĩa tư bản vượt ra ngoài cả “tả” và “hữu” trong điều kiện toàn cầu hóa nhằm khắc phục những vấn đề nội tại của chính mình.
Kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Trong quan hệ giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia, giữa các giai cấp với nhau thì các “giao điểm” và “giới ngăn”,... là nơi dễ gây ra mâu thuẫn và xảy ra xung đột nhất. Do đó, để kiến tạo “trạng thái mơ hồ trong ý thức chính trị” của quần chúng, các nhà tuyên truyền tư sản thường lợi dụng các luận điệu chính trị chiết trung, những luận đề “trung tính” dễ nhầm lẫn đúng, sai và có nhiều cách tiếp cận khác nhau(16). V.I. Lê-nin đã từng chỉ ra rằng, chỉ có hệ tư tưởng vô sản và hệ tư tưởng tư sản, không có hệ tư tưởng trung gian - hệ tư tưởng thứ ba, bởi vì “mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mọi sự xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản”(17). Nói cách khác, “một khi lập trường vô sản bị lung lay, biến chất, thì thay vào đó là lập trường và quan điểm tư sản”(18). Tùy thuộc vào sự thay đổi lập trường đó diễn ra ở bộ phận nào trong xã hội, nó sẽ kéo theo một loạt sự thay đổi trong định hướng phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, của cả phong trào xã hội. Nếu sự thay đổi đó diễn ra ở giới lãnh đạo chiến lược thì ảnh hưởng của nó là rất nghiêm trọng; nếu sự thay đổi đó diễn ra dần dần, kiểu “tằm ăn lá dâu”, làm cho đại bộ phận xã hội, nhất là lớp trẻ, thay đổi quan điểm của mình, thì tuy sự đổ vỡ có chậm hơn, song lại cực kỳ nguy hiểm.
Khúc quanh hiện nay của lịch sử đang làm cho quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên thế giới bị kéo dài thêm, nhưng không thể đảo ngược xu thế đó. “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(19). Đây không phải là ý muốn chủ quan của một người hay một thế lực xã hội nào đó quyết định xu thế phát triển của thời đại, mà đó là sự phản ánh quy luật phát triển khách quan của xã hội loài người(20). Thế nhưng, cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái thoái bộ, giữa hiện thực và lý tưởng là rất phức tạp. Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “đó là điều mà chúng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm và tổ chức thực hiện, làm sao để vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”(21).
Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa thực sự là một cuộc đấu tranh quyết liệt. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phòng ngừa có hiệu quả nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Để góp phần kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cần thực hiện một số nội dung:
Một là, nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn - nghiên cứu lý luận, để làm sâu sắc thêm nội hàm chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời gian tới. Cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào là vấn đề không hề đơn giản. V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Từ chủ nghĩa đế quốc ngày nay chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày mai, nhân loại cũng sẽ trải qua những con đường có muôn màu muôn vẻ như thế. Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”(22). Chính vì vậy, việc không ngừng hoàn thiện các vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam sẽ giúp chúng ta kiên định vào mục tiêu và con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, đồng thời đây cũng chính là những luận cứ sinh động phủ định mọi luận điệu xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Hai là, giữ thế chủ động trên mặt trận tư tưởng để kịp thời phản bác có hiệu quả các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Tăng cường công tác phát hiện, dự báo và xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vạch trần tính chất nguy hiểm, phản động, mị dân của các đối tượng thù địch khi tung ra những luận điệu sai trái thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhất là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có tình hình tôn giáo phức tạp, các địa bàn nhạy cảm về chính trị…
Ba là, tăng cường các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(23). Vì vậy, bản thân cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện, nâng cao “sức đề kháng” và “độ miễn dịch” trước những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch.
Bốn là, giữ vững vai trò nòng cốt, chủ lực của hệ thống cơ quan chuyên trách đấu tranh tư tưởng, các cơ quan tuyên giáo, báo chí của Đảng cần tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; xây dựng và phát triển hệ thống giá trị, những chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội chủ nghĩa, tinh hoa truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, cũng cần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ những khó khăn, thách thức của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong tình hình hiện nay. Phải tạo cho toàn xã hội sự đồng thuận cao, triệu người như một, xây dựng một niềm tin tất thắng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.
---------------------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t. 12, tr. 53
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 159
(3) Xem: Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 5
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25
(5) Tống Đức Thảo, Bùi Việt Hương: Trào lưu xã hội dân chủ ở một số nước phương Tây hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr. 18
(7) Xem: Đỗ Công Tuấn, Đặng Thị Linh: Giáo trình Lịch sử Tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2013, tr. 226
(8) A. M. Ru-mi-an-xtép: Chủ nghĩa cộng sản khoa học Từ điển, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1986, tr. 402
(9) Đỗ Công Tuấn, Đặng Thị Linh: Giáo trình Lịch sử Tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 230
(10) Xem: Đề tài khoa học cấp cơ sở: “Phê phán các trào lưu xã hội chủ nghĩa phi Macxit”, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, 2016, tr. 94 - 96
(11) Đỗ Công Tuấn, Đặng Thị Linh: Giáo trình Lịch sử Tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 232
(12) Henning Meyer and Karl-Heinz Spiegel, What Next for European Social Democracy? The Good Society Debate and Beyond, in Renewal, Vol.18, No.1/2, 2010
(13) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 478
(14) Viện thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Những mâu thuẫn của toàn cầu hóa và sự thất bại của con đường thứ ba”, Tạp chí Thông tin những vấn đề lý luận, số 17, 2003, tr. 13
(15) Vũ Văn Hiền: Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, t. 1, tr. 172
(16) A. M. Ru-mi-an-xtép: Chủ nghĩa cộng sản khoa học Từ điển, Sđd, tr. 404
(17) Xem: Bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 92
(18) V.I Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 50
(19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 69
(20) Xem: Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn Bộ Giáo trình quốc gia các Bộ môn khoa học Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh: Một số vấn đề về Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 149 - 150
(21) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 23
(22) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 30, tr. 60
(23) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập các văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 16
Lễ ra mắt Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (16/10/2024)
Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương - 75 năm xây dựng và phát triển  (07/11/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay