Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 1): Truyền thông và sứ mệnh dẫn dắt, định hướng dư luận
TCCS - Những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội quan tâm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, tháo gỡ, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vướng mắc phát sinh, nhất là những vấn đề nhiều người quan tâm, còn có ý kiến khác nhau. Trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông đa dạng, nhiều chiều, thuận lợi đan xen khó khăn, phức tạp như hiện nay, việc truyền thông tạo đồng thuận xã hội càng được chú trọng hơn.
Kỳ 1: Truyền thông và sứ mệnh dẫn dắt, định hướng dư luận
Một trong những chức năng quan trọng của truyền thông đó là dẫn dắt, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội để triển khai công việc được thông suốt, hiệu quả. Chức năng tư tưởng của truyền thông càng quan trọng hơn khi những hình thức truyền thông mới xuất hiện, đi cùng những thuận lợi là không ít khó khăn, thách thức, gây nhiễu môi trường truyền thông. Vì vậy, sứ mệnh dẫn dắt, định hướng dư luận của truyền thông đại chúng, truyền thông chính thống càng cần phải được xem trọng.
Truyền thông để đồng nhất
Truyền thông đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử loài người, là một khái niệm rộng, bao trùm, khó định lượng một cách cụ thể, chính xác. Nói ngắn gọn, truyền thông là quá trình trao đổi và tương tác thông tin giữa hai người, hoặc nhiều người với nhau để tăng cường sự nhận thức, hiểu biết về một hoặc nhiều vấn đề nào đó, nhằm tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Quá trình truyền thông bao gồm các yếu tố là: Nguồn phát, thông điệp, kênh truyền thông, người tiếp nhận, phản hồi và yếu tố gây nhiễu. Để tiến hành quá trình truyền thông, có nhiều cách thức, phương pháp khác nhau, từ xa xưa như tín hiệu, tiếng nói (tuyên truyền miệng), sách, báo, pano, áp phích,… đến hiện đại ngày nay như các phương tiện truyền thông đại chúng (báo in, báo phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử), các phương tiện truyền thông mạng xã hội dựa trên nền tảng internet (phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo…).
Truyền thông, trong tiếng Anh là Communication, có nghĩa là sự truyền đạt, thông tin, thông báo, giao tiếp, trao đổi, liên lạc… Thuật ngữ truyền thông có nguồn gốc từ tiếng Latinh (Commune), với nội hàm là nội dung, hình thức, con đường, phương tiện để đạt đến sự hiểu biết lẫn nhau, giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, xã hội. Nhờ truyền thông giao tiếp, con người tự nhiên trở thành con người xã hội. Các nhà nghiên cứu cho rằng, truyền thông là sự trao đổi thông điệp giữa các thành viên hay nhóm người nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau; là quá trình liên tục trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm,… giữa hai người hoặc nhiều người nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/ nhóm/ cộng đồng/ xã hội. Cũng có ý kiến cho rằng, truyền thông là sự phát tán một thông điệp nhất định, là sử dụng công nghệ và các hệ thống truyền - nhận thông tin để thực hiện một chiến dịch tuyên truyền. Tóm lại, truyền thông là một quá trình có liên quan đến nhận thức (thái độ) hoặc hành vi, hoặc cả hai.
Thực tế, giữa nhận thức và hành vi của con người bao giờ cũng có khoảng cách và truyền thông là nhằm mục đích tạo nên sự đồng nhất, hoặc ít ra cũng là rút ngắn khoảng cách ấy, thông qua sự hiểu biết lẫn nhau. Đó chính là quá trình tạo sự đồng thuận trong xã hội, với mục đích đặt ra từ nguồn phát (cá nhân hoặc tổ chức). Tất nhiên, quá trình truyền thông để tạo sự đồng nhất, đồng thuận trong nhận thức và hành vi của con người chưa bao giờ là dễ dàng, thậm chí luôn gặp phải những trở ngại, vướng mắc bởi những yếu tố gây nhiễu, làm loãng, cản trở, gây sai lệch thông tin trong quá trình truyền thông. Sự sai lệch đó có thể khiến mục tiêu không đạt được như ý, thậm chí thất bại; vậy nên cần thiết phải loại trừ những yếu tố gây nhiễu, nhất là những sự gây nhiễu chủ động, mang tính phá hoại quá trình truyền thông, phá hoại sự đồng nhất, đồng thuận trong xã hội.
Tại sao truyền thông lại có sức mạnh như vậy? Đó chính là bởi sự tuyên truyền, lan tỏa một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu rộng tới cộng đồng những thông tin từ nguồn phát qua các kênh khác nhau, từ truyền thống bằng miệng, giấy tờ đến các hình thức hiện đại trên môi trường truyền thông số, không gian mạng. Sự chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, chân xác với tính hướng đích; mục tiêu cụ thể; nội dung, thông điệp ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu bằng những kênh truyền thông phù hợp với từng đối tượng sẽ tạo ra sợi dây liên kết, sự gắn bó, thấu hiểu, đồng thuận trong xã hội, với từng nhóm công chúng, ở những thời điểm khác nhau.
Công tác truyền thông có ảnh hưởng trực tiếp tới xã hội, đất nước, trước các chủ trương, chính sách, quan điểm, đường lối được chuyển tải từ cơ quan quản lý tới người dân nói chung, đối tượng công chúng đích nói riêng. Không chỉ tuyên truyền, giải thích, phân tích một chiều; thông qua truyền thông, công chúng có thể bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến của mình một cách kịp thời, phản biện, mang tính xây dựng về những gì họ cho là còn vướng mắc, bất cập, chưa rõ ràng… Đó chính là quá trình truyền thông chính sách, với các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước được chuyển tải bằng những thông điệp, nội dung cụ thể, ngắn gọn, cô đọng, sát hợp đến người dân một cách kịp thời, dễ hiểu để người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách vì lợi ích của Nhà nước và chính người dân. Tất nhiên, đó là quá trình truyền thông có sự tương tác, phản hồi từ phía người dân đến cơ quan chức năng về những gì còn băn khoăn, vướng mắc, chưa hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu hết cần sự giải đáp thỏa đáng, thấu tình đạt lý. Có thể nói, sự tương tác hai chiều trong truyền thông nói chung, truyền thông chính sách nói riêng chính là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và đông đảo người dân, nhờ đó mà có sự hiểu rõ, sẻ chia, đồng cảm dẫn đến đồng thuận cùng vì mục đích chung là xây dựng, phát triển, vì sự tiến bộ, văn minh. Tóm lại, truyền thông, dù là sơ khai hay hiện đại như ngày nay, luôn là điều không thể thiếu trong xã hội loài người, góp phần bảo đảm sự hoạt động ổn định của mỗi chế độ xã hội trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, đối ngoại, kinh tế,… đến văn hóa, xã hội, thể thao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực... Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được... Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”.
Ngày 30-3-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Mục tiêu của Đề án là “tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”.
Ngày 24-11-2022, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện chính sách. Thủ tướng cho rằng: “Công tác truyền thông phải đến được với người dân… Làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; người dân tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý nhà nước; người dân phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào cần bổ sung, hoàn thiện”.
Làm gì để truyền thông kịp thời, hiệu quả?
Từ các yếu tố cụ thể trong quá trình truyền thông nêu trên, để truyền thông nói chung, truyền thông chính sách nói riêng một cách kịp thời, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đạt được mục đích đề ra, cần thực hiện tốt những vấn đề sau:
Thứ nhất, nguồn phát chính thống, tin cậy, kịp thời. Có thể khẳng định rằng, trong môi trường mạng xã hội bùng nổ hiện nay, khối lượng thông tin là khổng lồ, đồ sộ, nhưng thực tế là thật - giả khó lường, “vàng thau lẫn lộn”, không dễ để nhận biết đâu là thông tin chính thống, đáng tin cậy, đâu là thông tin giả, sai sự thật, xấu độc, chống phá… Chính vì vậy, việc nguồn phát bảo đảm tính chính thống, có danh phận chắc chắn sẽ tạo được sự tin cậy đối với người tiếp nhận thông tin. Nguồn phát ở đây có thể là cá nhân, là cơ quan báo chí, người đại diện cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực cụ thể nào đó… Nguồn phát chính thống, uy tín, đáng tin cậy thì sẽ thuyết phục người tiếp nhận thông tin một cách mạnh mẽ hơn, không có sự lăn tăn, ngờ vực, bởi đó như một sự bảo chứng cho sự thật, khách quan, lẽ phải, chân lý.
Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng là thông tin được phát đi phải kịp thời, nhanh chóng, để giúp đối tượng tiếp nhận thông tin nắm bắt được một cách chính xác, sớm nhất có thể, tránh đi chậm, đi sau những thông tin bên lề, không chính thống, gây những trở ngại, khó khăn, sự phân tâm, phân tán, nảy sinh tâm lý hoài nghi, ngờ vực trong việc tiếp nhận thông tin, gây những trở ngại không cần thiết trong quá trình truyền thông.
Thứ hai, thông điệp ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, hợp lý, công bằng, khách quan. Trước hết, trong quá trình truyền thông, nội dung tuyên truyền phải là những gì được rút gọn, cô đọng, chính yếu, dễ hiểu, rõ ràng để người dân có thể dễ dàng hiểu được, tiếp thu và hành động. Việc này được thực hiện với vai trò chủ đạo của nguồn phát, để người dân khi tiếp nhận dễ hiểu, dễ thấy được trách nhiệm, quyền lợi của mình một cách ngọn nguồn, gốc rễ cũng như những ảnh hưởng trong tương lai.
Điều quan trọng trong quá trình truyền thông đó là việc nâng cao nhận thức, xác lập thái độ và hành vi của công chúng nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong thực hiện chính sách. Thực tế, các nhà nghiên cứu cho rằng, hoạt động truyền thông có thể tác động và thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng tiếp nhận thông tin. Nó có thể ảnh hưởng và thay đổi quan điểm và hành vi của cá nhân thông qua việc nguồn phát cung cấp thông tin hợp lý và tạo cảm xúc tích cực, thỏa mãn. Việc tạo cảm xúc tích cực có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, với sự sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, nhân văn trong quá trình truyền thông.
Thứ ba, đa dạng hóa các kênh truyền thông, tạo sự hấp dẫn, sáng tạo, dễ tiếp nhận. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, quá trình truyền thông không thể thiếu việc tận dụng sức mạnh của công nghệ, với nhiều kênh truyền thông hiện đại, tức thì, hiệu quả. Bên cạnh những kênh truyền thông truyền thống như tuyên truyền miệng, văn bản, giấy tờ, phát thanh, cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông số, các nền tảng mạng xã hội mà người dân đang sử dụng phổ biến, dễ tiếp cận, lan tỏa.
Tất nhiên, cần đặc biệt là chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, đài phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, coi đó là kênh chủ lực dẫn dắt, định hướng, tạo đồng thuận xã hội. Tất nhiên, việc tuyên truyền trên các loại hình báo chí ngày nay cũng cần bảo đảm, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của công chúng, đặc biệt là về sự kịp thời, thậm chí tức thời, nhanh chóng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Thứ tư, hiểu biết, đánh trúng tâm lý người tiếp nhận. Thực tế, muốn truyền thông hiệu quả cần phải biết rõ đối tượng tuyên truyền để có những phương pháp, cách thức tuyên truyền phù hợp, đúng nội dung, đúng người, đúng việc, chứ không thể áp dụng một bài tuyên truyền duy nhất cho các nhóm đối tượng khác nhau. Vì vậy, cần chủ động nắm bắt dư luận xã hội bằng nhiều hình thức một cách chủ động, nhanh nhất, chính xác nhất có thể. Từ đó cung cấp thông tin ngắn gọn, chính xác, đầy đủ, nhất là về lợi ích và trách nhiệm của đối tượng tuyên truyền, nhằm tạo sự thuyết phục trong tuyên truyền, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện, khách quan, bản chất về những thông tin được tuyên truyền, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện.
Sau khi đã nắm bắt được đối tượng cần truyền thông, là việc áp dụng những phương thức, phương tiện để tuyên truyền một cách chủ động, đáp ứng cao nhất nhu cầu cần muốn được sáng tỏ, rõ ràng, minh bạch của người dân. Khi người dân có thể dễ dàng tiếp cận một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, thỏa mãn nhất những thông tin cần thiết, giải tỏa được những nghi ngờ trước đó, nhất là về quyền lợi của mình, họ sẵn sàng đồng thuận chấp hành.
Thứ năm, cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, phản hồi kịp thời. Điều đặc biệt quan trọng trong quá trình truyền thông là những người làm công tác cung cấp thông tin tới công chúng cần thiết phải tỏ rõ sự cầu thị, biết lắng nghe những thông tin phản hồi của công chúng để có thể giải đáp, thậm chí giải quyết kịp thời, nhanh chóng, thấu đáo những kiến nghị của người dân. Muốn vậy, cần phải tìm hiểu rõ đối tượng tuyên truyền, thấu hiểu đời sống, hoàn cảnh của họ để rồi có phương pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Bác Hồ dạy rằng: “Đến một địa phương nào, cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương. Phải hoà đồng với người dân: dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ, thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Thái độ phải mềm mỏng, đối với các cụ già phải cung kính, với anh em, phải khiêm tốn, với phụ nữ, phải nghiêm trang, với nhi đồng, phải thân yêu, với cả mọi người, phải thành khẩn”.
Sau khi đã nắm bắt được hoàn cảnh, tâm lý, mong muốn của người dân, cần lựa chọn cách thức, phương tiện phù hợp, cán bộ tuyên truyền cần tỏ rõ sự cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các thông tin mà người dân thắc mắc, kiến nghị cần giải tỏa và trả lời một cách thỏa đáng, chân tình, nếu có thể giải quyết ngay để người dân yên tâm, tin tưởng, làm theo.
Thứ sáu, loại trừ tối đa các yếu tố gây nhiễu. Trong quá trình truyền thông, các yếu tố gây nhiễu có thể đến từ nhiều phía khác nhau, cả chủ động và bị động, có khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, một số yếu tố gây nhiễu thường xuất hiện đó là: (1). Do tính chất chất phức tạp và chuyên môn sâu của thông tin, gây những sự khó khăn, trở ngại trong nhận biết một cách rõ ràng, thấu đáo khiến đối tượng tiếp nhận khó hiểu, có thể hiểu sai lệch, không đúng bản chất, thậm chí hoài nghi về chính sách được triển khai; (2). Do năng lực tiếp nhận thông tin của công chúng; (3). Do sử dụng công cụ, phương tiện truyền thông không hợp lý, không kịp thời, không đúng thời điểm; (4). Do thông tin về lợi ích của đối tượng có liên quan trực tiếp đến chính sách, dự án,… chưa thực sự rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của người dân; (5). Do cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa thực sự am hiểu, truyền đạt thông tin không thực sự đúng bản chất, không thấy được quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích của người dân một cách rõ ràng; (6). Do các đối tượng xấu cố tình tuyên truyền sai lệch về chính sách, dự án đầu tư,… tới người dân nhằm xúi giục, kích động, chống đối, phá hoại…
Tóm lại, để truyền thông tạo đồng thuận xã hội, thông qua đó giúp đạt mục tiêu đề ra, cần sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của nguồn phát; sự thỏa mãn, hài lòng, xây dựng của công chúng tiếp nhận; sự đồng cảm, đồng điệu, thấu hiểu giữa nguồn phát và đối tượng tiếp nhận thông tin cùng sự hạn chế tối đa các yếu tố gây nhiễu, làm cản trở, gián đoạn, đứt gãy, sai lệch thông tin trong quá trình truyền thông. Trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện vấn đề này như thế nào để góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội?
---------------------
Kỳ 2: Chủ động, đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Hà Nội tập trung xây dựng khu vực phòng thủ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô  (30/03/2023)
Sử dụng truyền thông xã hội trong bối cảnh hiện nay  (19/03/2023)
Viết tiếp trang sử cách mạng anh hùng, tạo thêm động lực, khát vọng phát triển ở một miền quê ngoại thành Hà Nội giàu truyền thống  (15/03/2023)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm