Sử dụng truyền thông xã hội trong bối cảnh hiện nay
TCCS - Truyền thông xã hội là một loại hình truyền thông mới, không những cung cấp diễn đàn giao lưu xã hội cho cộng đồng mạng, tạo ra nguồn tài nguyên có nội dung đa dạng, phong phú, mà còn tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và truyền tải thông tin của các phương tiện báo chí truyền thống, nhất là trong hoạt động truyền thông chính trị.
Truyền thông xã hội trong kỷ nguyên số
Truyền thông xã hội dựa trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến, trong đó tin tức có thể được trao đổi giữa hai hoặc nhiều cá nhân và được lưu truyền trên “không gian ảo”. Xét từ giác độ nội dung, bản chất của truyền thông xã hội là mối liên hệ cá nhân mang tính bình đẳng trong quá trình kết nối và truyền tải tin tức. Đây là sự khác biệt rõ nét giữa truyền thông xã hội với các phương tiện truyền thông truyền thống - nơi các cơ quan báo chí, truyền thông chuyên nghiệp giữ vai trò là hạt nhân kết nối truyền thông và đưa tin.
Nhìn từ đời sống truyền thông hiện nay có thể thấy, trong xã hội “mở”, truyền thông xã hội thường gắn với các hoạt động truyền thông không chính thức, bởi nó cho phép người sử dụng dễ dàng tham gia vào một nhóm nào đó trên không gian mạng để trò chuyện và đưa ra quan điểm riêng của mình về một vấn đề mà họ đang quan tâm. Nếu xét từ phương thức truyền thông, truyền thông xã hội hoạt động trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến, tin tức có thể chia sẻ và được lan truyền một cách nhanh chóng và có tính tương tác cao giữa những người tham gia. Do đó, sự phát triển của truyền thông xã hội phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của môi trường truyền thông trực tuyến, nhất là internet. Thực tế cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí, thậm chí làm đảo lộn và thay đổi môi trường truyền thông hiện nay. Trước kia, trong môi trường truyền thông truyền thống, những tiêu chuẩn mang tính chiến lược nhất về giá trị nội dung của thông tin là giá trị của tin tức. Có nghĩa, thông tin được coi là có giá trị, được các cơ quan báo chí truyền thông quan tâm nhiều hơn, nếu nó là những tin mới, khác lạ, có tính thời sự, tác động lớn đối với xã hội. Đối với những tin giải trí, giật gân, bạo lực hoặc những tin nhỏ, lẻ bị “phê bình” là “phi tin tức”, hay tin ít có giá trị. Chính điều đó đã khiến báo chí truyền thống được phép sử dụng tiêu chuẩn xác định giá trị thông tin này để tạo ra sự khác biệt trong tin tức nhằm lôi kéo công chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là trong bối cảnh mà báo chí truyền thống giữ vai trò độc tôn trong hoạt động cung cấp tin tức và có quyền làm chủ “cuộc chơi” truyền thông. Sự xuất hiện của truyền thông xã hội đã làm thay đổi “luật chơi”, công chúng hiện nay với sự hậu thuẫn của trào lưu truyền thông xã hội đã có thêm những sự lựa chọn mới.
Trong môi trường truyền thông mới, cái được gọi là “phi tin tức” đang trở thành làn sóng mới, chi phối việc khai thác, biên tập và xuất bản của cơ quan báo chí, truyền thống, bởi nó đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại. Và đương nhiên, một khái niệm trong nghiên cứu báo chí và truyền thông xuất hiện đó là tin tức xã hội. Đây là lượng thông tin khổng lồ được chia sẻ, trong đó phần lớn là kiểu “phi tin tức” được đăng tải trên mạng xã hội. Tin tức xã hội có lợi thế hơn báo chí truyền thống ở chỗ nó được đăng tức thời và có tốc độ lan truyền nhanh. Một điều đáng nói, khi truyền thông xã hội phát triển sẽ tạo ra một nguồn thông tin đa dạng, phong phú cho báo chí truyền thống. Song, dù có ưu thế trong việc phát hiện ra các thông tin xã hội rất nhanh, nhưng truyền thông xã hội lại bị hạn chế bởi khả năng theo đuổi sự kiện đến cùng, do đó, khó có thể tạo thành chùm hoặc chuỗi tin, bài vừa có sức nặng, vừa có giá trị cao.
“Công cụ” đắc lực nắm bắt dư luận xã hội
Phân tích từ giác độ truyền thông, trước kia, việc nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng trong xã hội thường thông qua các phương pháp truyền thống, như tổ chức họp, giao ban, qua báo cáo viên định kỳ hoặc thông qua các cơ quan báo chí truyền thông. Tuy nhiên, khi mạng xã hội phát triển, các phương pháp truyền thông truyền thống bị hạn chế do không đáp ứng được tính nhanh nhạy, đa chiều về thông tin. Thông tin trên mạng xã hội nhanh, nhiều chiều, đôi lúc giúp việc nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng kịp thời hơn, nhất là những thông tin nhạy cảm, ảnh hưởng đến số đông người dân. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, công nghệ truyền thông hiện đại có thể giúp kiểm soát được khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng xã hội. Đôi khi, chỉ một từ khóa, những thông tin tốt, xấu phát ra từ nguồn nào, ở đâu, được tương tác ra sao, chủ thể truyền thông hoàn toàn có thể nắm bắt được một cách đầy đủ và nhanh chóng. Chính vì vậy, nhiều cơ quan, đơn vị đã lập riêng fanpage hoặc group để nắm bắt thái độ của người dân, đặc biệt là những nhóm người hay sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đối với các vấn đề, sự kiện đang được dư luận quan tâm.
Trong đời sống truyền thông hiện đại, ngày càng nhiều sự kiện quan trọng được truyền phát thông qua các kênh của các phương tiện truyền thông xã hội, như twitter, facebook... Chính vì vậy, các phương tiện truyền thông xã hội không chỉ là một diễn đàn khác tồn tại song song với các phương tiện truyền thông truyền thống, mà còn đại diện cho xu thế của truyền thông mới trong tương lai. Điều đó đặt ra cho các cơ quan chức năng, nhà báo và các cơ quan báo chí cần biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình.
Phản bác thông tin sai lệch
Hiện nay, thế giới và các nước trong khu vực đang trải qua nhiều diễn biến phức tạp, các cuộc chiến tranh vẫn xảy ra, những bất đồng và tranh chấp lãnh thổ ngày càng leo thang, xung đột giữa các quốc gia, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, an ninh chính trị trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, để người dân có nhận thức đúng đắn về tình hình thế giới, cũng như hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo chí, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng, là phương tiện hữu hiệu nhất góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong công tác phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, báo chí, truyền thông luôn giữ một vị trí quan trọng, tích cực tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông và các phương tiện truyền thông xã hội, các quan điểm sai trái, thù địch xuất hiện tràn lan và phát tán trên không gian mạng; do vậy, các phương tiện truyền thông xã hội cũng là “trận địa” để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trực tiếp, kịp thời, có hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đăng tải các tin, bài chính trị, cung cấp nhiều thông tin tích cực, tạo nên môi trường thông tin lành mạnh, góp phần ổn định dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước. Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta chủ động “phản bác” thông tin sai lệch, phủ nhiều tuyến bài viết có thông tin chính thống, mang tính định hướng để át đi những thông tin tiêu cực, giành ưu thế trên không gian mạng. Do đó, các tổ chức, cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở cần lập và xây dựng các diễn đàn hiệu quả, cung cấp các nguồn thông tin tích cực, chính thống, tạo sự tương tác, chia sẻ, lan tỏa kịp thời những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để chiếm lĩnh “không gian internet” và “gác cổng” trên mạng
Những nội dung mà các trang web thông tin cung cấp cho công chúng ngày càng tăng nhanh, đồng nghĩa với việc, một mặt, cần có sự sàng lọc - tức “gác cổng” nhiều hơn; mặt khác, mức độ tự do lựa chọn thông tin của con người ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với việc hoạt động “gác cổng” giảm đi. Như vậy, ở đây, khái niệm “gác cổng” tồn tại ở hai cấp độ khác nhau: Thứ nhất, ở cấp độ vi mô, tức là một số trang thông tin điện tử tự “gác cổng” đối với các nội dung trên trang web của mình; thứ hai, ở cấp độ vĩ mô, tức là “gác cổng” trong cả môi trường truyền thông internet. Thực tế hiện nay cho thấy, hoạt động “gác cổng” ở tầm vi mô không những giảm đi, mà còn được tăng cường hơn. Xét về số lượng thông tin, ngày nay, một cơ quan truyền thông chuyên nghiệp có thể cung cấp lượng thông tin nhiều hơn so với trước đây, nhưng nếu gây ra những ảnh hưởng xấu cho xã hội, thì sẽ khiến độ hài lòng của công chúng dành cho cơ quan báo chí, truyền thông giảm sút, thương hiệu bị mất giá trị và cuối cùng có thể dẫn đến sự thất bại. Do đó, các cơ quan báo chí, truyền thông vẫn phải áp dụng các biện pháp “gác cổng”, ngày càng coi trọng chất lượng thông tin.
Nhìn từ thực tế đời sống truyền thông hiện nay cho thấy, nếu công chúng không muốn bị “ngập lụt” trong biển thông tin internet, có thể dùng phương pháp đơn giản nhất là sử dụng công nghệ hiện đại của internet để thu được những thông tin có giá trị nhất mà mình mong muốn. Đương nhiên, hiện tại, công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai ban đầu, quá trình thực hiện cụ thể vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Nhưng xét về lâu dài, Interface Agent (tác tử giao diện)(1), mà Nicholas Negroponte - chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng của Mỹ nói đến - sẽ xuất hiện. Tác tử giao diện chính là một “người gác cổng”.
Hoạt động “gác cổng” ở cấp độ vĩ mô vẫn là việc chính phủ trực tiếp “gác cổng”, bao gồm: thông qua các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát. Đương nhiên, người ta có thể dễ dàng vượt qua sự kiểm soát về mặt kỹ thuật bằng cách sử dụng Proxy sever(2). Ví dụ, sau sự kiện “Mùa xuân Ả-rập” ở Bắc Phi, Trung Đông năm 2010, đặc biệt là vụ bạo loạn tại Anh năm 2011, các blog và trang cá nhân trên các phương tiện truyền thông xã hội đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với dư luận xã hội(3).
Ngoài ra, trong đời sống truyền thông hiện đại, hoạt động “gác cổng” ở cấp độ vi mô được coi là “gác cổng” đối với một trang web cụ thể có thể thực hiện thông qua các hình thức: lựa chọn nội dung để "gác cổng"; thiết kế kết cấu và giao diện trang web để "gác cổng". Điểm này cơ bản giống với các phương tiện truyền thông truyền thống; thông qua công nghệ “đẩy” (push technology), ví dụ gửi cho công chúng thư điện tử (email) và các công nghệ tương ứng có thể xuất hiện trong tương lai, đưa các giá trị quan phù hợp với mình và coi đó là những thông tin quan trọng nhất.
Cuối cùng, trong môi trường hội tụ truyền thông, báo chí vẫn phải “chiếm lĩnh” và làm chủ thông tin trong “không gian internet”, từ đó mới thực sự trở thành người định hướng dư luận xã hội. Một trong những kinh nghiệm của nước Anh trong việc quản lý các phương tiện truyền thông xã hội đó là xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng không gian mạng để chống phá chính phủ. Để kịp thời ngăn chặn những vụ bạo loạn tương tự xảy ra, Chính phủ Anh đã ban hành lệnh hạn chế truy cập, thậm chí là ngắt kết nối một số dịch vụ trực tuyến, viễn thông nếu xảy ra bạo loạn. Ngoài ra, nhằm siết chặt hơn nữa việc quản lý blog và các trang cá nhân trên các phương tiện truyền thông xã hội, Bộ Nội vụ Anh đã làm việc với Twitter, Facebook và Blackberry nhằm bàn thảo các biện pháp để ngăn chặn người sử dụng thực hiện các âm mưu bạo loạn trực tuyến. Sau buổi làm việc, Facebook cho biết, sẽ ưu tiên xem xét các nội dung được cho là “nghiêm trọng trong thời điểm nhạy cảm như các cuộc bạo loạn” để thực hiện cam kết với Chính phủ Anh.
Truyền thông xã hội đã và đang tạo ra một “cuộc chơi” mới khiến các cơ quan quản lý phải thay đổi nhận thức, để vừa định hướng dư luận, vừa giữ được công chúng. Báo chí truyền thống vẫn có chỗ đứng vững chắc và quan trọng trong “trận địa” thông tin mở như hiện nay, nếu duy trì được chất lượng, coi nội dung là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng”; đồng thời, khai thác được những ưu việt mà truyền thông xã hội đem lại./.
-----------------------------
(1) Một agent (tác tử) là một thành phần phần mềm hoặc phần cứng có khả năng hoạt động chính xác để hoàn thành nhiệm vụ thay mặt chủ nhân của agent. Trên internet, một agent (hay còn được gọi là Intelligent agent - tác nhân thông minh) là một chương trình thu thập thông tin hoặc thực hiện một số dịch vụ khác mà không cần người điều khiển và hoạt động theo thời gian đã được lên lịch sẵn. Một agent đôi khi còn được gọi là bot (viết tắt của rô-bốt)
(2) Proxy Server là giải pháp cung cấp sự mở rộng và hiệu quả trong truy cập Internet. Thay cho việc gán cho mỗi máy khách một kết nối Internet trực tiếp thì trong trường hợp này. Tất cả kết nối bên trong đều có thể được cho qua một hoặc nhiều Proxy và lần lượt kết nối ra ngoài.
(3) Ngày 23-8-2011, hơn 1.400 người đã phải có mặt tại tòa vì có liên quan đến vụ bạo loạn, cướp bóc tại Luân-đôn và một số địa phương khác. Theo Bộ Tư pháp Anh, 157 người đã bị kết án, 327 người được bảo lãnh tự do và hơn 800 người vẫn bị tạm giam. Trước đó, Jordan Blackshaw, 21 tuổi và Perry Sutcliffe-Keenan, 22 tuổi, đều ngụ tại Cheshire đã bị tuyên án 4 năm tù vì kích động bạo loạn trên Facebook. Trong khi đó, David Glyn Jones, 21 tuổi ở Bangor, phía Bắc xứ Wales đã bị bắt giam 4 tháng sau khi kêu gọi bạn bè trên Facebook “Hãy bắt đầu cuộc bạo loạn Bangor”.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng internet ở Việt Nam  (02/02/2023)
Các phương tiện truyền thông xã hội và những thách thức đối với an ninh tư tưởng ở nước ta hiện nay  (06/01/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển