Các phương tiện truyền thông xã hội và những thách thức đối với an ninh tư tưởng ở nước ta hiện nay
TCCS - Sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông xã hội đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với vấn đề an ninh quốc gia, trong đó có an ninh tư tưởng ở nước ta.
Theo khoản 22, Điều 3, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, mạng xã hội (social network) - loại hình chủ đạo trong các phương tiện truyền thông xã hội (social media) - “là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.
Các phương tiện truyền thông xã hội ở nước ta hiện nay có 2 loại: 1- Các phương tiện truyền thông xã hội trong nước với các ứng dụng có số lượng người sử dụng khá lớn, như: Zalo, Zing, Otofun, Gapo và Lotus…; 2- Các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài, như Facebook, Youtube, Instagram, Twitter… Trong đó, các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài có nhiều ứng dụng nổi trội hơn hẳn nhờ cấu trúc phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao.
Với số lượng hàng tỷ người trên thế giới tham gia và gia tăng nhanh chóng từng ngày, từng giờ, các phương tiện truyền thông xã hội đang tạo ra một xã hội “ảo” tồn tại song song với xã hội thực và trở thành một “mặt trận” mới về an ninh ở các quốc gia.
An ninh tư tưởng là một vấn đề lớn, vừa thuộc phạm trù chính trị, vừa thuộc phạm trù văn hóa và liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia. Mục tiêu của công tác an ninh tư tưởng trong bối cảnh các phương tiện truyền thông xã hội bùng nổ là bảo đảm hệ tư tưởng của Đảng ta giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần ở nước ta, chiếm vị trí quan trọng trên không gian mạng và có khả năng dẫn dắt các xu hướng tư tưởng khác; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống lại các âm mưu chống phá và các hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng, truyền bá những nội dung phản văn hóa… diễn ra trên không gian mạng.
Bảo vệ an ninh trên các phương tiện truyền thông xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các quốc gia hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quan điểm, phương pháp, cách thức triển khai, cũng như việc xác định đối tượng hướng tới để có những giải pháp hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện mới.
Thực tiễn một số nước trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy, các phương tiện truyền thông xã hội đã có những tác động, ảnh hưởng lớn đến chính trị. Các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò là những công cụ tập hợp lực lượng, dẫn dắt trong các cuộc biểu tình, đấu tranh, như các trường hợp của “mùa Xuân Arập” ở Bắc Phi và Trung Đông (năm 2010), hay như phong trào biểu tình ở Hong Kong (năm 2014), phong trào “biểu tình áo vàng” ở Pháp (2018 - 2019)… Các biến động chính trị này xảy ra do nhiều nguyên nhân và trong những điều kiện khác nhau, nhưng đều có điểm chung là sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để phát tán những thông tin tiêu cực, kích động rất nhiều người đến từ các vùng, miền khác nhau tham gia biểu tình chống phá… Hình ảnh về cuộc biểu tình được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội đã kích động những người khác tiếp tục xuống đường và làm cho các cuộc biểu tình này diễn ra liên tiếp theo nhiều đợt khác nhau(1), phá rối an ninh, thậm chí gây bạo loạn quy mô lớn, như phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” được phát động từ mạng xã hội lan rộng trên khắp nước Mỹ, sau đó lan ra hơn 1.500 thành phố trên toàn thế giới chỉ sau một tháng. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông xã hội còn là môi trường cho các tổ chức khủng bố quốc tế, như IS, Al Qaeda... hoạt động tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động, gây ra mối lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế(2). Các phương tiện truyền thông xã hội đang tồn tại rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh chính trị của các quốc gia.
Theo số liệu thống kê của tổ chức Internet World Stats, tính đến tháng 1-2022, Việt Nam là quốc gia có lượng người sử dụng internet cao thứ 14 trên thế giới và đứng thứ 8 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á(3); có hơn 72,1 triệu người dùng internet, tương ứng với 73,2% dân số cả nước, với khoảng có 76,95 triệu người dùng các phương tiện truyền thông xã hội, tương đương với 78,1% dân số, tăng 5 triệu tài khoản so với năm 2021. Điều này khiến cho các phương tiện truyền thông xã hội trở thành một kênh thông tin quan trọng của người dân... Hằng ngày, mỗi người Việt Nam dành 6 giờ 38 phút để truy cập internet (gần tương đương với mức bình quân của thế giới là 6 giờ 58 phút), xếp thứ 26 trên thế giới về lượng thời gian sử dụng internet mỗi ngày; trong đó, khoảng 2 giờ 28 phút sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, gần tương đương với mức trung bình của thế giới (2 giờ 27 phút)(4). Các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam lần lượt là: Facebook, Zalo, Messenger, Tiktok, YouTube, Instagram, Twitter(5)... Trung bình mỗi người dùng khoảng 7,4 nền tảng phương tiện truyền thông xã hội khác nhau để phục vụ những nhu cầu như liên lạc với bạn bè, gia đình, đọc tin tức, “bắt trend”,… Facebook giữ vị trí dẫn đầu với 93,8% tài khoản dùng thường xuyên hằng tháng và Zalo vươn lên vị trí thứ hai với 91,3%. Theo sau là Facebook Messenger, TikTok, Instagram, Twitter… Điều này tạo nên một cộng đồng các phương tiện truyền thông xã hội Việt Nam hết sức đông đảo, đa dạng về thành phần, trình độ, văn hóa...
Trong điều kiện không gian mạng nói chung và các phương tiện truyền thông xã hội nói riêng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, an ninh tư tưởng của đất nước đang đứng trước những thách thức mới và phức tạp.
Thứ nhất, với tính chất rộng mở, tự do của các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch xác định đây là một trong những mặt trận chính để thực hiện mục tiêu chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta; chia rẽ nội bộ, phá hoại mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; làm cho người dân hoài nghi về vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Họ cắt xén, thêm bớt, ngụy tạo các sản phẩm thông tin thật - giả rất khó phân biệt, phát tán trên các nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến, như Facebook, Instagram, Youtube... để tuyên truyền sai sự thật về tình hình chính trị trong nước; kết nối, tập hợp lực lượng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Mặt khác, các phần tử thù địch, phản động từ nước ngoài ra sức hậu thuẫn, “hà hơi tiếp sức” các đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị trong nước, hình thành mạng lưới chống đối rộng khắp, khiến công tác đấu tranh của ta thêm khó khăn, phức tạp.
Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, cổ xúy du nhập các trào lưu tư tưởng phi mác-xít, cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa thực dụng từ bên ngoài, kết hợp với kích động chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa hưởng lạc từ bên trong, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, không ngừng rao giảng, đề cao tư tưởng phương Tây, khoác áo “khách quan học thuật”, “văn hóa, văn minh” để quảng bá về cái gọi là “các giá trị phương Tây”.
Thứ ba, các thế lực thù địch còn triệt để lợi dụng các biện pháp kỹ thuật để tấn công mạng, đe dọa an toàn, an ninh mạng của nước ta. Mỗi năm, có hàng nghìn trang mạng của nước ta bị tấn công, chỉnh sửa, chèn thêm nội dung, cài mã độc, trong đó có hàng trăm trang tên miền “gov.vn” của các cơ quan nhà nước. Nhiều thiết bị kết nối internet tồn tại lỗ hổng bảo mật, tạo cơ hội để tin tặc khai thác thông tin phục vụ mục đích an ninh, tình báo, thương mại, theo dõi các nguồn tin, nghe trộm các cuộc thoại; thu chặn, sửa đổi hoặc nghe lén các gói tin truyền trên internet; từ đó khuấy động, xuyên tạc thông tin, tạo dư luận giả, gây hoang mang cho công chúng và tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của nhân dân.
Để đấu tranh bảo đảm an ninh tư tưởng của đất nước trên các phương tiện truyền thông xã hội có hiệu quả, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng, công tác an ninh mạng nói riêng và an ninh quốc gia nói chung. Trên không gian mạng, chủ động tăng cường nội dung mang tính tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhất là những giá trị về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới…
Thứ hai, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, chuẩn bị các luận cứ khoa học thuyết phục, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc; làm cho không gian mạng thực sự lành mạnh, an toàn. Tập trung đi sâu nghiên cứu, giải đáp những vấn đề mà dư luận xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau. Tiếp tục nghiên cứu trên quan điểm khách quan, khoa học những tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiến bộ để chắt lọc, tiếp thu những giá trị tư tưởng, văn hóa tinh hoa của nhân loại, làm phong phú đời sống tư tưởng, tinh thần của xã hội, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến hệ tư tưởng chủ đạo trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp. Trong thời đại internet với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội, cần đổi mới công tác tư tưởng bằng nhiều hình thức sinh động và dễ lan tỏa, hấp dẫn, có khả năng tương tác mạnh mẽ.
Thứ tư, cần xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các dư luận viên trên không gian mạng. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các KLO trên không gian mạng, là những người có uy tín, có ảnh hưởng lớn trên các phương tiện truyền thông xã hội (người của công chúng, các trí thức, văn nghệ sĩ); hướng dẫn họ thể hiện các quan điểm, nhận xét phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tăng cường theo dõi, rà quét để kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự xâm nhập của các luồng tư tưởng lai căng, phức tạp, đi ngược lại những giá trị tư tưởng, văn hóa, chuẩn mực trên các phương tiện truyền thông xã hội. Cần hết sức quan tâm đến lực lượng thanh, thiếu niên - là lực lượng tích cực nhất trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay - cung cấp thông tin đầy đủ giúp họ đủ nền tảng kiến thức, có đủ “sức đề kháng” để nhận diện đúng - sai và không bị xúi giục, làm theo những tư tưởng, lối sống lệch lạc, xa lạ với truyền thống tư tưởng, văn hóa của dân tộc.
Thứ năm, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và quản lý không gian mạng thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội coi trọng tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa, đủ năng lực nhận biết, phân biệt đúng - sai, thật - giả, tích cực đấu tranh, phê phán các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên không gian mạng. Quản lý chặt chẽ các dịch vụ trên không gian mạng xuyên biên giới vào Việt Nam; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, internet trên lãnh thổ Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Rà soát, quy hoạch lại các hệ thống kết cấu hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet bảo đảm ngăn chặn hiệu quả tấn công mạng và loại bỏ thông tin gây nguy hại đến an ninh quốc gia; tập trung quản lý chặt chẽ các loại hình thông tin trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog… hoạt động theo đúng quy định của pháp luật./.
----------------------
(1), (2) Xem: Bộ Công an, Học viện An ninh nhân dân: Bảo đảm an ninh thông tin trong kỷ nguyên 4.0, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 829, tr. 16 - 17
(3), (5) Xem “Digital 2022: Vietnam”, http://datareportal.com/reports/digital-2022-vietnam
(4) https://datareportal.com/reports/digital-2022-global-overview-report?utm_source=DataReportal&utm_medium=Country_Article_Hyperlink&utm_campaign=Digital_2022&utm_term=Vietnam&utm_content=Global_Promo_Block, ngày 26-1-2022
Nhận diện tham nhũng dưới góc độ nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống  (20/06/2022)
Nhận thức về an ninh phi truyền thống theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và những vấn đề đặt ra đối với pháp luật hình sự Việt Nam  (05/02/2022)
Ứng phó và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh - tiếp cận từ quản trị an ninh phi truyền thống  (03/10/2021)
Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội  (15/10/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên