Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội
TCCS - Ngày 27-1-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15, ngày 16-6-2022; Chính phủ triển khai tại Nghị quyết số 106/NQ-CP, ngày 18-8-2022. Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km. Trong đó, đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 58,2km; trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng và vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Nhìn chung, các hạng mục công việc đang được triển khai đáp ứng theo các mốc tiến độ trong Kế hoạch phối hợp giữa 3 tỉnh thành phố. Trong đó, công tác lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cung cấp các thông số hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu; công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đạt tiến độ đề ra.
Hiện nay, công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, đáp ứng tiến độ đề ra. Công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển mồ mả của các quận/huyện được tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đáp ứng tiến độ đề ra. Công tác phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc với các sở, ngành và các địa phương bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan chấp thuận chủ trương cải tạo, chỉnh trang và cho phép vừa lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vừa thiết kế, vừa thi công cải tạo, chỉnh trang các nghĩa trang hiện có trong các thôn, xã, phường để phục vụ di chuyển mộ trong phạm vi thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án; cho phép chỉ định thầu các dự án cải tạo, mở rộng, xây mới nghĩa trang vào dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Đặc biệt, các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép vừa lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vừa thiết kế, vừa thi công đối với các công trình xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng; đồng thời, được phép phân giai đoạn, hạng mục thực hiện đầu tư để tiến hành thiết kế theo từng giai đoạn, từng hạng mục phục vụ cho công tác thi công trên cơ sở bảo đảm tính đồng bộ cho toàn công trình, phù hợp với khối lượng di dời, giải phóng mặt bằng của dự án...
Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã khảo sát tại vị trí giao Đại lộ Thăng Long - đường Vành đai 4 (Km20+500 Đại lộ Thăng Long) thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh việc phối hợp chặt chẽ và sáng tạo của ba địa phương, nhất là ba đồng chí bí thư tỉnh ủy/thành ủy làm trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng - khâu quyết định tiến độ các dự án giao thông, vì việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp giữa các địa phương. Giải phóng mặt bằng là khâu quyết định tiến độ các dự án giao thông.
Về các vướng mắc, Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải quyết ngay theo thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương chuẩn bị các công việc, làm sớm nhất có thể, tránh giấy tờ, thủ tục phiền hà không cần thiết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Thủ tướng việc xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ mở ra không gian phát triển mới, với các khu công nghiệp, khu đô thị, tránh ách tắc giao thông, khai thác quỹ đất. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu việc thiết kế các nút giao trên tuyến đường phải bảo đảm khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật để các nút giao là những điểm nhấn về cảnh quan, góp phần phát triển du lịch.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công đồng loạt các hạng mục dự án ở cả 3 tỉnh, thành phố vào tháng 6 này để phấn đấu tháng 6-2025 hoàn thành dự án.
Trò chuyện với người dân vùng dự án tại hiện trường, Thủ tướng vui mừng vì người dân đồng thuận cao với việc triển khai dự án và chấp thuận đền bù giải phóng mặt bằng. Mặc dù bà con đang sản xuất, kinh doanh cho thu nhập tốt, song sẵn sàng nhường đất cho dự án.
Thủ tướng mong muốn người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án tiếp tục chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai dự án, vì dự án càng sớm hoàn thành thì người dân sớm hưởng lợi; đồng thời góp phần xây dựng đất nước và Thủ đô ngày càng giàu đẹp, nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc.
* Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và dự lễ phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại Khu Di tích K9 - Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương.
Tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Khu Di tích K9 - Đá Chông, một địa điểm lịch sử đặc biệt gắn liền với cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và thế giới; Anh hùng Giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Thủ tướng và các đại biểu nguyện phấn đấu học tập, làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tại buổi lễ phát động tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - xuân Quý Mão 2023, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội tổ chức, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cách đây 64 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân hưởng ứng tháng trồng cây “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây”. Từ đó đến nay, “Tết trồng cây” trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta trong dịp tết đến, xuân về.
Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao cây tượng trưng cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và các tầng lớp nhân dân đã trồng 3.000 cây xanh trên tổng diện tích 3.5ha tại Khu Di tích K9 - Đá Chông./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ  (25/01/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cao Bằng cần tập trung phát triển kinh tế vùng biên, kinh tế cửa khẩu  (16/01/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Mọi chủ trương, đường lối đều vì lợi ích của nhân dân  (15/01/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng Nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất  (25/12/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên