Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Mọi chủ trương, đường lối đều vì lợi ích của nhân dân
TCCS - Ngày 14-1-2023, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Thủ đô Hà Nội, kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, những thách thức, khó khăn rất lớn của thời kỳ hậu COVID-19, những biến động nhanh, khó lường trên thế giới và trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân trong nước. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt và sáng tạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội nước ta đã từng bước phục hồi và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm; niềm tin xã hội, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn hơn.
Trong lĩnh vực xã hội, lao động - việc làm, năm 2022, đã hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động; đưa gần 143 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững.
Cùng với đó là đẩy mạnh giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công trên tinh thần không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế... ; bảo đảm thực hiện chế độ cho hơn 2,5 triệu người cao tuổi, 1,5 triệu người khuyết tật. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đưa ra nhiều thách thức mà chúng ta cần giải quyết trong năm 2023 và thời gian tới:
Một là, vấn đề già hóa dân số: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có các vấn đề quan trọng như: thị trường lao động, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...
Hai là, sự thay đổi trên thế giới về vấn đề việc làm, đó chính là vấn đề di cư, di biến động, việc làm có chất lượng và tiền công thỏa đáng.
Ba là, vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa tới sinh kế của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực dễ tổn thương, như nông nghiệp, nông dân, dân tộc thiểu số,...
Bốn là, vấn đề việc làm phi chính thức, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn đang phải chấp nhận làm các công việc dễ bị tổn thương. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%. Đó là một thử thách đối với hệ thống an sinh xã hội trên các phương diện như: bảo hiểm xã hội, khả năng tiếp cận hỗ trợ từ thị trường lao động,…
Năm là, vấn đề hiện thực hóa khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chính sách xã hội với yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp cùng với cách tiếp cận mới, sáng tạo cho những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành lao động - thương binh và xã hội có các đặc điểm: đối tượng quản lý nhiều, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, nhạy cảm, yêu cầu cao, khả năng đáp ứng có hạn, thời gian thì “chẳng đợi ai”. Vì vậy, chúng ta phải có cách ứng xử đúng đắn, luôn luôn thích ứng, đổi mới, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, vấn đề liên quan đến thể chế, tổ chức thực hiện, công tác phối hợp để quản lý tốt. Như vậy, có thể thấy, nhiệm vụ của ngành rất nặng nề, bao quát, xuyên suốt. Đồng chí Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong những thành tích chung của cả nước có đóng góp của ngành lao động - thương binh và xã hội. Ngành đã hoàn thành 6/6 chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được chú trọng, trong đó có xây dựng, kết nối dữ liệu của ngành với cơ sở dữ liệu về dân cư.
Chính sách người có công với cách mạng tiếp tục được hoàn thiện, triển khai kịp thời. Trợ cấp 1,2 triệu người có công với cách mạng, giải quyết hồ sơ tồn đọng với tinh thần không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Kết nối cung - cầu lao động được tăng cường, thúc đẩy; thị trường lao động phục hồi tốt. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của nền kinh tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, tiệm cận với các yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Công tác giảm nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... triển khai khá toàn diện và tương đối đầy đủ, hiệu quả...
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số vấn đề còn hạn chế, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới, như: Chỉ tiêu về tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu; chưa chủ động trong xây dựng, nghiên cứu chiến lược, kế hoạch dài hạn; thị trường lao động phát triển không đồng đều, bền vững, an toàn. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng, chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền còn lớn. Tổ chức thực hiện chính sách xã hội vẫn là khâu yếu, chưa đồng bộ, đồng đều giữa các địa phương. Bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng. Còn xảy ra nhiều vụ, việc xâm hại trẻ em, trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước. Tệ nạn xã hội, số người nghiện ma túy có xu hướng tăng, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp...
Trước những khó khăn, thách thức trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nhiệm vụ của ngành lao động - thương binh và xã hội trong năm 2023 là rất lớn, nặng nề, tổng thể đòi hỏi phải có sự quyết tâm, đoàn kết tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế; với tinh thần tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần nhân ái, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý phát triển xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành lao động - thương binh và xã hội cần phải:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả đường lối Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và 10 năm; các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị; nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; có phản ứng chính sách kịp thời.
Thứ hai, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026: “Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”.
Thứ ba, bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, huy động mọi nguồn lực chung tay chăm lo đời sống của người có công; tăng cường vận động, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ…
Thứ tư, phát triển thị trường lao động có tính cạnh tranh, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và của các hiệp hội, hội đoàn nghề nghiệp trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Theo đó, ngành lao động - thương binh và xã hội cần tập trung triển khai tốt Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại chỗ.
Thứ năm, xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số. Có giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động; đặc biệt, tăng cường kỹ năng số cho người lao động. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt, theo tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư trong đào tạo nghề.
Thứ sáu, xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng trước các rủi ro trong cuộc sống. Bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ, phù hợp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ tám, tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam; chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy…
Thứ chín, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối, liên thông dữ liệu; tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Thứ mười, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Ngoài ra, cần sắp xếp tinh giản bộ máy, tăng hiệu quả hoạt động./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng Nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất  (25/12/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Samsung cần coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược toàn cầu  (24/12/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Vương quốc Hà Lan  (13/12/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm