Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16 đến 22-04-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:06, ngày 24-04-2018

TCCSĐT - Ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo; xử lý kịp thời trước những thay đổi chính sách thương mại của các nước; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư; hoàn thiện nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa được Chính phủ ban hành.

Tổ tư vấn của Thủ tướng dự báo triển vọng kinh tế 2018 - 2020

Chiều 20-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Đây là lần làm việc thứ hai của Thủ tướng với Tổ tư vấn, nhằm lắng nghe các thành viên đóng góp ý kiến với Chính phủ về các chính sách phát triển kinh tế, góp phần giúp Chính phủ hoạch định chính sách và điều hành kinh tế xã hội phát triển tốt hơn.

Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ tiếp tục thực hiện đó là lắng nghe doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khơi thông nguồn lực phát triển. Tổ tư vấn dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 trên 3 kịch bản chính. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm, kịch bản 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 là 7,47%/năm.

Với 3 kịch bản được tính toán dựa trên mô hình kinh tế lượng dạng cấu trúc, Tổ tư vấn đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm tới, từ 2018 - 2020, ở mức 6,85%.

Tổ tư vấn đề xuất giải pháp về nâng cao năng suất lao động, trong đó có việc xây dựng một chiến lược tăng năng suất lao động quốc gia, phát động phong trào quốc gia về tăng năng suất để nâng cao nhận thức và hành động của doanh nghiệp và người lao động. Tổ tư vấn cũng đề xuất giải pháp về phát triển kinh tế số, trong đó thiết lập một cơ chế phối hợp ba nhà, gồm doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách để thường xuyên trao đổi, nghiên cứu, tìm lời giải bài toán thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, Tổ tư vấn đề xuất đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trên nền tảng sản xuất quy mô lớn. Theo đó, cần thành lập tổ công tác liên ngành để nghiên cứu, đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp về tích tụ, tập trung ruộng đất, mô hình tổ chức sản xuất. Đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm thì có thể thực hiện mô hình thí điểm.

Tổ tư vấn cũng đề nghị cần chủ động tận dụng hiệu quả cơ hội và ứng phó các thách thức hội nhập, trong đó cần chú ý đến căng thẳng thương mại đang có dấu hiệu gia tăng gần đây, thậm chí có thể lan sang chiến tranh tiền tệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thành viên của Tổ tư vấn đưa ra nhiều ý kiến sát diễn biến thực tế kinh tế xã hội, trong đó có cả báo động cho Thủ tướng biết về những nguy cơ của nền kinh tế đất nước. Ghi nhận tất cả ý kiến và tiếp thu các vấn đề tại buổi làm việc, Thủ tướng giao Tổ tư vấn phối hợp với Văn phòng Chính phủ đề xuất các đầu mục và nội hàm của chính sách để Thủ tướng giao một số cơ quan chức năng nghiên cứu cụ thể hơn.

Về định hướng phát triển nền kinh tế thời gian tới, Thủ tướng bày tỏ đồng tình với quan điểm mà nhiều thành viên của Tổ tư vấn nêu ra, đó là phát triển cao hơn nhưng phải bền vững, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là tiếp tục giải phóng sức sản xuất thông qua thể chế chính sách và đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng cũng đồng ý với quan điểm phải chuyển hướng sự phát triển của nền kinh tế mà trước hết là tìm dư địa tăng trưởng, chuyển sang hướng xanh, chất lượng; gắn FDI với kinh tế Việt Nam; đặc biệt là tránh tình trạng chưa giàu đã già.

Nêu lên yêu cầu “phải tìm một động lực tăng trưởng mới ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay và đặc biệt là kế hoạch giai đoạn 2018 - 2021, Thủ tướng cho rằng, động lực đó là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm chi phí và thủ tục.

Thủ tướng cũng nêu vấn đề cần cố gắng tìm một số động lực cụ thể trong tiềm năng phát triển như du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là công nghiệp xuất khẩu là những thế mạnh của Việt Nam.

Một số nội dung chính trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3

Ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo; xử lý kịp thời trước những thay đổi chính sách thương mại của các nước; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư; hoàn thiện nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 tối thiểu 6,7% và quyết tâm phấn đấu đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo; đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc, bảo đảm phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Liên quan đến vấn đề ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá; kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Về vấn đề cải cách doanh nghiệp, nâng sức cạnh tranh, đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ các đột phá chiến lược, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Song song đó là tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong tháo gỡ những khó khăn, giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện các công trình, dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, năng lượng, sản xuất công nghiệp trọng điểm để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra tháng 3 năm 2018, giao Tổ công tác tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty; tập trung kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là việc khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Tổ công tác; trong đó tập trung tiếp tục rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các điều kiện kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách để đơn giản hóa, cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, bảo đảm mục tiêu của Chính phủ đã đề ra; khẩn trương xây dựng, báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.

Thỏa thuận đàm phán Brexit đã hoàn thành được 2/3 quãng đường

Ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Anh rời khỏi khối này (còn gọi là Brexit), ngày 20-4 cho biết còn khoảng 25% công việc cần phải hoàn thành trong thỏa thuận Brexit, bao gồm các vấn đề then chốt như quản lý đường biên giới giữa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.

Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, ông Barnier cho biết các bên liên quan đã nhất trí được với nhau về khoảng 75% các nội dung. Tuy nhiên, từ nay cho tới tháng 3-2019, thời điểm dự kiến cho Brexit, vẫn có nguy cơ hai bên không đạt được một thỏa thuận cuối cùng do vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, cùng ngày, Anh tuyên bố sẽ bảo vệ vị trí của Bắc Ireland trong thị trường nội địa Anh, sau khi báo Telegraph của nước này đưa tin EU đã bác các đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm giải quyết vấn đề biên giới trên đảo Ireland.

Việc tìm cách tránh kiểm soát biên giới giữa quốc gia thành viên EU, Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh hậu Brexit là một trong những vấn đề gai góc nhất trong đàm phán Brexit.

Cả Anh và EU đều cam kết tránh một "biên giới cứng" trên đảo Ireland vì lo ngại tái bùng phát tình trạng bạo lực tôn giáo tại đây và phá vỡ thỏa thuận hòa bình Ngày Thứ sáu Tốt lành năm 1998. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa hai bên cho tới nay chưa đưa ra được giải pháp nào cho vấn đề này.

Trước đó, ngày 18-4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cảnh báo Anh cần đưa ra giải pháp cho vấn đề biên giới với Ireland sau khi London rời khỏi "ngôi nhà chung," hoặc sẽ không có thỏa thuận "ly hôn" nào hay giai đoạn chuyển tiếp nào.

Tại Hội nghị thượng đỉnh mới đây nhất, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua phương hướng về một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng sau khi Anh rời khỏi EU vào tháng 3-2019, cũng như cho giai đoạn đàm phán tiếp theo. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU cũng đặt ra thời hạn chót cho tiến trình đàm phán về đường biên giới giữa Anh và Ireland vào tháng Sáu tới.

Giá dầu thế giới lập "đỉnh," chạm mức cao chưa từng thấy từ cuối 2014

Giá dầu thế giới phiên 19-4 có lúc tăng mạnh và chạm các mức cao chưa từng thấy kể từ cuối năm 2014, nhờ nguồn cung dầu thế giới tiếp tục hạ trong khi Saudi Arabia tìm cách đẩy giá “vàng đen” lên cao hơn.

Đóng phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5-2018 hạ 18 xu Mỹ xuống mức 68,29 USD/thùng sau khi có lúc tăng lên mức 69,56 USD/thùng, mức cao nhất kể từ phiên 28-11-2014. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã tăng 8% trong tám ngày giao dịch vừa qua.

Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2018 tăng 30 xu Mỹ lên 73,78 USD/thùng. Giá loại dầu này có lúc vọt lên mức 74,75 USD/thùng, mức cao chưa từng thấy kể từ phiên 27-11-2014 - ngày Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định bơm ra thị trường nhiều dầu nhất có thể để bảo vệ thị phần của khối này.

Hai nguồn tin thân cận cho biết theo Ủy ban Kỹ thuật Chung của OPEC và các nước nằm ngoài khối này, tình trạng dư cung dầu toàn cầu hầu như đã được loại bỏ. Kết quả này có được một phần nhờ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu do OPEC dẫn dắt. Ủy ban nhận định dự trữ dầu tại các nước phát triển trong tháng 3-2018 chỉ đứng ở mức 12 triệu thùng và trên ngưỡng trung bình trong 5 năm.

Đồng quan điểm này, Anthony Scott, Giám đốc điều hành tại BTU Analytics tại Denver, nhận định nhìn chung, cán cân cung-cầu hiện khá cân bằng.

Đường đi của giá dầu hiện còn phụ thuộc khá nhiều vào mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC. Ngày 19-4, Iran cảnh báo Mỹ về những hệ quả "không dễ chịu" nếu Washington từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức).

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa rút khỏi thỏa thuận mà ông cho là "tồi tệ" này, đồng thời đã ra hạn chót vào ngày 12-5 cho Anh, Pháp, Đức để sửa đổi một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân 2015, hoặc ông sẽ từ chối tiếp tục nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.

IMF hối thúc Mỹ và Trung Quốc giải quyết căng thẳng thương mại

Ngày 21-4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và Trung Quốc giải quyết căng thẳng thương mại thông qua các thể chế đa phương hoạt động dựa trên những quy tắc cụ thể.

Tại buổi họp báo sau khi kết thúc phiên họp của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC), cơ quan hoạch định chính sách của IMF, bà Lagarde cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần nỗ lực giải quyết bất đồng dựa trên nền tảng thương mại tự do và trong khuôn khổ các thể chế đa phương.

Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh là một cộng đồng toàn cầu, các bên cần duy trì thương mại cởi mở và bảo đảm hoạt động trong khuôn khổ hệ thống đa phương và phải giải quyết những tranh chấp nảy sinh.

Trước đó, bà Lagarde từng cảnh báo sẽ không có người thắng cuộc nếu một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, hậu quả là sự tổn hại tới lòng tin, môi trường đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các phát biểu trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin Mnuchin cho biết, ông đang cân nhắc tiến hành chuyến thăm Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề thương mại với người đồng cấp Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó đã ra thông báo hoan nghênh kế hoạch cử các quan chức thương mại Mỹ sang Trung Quốc để thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại.

Trong nhiều tuần qua, việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại. Washington đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn.

Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.

Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump hôm 05-4 cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung.

Trong một diễn biến khác, theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 22-4, nước này hoan nghênh kế hoạch của các quan chức hàng đầu Mỹ tới Bắc Kinh để tiến hành thảo luận các vấn đề thương mại và kinh tế, giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Thông báo đăng tải trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc có đoạn viết: "Phía Trung Quốc đã nhận được thông tin rằng phía Mỹ hy vọng tới Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề kinh tế và thương mại. Trung Quốc hoan nghênh động thái này".

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông đang tiếp tục các cuộc thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc nhằm nỗ lực giải quyết các bất đồng song phương liên quan tới vấn đề thương mại, đồng thời nhấn mạnh ông có thể tới Trung Quốc.

Ông Mnuchin nói: "Tôi chưa thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về thời điểm, cũng như chưa có gì để xác nhận, song chúng tôi đang cân nhắc một chuyến thăm Trung Quốc"./.