Xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên ở đảng bộ tỉnh Lâm Đồng
TCCS - Ngay từ khi Đảng ta ra đời, Đảng và Bác Hồ luôn quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức luôn gắn với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên ở Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh là yêu cầu rất cần thiết để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Đạo đức là cái gốc của người cách mạng; Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Người đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1)... Điều đó cho thấy, đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng.
Lâm Đồng nằm ở phía Nam Tây Nguyên, là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều tôn giáo, điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, những năm qua Lâm Đồng luôn nỗ lực phấn đấu, vừa xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, vừa chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó đặc biệt là xây dựng đạo đức cho cán bộ, đảng viên trên cơ sở nền đạo đức cách mạng gắn với đặc thù văn hóa, lối sống của con người vùng đất Nam Tây Nguyên. Cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình thực hành đạo đức của Đảng bộ tỉnh là: Nói đi đôi với làm.
Sự chỉ đạo quyết liệt và những cách làm sáng tạo
Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn xác định, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh là “trung với nước, hiếu với dân”; là yêu thương con người; sống có tình, có nghĩa; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là tinh thần đoàn kết. Chuẩn mực đó được cụ thể hóa bằng các công việc với mục tiêu xây dựng tỉnh Lâm Đồng giàu mạnh, văn minh. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tự xây dựng các chuẩn mực đạo đức phù hợp với đặc thù công việc; đồng thời tổ chức các hoạt động thiết thực để đạo đức cách mạng thẩm thấu vào tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên. Điển hình, như việc tổ chức chào cờ và sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai hằng tuần của các cơ quan hành chính và cơ quan khối Đảng, đoàn thể trong tỉnh. Đây là giây phút thiêng liêng để mỗi một cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự soi rọi lương tâm, đạo đức của mình dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Chương trình “Ngày thứ bảy vì dân”; “Ngày thứ bảy vì nông thôn mới” của Huyện ủy Di Linh tập trung hướng về cơ sở, giải quyết những yêu cầu, bức xúc của nhân dân. Việc “Cán bộ chủ chốt các cấp kiểm điểm dưới cờ vào sáng thứ hai hằng tuần” của Huyện ủy Đam Rông cho thấy sự quyết liệt của Đảng bộ trong xây dựng đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Bên cạnh đó, còn nhiều chương trình, hành động khác, như “Nêu tên bảng vàng” của Bưu điện tỉnh Lâm Đồng; “Mỗi ngày làm một việc tốt, có ích” của Huyện ủy Cát Tiên; “Ngày chủ nhật vì môi trường” của Huyện ủy Đạ Huoai; đề ra các chuẩn mực đạo đức công vụ, bản cam kết và quy trình đánh giá cán bộ, đảng viên của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Lâm Đồng; 06 chuẩn mực đạo đức của ngành tuyên giáo tỉnh: “Đối với Tổ quốc, với Đảng: trung thành - kiên định; đối với nhân dân: gần gũi - lắng nghe; đối với công việc: trách nhiệm - hiệu quả; đối với bản thân: cần, kiệm, liêm, chính; đối với các thế lực thù địch: vững vàng - sắc bén”;... Nhiều cơ quan, đoàn thể trong tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung xây dựng đạo đức thành các chuẩn mực ngắn gọn, như “năm xây, năm chống”, “năm nên, năm không nên”... và niêm yết tại nơi làm việc để mỗi cán bộ, đảng viên quán triệt, thực hiện. Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh cũng được quan tâm thực hiện với các phong trào, như “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Đơn vị huấn luyện giỏi”, “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”... của Đảng ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; phong trào “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”,“ Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” của Đảng ủy Công an tỉnh.
Tất cả những chuẩn mực đạo đức, những việc làm trên đều có ý nghĩa sâu sắc trong việc xây dựng nền tảng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhận thức sâu sắc rằng: Người có đạo đức cách mạng phải là người gắn bó mật thiết với quần chúng, hòa mình với quần chúng; tin, hiểu, lắng nghe quần chúng; đặc biệt phải gương mẫu trước quần chúng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn bám sát cơ sở; các đồng chí bí thư, phó bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ hay đột xuất trực tiếp đến cơ sở, bám sát dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc phát sinh trong nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân; hạn chế tối đa các cuộc làm việc dưới hình thức hội nghị, lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, nổi cộm, bức xúc, tổ chức đối thoại với nhân dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tại chỗ nhiều vấn đề.
Cùng với những việc làm cụ thể trên, Tỉnh đã ban hành Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Chỉ thị “Không uống rượu, bia trong giờ làm việc và buổi trưa các ngày làm việc” vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước, vừa giữ hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong mắt nhân dân. Các quy định trên được đông đảo cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và được dư luận xã hội đánh giá cao. Ngoài ra, việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên không tách rời những phong cách của con người thành phố Đà Lạt; trong đó, phong cách hiền hòa, thanh lịch, mến khách,... của người Đà Lạt được xem là những quy chuẩn trong đạo đức công sở, trong các mối quan hệ song hành cùng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng Đảng về đạo đức ở tỉnh Lâm Đồng nói chung và việc xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên của tỉnh nói riêng cần phải được tiếp tục đổi mới, điều chỉnh để khắc phục hiệu quả một số hạn chế, yếu kém, như sự bất cập giữa lý luận và thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự lỏng lẻo trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của các tổ chức đảng các cấp; sự thiếu ý thức trong việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực chậm được ngăn chặn, đẩy lùi triệt để; sự thiếu sót trên một số mặt trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng,...
Phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên thời gian tới
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định đạo đức của Đảng ta là đạo đức cách mạng. Điều đó cho thấy, đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng là vấn đề rất quan trọng, cần được quan tâm đúng mức trong mọi giai đoạn cách mạng. Vì vậy, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn xác định việc xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, nâng cao đạo đức cách mạng, tạo “sức đề kháng” cho mỗi cán bộ, đảng viên trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; đồng thời, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi phương pháp làm việc, gần dân, lắng nghe dân để giải quyết những bức xúc từ cơ sở với phương châm: “Đổi mới mạnh mẽ; chủ động, sáng tạo; quyết liệt, hiệu quả; bốn hóa hệ thống” (hạt nhân hóa lãnh đạo, hoàn thiện các văn bản pháp quy, đơn giản hóa về thủ tục hành chính, tự động hóa về tổ chức và thực hiện).
Thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung đề ra nhằm hướng tới việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cụ thể hơn trong mỗi cán bộ, đảng viên, phát huy hơn nữa phong cách “thanh lịch, hiền hòa, mến khách” của người dân Đà Lạt. Vì vậy, việc xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên ở tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, thường xuyên giám sát lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, cương quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và gắn với việc thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên đã được chuẩn hóa trong từng cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể. Tiếp tục duy trì mô hình chào cờ và sinh hoạt chính trị vào sáng thứ hai hằng tuần, được xem là việc làm hữu hiệu trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên.
Hai là, nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức đảng, trách nhiệm đảng viên trong sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình trên tinh thần: “ta vì đồng chí, đồng chí vì ta; tất cả chúng ta đều vì Đảng, vì dân”; sống trung thực, nghĩa tình.
Ba là, xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở: “Liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, cán bộ, công chức, viên chức: liêm chính, năng động, sáng tạo, hết lòng vì nhân dân.
Bốn là, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên; triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
Năm là, tiếp tục cải tiến lề lối làm việc, xây dựng tác phong gần dân, trọng dân, tận tụy phục vụ lợi ích của nhân dân; nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm./.
-----------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 14
Cuộc “thư hùng” thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung  (24/04/2018)
Nỗ lực đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo  (24/04/2018)
Nỗ lực đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo  (24/04/2018)
Thủ tướng yêu cầu triển khai công tác pháp luật, khoa học-công nghệ  (23/04/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên