TCCSĐT - Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển thủy sản, cây ăn trái và lúa. Đây là một trong số các thông tin chỉ đạo điều hành mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long: Ưu tiên thủy sản, cây ăn trái, lúa

Thông báo Kết luận của Thủ tướng về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể, trong đó về lĩnh vực tài nguyên môi trường, tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Việt Nam đến năm 2100, công bố, công khai định kỳ làm cơ sở bổ sung, cập nhật chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Rà soát, hoàn thiện, lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, có chiến lược sử dụng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn, mặn; coi nước mặn như một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế. Khẩn trương đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn.

Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia đóng góp từ nhiều nguồn lực, đặc biệt ngoài vốn ngân sách. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đến thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai, đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản sử dụng ít nước ngọt, thích nghi với điều kiện hạn, mặn; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất, giảm diện tích trồng lúa, đẩy mạnh phát triển mô hình canh tác xen canh lúa - cá, lúa - tôm để giảm sử dụng nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, thích ứng với tình trạng nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long theo hướng liên kết vùng, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nghiên cứu chuyển đổi chiến lược, quy hoạch, cơ cấu phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển thủy sản - cây ăn trái - lúa thay cho lúa - thủy sản - cây ăn trái hiện nay; vùng trồng lúa phải đảm bảo sản xuất ăn chắc, chất lượng cao, sử dụng ít nước, ít phát thải khí nhà kính; vùng nuôi trồng thủy sản phải được thủy lợi hóa và xử lý tốt vấn đề môi trường; quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi sản xuất, chế biến và cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả vùng rừng ngập mặn, rừng tràm bảo đảm sinh kế cho người dân, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, đẩy mạnh phục hồi, phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển.

Quy hoạch thủy lợi là then chốt cho phát triển gắn liền với quy hoạch sản xuất nông nghiệp và là định hướng cho một số quy hoạch khác. Rà soát lại quy hoạch thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn năm 2050 để phù hợp với các thách thức đặt ra đối với đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặc biệt cần nghiên cứu, kiểm soát chặt chẽ việc đắp đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất, tránh các ảnh hưởng, tác động lớn đến tự nhiên; xây dựng đề án tổng thể để chống suy thoái, khôi phục rừng ngập mặn ven biển, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông.

Phê duyệt chủ trương đầu tư 2 Dự án điện

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư và một số cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và Dự án đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2. Các dự án trên là công trình năng lượng cấp đặc biệt, nhóm A do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2017-2019.

Mục tiêu đầu tư xây dựng 2 Dự án để tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới khi hệ thống điện miền Nam không đảm bảo cân đối cung - cầu nội vùng; tối ưu hóa sản xuất - truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện quốc gia.

Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi có tuyến đường dây đi qua địa bàn 5 tỉnh và 1 thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư sơ bộ 6.758 tỷ đồng.

Dự án Đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 có tuyến đường dây đi qua địa bàn 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai với tổng mức đầu tư sơ bộ 3.606 tỷ đồng.

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả

Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Theo kế hoạch, sẽ thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn diện trên phạm vi toàn quốc về công tác cấp phép, sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh; công tác kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm, công bố hợp quy, hợp chuẩn; việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tái kiểm theo thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị chức năng đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng thời, tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xác định những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; tổng hợp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sở hở và hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý nhà nước về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, không sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh và không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Tổng hợp, phân tích, đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân để tham mưu về chủ trương, giải pháp phát triển bền vững thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian tới.

Kế hoạch cũng giao cụ thể nhiệm vụ của các Bộ, ngành, cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng./.