Phát huy tính tự lực, sáng tạo và khát vọng làm giàu của người nông dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Ninh
Trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước ta, người nông dân luôn đảm nhận vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt, nước ta xuất phát điểm là nước có nền kinh tế nông nghiệp, nông dân chiếm tỷ lệ rất lớn trong xã hội. Phát huy truyền thống đó, người nông dân tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện vai trò nỗ lực, tự lực, sáng tạo và khát vọng không ngừng vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào thành công đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương sớm đạt thành quả cao trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tính tự chủ, sáng tạo và khát vọng của người nông dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ninh
Tính tự chủ, sáng tạo và khát vọng làm giàu là một giá trị cơ bản, có ý nghĩa rất quan trọng trên con đường phát triển và hiện đại hóa của nông dân các nước phát triển. Theo tác giả Oita Morihiko Hiramatsu, kiến trúc sư của mô hình “Mỗi làng, một sản phẩm” (OVOP) nổi tiếng mang đến sự thành công trong phát triển nông thôn Nhật Bản, cho rằng “tự lực và sáng tạo” được thể hiện như một tư duy đổi mới để hiện thực hóa các sản phẩm và dịch vụ OVOP thông qua các hành động tự khởi xướng sử dụng các nguồn lực tiềm năng trong khu vực(1). Như vậy, tính tự lực, sáng tạo và khát vọng là hệ giá trị rất quan trọng có ý nghĩa định hướng hành vi/hành động của người nông dân trong cuộc sống, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn(2). Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 4-6-2010. Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từ đó, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ hội cho người dân nơi đây phát triển kinh tế; đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chương trình nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như kết quả xây dựng nông thôn mới của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Trên cơ sở đó, ngày 22-2-2022, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 với Quyết định số 263/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức cho nông dân phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã có 91/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 17 tiêu chí; 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 07/13 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; theo bộ tiêu chí nông thôn mới, bình quân chung toàn tỉnh (98 xã) đạt 18,70 tiêu chí, 49,52 chỉ tiêu; thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đến nay, bình quân chung toàn tỉnh (81 xã) đạt 5,83/8 tiêu chí và 23,16/27 chỉ tiêu; thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đến nay bình quân chung toàn tỉnh (16 xã) đạt 3,69/4 tiêu chí và 12,69/13 chỉ tiêu. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng (là tỉnh đầu tiên của miền Bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới). Theo Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước; chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP tỉnh Quảng Ninh) là sản phẩm riêng của tỉnh Quảng Ninh được Trung ương chọn và triển khai nhân rộng ra cả nước. Ngoài ra, tỉnh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc ban hành các cơ chế, chính sách thí điểm thực hiện các mô hình mới trong phát triển nông thôn và phát triển cộng đồng. Việc triển khai và bước đầu đạt được sự thành công trong chương trình nông thôn mới của tỉnh có sự đóng góp tích cực của các cấp hội, đặc biệt là ý chí về tính tự lực, sáng tạo và khát vọng trong công việc sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu của mỗi hội viên là nông dân tỉnh Quảng Ninh.
Những nỗ lực về tính tự lực, sáng tạo và khát vọng làm giàu của nông dân Quảng Ninh - Nhìn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới
Cũng như các địa phương trên cả nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh đã triển khai sâu rộng đến các địa phương và đạt được những thành quả quan trọng. Có được những kết quả này là do các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi địa phương. Đặc biệt, tỉnh hội đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của mỗi nông dân về vai trò, vị trí của họ trong xây dựng nông thôn mới; mỗi nông dân nâng cao tinh thần tư chủ, sáng tạo và khát vọng trong hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế và làm giàu cho quê hương.
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh năm 2021, từ năm 2008 đến nay, các cấp hội đã tổ chức 10.440 buổi tuyên truyền cho 600.955 lượt cán bộ, hội viên nông dân thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ hội; tổ chức 47 lớp tập huấn cho 2.444 cán bộ, hội viên nông dân các chuyên đề gắn với nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng duy trì Trang Nông dân trên Báo Quảng Ninh; chuyên đề “Nông dân Quảng Ninh hội nhập” trên QTV1 định kỳ hằng tháng; phát hành Báo Nông thôn ngày nay, ấn phẩm Trang trại Việt, bản tin công tác Hội đến 100% cơ sở và chi hội; phát trên 45.000 tập tài liệu tại các buổi tuyên truyền có các nội dung liên quan các quy định, cơ chế, chính sách đối với nông dân… Có thể nói, những hoạt động tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các kênh đã góp phần nâng cao nhận thức về tự lực và sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi nông dân.
Để phát huy tinh thần tự lực, chủ động và sáng kiến của nông dân, chính quyền các cấp, nhất là các cấp Hội Nông dân của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua đã luôn quan tâm nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”, người nông dân ở các địa phương đã phát huy tính tự lực bằng hình thức cùng bàn bạc, thảo luận dân chủ, quyết định làm gì, việc gì làm trước, việc gì làm sau phù hợp với khả năng của họ, phù hợp với nguồn lực của địa phương, theo hướng công trình ở thôn, bản do dân tự quản lý, công trình ở xã do xã quản lý. Trong tuyên truyền, vận động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các cấp hội chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực vận động hội viên nông dân đóng góp sức người, sức của, hiến đất làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương. Theo Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2011 đến năm 2021, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện hiến hơn 450.000m đất, tự nguyện tháo dỡ trên 50.000m tường rào; đóng góp hơn 65,3 tỷ đồng, hơn 364.000 ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng; sửa chữa và xây mới 1.461km đường giao thông, 179,3km kênh mương, sửa chữa 253 cầu cống, xây dựng hơn 200 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu sản xuất, 215 hầm biogas; xây dựng các mô hình xử lý rác thải; mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; xây dựng 638 chi hội thực hiện tiêu chí “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”. Thực tế cho thấy tinh thần tự lực của người nông dân không chỉ trong hoạt động kinh tế riêng của gia đình mà còn trong các hoạt động chung phát triển cộng đồng. Điều quan trọng là hành vi tự lực này đã làm tan biến khuôn mẫu hành vi trông chờ, ỷ lại của người nông dân vào chương trình, hỗ trợ của Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng theo Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh còn có không ít những hạn chế, bất cập liên quan đến tính tự lực, sáng kiến và khát vọng của nông dân, chủ yếu là trong những năm qua tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động tới các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có phong trào làm kinh tế của nông dân tại các địa phương gặp nhiều khó khăn; giá vật tư đầu vào trong lĩnh vực sản xuất tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân…
Để kích thích tính tự lực, sáng tạo và khát vọng làm giàu của nông dân, chính quyền và các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tăng cường hướng dẫn, tổ chức cho nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được xác định là phong trào trọng tâm, xuyên suốt. Hằng năm, các cấp hội phối hợp và trực tiếp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho hội viên, nông dân. Vận động hội viên, nông dân dồn điền, đổi thửa sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, mở rộng mô hình liên kết sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, củng cố, thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả 42 câu lạc bộ nông dân theo ngành, nghề quy mô cấp huyện, cấp xã, cụm xã với gần 2.000 thành viên tham gia là các hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP. Vận động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập và bảo trợ hoạt động của 108 hợp tác xã, 39 chi, tổ hội nghề nghiệp. Chủ động triển khai và phối hợp với các ban, đơn vị Trung ương hội, tổ chức phát triển Agriterra Hà Lan, CSA - Bỉ để hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị trực tiếp cho lãnh đạo 06 hợp tác xã, 50 thành viên của 18 hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đến nay, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã trở thành phong trào vững chắc, thực sự là điểm sáng trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân tỉnh, là nhân tố điển hình góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh các cấp tăng lên hằng năm. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân tiêu biểu, nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. So với giai đoạn 2010 - 2015, số hộ có mức thu lợi nhuận hằng năm trên 200 triệu đồng tăng gấp 3 lần, trên 1 tỷ đồng tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2015 - 2020.
Trong những năm qua, chính quyền và các cấp Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm phối hợp chương trình hành động nhằm nâng cao năng lực tự chủ và thích ứng nhanh của nông dân thông qua đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hội đã ký Chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và Kế hoạch phối hợp với 18 sở, ban, ngành của tỉnh thống nhất nội dung, nhiệm vụ và cơ chế thực hiện với tinh thần chọn việc cụ thể, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, hiệu quả thiết thực và kiểm đếm được. Trên cơ sở nội dung phối hợp cấp tỉnh, 13 huyện, thị, thành Hội đã ký kế hoạch phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị cùng cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới. Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; phối hợp trong đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân; tăng cường mối liên kết “6 nhà” để hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hội phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 970 lớp với số lượng học viên là 31.040 người, giới thiệu việc làm cho 22.348 lao động sau đào tạo. Chính điều này đã khuyến khích tinh thần tự học, tự mày mò triển khai nghiêm túc các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân. Đến nay hình thức “nông dân dạy nông dân”, những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đi trước đã thành công trực tiếp hướng dẫn người đi sau về kiến thức, kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn, khoa học - kỹ thuật để cùng liên kết sản xuất kinh doanh đã trở thành công việc thường xuyên, hiệu quả do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh triển khai. Trước đây, các hộ đơn lẻ độc lập sản xuất, nhiều kinh nghiệm quý giữ làm bí kíp của gia đình, dòng họ thì nay đã chia sẻ cho cộng đồng để cùng nhau lao động, sản xuất, làm giàu bền vững trên chính quê hương của họ.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân Quảng Ninh đã chủ động liên hệ, ký kết, phối hợp với các nhà khoa học về nông nghiệp, với Khoa Nông học của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc một số cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, thông qua các mô hình khảo nghiệm để làm căn cứ mở rộng diện tích, phát triển các vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn.
Tổ chức các hội nghị gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành với các chủ trang trại, gia trại tiêu biểu, đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân tham gia sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cho nông dân giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại 58 hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 236 sản phẩm tham gia chương trình OCOP đạt sao, trong đó có 06 sản phẩm do Hội Nông dân làm chủ sở hữu; 20 sản phẩm của hội viên nông dân được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc; 52 sản phẩm trực tiếp các cấp hội tham gia hỗ trợ, giúp hội viên xây dựng và thường xuyên giới thiệu, tiêu thụ tại các hội chợ và trung tâm OCOP.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển, sử dụng hiệu quả quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân toàn Tỉnh là 54,66 tỉ đồng, tăng hơn 52 tỉ so với năm 2011. Giai đoạn 2011 - 2020, quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đã cho 4.955 lượt hộ vay vốn thông qua 754 dự án phát triển sản xuất gắn với xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bảo đảm an toàn. Cùng với đó, Hội tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng Liên Việt với tổng dư nợ tính năm 2021 là gần 800 tỉ đồng, với 312 tổ và 6.458 thành viên, Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ là 1.074,9 tỉ đồng cho 22.683 hộ vay, thông qua 698 tổ vay vốn.
Chính quyền và các cấp hội đặc biệt quan tâm đẩy mạnh các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của nông dân. Hội tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới” cùng với các phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”. Vận động nông dân tự nguyện đóng góp ngày công, tiền của xây dựng các công trình nhà văn hóa, thể thao, khu vui chơi; tổ chức các hội thi tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh cho nông dân; phát động và bình xét hộ đăng ký gia đình văn hóa, hằng năm có trên 80 nghìn hộ gia đình nông dân đạt hộ gia đình văn hóa. Tham gia xây dựng quy ước, hương ước ở thôn, xóm, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, bài trừ hủ tục lạc hậu, đồng thời tổ chức phát động phong trào trên địa bàn nông thôn, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng thôn xóm không có tội phạm, không có ma túy, tệ nạn xã hội./.
---------------------
(1) Đại học Ritsumeikan, Ritsumeikan Hougaku: Về việc đánh giá điểm khởi đầu của chính sách thực tiễn, Kyungmi Son “Một đặc điểm trong cách bắt đầu thực hiện chính sách: Trường hợp Chương trình Phong trào Mỗi làng một sản phẩm ở Oita” 2010,
https://so02.tci-thaijo.org/index.php/easttu/article/download/52501/pdf_7/121756
(2)http://danvan.vn/Home/Cong-tac-dan-van-trong-xay-dung-nong-thon-moi-va-giam-ngheo-ben-vung/12039/10-nam-thuc-hien-Chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-xay-dung-nong-thon-moi-giai-doan-2010-2020-ket-qua-va-bai-hoc-kinh-nghiem
Phát huy giá trị văn hóa giữ nước và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường trong công cuộc xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay  (30/09/2023)
Luồng gió mới trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm