Đôi nét khái quát chung về tỉnh Quảng Ninh và Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là vùng đất đa dạng với nhiều dân tộc anh em cùng đan xen cư trú, cùng tạo dựng cuộc sống mới và giữ gìn “phên giậu” của Tổ quốc, nơi giàu truyền thống cách mạng, đậm nét văn hóa lịch sử, văn hóa dân gian và văn hóa tâm linh của các dân tộc. Cùng với giá trị văn hóa truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của Vùng Mỏ, nét truyền thống rất đặc trưng văn hóa của người Quảng Ninh, đó là “yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình”, thể hiện qua các câu ca dao: “Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sim thì chát, lộc si thì già”; “Ở đây vui thú non tiên/đào cua bắt ốc lấy tiền nuôi nhau”, “Khi đi tóc mới ngang vai/ tắm nước Trà Cổ tóc dài qua lưng”... Ở vùng đảo Vân Hải (Vân Đồn) cũng có câu: “Ở đây vui thú non tiên/đào cua, bắt ốc lấy tiền nuôi nhau”, “Khi đi tóc mới ngang vai/tắm nước Giếng Hệu tóc dài ngang hông”, “Sông sâu nước chảy về nguồn/Anh về, em ở thật buồn lắm thay”…

Để góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh luôn đồng hành với mục tiêu chung qua một số đóng góp như sau:

Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 25-3-2008, theo Quyết định số 840/QĐ-UBND, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở từ Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh, hiện nay có 367 hội viên, có 73 nghệ nhân dân gian Việt Nam, trong đó có 02 nghệ nhân nhân dân, 41 nghệ nhân ưu tú ở khắp các địa phương, các dân tộc, các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian, 48 câu lạc bộ văn nghệ dân gian ở các loại hình văn hóa dân gian của tỉnh Quảng Ninh. 15 năm qua (2008 - 2023), từ khi thành lập đến nay, Hội đã sưu tầm, nghiên cứu thực hiện thành công 5 đề tài văn hóa phi vật thể thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian của tỉnh Quảng Ninh, như: (1) Đề tài sưu tầm nghiên cứu Địa danh Quảng Ninh xưa và nay, đã xuất bản thành sách; (2) đề tài nghiên cứu nguồn gốc, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao Quảng Ninh, in thành sách và các mẩu chuyện kể của người Dao, có 13 nghệ nhân, 6 câu lạc bộ văn nghệ dân gian biểu diễn dân ca dân tộc Dao và may thêu trang phục của người Dao; (3) Hát cửa đình ở các vùng ven biển, biên giới của tỉnh, có 8 nghệ nhân, 01 nghệ nhân nhân dân, 4 nghệ ưu tú, 6 câu lạc bộ văn nghệ dân gian, hơn 100 hội viên ở Vân Đồn, Đầm Hà, ải Hà, Móng Cái; (4) Đề tài hát đối, hát giao duyên ở các làng ven biển Vạn Ninh, Quảng Nghĩa, Ninh Dương (Móng Cái), hát dân ca chèo cổ Quảng Minh (Hải Hà), hát giao duyên trên vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long), hát đúm (Quảng Yên), hát Then cổ - đàn tính 2 dây ở Bình Liêu, Câu lạc bộ đàn hát dân ca ở thành phố Hạ Long, hát dân ca Dao ở Bằng Cả (Hạ Long), hát Chèo cổ, chầu văn ở Uông Bí, Đông Triều, (5) ca dao Vùng Mỏ Quảng Ninh.

Cùng với đó, ngoài sách “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay”, Hội còn xuất bản hơn 40 đầu sách giới thiệu về văn hóa dân gian của tỉnh, như sách giới thiệu về văn hóa làng Vạn Ninh, (Móng Cái), văn hóa dân gian làng đảo Ngọc Vừng, (Vân Đồn), văn hóa ẩm thực vùng biển Quảng Ninh, 101 món ăn dân gian tỉnh Quảng Ninh, truyền tích dân gian núi Bài Thơ, sách giới thiệu chùa Long Tiên (Hạ Long), sách giới thiệu di tích Yên Tử,… Đây là những sản phẩm sẽ góp phần giới thiệu về vùng đất và người Quảng Ninh cho du lịch, cho “giữ chân” khách đến Quảng Ninh, nhưng chưa được phối hợp chặt chẽ giữa Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, các địa phương với các cơ quan chức năng và có chính sách quan tâm đầu tư, bảo tồn đúng mức

 Quá trình thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân gian (văn hóa truyền thống), Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh đã kết hợp chặt chẽ 3 việc: (1) Sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn nghệ nhân - những người lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc; (2) Xây dựng 48 câu lạc bộ loại hình văn hóa truyền thống ở địa phương để các nghệ nhân truyền dạy, biểu diễn và bồi dưỡng lực lượng trẻ ngay tại địa phương; (3) Xuất bản tác phẩm từ lưu giữ của nghệ nhân, đã xuất bản được 43 tác phẩm văn hóa dân gian ở địa phương, gồm các lọai hình văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống của tỉnh Quảng Ninh. 

 Mấy đề xuất để góp phần phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực văn hóa hiện nay

Một là, tạo chuyển biến từ nhận thức về ý nghĩa và giá trị văn hóa truyền thống với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống hiện nay trong lãnh đạo các cấp và xã hội, đây là nội dung hết sức quan trọng cần được đặt lên hàng đầu về xây dựng con người Quảng Ninh, như Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành.

Hai là, có chính sách đầu tư phát triển văn hóa Quảng Ninh xứng tầm, có cơ quan chức năng mạnh, cán bộ văn hóa tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp văn hóa, vì một Quảng Ninh giàu mạnh, thân thiện.

Ba là, rà soát, phân loại các di tích đã được xếp hạng (di tích văn hóa lịch sử, di tích văn hóa tâm linh…), đầu tư đúng hướng, kịp thời, có trọng điểm, có hiệu quả, lấy hiệu quả làm thước đo của việc làm của mỗi địa phương và đơn vị; gắn hoạt động văn hóa chuyên nghiệp với các tổ chức, cá nhân, xã hội để nâng cao hiệu quả giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

Bốn là, quan tâm đầu tư, có chính sách chăm lo, động viên nghệ nhân dân gian, những người nắm giữ văn hóa truyền thống, các câu lạc bộ hoạt động ở địa phương và tổ chức hoạt động về văn hóa, văn nghệ dân gian trên địa bàn./.