Huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) gìn giữ văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới
Ba Chẽ là một huyện miền núi vùng cao cách thành phố Hạ Long khoảng 90km đường bộ. Phía bắc giáp huyện Đình Lập - Lạng Sơn, phía nam giáp huyện Hoành Bồ - Cẩm Phả, phía đông giáp Tiên Yên và phía tây giáp Sơn Động - Bắc Giang. Ba Chẽ là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến 31/12/2021, toàn huyện có có 23.207 người trong đó nữ là 11.294 người chiếm 48,7% tổng dân số. Toàn huyện có 14 dân tộc anh em gồm Kinh, Tày, Thái, Hoa, Mường, Nùng, Mông, Dao, Ngái, Xơ Đăng, Sán Chay, Sán Dìu, Thổ, Co. Trong đó dân tộc Kinh chiếm 18,99%, Tày chiếm 15,6%, Dao chiếm 45,2%, Sán Chay chiếm 18,33%, còn lại các dân tộc khác chiếm số lượng không đáng kể
Địa hình tại huyện Ba Chẽ chủ yếu là núi non cao trập trùng xen kẽ với những tán rừng bát ngát mang lại một bầu không khí thiên nhiên tươi mát và trong lành. Khí hậu tại đây thường se se lạnh vào những ngày mưa phùn và ấm dần vào mùa xuân và mùa hè.
Phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số
Là địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa mang sắc thái riêng có và đặc trưng.
Ba Chẽ có Chợ phiên Đạp Thanh là nét văn hóa độc đáo nhất định phải trải nghiệm đối với du khách. Tuy ở khu vực xa xôi và khá cao so với đồng bằng nhưng Chợ phiên Đạp Thanh lại là nơi kết nối mọi người từ nhiều vùng miền, các huyện xã với nhau và cùng nhau đem đến cho người tiêu dùng những mặt hàng phong phú, đặc sắc.
Thác Lang Cang cao, rộng lớn, không gian mát mẻ, nhiều phong cảnh thiên nhiên đơn sơ, mộc mạc được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú tạo nên một khung cảnh hữu tình tưởng như chỉ có trong phim.Mực nước tại đây chỉ hơn 1m nên du khách có thể bơi lội, chèo thuyền để tận hưởng dòng nước mát mẻ và dễ chịu. Bên cạnh đó, khách du lịch có thể tự do tổ chức các hoạt động vui chơi, dã ngoại xung quanh thác để hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp tại nơi đây.
Thác Khe Lạnhcũng là điểm đến có sức hút với những bạn trẻ ưa khám phá và trải nghiệm.Thác Khe Lạnh nằm trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ. Thác có độ dốc cao khoảng 10m, nước trong, chảy xiết, nơi đây nhiệt độ mát mẻ quanh năm, là điểm đến thích hợp cho du khách tắm, ngắm cảnh đẹp của núi đồi với sắc hoa rừng rực rỡ. Thác có mặt hồ rộng khoảng 20m², có nhiều thảm thực vật vây quanh, các tảng đá lớn ở đây xếp thành tầng tạo nên độ kỳ vĩ. Bên dưới dòng thác là một hồ nước tự nhiên mát lạnh, độ sâu vừa phải, cũng chỉ ngang tầm vai người, có thể lội qua hồ nước, bạn sẽ được thả mình trên những tảng đá xếp chồng lên nhau và thưởng ngoạn cảnh bốn bề nước chảy, xung quanh là thảm thực vật phong phú. Điều khá thú vị là lan rừng, một loài hoa đẹp mọc tự nhiên rất nhiều ở xung quanh thác Khe Lạnh. Men theo những con đường mòn và vượt qua những tảng đá, bạn sẽ lên được đỉnh thác để nhìn những dòng nước trắng xoá đổ xuống. Thác Khe Lạnh cách trung tâm thị trấn Ba Chẽ khoảng 7km, đường đến thác khá thuận lợi, dễ đi. Hiện nay thác Khe Lạnh là một trong những điểm du lịch phụ trợ nằm trong tuyến du lịch tổng hợp Ba Chẽ đã được UBND tỉnh công nhận.
Lễ hội Bàn Vương của đồng bào dân tộc Dao ở huyện vùng cao Ba Chẽlà lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Dao và của huyện Ba Chẽ nhằm tưởng nhớ công ơn Bàn Vương - thủy tổ của người Dao đã đưa con cháu mình đi tìm vùng đất mới. Câu chuyện về hành trình “Vượt biển” được tái hiện, bắt đầu từ bến thuyền khu vực Miếu Ông thuộc thôn Cái Gian, đi theo đường sông đến miếu Bàn Vương tại thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn). Theo truyền thuyết có 12 dòng họ Dao cùng di cư đến các vùng đất mới để tìm cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc. Do đó, các nghi lễ tái hiện thường sử dụng 12 con thuyền, tượng trưng cho 12 dòng họ. Đoàn thuyền "Vượt biển" đi trong sương mù với hành trình khoảng 3km đường biển, điểm đến là bến thôn Sơn Hải nơi có miếu Bàn Vương.
Miếu Bàn Vương và Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao được xây dựng năm 2020 tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Đây là những nội dung ban đầu của Đề án nhằm phục dựng và từng bước đáp ứng nhu cầu cầu chiêm bái của cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh. Các lễ vật là sản vật địa phương đến miếu Bàn Vương cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi... Điệu múa Rùa độc đáo của các thày mo, thể hiện sức mạnh con người chống lại sự tàn phá mùa màng của một con rùa thành tinh theo truyền thuyết của người Dao. Ngoài hoạt động chiêm bái tâm linh, Lễ hội là dịp để các nghệ nhân và cộng đồng dân tộc Dao gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển.
Đồng bào dân tộc Dao có nhiều dòng họ có sự khác biệt về tiếng nói, trang phục họ. Tuy nhiên, đều có những phong tục thống nhất như tục cấp sắc, tục thờ cúng ông tổ là Bàn Hoàng/Bàn Vương. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh cộng đồng của người Dao trong mọi thời điểm, hoàn cảnh. Tái hiện lễ hội vừa để xây dựng, củng cố khối đoàn kết của 12 dòng họ dân tộc Dao, đồng thời cũng là nơi giao lưu văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc của đồng bào Dao.
Trà hoa vànglà một sản vật nổi tiếng của Ba Chẽ, được phát hiện vào những năm 1960 ở Trung Quốc, vừa có giá trị dược liệu,vừa là cây cảnh. Trên thế giới, hiện công bố có 23 loại trà hoa vàng. Trà hoa vàng phân bố tự nhiên nhiều trong rừng Ba Chẽ (Quảng Ninh), được người dân khai thác bán cho thương lái Trung Quốc dẫn đến nguy cơ cạn kiệt. Đứng trước tình hình như vậy, vào 15 năm trước, anh Nịnh Văn Tráng người con của Ba Chẽ đã tiên phong đưa cây trà hoa vàng Ba Chẽ từ rừng về trồng tại vườn nhà.
Với những thế mạnh du lịch, huyện Ba Chẽ được tỉnh Quảng Ninh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Một tuyến đường trục Hạ Long - Ba Chẽ được đầu tư gần 3.700 tỷ nâng cấp. Tuyến đường đóng vai trò quan trọng kết nối TP. Hạ Long với huyện Ba Chẽ. Tổng chiều dài tuyến khoảng 60,5 km, trong đó đoạn qua địa phận TP. Hạ Long dài 37,5 km, qua địa phận huyện Ba Chẽ dài 23 km.Theo quy hoạch, ĐT.342 đóng vai trò đường huyện kết nối thành phố Hạ Long với huyện Ba Chẽ, kết nối các xã với trung tâm TP. Hạ Long. Đây là trục đường quan trọng của TP. Hạ Long, đi qua khu vực có môi trường tự nhiên, cảnh quan sinh thái đa dạng, hấp dẫn, quỹ đất khai thác sử dụng chưa nhiều. Về hướng tuyến, từ điểm đầu ở độ cao khoảng 174 m, tuyến đi theo hướng tuyến đường cũ, bám theo địa hình sườn núi để nâng dần cao độ lên khu vực đỉnh đèo Dài ở độ cao khoảng 644 m, từ đỉnh đèo Dài tuyến đi theo hướng đường cũ, một số đoạn đi trùng, một số đoạn đi bám sườn để hạ dần cao độ và kết nối với đường hiện tại ở xã Kỳ Thượng ở độ cao 170 m.Từ đây, tuyến đi bám theo ĐT.342 hiện tại đến hết địa phận Hạ Long và kết nối với tuyến trên địa phận Ba Chẽ.
Bảo tồn văn hóagắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới
Năm 2019 Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng” được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Từ đó, huyện Ba Chẽ đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng một số hạng mục thiết yếu: Miếu thờ Bàn Vương (miếu thờ ông tổ của người Dao); nhà sinh hoạt cộng đồng người Dao và thực hiện việc thực hiện việc bài trí, trưng bày các tổ hợp ảnh với các đặc trưng về lao động sản xuất, phong tục, lễ hội, trang phục…dựng các tổ hợp tượng tái hiện lại nghi lễ cấp sắc của nhánh Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán; tái hiện lại gian bếp truyền thống của người Dao… hình thành không gian văn hóa dân tộc Dao và trung tâm sinh hoạt cộng đồng người Dao cả nước.
Huyện duy trì nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số như: Tổ chức Lễ hội đình Làng Dạ của xã Thanh Lâm; Lễ hội Lồng Tồng với các nghi thức mang đậm bản sắc, phong tục của cộng đồng các dân tộc (Tày, Dao) trên địa bàn huyện Ba Chẽ; tổ chức dâng hương, cầu mùa, cuốc hố, tra hạt trong phần Lễ; tổ chức các môn thể thao dân tộc truyền thống, các trò chơi dân gian. Đồng thời triển khai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, góp phần tiếp tục bảo tồn và phát huy, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào Sán Chay trên địa bàn huyện Ba Chẽ tới du khách gần xa, tạo sản phẩm du lịch mới trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Huyện cũng chú trọng bảo tồn 6 lễ hội truyền thống; trong đó 3 lễ hội cấp huyện (lễ hội Trà hoa vàng, lễ hội Bàn vương, lễ hội Miếu Ông- Miếu Bà), 3 lễ hội cấp xã (lễ hội Lồng tồng, xã Lương Mông; lễ hội Đình Làng Dạ, xã Thanh Lâm và Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, xã Thanh Sơn). Những lễ hội này đã thu hút và tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách, thúc đẩy hợp tác đầu tư, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất. Huyện Ba Chẽ cũng phục dựng, mở 12 lớp truyền dạyhát dân ca, dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc Dao, hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chay và hát Then đàn tính của dân tộc Tày...; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc như hát Lẩu then, đàn tích, hát Pả dung (hát đối), Soóng cọ; thi các môn thể thao (đẩy gậy, đánh gụ, đi cà kheo),… Nhờ đó, một số hủ tục lạc hậu trong đời sống nhân dân từng bước được bài trừ. Bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển, phục vụ du lịch, đem lại nguồn thu cho địa phương.
Hiện tổng số nhà văn hóa thôn, khu phố được đầu tư trên toàn huyện là 72 nhà. Năm 2022, huyện đã thực hiện sửa chữa 53 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí hơn 14,2 tỷ đồng.
Xây dựng nông thôn mới được huyện xác định là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng, huyện Ba Chẽ đang từng bước xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục thực hiện việc phục dựng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Dao, Tày, Sán Chay... trên địa bàn huyện; tuyên truyền trong nhân dân tích cực bảo tồn trang phục dân tộc, xây dựng nếp văn hóa mặc trang phục dân tộc vào các ngày lễ tết, lễ hội; xây dựng quy chế mặc trang phục dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức theo hàng tuần… Hiện 7/7 xã của huyện Ba Chẽ đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; thị trấn Ba Chẽ đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu, đủ cơ sở để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân chuyển biến về nhận thức trong phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, khuyến khích trồng cây gỗ lớn bảo vệ môi trường; trồng, chế biến dược liệu quý nâng cao thu nhập, đặc biệt là cây ba kích tím và trà hoa vàng, xây dựng thương hiệu OCOP cấp quốc gia, tạo cơ sở bền vững phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ du lịch.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Chẽ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, huyện Ba Chẽ sẽ trở thành khu phát triển văn hóa, trải nghiệm. Cụ thể, khu quy hoạch chung huyện Ba Chẽ gồm toàn bộ thị trấn Ba Chẽ và 7 xã thuộc địa bàn huyện (Đạp Thanh, Đồn Đạc, Lương Mông, Minh Cầm, Nam Sơn, Thanh Lâm, Thanh Sơn).Khu vực được quy hoạch sẽ là nơi hội tụ, gắn kết, giao lưu văn hóa các dân tộc tại huyện Ba Chẽ và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc trong và ngoài tỉnh; là khu vực phát triển du lịch văn hoá, du lịch trải nghiệm gắn với thương mại nông nghiệp và phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở đảm bảo an toàn về quốc phòng – an ninh… Dự báo đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 55%, đến năm 2040 đạt khoảng 60%./.
Phát triển công nghiệp văn hóa, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững ở Quảng Ninh hiện nay  (30/09/2023)
Phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số  (30/09/2023)
Phát triển du lịch Yên Tử theo hướng bền vững  (30/09/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp