Kinh nghiệm của tỉnh Hà Giang trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn
Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh có 11 huyện, thành phố trực thuộc, 193 xã, phường, thị trấn, trong đó: Có 7 huyện nghèo, 128 xã và 1.353 thôn, bản đặc biệt khó khăn; 7 huyện/34 xã, thị trấn và 123 thôn biên giới, với 277,556 km đường biên. Diện tích tự nhiên là 7.927,55 km2, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Dân số toàn tỉnh tính đến 31-12-2020, là 877.888 người/19 dân tộc.
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống người dân. Đặc biệt, là từ tháng 10-2021 khi lực lượng lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về địa phương (hơn 4.000 người, trong đó hơn 700 người mắc COVID-19) và trên địa bàn tỉnh phát hiện ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng vào ngày 25-10-2021. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng, xăng dầu, vật tư cho sản xuất nông nghiệp… có nhiều biến động, tăng cao; dịch bệnh trên vật nuôi (tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò) bùng phát ở nhiều huyện, xã; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô hoạt động nhỏ, năng lực chống chịu còn yếu.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, linh hoạt, hiệu quả và sự nỗ lực, cố gắng, đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những điểm sáng với các kết quả đạt được rất tích cực. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh đạt 5,06%. Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát; phát triển kinh tế thực hiện cả năm có 23/32 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 2.700 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2020 và vượt chỉ tiêu kế hoạch; các chỉ tiêu giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác, tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đều vượt so với kế hoạch; hoàn thành 5.131 căn nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, vượt kế hoạch đề ra hơn 131 nhà; đời sống người dân, đặc biệt là công nhân đi lao động từ các tỉnh khác gặp khó khăn do dịch COVID-19 trở về địa phương được quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; an ninh biên giới, an ninh nội địa, an ninh nông thôn được bảo đảm.
Từ thực tiễn, tỉnh Hà Giang rút ra những kinh nghiệm trong công tác phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn như sau:
1. Chủ động, linh hoạt, quyết liệt, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đề ra các nhiệm vụ giải pháp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
Căn cứ Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo, lãnh đạo quán triệt, thống nhất triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện 15 nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, kịp thời như: Phát triển bền vững cây cam sành, cải tạo vườn tạp tạo sinh kế cho người dân, phát triển du lịch, chuyển đổi số, thu hút đầu tư, cải cách hành chính, phát triển hạ tầng thương mại, phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp đặc trưng.... Xây dựng Chương trình hành động ngay để thực hiện và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và “3 đột phá”, “5 nhiệm vụ trọng tâm” Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị. Đồng thời, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép”, “thích ứng” các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phù hợp trong tình hình dịch bệnh và bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.
2. Duy trì thường xuyên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện nghiêm các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo dõi sát, nắm chắc tình hình, diễn biến dịch COVID-19 có biện pháp linh hoạt đối với các tình huống cụ thể trong công tác phòng, chống dịch
Với đặc trưng là tỉnh có đường biên giới dài, hệ thống giao thông đường bộ độc đạo, người dân đa số là người dân tộc thiểu số. Do vậy, tỉnh đã thường xuyên cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông bằng nhiều tiếng dân tộc (Kinh, Dao, Tày, Mông…), đặc biệt là hình thức tuyên truyền miệng có ảnh hưởng lan rộng trong vùng đồng bào dân tộc như: Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong việc đưa chủ trương, chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số và bài trừ các hủ tục lạc hậu do đó đã nâng cao ý thức tự phòng, chống dịch của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể, tổ COVID cộng đồng và kêu gọi sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp. Thành lập Tổ công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 nhằm triển khai và áp dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Duy trì và tổ chức tốt các chốt kiểm dịch biên giới và nội địa để kiểm soát chặt chẽ người về từ vùng dịch, lao động qua biên giới với 11 chốt kiểm dịch nội địa, 68 chốt kiểm soát cố định trên tuyến biên giới, 17 tổ cơ động với 560 người tham gia thường trực, tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở trên biên giới. Duy trì chế độ báo cáo hàng ngày, cập nhật thường xuyên tình hình và diễn biến dịch bệnh; chuẩn bị các phương án, kịch bản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra; củng cố năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế điều trị, năng lực xét nghiệm y tế. Rà soát danh sách các đối tượng ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay sau khi được phân bổ vắc xin. Toàn tỉnh đến nay đã có 503.846 người được tiêm vắc xin, đạt tỷ lệ bao phủ 91,6% và số người tiêm đủ 2 mũi đạt 76,5%.
Khi xuất hiện các ca bệnh ngoài cộng đồng, đã chỉ đạo tập trung xét nghiệm tầm soát test nhanh trên diện rộng để phát hiện sớm ca bệnh F0, F1 cách ly; đồng thời, khẩn trương rà soát, truy vết, khoanh vùng dập dịch, thiết lập các khu vực cách ly y tế tại chỗ; chủ động, linh hoạt, kết nối, phối hợp với các bệnh viện tuyến trên để điều trị, chuyển tuyến cấp cứu đối với các ca bệnh diễn biến nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Chỉ đạo đánh giá và xác định cấp độ, tình hình dịch để có quyết định phong tỏa đối với các khu vực, địa phương nhanh nhất, phạm vi hẹp nhất, đưa ra các biện pháp phòng, chống, dập dịch phù hợp, hiệu quả Thí điểm thành công theo dõi, điều trị F0, cách ly F1 tại nhà; tạm dừng các hoạt động, dịch vụ tập trung đông người… Từ đó khống chế dịch bệnh và bảo đảm nguồn lực tài chính và lực lượng địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch. Quản lý chặt các khu vực, hộ gia đình bị phong tỏa, cách ly y tế, không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Phát huy cao nhất phương châm 4 tại chỗ, huy động, vận động, hỗ trợ nhân lực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch và lương thực, thực phẩm cho các địa bàn, khu vực, gia đình bị phong tỏa; chuẩn bị các điều kiện, trang thiết bị bảo đảm an toàn cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng của các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ COVID-19, tổ phản ứng nhanh, các bệnh viện, cơ sở y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và duy trì thường trực 24/24 giờ để tư vấn, khám bệnh, hướng dẫn, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Rà soát, cập nhật thường xuyên danh sách các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; triển khai chi trả, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách
Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các đối tượng thụ hưởng thông qua nhiều kênh (văn bản; đăng tải trên wedsite của tỉnh, của ngành, báo chí…); xét duyệt hồ sơ nhanh chóng, thuận tiện và đảm bảo quy định; định kỳ hàng tuần báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, nắm bắt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm theo đúng Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định 28/QĐ-TTg của Chính phủ và Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ.
Phân công nhiệm vụ và thời gian thực hiện cụ thể, rõ ràng đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở chuyên ngành và lực lượng vũ trang trong công tác rà soát, lập danh sách lao động trở về, bố trí phương tiện, nhân lực, địa điểm cách ly để đón lao động về địa phương bảo đảm an toàn và thực hiện đầy đủ các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19.
3. Chủ động xây dựng và triển khai phương án điều hành phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19
Trên cơ sở đánh giá cụ thể những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và dự báo về diễn biến của đại dịch COVID-19 trong cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng, dự báo chi tiết về tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân và diễn biến thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; nhận định các khó khăn, thách thức, thuận lợi và cơ hội đối với tỉnh trong thời gian những tháng còn lại của năm 2021. Tỉnh đã ban hành phương án điều hành phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm nhằm nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; chủ động điều chỉnh linh hoạt về nhiệm vụ, giải pháp điều hành bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động quyết liệt, kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, giữ vững ổn định xã hội; vừa tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; thực hiện thắng lợi toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra. Các nhiệm vụ, giải pháp điều hành tập trung vào 7 nhóm: (1) Nhóm nhiệm vụ về phát triển kinh tế; (2) Nhóm nhiệm vụ chăm lo đời sống nhân dân và phát triển văn hóa, xã hội trên các lĩnh vực về giáo dục, đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; văn hóa, thông tin; chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; giảm nghèo, an sinh xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; (3) Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh; (4) Công tác cải cách hành chính; (5) Công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; (6) Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và công tác đối ngoại; (7) Phát động phong trào kêu gọi từng cá nhân, doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Phương án đã giúp tỉnh vận dụng hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhất là Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29-6-2021 của Chính phủ. Đồng thời, giúp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cân đối nguồn lực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
4. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả
- Triển khai Nghị quyết cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sử dụng các biện pháp kỹ thuật trên diện tích vườn tạp của gia đình, tạo ra mô hình vườn mang tính chất hàng hóa, có thu nhập kinh tế cao, phù hợp với vùng sinh thái của địa phương. Trong gần 1 năm triển khai, đã có hơn 2.600 vườn tạp được cải tạo, tạo sức sống mới trong khu vực nông thôn tỉnh Hà Giang.
- Thiết lập và tăng cường chuyển đổi số trên các lĩnh vực từ công tác quản lý nhà nước đến hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch và quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của tỉnh; giảm thiểu các tương tác, trao đổi trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh. Tỉnh đã ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số, đồng thời thành lập 7 tổ công tác để tổ chức nghiên cứu, cụ thể hóa các hoạt động chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Hai bên đã phối hợp tổ chức chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo 03 cấp tỉnh, huyện, xã tại 233 điểm cầu với 4.431 người tham gia. Bước đầu đã thực hiện một số hoạt động chuyển đổi số, mang lại hiệu ứng, hiệu quả tích cực, đó là: Chương trình giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Hoa tam giác mạch được truyền thông, quảng bá trên nền tảng số VnExpress, Facebook, youtube; triển khai hỗ trợ đưa gần 100 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử Sendo, Lazada, Voso, Postmart… ; trong đó, đã tiêu thụ được hơn 115 tấn cam vàng thông qua các sàn thương mại điện tử. Hoàn thành thiết kế và vận hành gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D tại Website “Triển lãm chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam”. Xây dựng chương trình và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhân lực, hàng hóa, sản xuất…
- Triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chủ động làm việc, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháo gỡ khó khăn; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án hoạt động để thích ứng an toàn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.
- Cân đối ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, chủ động phương án huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch, Ưu tiên bảo đảm nguồn kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, động viên lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch; mua sắm trang thiết bị y tế bảo đảm kịp thời, tuân thủ theo hướng dẫn của Trung ương và quy định của pháp luật. Đồng thời, vận động xã hội hóa để gia tăng thêm nguồn lực, các trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hoá, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống COVID-19. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch.
- Kịp thời ban hành các văn bản triển khai cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giải ngân vốn đầu tư công. Chủ động, thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư, kiểm tra thực tế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư. Đồng thời, giao cho các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thường xuyên đôn đốc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2021, chủ đầu tư báo cáo kết quả giải ngân hằng tuần và đề xuất kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh về những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Yêu cầu các sở ngành, đơn vị và các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, gồm: (1) Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; (2) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; (3) Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân cao, còn thiếu vốn; thúc đẩy giải ngân vốn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; (4) Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra; (5) Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; (6) Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng.
- Phát triển du lịch gắn với an toàn phòng, chống dịch. Xây dựng và thực hiện phương án phục hồi, phát triển ngành du lịch ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Tập trung khai thác thị trường khách trong nước từ các địa phương đã công bố hết dịch. Tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả Cổng thông tin du lịch thông minh, triển khai thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng du lịch thông minh.
- Tăng cường tuần tra, canh gác, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, không để xảy ra vi phạm 3 văn kiện quản lý biên giới trên đất liền; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.
Để thích ứng an toàn với dịch bệnh, đồng thời phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững, điều kiện tiên quyết đó là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức, nỗ lực và cố gắng của cả hệ thống chính trị, người dân. Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ về tình hình và yêu cầu đặt ra, chủ động nắm bắt thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tác phong làm việc, sâu sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động của người đứng đầu các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022, tạo nền móng vững chắc để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025)./.
Bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19  (27/05/2022)
Quản lý khủng hoảng trong thời đại internet - Nhìn từ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19  (27/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay