Mặc dù Việt Nam được đánh giá là thành công trong thu hút FDI và xác định thu hút FDI để tiếp nhận chuyển giao công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư theo chiều sâu, nhưng thời gian vừa qua, chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam diễn ra chủ yếu qua kênh gia công sản phẩm và mua sắm máy móc thiết bị mà chưa tận dụng tốt kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài, hay tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để khắc phục được những tồn tại cũng như thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, cần tập trung vào một số giải pháp nhằm hình thành chuỗi cung ứng trong nước, cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi giá trị, và nâng cao năng lực hấp thu công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước trên cơ sở tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

1. Chuyển giao công nghệ và hấp thu công nghệ tại Việt Nam
Các kênh chuyển giao công nghệ

“Chuyển giao công nghệ” được quy định trong Luật về chuyển giao công nghệ là việc “chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.” Trong lĩnh vực sản xuất, chuyển giao công nghệ được triển khai thông qua hành động của bên cung cấp công nghệ và bên tiếp nhận công nghệ, dưới các hình thức khác nhau, tùy thuộc vào năng lực và chính sách của các bên liên quan, mức độ chênh lệch về năng lực công nghệ, mức độ can thiệp của bên chuyển giao và năng lực hấp thu của bên tiếp nhận. Các hình thức tiếp nhận chuyển giao công nghệ được phân loại theo mức độ giảm dần sự phụ thuộc của bên tiếp nhận đối với bên chuyển giao bao gồm các nhóm sau:

  1. Chuyển giao qua hình thức hợp tác đầu tư (đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên doanh, liên kết);
  2. Chuyển giao qua hợp đồng mua công nghệ (hợp đồng quản lý, hợp đồng chìa khóa trao tay, hợp động thuê lao động, hợp đồng mua máy móc và bí quyết, thỏa thuận sử dụng bằng sáng chế);
  3. Sao chép, R&D nội bộ.

Công nghệ bao gồm phần cứng là máy móc, thiết bị và phần mềm là tri thức, bí quyết, kỹ năng, được chuyển giao thông qua sự dịch chuyển của con người và hàng hóa. Công nghệ (đặc biệt là phần mềm) được chuyển giao qua nhóm (i) diễn ra liên tục trong quá trình vận hành sản xuất, trong khi ở nhóm (ii), công nghệ chỉ được chuyển giao trong thời hạn các cam kết, hợp đồng, thỏa thuận giữa hai bên còn hiệu lực, và ở nhóm (iii) phụ thuộc hoàn toàn vào sự chủ động, nỗ lực của bên tiếp nhận, học hỏi công nghệ.

Trong từng thời kỳ phát triển, mỗi loại hình chuyển giao công nghệ có sự phổ biến và được các nước áp dụng khác nhau. Tại Nhật Bản thời Taisho (1912-1926) và Showa (1926-1989), công nghệ được du nhập từ phương Tây chủ yếu thông qua các hình thức thuộc nhóm (ii), họ có thể chọn nhập khẩu toàn bộ hoặc một phần của hệ thống thiết bị hoặc ký thỏa thuận sử dụng bằng sáng chế. Các kỹ sư của Nhật Bản, những người có khả năng hiểu và đánh giá công nghệ đã được cử ra nước ngoài để xác định công nghệ nào nên được áp dụng và thương lượng các điều khoản hợp đồng mua công nghệ với đối tác phương Tây. Khi ký kết hợp đồng, các nhà cung cấp đã vận chuyển máy móc, thiết bị đến Nhật Bản, cung cấp các kỹ sư ngắn hạn, kỹ thuật viên hoặc người vận hành có tay nghề cao để cài đặt và chạy thử phần cứng. Đây cũng là yêu cầu đối với người lao động nước ngoài, phải đào tạo người lao động trong nước để họ có thể vận hành công nghệ nhập khẩu một cách độc lập. Ví dụ như Sony đã mua công nghệ bóng bán dẫn từ Phòng thí nghiệm Bell của Mỹ với giá 25.000 USD thời bấy giờ, và sau này Sony đã trở thành công ty hàng đầu thế giới về công nghệ này.

Trường hợp bên tiếp nhận công nghệ đã tích lũy được thông tin, tri thức và có khả năng làm chủ công nghệ ở mức nhất định, họ có thể chủ động hơn trong việc tiếp nhận, học hỏi thông qua các hình thức ở nhóm (iii) bằng cách chế tạo các sản phẩm tương tự sản phẩm nhập khẩu hoặc chế tạo bản sao sử dụng thông tin công khai có sẵn. Hình thức này khá phổ biến tại Trung Quốc, nơi có quy mô thị trường nội địa lớn cho phép các doanh nghiệp có thể kinh doanh các sản phẩm sao chép với chi phí sản xuất và giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu. Ví dụ như Công ty ô tô SAIC Chery, đối tác của General Motors tại Trung Quốc, thông qua thiết kế của xe Daewoo’s Matiz thuộc sở hữu của GM, đã chào bán thương hiệu QQ của riêng họ với giá thấp hơn 30% so với Matiz.

Từ khi xu hướng tự do hóa trở nên phổ biến, du nhập công nghệ từ nước ngoài thông qua các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là con đường tốt nhất để các nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thu hẹp khoảng cách về tri thức và vốn vật chất. FDI được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục sự chênh lệch về năng suất giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, bởi họ có công nghệ tiên tiến hơn, có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về thị trường thế giới, về quản trị sản xuất hiệu quả và có hệ thống sản xuất và phân phối ở nhiều quốc gia. Công nghệ, kinh nghiệm, kiến thức này sẽ được chuyển giao trong nội bộ doanh nghiệp hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau, thông qua liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI. Tuy nhiên, ngay cả ở hình thức FDI, công nghệ và hệ thống quản trị sản xuất tiên tiến không tự động được chuyển giao miễn phí mà phụ thuộc vào lợi ích của các bên liên quan, mức độ sẵn sàng của bên chuyển giao, và đặc biệt là sự chủ động cũng như năng lực hấp thu của bên tiếp nhận. Trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp FDI, khi sự kết nối và vai trò của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi sản xuất càng thấp thì cơ hội tiếp cận và nhận chuyển giao công nghệ của họ từ đối tác FDI càng hạn chế.

Hiện trạng công nghệ ngành công nghiệp Việt Nam

Kết quả khảo sát của Hội đồng Chính sách khoa học - công nghệ quốc gia cho thấy trình độ công nghệ trong một số ngành công nghiệp như sau. Trong ngành điện tử, chỉ có 27,9% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, 48,8% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, và 23,3% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu; ngành da giày có 42,9% doanh nghiệp cho rằng họ đang sử dụng công nghệ cao, 32,1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, và 25% doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu; ngành cơ khí của Việt Nam sử dụng công nghệ trung bình là chủ yếu. Tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng công nghệ cao chỉ khoảng 20% (trong khi đó tỷ lệ này của Singapore là 73%, Malaysia là 51% và Thái Lan là 31%; để đạt được trình độ công nghiệp hóa theo thì theo tiêu chí phải đạt trên 60%). Để nâng cao trình độ công nghệ, các doanh nghiệp cần tận dụng các kênh chuyển giao công nghệ khác nhau để có thể nhanh chóng tiếp cận và đổi mới công nghệ, thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước.

Khảo sát của của Bộ Công Thương cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam hiện nay tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài chủ yếu thông qua hợp đồng gia công hàng hóa, mua công nghệ, nhập khẩu máy móc, thiết bị. Xét về nguồn gốc công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam mua công nghệ chủ yếu từ các nước phát triển ở châu Á và Trung Quốc vởi tỷ trọng mỗi năm một tăng trong giai đoạn vừa qua, trong khi tỷ lệ mua công nghệ từ các nước phát triển ở châu Âu và châu Mỹ tương đối thấp do liên quan đến chi phí, giá thành và nhu cầu sử dụng công nghệ. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy tình hình chuyển giao công nghệ giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2011-2018 khá thấp và có dấu hiệu đi xuống. Xếp hạng về chuyển giao công nghệ của Việt Nam trong 20 năm qua của Ngân hàng Thế giới đều đứng sau các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do mức độ liên kết giữa hai khu vực doanh nghiệp khá lỏng lẻo. Các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, định hướng xuất khẩu, đầu tư tại Việt Nam chủ yếu để tận dụng lợi thế về chi phí thấp, thay vì phát triển chuỗi cung ứng. Hơn nữa, năng lực của doanh nghiệp trong nước cũng chưa đủ mạnh để trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI.

Nghiên cứu và triển khai (R&D) là hoạt động quan trọng và cần thiết để duy trì năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, chủ động về công nghệ, và nâng cao năng suất. Tuy nhiên, cũng từ kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy mức độ tham gia của doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam trong hoạt động R&D còn hạn chế và chưa có nhiều cải thiện. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện hoạt động R&D năm 2011 là 10,6%; và giảm xuống mức 6,0% năm 2018. Thực chất, đầu tư vào R&D mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như củng cố vị trí của doanh nghiệp trên thị trường, tạo sự khác biệt về sản phẩm và tăng khả năng làm chủ chuỗi giá trị của sản phẩm. R&D có thể giúp doanh nghiệp luôn ở thế chủ động, đi theo hoặc đón đầu các xu hướng thị trường, do đó, những doanh nghiệp ý thức được vai trò và tầm quan trọng của R&D thường xác định kinh phí dành cho R&D là khoản đầu tư thay vì là chi phí. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được điều này, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước đang phát triển. Do đó, để tạo động lực cho doanh nghiệp chú trọng hơn vào hoạt động R&D, các chính sách cần tập trung vào truyền thông nâng cao nhận thức cho các chủ doanh nghiệp, tạo “lực đẩy”, sức ép thị trường thông qua môi trường cạnh tranh lành mạnh và các chương trình kết nối nhằm tạo ra thị trường đủ lớn hấp dẫn được doanh nghiệp, đồng thời tạo “lực kéo” thông qua các chương trình hỗ trợ và chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Việc doanh nghiệp hợp tác với một cơ sở nghiên cứu, trường đại học hay doanh nghiệp khác để thực hiện hoạt động R&D còn rất hạn chế. Từ năm 2015 hoạt động phối hợp nghiên cứu của doanh nghiệp có sự cải thiện và đến năm 2018 có khoảng 1,24% doanh nghiệp hợp tác với một cơ sở nghiên cứu, trường đại học hay doanh nghiệp khác để thực hiện hoạt động R&D. Trung bình giai đoạn 2011-2018, chỉ có khoảng hơn 1% doanh nghiệp phối hợp nghiên cứu. Việc hợp tác nghiên cứu giúp tiếp cận những bí quyết công nghệ hoặc công nghệ mới, bổ sung những kỹ năng cần thiết và chia sẻ nguồn lực, rủi ro là hướng đi đúng khi quy mô doanh nghiệp vẫn còn nhỏ, nguồn lực cùng cơ sở vật chất còn hạn chế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết khó tìm đối tác phù hợp và e ngại nguy cơ lộ bí quyết, thông tin.

Thiếu kinh phí cho hoạt động R&D cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện hoạt động R&D ở mức thấp. Vốn tự có và vay tín dụng là hai nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động R&D của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam. Trung bình, 87,3% kinh phí cho hoạt động R&D là từ vốn tự có của doanh nghiệp và chỉ có 8,6% là vốn tín dụng. Vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 2,3% kinh phí R&D của doanh nghiệp cho thấy hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho R&D tại doanh nghiệp chưa đủ hoặc chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa không tiếp cận được nguồn ngân sách này.
2. Hiện trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

Từ khi thực hiện chính sách hội nhập, mở cửa kinh tế, Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam cũng luôn duy trì và cải thiện môi trường chính sách để thu hút FDI, với mong muốn thông qua các dự án FDI, nền kinh tế sẽ nhanh chóng hội nhập với kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong nước sẽ học hỏi và bắt kịp về công nghệ với các đối tác FDI. Đầu tư FDI vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu FDI (45,8% về số dự án và 59,2% về tổng vốn đăng ký) đã cho thấy chính sách thu hút FDI đang đi đúng hướng, mang lại cơ hội cho ngành công nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ và kỹ năng quản lý từ các đối tác nước ngoài.

Hình 1. FDI theo ngành kinh tế (lũy kế đến 2020)

Nguồn: Tổng cục Thống kê

         

Xét theo đối tác đầu tư, các dự án FDI chủ yếu đến từ các nước châu Á. Lũy kế đến năm 2020, trong nhóm các nước có hơn 1.000 dự án tại Việt Nam, chỉ có Mỹ là nước không thuộc châu Á. Về quy mô dự án, trong nhóm các nước đầu tư trên 10 triệu USD vào Việt Nam, có Quần đảo Virgin thuộc Anh và Hà Lan là nước không thuộc châu Á. Điều này cũng lý giải một phần vì sao nguồn gốc công nghệ chuyển giao vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nước châu Á và Trung Quốc.

Hình 2. FDI theo đối tác đầu tư (lũy kế đến 2020)

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tình hình chuyển giao công nghệ từ FDI

Nhìn chung, chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI vào Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều công nghệ mới, hiện đại được du nhập vào trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, điện tử, viễn thông... Nhiều sản phẩm mới được tạo ra với công nghệ hiện đại, góp phần tăng đáng kể năng lực sản xuất và cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đi liền với chuyển giao công nghệ là quá trình tiếp nhận kinh nghiệm quản lý tiên tiến trên thế giới và đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ cao, có khả năng sử dụng được các công nghệ hiện đại. Nhiều kỹ sư sau một thời gian làm việc tại các doanh nghiệp FDI đã học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành và spin-off để khởi nghiệp, hình thành nên một thế hệ chủ doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và trình độ công nghệ tương đương với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI vẫn còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế, giá trị gia tăng không cao, lợi nhuận thu về ít. Việc tiếp thu học hỏi công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý của nhân sự Việt Nam trong quá trình hợp tác với nước ngoài chưa đạt được kết quả như mong đợi. Đặc biệt là việc tiếp thu, khai thác ứng dụng công nghệ hầu như chỉ diễn ra trong phạm vi của các dự án FDI, mức độ lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đã đặt ra mục tiêu tiếp thu công nghệ nguồn từ các tập đoàn đa quốc gia, các nước công nghiệp phát triển hàng đầu, nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện mục tiêu này rất khó khăn và gần như không đạt được. Đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ của châu Âu và Mỹ chỉ chiếm khoảng 6%; trong khi tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ Trung Quốc chiếm tới 30 - 45%. Về tổng thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ có tuổi đời trên 20 năm chiếm hơn 65% và chủ yếu là công nghệ trung bình, hoặc trung bình tiên tiến của khu vực; doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất của những năm gần đây chỉ chiếm 15%. Các doanh nghiệp FDI cũng phát triển công nghệ chủ yếu thông qua việc mua công nghệ hơn là phát triển nâng cao và đổi mới công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp FDI đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam rất thấp, điều này làm hạn chế khả năng chuyển giao và lan tỏa công nghệ của khu vực FDI. Hơn nữa, những công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư. Trong khi đó, công tác đánh giá, lựa chọn công nghệ của Việt Nam hiện nay còn rất yếu kém, những công nghệ được chuyển giao phần lớn là do phía nước ngoài giới thiệu, không phải tự các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm hoặc nghiên cứu, tìm hiểu. Do vậy các công nghệ chuyển giao vào Việt Nam trong thời gian qua chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Nếu không chủ động hơn trong việc lựa chọn công nghệ thì chúng ta không thể có được những công nghệ đem lại lợi ích cao và đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, hoạt động R&D ở các doanh nghiệp FDI mới chỉ ở những công nghệ nhỏ, đơn giản hoặc nghiên cứu để cải tiến thích nghi phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nhìn chung, việc khai thác, học hỏi công nghệ thông qua FDI chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức độ tiếp nhận chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp trong nước đã được khảo sát của Bộ Công Thương chỉ ra bao gồm: (i) khoảng cách về trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước quá thấp khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận và đáp ứng yêu cầu và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI; (ii) trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động, và thiếu lao động có trình độ, kỹ năng đã không cho phép doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ quá cao so với trình độ công nghệ hiện có; (iii) khó khăn về tài chính không cho phép doanh nghiệp đầu tư trang bị công nghệ hiện đại; và (iv) điều kiện cơ sở vật chất không phù hợp. Mặc dù không được xếp trong nhóm các rào cản trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nhưng mức độ liên kết yếu giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, thể hiện qua chỉ số liên kết xuôi và liên kết ngược giữa hai khu vực này đều thấp, cũng là nguyên nhân chính của những hạn chế trong chuyển giao công nghệ thông qua FDI tại Việt Nam thời gian vừa qua.
3. Giải pháp nâng cao năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp trong nước trên cơ sở tăng cường liên kết với khu vực FDI và cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi giá trị

Những phân tích trên đây cho thấy, mặc dù Việt Nam được đánh giá là thành công trong thu hút FDI và xác định thu hút FDI để tiếp nhận chuyển giao công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư theo chiều sâu, nhưng thời gian vừa qua, chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam diễn ra chủ yếu qua kênh gia công sản phẩm và mua sắm máy móc thiết bị mà chưa tận dụng tốt kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài, hay tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để khắc phục được những tồn tại cũng như thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, cần tập trung vào những giải pháp dưới đây để hình thành chuỗi cung ứng trong nước, cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi giá trị, và nâng cao năng lực hấp thu công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước trên cơ sở tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Các tập đoàn nhà nước cần đi đầu trong công tác nghiên cứu phát triển thông qua việc dành nguồn đầu tư thích đáng cho cải tiến công nghệ và trình độ quản lý sản xuất. Ngoài ra, các tập đoàn nhà nước cần có cơ chế đặt hàng cho các doanh nghiệp trong nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực sản xuất.

Điều chỉnh chính sách thu hút FDI nhằm nâng cao chất lượng các dự án FDI, tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước và đầu tư vào khoa học - công nghệ.

Hoàn thiện khung pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp nhằm tăng cường đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, cải tiến kỹ thuật trong quá trình sử dụng công nghệ và đẩy mạnh hoạt động R&D trong doanh nghiệp công nghiệp thông qua các trung tâm kỹ thuật công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, có hệ thống chuyên gia công nghệ, đặc biệt là hệ thống máy móc sử dụng chung.

Hỗ trợ nâng cao năng lực các trường đại học, viện nghiên cứu và đội ngũ các nhà khoa học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời xây dựng năng lực cho doanh nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, bảo đảm đủ năng lực tiếp nhận và hấp thu hiệu quả công nghệ chuyển giao từ các đối tác nước ngoài.

Xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mua lại, sáp nhập (M&A) các đối tác nước ngoài để có thể nhanh chóng tiếp cận công nghệ và mạng lưới sản xuất tiên tiến toàn cầu./.