Văn hóa, con người Quảng Ninh - Nguồn lực quan trọng cho phát kinh tế di sản của Tỉnh
Có thể nói, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số là những thành tố chính tạo nên sự “đa dạng trong thống nhất” của văn hóa Quảng Ninh. Con người nơi đây cũng hội tụ từ nhiều vùng miền, có khí chất phóng khoáng, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm… Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Quảng Ninh sẽ là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế di sản của tỉnh.
Những nét đặc trưng về văn hóa, con người
Có thể nói, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số là những thành tố chính tạo nên sự “đa dạng trong thống nhất” của văn hóa Quảng Ninh. Con người nơi đây cũng hội tụ từ nhiều vùng, miền, có khí chất phóng khoáng, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm… Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 11NQ/TU, ngày 9-3-2018, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với mục tiêu: Gìn giữ và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”.
Quảng Ninh được ví như “nước Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các tài nguyên vô hạn và hữu hạn. Đây còn là nơi mang trong mình những giá trị riêng biệt, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nơi lưu giữ giá trị nổi bật của di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, nơi Đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật, phát tích của thiền phái Trúc Lâm cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc. Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với di sản vô giá “Kỷ luật và Đồng tâm”. Con người nơi đây hội tụ, giao thoa trong sự thống nhất đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp.
Những vốn văn hóa quý giá, khác biệt, riêng có ấy luôn được tỉnh Quảng Ninh trân trọng, bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, thiên nhiên, con người và văn hóa được xác định là 3 trụ cột để tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững.
Thấm nhuần và cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng ta về phát triển văn hóa ở một vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa hàng nghìn năm, với nhiều nét riêng, đặc thù, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế, coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng trong thống nhất của các dân tộc anh em trên vùng đất địa đầu Đông Bắc.
Kiên định với quan điểm xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người Quảng Ninh, trước tiên tạo chuyển biến rõ nét từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp làm nòng cốt, gương mẫu, đi đầu, tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh; coi trọng, khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong bảo tồn và phát triển văn hóa; đầu tư xây dựng và phát huy tối đa hiệu quả các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng đời sống nhân dân được tỉnh Quảng Ninh thể hiện rõ ràng, thống nhất, cụ thể trong Nghị quyết số 11-NQ/TU.
Trên cơ sở kế thừa những thành quả của các thế hệ đi trước, khắc phục những hạn chế trong bối cảnh mở rộng hội nhập quốc tế, cùng những giải pháp quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Quảng Ninh có quyền tự hào về sức lan tỏa của Nghị quyết số 11-NQ/TU, đã và đang không ngừng thấm sâu vào đời sống xã hội tạo nên những thành tựu vượt bậc, những đổi mới toàn diện, những bản sắc văn hóa được phát huy.
Quan trọng hơn hết đó là mỗi con người Quảng Ninh hôm nay đã dần mang những đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Họ là thành tố quan trọng đang từng ngày xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh với “Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc”.
Con người Quảng Ninh hội tụ bởi sự “đa dạng trong thống nhất” của phong tục, tập quán, lối sống, tri thức dân gian... của các dân tộc sinh sống theo cộng đồng dân cư phân bổ khắp địa bàn rộng lớn, cả biển đảo, núi rừng, biên giới, đồng thời, trải qua quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của ngành than gắn với giai cấp thợ mỏ.
Để từng bước tôi rèn con người vùng mỏ với những phẩm chất tốt đẹp, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Từ đó, một số địa phương đã hình thành nên những “bảo tàng sống” về bản sắc văn hóa truyền thống ở các thôn, bản như: Mô hình Trung tâm Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long; bản văn hóa dân tộc Tày (xã Lục Hồn), dân tộc Sán Chay (xã Húc Động), huyện Bình Liêu; nhà văn hóa dân tộc của người Sán Chỉ, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên...
Hệ thống di tích, di sản văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh dày đặc, giàu có, quý giá với 613 di tích lịch sử văn hóa, 361 di sản văn hóa phi vật thể, 6 lễ hội nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... khiến mỗi người con của Quảng Ninh không khỏi tự hào. Từ nguồn vốn ngân sách trung ương, tỉnh, doanh nghiệp và nhân dân, hệ thống các di tích, di sản văn hóa Quảng Ninh đã và đang được đầu tư phục dựng, bảo vệ, phát huy, không chỉ tạo sức hút của các di tích, di sản, thực tiễn sống động giáo dục văn hóa cho con người hướng tới chân - thiện - mỹ, mà còn là điểm đến hấp dẫn thôi thúc bất cứ ai ít nhất một lần trong đời cũng muốn đặt chân đến vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Bằng nguồn lực thỏa đáng, sự đầu tư đúng đắn, hướng đi bài bản trên cơ sở kiên định với quan điểm “con người là sức mạnh nội sinh của sự phát triển”, giờ đây, chắc chắn mỗi người Quảng Ninh đều không khỏi tự hào bởi được thụ hưởng những công trình văn hóa mang tầm quốc tế và khu vực như: Cụm công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ; Cung Văn hóa Thanh, thiếu nhi...
Hình ảnh của những công trình văn hóa hiện đại, hình ảnh của tỉnh Quảng Ninh đổi mới hôm nay và cả con người Quảng Ninh hào sảng, hòa đồng, mến khách đã và đang được lan tỏa khắp thế giới thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí mang tầm quốc tế. Đây không chỉ là những cơ hội quảng bá hình ảnh con người, vùng đất, quê hương Quảng Ninh, mà hơn hết, chính mỗi con người Quảng Ninh đều đang trực tiếp tham gia, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, nâng cao thể chất của người dân.
Những tiêu chí xây dựng con người Quảng Ninh cũng được đặt ra ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới và tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh trong suốt chặng đường phát triển, từ đó không ngừng nuôi dưỡng, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó được xây dựng thành quy định của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương như: thành phố Uông Bí xây dựng bộ quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân thành phố Uông Bí”; thành phố Móng Cái ban hành bộ quy tắc ứng xử “Người Móng Cái thân thiện”; thành phố Cẩm Phả xây dựng hình ảnh “Con người Cẩm Phả văn minh, thân thiện, nghĩa tình”; thành phố Đông Triều xây dựng “Người Đông Triều văn minh, thân thiện”; Công an tỉnh xây dựng quy tắc ứng xử “Xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ công an Quảng Ninh cùng nụ cười Hạ Long”... Qua đó, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống đẹp, văn minh, xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”.
Những gì tỉnh Quảng Ninh đã và đang làm không chỉ giúp con người phát triển toàn diện, đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn, làm chủ trong xu thế hội nhập, mà quan trọng hơn giúp mỗi con người làm nên, tạo ra và thụ hưởng những tiêu chí của hạnh phúc, thành quả của sự phát triển, tiến bộ của xã hội.
Phát huy giá trị văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển mới
Văn hóa Quảng Ninh được hình thành bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng, miền trong nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân Vùng mỏ.
Nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước, không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử được quan tâm. Hệ thống thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng, nhiều công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, như Thư viện - Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh... đã ra đời. Cùng với đó, hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đặc trưng của con người Quảng Ninh từng bước được định hình rõ nét.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh cần được đẩy mạnh với những nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Thông qua đó dành nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể. Trước hết thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Cùng với đó chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển văn hóa phải đồng bộ với phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, việc chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cũng được tỉnh quan tâm đưa vào thành mục tiêu trong nghị quyết và coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời với đó thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp, Bộ quy tắc ứng xử để khắc sâu đặc trưng con người Quảng Ninh; tiếp tục nhân lên nét đẹp văn hóa công sở, văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, với ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, hướng đến xây dựng tỉnh Quảng Ninh có “nền hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc”.
Để cụ thể hóa nghị quyết, tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng cao huyện Ba Chẽ; khu vực Đồng Sơn, Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long), bảo đảm tính kết nối liên thông theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa của các xã vùng cao vào phát triển du lịch, nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, từng bước giảm nghèo bền vững cho các địa phương lân cận.
Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền; khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh.
Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh truyền thông để quảng bá cho văn hóa bằng chiến lược cụ thể. Đầu tiên là thuyết phục nhân dân toàn tỉnh thay đổi nhận thức cùng chung sức đồng lòng thực hiện các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa; sử dụng truyền thông để tuyên truyền cái đẹp, bài trừ cái xấu, đồng thời tạo ra xu hướng về lối sống, hành động đẹp của người Quảng Ninh. Dùng truyền thông để quảng bá vùng đất, con người, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của tỉnh Quảng Ninh vươn ra thế giới.
Thông qua truyền thông để kêu gọi đầu tư vào bảo tồn, khai thác các dự án văn hóa, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của tỉnh Quảng Ninh ra nước ngoài, thu hút các sự kiện văn hóa, triển lãm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đến tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh.
Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tài nguyên văn hóa của Quảng Ninh sẽ được khai thác đúng hướng, hiệu quả. Qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mà còn lan tỏa, quảng bá rộng rãi hình ảnh, những bản sắc độc đáo, riêng có của con người và vùng đất Quảng Ninh tới bạn bè trong nước và quốc tế./.
Phát triển kinh tế từ các giá trị di sản văn hóa một cách bền vững  (05/12/2024)
Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2024)
Truyền thông thương hiệu - Trợ lực cho phát triển kinh tế di sản  (05/12/2024)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm