Hài hòa lợi ích trong phát triển kinh tế di sản của Nhật Bản

Nghiêm Thanh Thúy
Tạp chí Cộng sản
10:01, ngày 05-12-2024

TCCS - Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương quan tâm. Trong những năm qua, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản được nhiều tỉnh, thành phố chú trọng, quan tâm. Nhưng đây là một lĩnh vực mới nên vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận. Từ việc nhận thức về kinh tế di sản, đánh giá tiềm năng kinh tế di sản, thực trạng phát triển kinh tế di sản hay định hướng phát triển kinh tế di sản gắn với mục tiêu phát triển bền vững hiện nay.

Giá trị di sản đối với phát triển kinh tế

Di sản luôn chứa đựng sự hỗn hợp của tài nguyên thiên nhiên và văn hóa - lịch sử. Khi nói về di sản chúng ta đều biết rằng có hai loại hình di sản: di sản thiên nhiên và di sản văn hóa.

Kinh tế di sản là phát triển kinh tế từ nguồn tài nguyên di sản của dân tộc, mà di sản là sự kết tinh thành quả của quá khứ lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, nghiên cứu về kinh tế di sản phải dùng phương pháp nghiên cứu di sản bằng cả lí thuyết và thực tiễn. Phát triển kinh tế di sản du lịch lại là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, do vậy, nghiên cứu kinh tế di sản phải dùng phương pháp nghiên cứu liên ngành của các ngành kinh tế học, văn hóa học, sử học, du lịch học, địa danh học/địa phương học, xã hội học,… Ở bài viết này, khi nói về kinh tế di sản là tác giả chủ yếu đề cập tới việc khai thác, phát huy giá trị các tài nguyên, nguồn lực thuộc về di sản văn hóa và các di sản thiên nhiên thế giới thông qua hoạt động du lịch. Qua đó, có thể thấy giá trị của di sản đối với kinh tế thể hiện ở những điểm sau:

Giá trị tự nhiên

Không gian của các di sản văn hóa là những nơi có môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái tốt, trải quan sự lựa chọn cẩn thận để đạt được yêu cầu “địa linh”. Đây cũng là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ít bị xâm thực, tác động trực tiếp hay gián tiếp. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, việc đô thị hóa nhanh chóng diễn ra ở khắp mọi nơi đã và đang tác động mạnh mẽ đến môi trường sống của người dân và cũng tác động mạnh mẽ đến kho tàng di sản văn hóa, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên khắp các miền đất nước. Tuy vậy, trong không gian các di tích, di sản vẫn là những nơi còn giữ được môi trường sinh thái tự nhiên tốt, có nhiều cây xanh, hồ nước, tạo ra sự cân bằng sinh thái. Cũng trong không gian này, chứa đựng các công trình kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật. Không gian di tích, di sản cũng là không gian trong sạch, lành mạnh, nơi có môi trường xã hội tốt,... Đó thực sự là môi trường trong sạch theo cả ý nghĩa hiện thực và ý nghĩa biểu tượng; từ đó hấp dẫn, thu hút các đối tượng người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm các giá trị văn hóa - tinh thần trong những không gian và thời gian xác thực, cụ thể. Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, giá trị tự nhiên của các di sản văn hóa và thiên nhiên thực sự có ý nghĩa, đã và đang phát huy vai trò tác dụng trong quá trình hội nhập, phát triển của đất nước.

Giá trị văn hóa, lịch sử

Các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam là nơi lưu giữ và phản ánh một phần lịch sử của địa phương và đất nước; nơi kết tinh các giá trị lịch sử, huyền thoại của mảnh đất và con người nơi nó ra đời, tồn tại và phát triển theo dòng lịch sử. Mỗi một địa danh, một vùng đất đều ít nhiều mang trong đó những câu chuyện cổ tích nhuốm màu huyền thoại. Mỗi một di sản văn hóa và thiên nhiên như một trang sử, cả hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên của dân tộc và đất nước là một phần lịch sử viết bằng đường nét và hình khối, đó là những trang sử sống động được viết bằng đường nét, hình hài của các công trình, hiện vật. Nhiều di sản văn hóa được ra đời ở nơi đã từng diễn ra các sự kiện, biến cố về chính trị, quân sự, văn hóa - xã hội,... quan trọng trong quá khứ.

Trải qua thời gian, mọi dấu ấn vật chất tùy theo tính chất và mức độ của nó đều có thể chứa đựng, phản ánh những giá trị lịch sử, huyền thoại có liên quan. Chúng gắn liền với lịch sự hình thành, phát triển của địa phương, đất nước và còn ẩn chứa trong đó tinh thần dân tộc. Chính những yếu tố này đã tạo nên giá trị bất biến cho di sản văn hóa. Những giá trị không gian cảnh quan, địa chất địa mạo đã được “huyền thoại hóa” theo dòng lịch sử trở thành các huyền tích của quá khứ được sử dụng trong cuộc sống đương đại. Các giá trị văn hóa - lịch sử hiện hữu đương thời sẽ được kiểm chứng, chắt lọc và trở thành huyền thoại trong tương lai. Chúng sẽ được kết tinh trong hệ thống di sản và như vậy, những di sản văn hóa và thiên nhiên như là kho tàng của cổ tích và huyền thoại hiện hữu giữa đời thường.

Giá trị tâm linh, tinh thần 

Với các di sản gắn với đời sống sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của người dân thì ở đó chứa đựng giá trị tâm linh, tinh thần rất lớn. Sự tồn tại của các di sản văn hóa đó gắn liền với sự tồn tại của “tính thiêng” - một thuộc tính vốn có, không thể thiếu được trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt.

Hệ thống di sản văn hóa với nhiều loại và loại hình khác nhau chính là những nơi để các tầng lớp nhân dân bày tỏ và thể hiện một phần thiêng liêng, sâu kín nhất trong tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Dưới góc độ này, di sản văn hóa chính là cái “vỏ vật chất” chứa đựng nội hàm văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng phong phú; nơi diễn ra các hoạt động thuộc đời sống tâm linh tinh thần của một bộ phận đông đảo các tầng lớp nhân dân trong đó có các hoạt động của loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Nhu cầu tâm linh - tinh thần là nhu cầu chính đáng không dễ gì có thể thay đổi được và sẽ còn tồn tại lâu dài cùng với sự tồn tại của xã hội loài người.

Với những giá trị kể trên đã tạo ra giá trị kinh tế cho di sản. Hệ thống di sản văn hóa phong phú chính là nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế di sản khi khai thác giá trị của hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch. Giá trị tổng hợp của kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên chỉ biến thành các giá trị kinh tế khi được đầu tư, khai thác, phát huy giá trị phù hợp và có hiệu quả để phục vụ các nhu cầu của các đối tượng công chúng cũng như đông đảo đội ngũ du khách.

Trong quá khứ lịch sử, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của cha ông ta được xây dựng với mục đích chủ yếu là đáp ứng các nhu cầu tâm linh, tinh thần và các nhu cầu văn hóa - xã hội của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu con người về thụ hưởng các giá trị văn hóa cũng ngày càng cao hơn thì việc khai thác các giá trị kinh tế của di sản cũng trở nên cần thiết. Các di sản văn hóa, thiên nhiên cũng trở thành các “sản phẩm văn hóa” phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa khác nhau của người dân. Nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước trở thành điểm đến tham quan du lịch trong các chương trình du lịch. Chính những điều này đã mang lại nguồn thu tài chính cho các di sản, cho cộng đồng cư dân bản địa, chủ nhân của di sản đồng thời mang lại nguồn thu cho các doanh nghiệp lữ hành khi đưa du khách tới tham quan du lịch tại các điểm đến di sản. Việc khai thác có chọn lọc những giá trị của kho tàng di sản thông qua hoạt động du lịch sẽ làm tăng “thu nhập xã hội” cho các địa phương, đem lại lợi ích to lớn, nhiều mặt cho xã hội. Việc đem lại các lợi ích xã hội cho cá nhân và tổ chức trở thành yếu tố cốt lõi để di sản tồn tại và phát triển bền vững trong cộng đồng. Di sản văn hóa và thiên nhiên đã và đang là thế mạnh của du lịch Việt Nam để tạo ra kinh tế di sản; lợi thế này cần được khai thác đúng hướng với hiệu quả cao nhất trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Phát triển kinh tế di sản gắn với phát triển bền vững

Các nhà nghiên cứu luôn đặt vấn đề về vai trò của văn hóa trong mối quan hệ với phát triển. Trước đây, các tiêu chí phát triển của quốc gia thường được định hình bởi các chỉ số, như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân tính theo đầu người… Đây là các chỉ số có thể lượng hóa mức độ phát triển song nó chưa đủ để phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân.

Ở một cách tiếp cận khác, có người cho rằng văn hóa chỉ là hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quan niệm hiện đại, phát triển được hiểu là “trạng thái” cho phép xã hội thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của con người. “Trạng thái” cho phép con người nhận thức tốt hơn, có năng lực cao hơn và những điều kiện thuận lợi để hưởng thụ tốt hơn, tư duy sáng tạo nhiều giá trị mới và sản phẩm mới phục vụ cho con người. Từ đó, có thể thấy, phát triển phải là sự tăng trưởng năng lực của con người, giá trị của con người chứ không chỉ là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xét về thực chất chỉ là biểu hiện, sự cụ thể hóa năng lực thỏa mãn nhu cầu của con người từ phía xã hội. Với tư cách là mục tiêu của phát triển kinh tế, văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng đóng vai trò định hướng thậm chí quyết định nhu cầu của xã hội, nhờ đó mà kích thích phát triển thông qua các hoạt động khoa học, sản xuất ra các sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội ngày càng phong phú hơn. Cùng với đó là năng lực sáng tạo của từng cá nhân và cộng đồng cũng không ngừng được nâng cao. Nhu cầu được thỏa mãn một cách tối ưu là điều kiện tiên quyết để con người cảm nhận về hạnh phúc. Đó là tiền đề cho mọi quá trình phát triển. Với nhận thức đó, có thể nhìn nhận mối quan hệ giữa kinh tế di sản và phát triển bền vững được luận giải như sau:

Một là, từ góc nhìn văn hóa, di sản mãi mãi chỉ là những thực thể văn hóa, tồn tại dưới dạng tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Tự thân di sản không thể trở thành sản phẩm kinh tế hay loại hàng hóa “đặc thù” (vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hóa) nếu thiếu các loại dịch vụ văn hóa. Ngược lại, dù có các loại hình dịch vụ phong phú mà không dựa trên cơ sở nguồn tài nguyên văn hóa có chất lượng thì cũng không có sản phẩm mang tính chất hàng hóa và do đó không thể tạo ra giá trị kinh tế.

Hai là, về bản chất, mọi hoạt động kinh tế đều nhằm mục tiêu đáp ứng tốt nhất các nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ, hấp dẫn và khác biệt về thiên nhiên và văn hóa ở các vùng miền khác nhau của đất nước cũng như của các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Di sản văn hóa và thiên nhiên là các không gian văn hóa/thực thể văn hóa hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ cùng với các dịch vụ văn hóa khác có đầy đủ điều kiện thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần cho du khách dưới dạng các sản phẩm du lịch (hợp thể giữa tài nguyên và dịch vụ).

Ba là, về giá trị kinh tế của di sản văn hóa được thể hiện ở hai dạng là giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp. Giá trị trực tiếp lại được biểu hiện ở chức năng sử dụng/công năng và giá trị trao đổi với tư cách là hàng hóa đặc biệt. Tự thân di sản văn hóa cũng chứa đựng các giá trị kinh tế thể hiện dưới dạng các loại vật liệu xây dựng, sức lao động, tiền bạc, trí tuệ đầu tư vào việc tạo dựng công trình mà tương lai sẽ được thừa nhận là di sản của cộng đồng. Giá trị kinh tế gián tiếp của di sản văn hóa được thể hiện ở việc góp phần quan trọng quyết định thị trường du lịch; tạo nên nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch; hạt nhân để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù và khác biệt; tạo nên bản sắc quê hương, đất nước.

Bốn là, di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên, có thể thấy nếu phát triển kinh tế - xã hội được nhìn nhận gắn với hiện đại hóa và đồng nhất một mô hình phát triển thì với di sản văn hóa, việc đồng nhất cách thức phát triển vô hình chung sẽ triệt tiêu nhiều thực hành văn hóa mang tính bản sắc riêng có. Việc “đối xử” với các di sản không nên đồng nhất nhau mà cần có sự phân biệt giữa di sản vật thể, phi vật thể… Di sản văn hóa được xem là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội chỉ khi triệt tiêu được cách hiểu về di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội theo kiểu cao - thấp, hơn - kém, tiến bộ - lạc hậu, phát triển - kém phát triển…

Trên cơ sở mối quan hệ đó, để kinh tế di sản thực sự hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cần làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế di sản gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Đối với môi trường, chủ động giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường thông qua khuyến khích người dân địa phương lập kế hoạch, trực tiếp tham gia quản lý. Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đối với công tác bảo vệ không gian, cảnh quan chung; đồng thời gắn với quyền lợi mà người dân được hưởng. Muốn vậy, cần xử lý hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa Nhà nước và cộng đồng trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ di sản. Phân định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi từ cả hai phía. Cần đảm bảo các hoạt động kinh tế lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế và xã hội tới tất cả những người được hưởng lợi từ di sản, từ đó kích thích họ tự nguyện, tự giác bảo vệ di sản, tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng với di sản. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác nhau trong việc bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đối với khách du lịch cần có các quy định khung mang tính bắt buộc nhằm thực hiện bảo vệ cảnh quan, môi trường nơi thăm quan, du lịch.

Đối với kinh tế, phân tích các lợi thế kinh doanh về du lịch theo không gian và chức năng cho phép số lượng các doanh nghiệp có thể tối đa hưởng lợi về mặt kinh tế đối với di sản. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế di sản.

Đối với văn hóa, có kế hoạch nghiên cứu tính khả thi, các giá trị của di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản. Sử dụng việc duy trì và bảo tồn các giá trị di sản như một đòn bẩy cho sự hồi sinh văn hóa (chủ yếu liên quan đến thế hệ trẻ địa phương). Cho phép người dân địa phương thiết lập các chương trình nghị sự riêng để họ có sự trao đổi về văn hóa xã hội và họ sẵn sàng tiếp nhận một lượng lớn du khách đến tham quan. Thiết lập hệ thống giám sát thông qua việc nghiên cứu, ghi lại những thay đổi về văn hóa xã hội nhằm tạo ra sự nhận thức về quản lý các di sản và tạo điều kiện cho các chính sách tham quan linh hoạt và năng động. Cho phép tất cả các thành phần cộng đồng địa phương tham gia vào việc lập kế hoạch, phát triển và hoạt động.

Thứ hai, cân đôi hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát huy giá trị kinh tế.

Thực tiễn cho thấy, những di sản nào được “đối xử” một cách thỏa đáng cả bảo tồn và phát huy, giữ gìn và khai thác thì sẽ thu được kết quả khả quan. Đây là khuynh hướng được khuyến khích nhất, như vậy, sẽ đạt được “mục tiêu kép” vừa bảo vệ được di sản, vừa đạt được mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là một bài toán khó mà không phải địa phương nào, di sản nào cũng làm được. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi các văn bản quản lý, các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm. Cần có chế tài xử phạt phù hợp, nghiêm khắc, đủ sức răn đe để hạn chế các tái phạm.

Thứ ba, đầu tư “trúng đích” cho phát triển kinh tế di sản.

Đẩy mạnh thực hiện số hóa di tích, di sản; triển khai một cách toàn diện đối với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa của mỗi địa phương. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động của văn hóa di sản là hết sức cần thiết, đây sẽ là cầu nối để đưa các giá trị văn hóa, di sản đến gần hơn với người dân, du khách; đóng góp tích cực vào trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, giá trị văn hóa, góp phần đưa văn hóa, di sản trở thành những sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, cơ bản để doanh nghiệp, xã hội, địa phương có thể dựa trên đó hoàn thiện, đồng bộ và phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ; ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghệ.../.