Nét đặc sắc trong quan điểm Hồ Chí Minh về tư cách người chính trị viên trong “Thư gửi Hội nghị chính trị viên”
TCCSĐT - Con người Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân của cái mới, cái sáng tạo, hiện thân của văn hóa, vừa tự nhiên như sự vốn có của đất trời, vừa luôn hàm chứa những nét riêng có, đặc sắc. Chính vì vậy, nói về nét đặc sắc Hồ Chí Minh không phải là cái gì đó cao siêu, khó gần, mà là nói về những nét thân quen, hiển hiện trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta có thể đạt tới - nếu cố gắng phấn đấu, rèn luyện.
Bức thư nhỏ, tư tưởng lớn
Hội nghị chính trị viên (chính trị ủy viên khu và chính trị viên trung đoàn) toàn quốc lần thứ hai họp từ ngày 6-3 đến ngày 11-3-1948, nhằm quán triệt nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn mới; rút kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ, kế hoạch công tác chính trị; quy định thống nhất về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chính trị các cấp, công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị viên và bổ túc về chính trị cho cán bộ quân sự. “Thư gửi Hội nghị chính trị viên” gửi cho Hội nghị thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chính trị viên và đội ngũ cán bộ chính trị, với công tác chính trị trong quân đội - vấn đề mà sau này, khi tổng kết về công tác chính trị trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh coi đó là “linh hồn, là mạch sống” của quân đội ta, nhất là trong hoàn cảnh bộ đội ta đã có những bước trưởng thành, nhưng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và sức chiến đấu vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.
Bức thư nhỏ, nhưng hàm chứa tư tưởng lớn của một lãnh tụ vĩ đại về một vấn đề gốc, có ý nghĩa sống còn của quân đội cách mạng: vấn đề con người làm công tác chính trị trong quân đội!
Trước hết, cần khẳng định điểm đặc sắc và là vấn đề xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội kiểu mới ở Việt Nam là bên cạnh đội trưởng cần có và luôn có người chính trị viên - người chủ trì về chính trị và chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt quan điểm “người trước, súng sau”. Vì thế, ngay khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Bác đã chỉ đạo về thành phần đội lựa chọn những người ưu tú nhất trong phong trào quần chúng, trong các đội du kích địa phương; trong tổ chức Đội, có đội trưởng và chính trị viên. Lần này, trong Thư gửi Hội nghị chính trị viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định sự cần thiết phải có đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội, mà còn khẳng định đội ngũ ấy phải có tư cách của người đảm nhiệm công việc hệ trọng được giao. Người cho rằng: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”(1).
Quân đội ta sinh ra từ nhân dân, từ phong trào của quần chúng nhân dân, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của nhân dân. Vì lẽ đó, quân đội trước hết phải là một tổ chức chính trị, gắn bó với chính trị, được vũ trang, phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định bản chất, sức mạnh và mọi hoạt động của quân đội. Mặt khác, quân đội ta từ khi ra đời cho đến nay, trong một đất nước mà xã hội về cơ bản vẫn bao gồm nhiều thành phần, lề thói và những yếu tố tiêu cực trong xã hội cũ, những vấn đề tiêu cực mới xuất hiện trong quá trình phát triển, đương nhiên, tác động không nhỏ tới con người và tổ chức của quân đội. Trong khi đó, quân đội là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động quân sự, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc - một mặt trận luôn đòi hỏi những hy sinh to lớn, kể cả tính mạng. Với tư cách là một tổ chức chính trị có vũ trang, quân đội luôn là tâm điểm mà mọi thế lực phản cách mạng tìm cách chiếm quyền lãnh đạo, và nếu không được thì chống phá quyết liệt về chính trị. Những yếu tố này quyết định sự xuất hiện, vị trí, vai trò của người chính trị viên.
Như thế, người chính trị viên trong quân đội ta có vị trí, vai trò rất quan trọng, không phải là ý muốn chủ quan của bất kỳ ai. Vấn đề là ai nhận thức được quy luật đó mà thôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu hoàn cảnh và văn hóa dân tộc, bản thân Người đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm và thực tiễn đấu tranh của nhiều dân tộc trên thế giới, chính Người đã từng làm chính trị viên trong Hồng quân Trung Quốc, vì vậy, Người sớm khẳng định một cách chính xác vai trò của người chính trị viên, tư cách của họ và vai trò của tư cách ấy trong quân đội. Theo chúng tôi, đây là điểm đặc sắc nhất và cũng là bài học lớn nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lại cho chúng ta về vấn đề này.
“Linh hồn”, “mạch sống” của quân đội
Khi bàn về tư cách của chính trị viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bàn trực diện về tư cách, mà thông qua nhiệm vụ của họ phải thực hiện để chỉ ra yêu cầu mà tư cách mỗi người phải đáp ứng. Vậy là, chính nhiệm vụ của họ đặt ra yêu cầu với tư cách của họ. Đây cũng là tư duy đặc sắc và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này. Năm 1947, chỉ trước đó chừng nửa năm (tháng 10-1947), khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của cán bộ là rất quan trọng. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém(2). Đó là một chân lý nhất định. Về nguyên tắc sử dụng và bố trí cán bộ, Người cho rằng phải vì việc mà đặt người, chứ không nên vì người mà đặt việc. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là một công việc hệ trọng, quyết định sức mạnh của quân đội. Cùng với tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, đội ngũ cán bộ chính trị nói chung, chính trị viên nói riêng là nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo ấy được giữ vững, có hiệu lực. Đó là đòi hỏi khách quan. Như thế, tư cách của cán bộ chính trị, tư cách của chính trị viên rất hệ trọng, hệ trọng đến mức “Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”.
Cách đặt vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta suy nghĩ rằng, công việc của mỗi người sẽ quyết định cương vị và phạm vi ảnh hưởng của họ; mặt khác, tác động và ảnh hưởng đó còn do chính tư cách của họ quyết định. Đây cũng là luận điểm cần quán triệt cả trong sử dụng và đánh giá cán bộ. Muốn đánh giá tư cách cán bộ, trong đó có chính trị viên, phải xem xét công việc của họ, “bộ đội” của họ. Trong hoạt động bồi dưỡng cán bộ, để bồi dưỡng tư cách cho họ, tốt nhất hãy bồi dưỡng sao cho họ hoàn thành được nhiệm vụ, chức trách của mình. Thông qua hoạt động thực tiễn, tư cách cán bộ sẽ được nâng lên.
Nhiệm vụ của người chính trị viên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, tuy ngắn, gọn, nhưng rất toàn diện: “Vô luận ở cấp nào, chính trị viên có ba nhiệm vụ chính:
Đối với bộ đội,
Đối với nhân dân,
Đối với quân địch”(3).
Đó là ba mối quan hệ cơ bản mà người chính trị viên phải giải quyết. Trong từng mối quan hệ, trong từng nhiệm vụ phải giải quyết ấy, Hồ Chí Minh chỉ ra những điều căn cốt nhất, và cả những chỉ dẫn hết sức cụ thể, điển hình. Đối với bộ đội, chính trị viên phải “săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ”; “về mặt tinh thần, phải săn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa, và đường lối chính trị trong bộ đội”. Ở đây, cần lưu ý việc Bác không dùng từ nào khác, mà dùng từ chính trị viên phải “săn sóc” bộ đội. Đó không chỉ là công việc, nhiệm vụ, mà lớn hơn, thể hiện sự quan tâm, tình cảm thân thương của những người trong một gia đình. Đó là nét văn hóa quân sự Hồ Chí Minh. Cụ thể hơn, Bác yêu cầu “đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”(4). Lời căn dặn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua những gì thông thường của một chỉ thị đối với cán bộ, nhưng không phải là cái gì đó cao siêu, mà như lời của người cha khuyên nhủ con cái trong gia đình. Thân thiết, công bình, hiểu biết - đơn giản, dễ hiểu, nhưng đó là những điều cơ bản nhất trong tư cách người chính trị viên đối với bộ đội. Đó cũng là nét đặc sắc Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu ”(5). Đây là vấn đề phản ánh bản chất của quân đội cách mạng - một quân đội sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, mà phục vụ. Tuy ngắn gọn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cả ba vấn đề lớn, gắn bó chặt chẽ: Một là, mục đích phải đạt được là dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội; Hai là, muốn vậy, nhiệm vụ của chính trị viên phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu; Ba là, để hoàn thành nhiệm vụ đó, chính trị viên phải đốc thúc bộ đội siêng giúp dân, hăng đánh giặc. Đánh giặc là nhằm giành và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ dân; giúp dân là làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, là làm cho dân được hạnh phúc. Hai điều này gắn bó với nhau, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, rằng nước độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng có nghĩa lý gì!
Cùng với mạch tư duy nhất quán về mối quan hệ với bộ đội, khi nói về quan hệ chính trị viên với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định tư cách người chính trị viên chỉ được đánh giá cao khi hoàn thành tốt công việc, khi nhìn vào bộ đội của họ. Dân ta thường nói, nước nổi thì bèo nổi. Ở đây, nếu bộ đội tốt thì chính trị viên đó tốt.
Đối với quân địch, cùng với việc phải đốc thúc bộ đội “hăng đánh giặc”, chính trị viên phải “tuyên truyền khôn khéo, thiết thực, để giác ngộ họ, lôi kéo họ về phía ta”. Đáng lưu ý, khi nói đến đánh, Người dùng từ đánh giặc, nhưng khi tuyên truyền, vận động, người dùng từ quân địch - những con người trong hàng ngũ đối phương. Đánh giặc, và vận động, tuyên truyền giác ngộ quân địch là hai nhiệm vụ mà chính trị viên phải tiến hành.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chính trị viên phải tổ chức bộ đội và trực tiếp tuyên truyền, vận động, giác ngộ binh lính địch, lôi kéo họ về phía ta. Điều này vừa thể hiện tính chính nghĩa, vừa thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân ta. Hơn nữa, đó cũng là cách đánh giặc theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh: không đánh mà thắng là thượng sách!
Kiểu mẫu trong mọi công việc
Nếu nhìn tổng thể, cả ba nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trên với chính trị viên, có thể thấy Người luôn đặt lên trên hết việc giải quyết tốt mối quan hệ bên trong với bộ đội, với nhân dân. Vấn đề đánh giặc, dù khó khăn đến mấy, nếu bộ đội vững vàng, được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ, thì sẽ đánh thắng. Nhớ lại, ngay khi mới giành được chính quyền, giữa lúc bộn bề công việc, quân Tưởng tràn vào phía Bắc, quân Pháp gây hấn ở phía Nam, trong lúc nhiều người lo giặc giã, nhưng trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần phải chống ba loại giặc, đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vấn đề giặc ngoại xâm Người xếp sau cùng, bởi lẽ, nếu không giải quyết được giặc đói và giặc dốt, thì không thể có dân, không thể có sức mạnh của nhân dân để chống ngoại xâm. Còn khi bàn về tư cách người chính trị viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng trước hết phải giải quyết tốt mối quan hệ với bộ đội, với nhân dân, và sau đó là quan hệ với quân địch.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, trong thư gửi Hội nghị lần này, Người còn sớm thấy và giải quyết mối quan hệ giữa chính trị viên và người chỉ huy. Đó cũng là điểm hết sức đặc sắc, thể hiện tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người: “trách nhiệm của người chỉ huy quân sự và người chính trị viên phải định rõ ràng. Chính trị viên phải làm kiểu mẫu trong mọi công việc”(6). Ở đây, có hai vấn đề:
Thứ nhất, mối quan hệ giữa chỉ huy và chính trị viên là tất yếu, cần giải quyết tốt, nhưng cũng là vấn đề nhạy cảm, dễ nảy sinh mâu thuẫn. Chính trị viên phải có tư cách tốt; người chỉ huy cũng phải có tư cách tốt, nhưng chức năng, nhiệm vụ và phương thức làm việc của mỗi người có những khác biệt nhất định. Đó còn là những con người cụ thể, dễ nảy sinh những mâu thuẫn cụ thể. Điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm chỉ ra, và thực tiễn cho thấy nhãn quan chính trị của Người hết sức sâu sắc. Nếu ở đâu, lúc nào, cấp nào không chú ý và giải quyết tốt mối quan hệ này, ở đó, lúc đó, cấp đó, mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng đến công tác của chính trị viên, ảnh hưởng đến bộ đội, và như thế sẽ ảnh hưởng đến tư cách của cả người chỉ huy và cán bộ chính trị.
Thứ hai, trong các mối quan hệ, cả trong quan hệ với người chỉ huy, “chính trị viên phải làm kiểu mẫu”! Tại sao như vậy? Vì chính trị viên là người trực tiếp giữ “linh hồn”, giữ “mạch sống” trong tất cả các đơn vị. Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đề cao vai trò của chính trị viên, yêu cầu cao đối với họ, đến mức phải mẫu mực trong mọi công việc!
Điều cuối cùng mà bài viết này muốn đề cập, điểm đặc sắc nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về tư cách chính trị viên, đó là tư cách ấy đặt ra cho tất cả chính trị viên, “vô luận ở cấp nào”. Đúng, đã là cán bộ chính trị, là “chính trị viên”, vô luận ở cấp nào cũng phải rèn luyện, bồi dưỡng để có được tư cách ấy./.
_____________________
(1) Thư gửi Hội nghị chính trị viên, Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 392;
(2) Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 240;
(3) Thư gửi Hội nghị chính trị viên, Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 392;
(4) Thư gửi Hội nghị chính trị viên, Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 392;
(5) Thư gửi Hội nghị chính trị viên, Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 393;
(6) Thư gửi Hội nghị chính trị viên, Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.393.
Việt Nam trên đường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ  (15/05/2013)
Việt Nam trên đường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ  (15/05/2013)
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho những người có công với nước  (15/05/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga  (15/05/2013)
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hà Nội đẩy mạnh quản trị đô thị, hướng tới một chính quyền đô thị tự chủ, hiệu quả
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đẩy mạnh liên kết vùng đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Hà Nội
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên