Việt Nam trên đường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ
Theo đó, tới năm 2015 sẽ giảm 1/2 số người bị thiếu ăn trên toàn cầu (chuẩn nghèo mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng hiện nay là thu nhập bình quân đầu người từ 60 USD/tháng trở xuống, tức 2 USD/ngày).
Theo thống kê của Liên hợp quốc, dân số thế giới đã đạt 7 tỷ người vào năm 2012. Mức tăng dân số toàn cầu đang có chiều hướng chậm lại và sẽ đạt mức ổn định, gần như không tăng thêm hoặc tăng rất ít khi đạt 9 tỷ người vào năm 2050.
Tiến trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy sự phát triển và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Thế giới tạm phân thành 4 hạng: Hạng 1 gồm những nước "Giàu có", bao gồm Hoa Kỳ , các nước châu Âu, Australia, Nhật Bản - với tổng dân số chừng một tỷ người và thu nhập bình quân đầu người từ 16.000 USD (Hàn Quốc) đến 79.000 USD (Luxembourg). Trong vòng 50 năm qua, các quốc gia này chi phối nền kinh tế toàn cầu, tạo ra 4/5 tổng giá trị sản lượng kinh tế. Các nền kinh tế mới nổi được xếp vào hạng 2 - nhóm "Toàn cầu" gồm 30 nước có thu nhập vừa và thấp (trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ) với tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người là 3,5%/năm và dân số 3,2 tỷ người, gần bằng 50% tổng dân số thế giới. Những nước này đã trải qua các “cung bậc” phát triển, có thể cho phép họ thay thế nhóm "Giàu có" làm động lực cho nền kinh tế thế giới trong tương lai. Đây là nhóm nước đa dạng về quy mô, địa lý, văn hóa và lịch sử. Họ đã hội nhập tốt nhất với nền kinh tế thế giới để thúc đẩy tốc độ phát triển của mình. Hạng 3 gồm xấp xỉ 50 quốc gia, thu nhập trung bình với tổng dân số khoảng 1,1 tỷ - nơi tập trung nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của thế giới, chiếm khoảng 60% các mỏ dầu đã được biết đến. Hạng 4 gồm các nước tụt hậu - các nền kinh tế nghèo nhất thế giới, với tổng dân số khoảng một tỷ người. Hầu hết tập trung ở vùng cận sa mạc Sahara châu Phi. Nhóm "Lạc hậu" này bị cô lập với nền kinh tế toàn cầu và họ đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Một nhà kinh tế học thuộc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo, trong tương lai gần có thể xẩy ra nhiều vụ bạo động vì tăng giá do khan hiếm lương thực ở các nước kém phát triển, nhất là ở châu Phi và Trung Đông. Mặt khác, tình trạng thiếu lương thực ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với các quốc gia phải nhập khẩu nhưng lại thiếu ngoại tệ. FAO cho biết, 25% diện tích đất trên thế giới đang “thoái hóa nghiêm trọng” với nhiều biểu hiện như xói mòn, thiếu nước và suy giảm mức độ đa dạng sinh học. Khoảng 8% diện tích đất bị thoái hóa ở mức vừa phải, 36% bị thoái hóa nhẹ hoặc ổn định. Diện tích đất được cải thiện chất lượng chỉ chiếm 10%. FAO nhận định rằng tới năm 2050, lượng lương thực phải tăng thêm 70% so với mức hiện nay để đáp ứng nhu cầu của gia tăng dân số (được dự đoán sẽ tăng lên 9 tỷ người). Điều đó có nghĩa là nông dân sẽ phải sản xuất thêm một tỷ tấn lúa mì, gạo và các ngũ cốc khác. Họ cũng phải sản xuất thêm 200 triệu tấn thịt bò và các loại thịt khác. Số người bị thiếu ăn trên toàn thế giới hiện đã lên tới hơn 1 tỷ, tương đương 1/6 dân số thế giới. Do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, số người thiếu đói có thể tăng thêm 11%. Theo thống kê của FAO, với khoảng 642 triệu người, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số người thiếu ăn cao nhất. Khu vực Nam sa mạc Sahara đứng thứ 2 với 265 triệu người, Mỹ Latinh và Caribe - 53 triệu người. Trung Đông và các nước Bắc Phi có tổng cộng 52 triệu người. Ngoài ra, cũng có tới 15 triệu người tại các nước phát triển phải sống trong cảnh thiếu ăn.
Trung tuần tháng 3-2013 vừa qua, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố báo cáo Phát triển con người năm 2013. Theo đó tỷ lệ người sống dưới chuẩn nghèo trên toàn thế giới đã giảm từ 43% (năm 1990) xuống còn 22% (năm 2008), trong đó chỉ tính riêng ở Trung Quốc đã có hơn 500 triệu người thoát nghèo. Kết quả lớn hơn là từ năm 1990 đến năm 2005, thế giới đã giảm được một nửa số người phải sống dưới 1,25 USD/ ngày. Báo cáo cũng nhấn mạnh nghèo đói vẫn là vấn đề nan giải tại phần lớn các nước đang phát triển. Ước tính 1,57 tỷ người, tương đương hơn 30% dân số của 104 nước tham gia nghiên cứu sống trong cái gọi là “nghèo đa chiều” - Nghèo được phản ánh bằng sự thiếu hụt phúc lợi xã hội ở các khía cạnh khác nhau như thu nhập, lương thực, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe,…, trong đó có 612 triệu người ở Ấn Độ.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 18-4-2013 phát hành báo cáo cho biết số dân nghèo toàn cầu giảm đáng kể. Người dân tại các nước đang phát triển có tiêu chuẩn sống dưới 1,25 USD/ngày giảm từ 50% dân số toàn cầu năm 1981 xuống còn 21% trong năm 2011. Chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim nói thế giới đạt được kết quả tuyệt vời trong việc giảm nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn 1,2 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ, đó là một “vết nhơ” trong lương tâm nhân loại.
Báo cáo Phát triển con người năm 2013 của UNDP cũng cảnh báo nếu các nước không có sự phối hợp để ngăn chặn các thảm họa về môi trường, số người sống dưới chuẩn nghèo trên thế giới có thể tăng lên đến 3 tỷ người vào năm 2050. Một nghiên cứu cho thấy sẽ có ít nhất 3 tỷ người rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực vào năm 2100, do hiệu ứng nhà kính khiến trái đất ấm lên. Viễn cảnh đen tối này có thể xảy ra với xác suất lên tới 90%.
Một thực tế đang diễn ra là kể từ khi cuộc cách mạng nông nghiệp bắt đầu, hằng năm, thế giới ngày càng sản xuất ít lương thực hơn trong khi dân số lại không ngừng gia tăng. Viện Nghiên cứu chính sách Lương thực quốc tế (IFPRI) cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến an ninh lương thực. Theo IFPRI, trong giai đoạn từ 2010 - 2050, biến đổi khí hậu sẽ thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp trên thế giới và giảm năng suất cây trồng, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Thực tế này sẽ kéo theo giá lương thực tăng vọt, cụ thể giá ngô có thể tăng tới 42% - 131%, giá gạo tăng 11% - 78% và giá lúa mỳ tăng 17% - 67%. Còn theo FAO, trái đất ấm lên đang đe dọa sản lượng lúa ở châu Á. Nhóm nghiên cứu của FAO tính toán nhiệt độ tăng trong hơn 25 năm qua đã khiến sản lượng lúa gạo tại một số vựa lúa lớn ở châu Á giảm từ 10% đến 20%. Tình trạng sẽ tồi tệ hơn khi nhiệt độ tiếp tục tăng vào giữa thế kỷ này. Vẫn theo FAO, mất các nguồn gien cây lương thực hoang dã đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Theo số liệu thống kê, người dân các nước nghèo phải chi tới 60% thu nhập để mua lương thực - thực phẩm. Tuyên bố của FAO cảnh báo đói nghèo là cuộc khủng hoảng thầm lặng, tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Vì thế, FAO nêu rõ các nước cần chung vai góp sức hướng tới mục tiêu xóa đói nghèo. FAO cho rằng, 75% số người nghèo ở các nước đang phát triển sống ở nông thôn, vì vậy tăng trưởng nông nghiệp sẽ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và giảm đói nghèo.
Đói nghèo ở Việt Nam
Sau hơn 25 năm đổi mới, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, đại bộ phận người dân đã có cơm ăn áo mặc, có khả năng giải quyết những nhu cầu căn bản của cuộc sống. Nhưng mặt khác, phân hóa giàu nghèo trong xã hội cũng ngày càng trầm trọng và gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội. Với quy mô GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.061 USD tính theo tỷ giá hối đoái và 2.948 USD theo sức mua tương đương (PPP), Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của WB. Tuy nhiên, thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với nhiều quốc gia ASEAN và Trung Quốc, dù đã được cải thiện nhiều.
Theo chuẩn nghèo mới, đến cuối năm 2012, tỷ lệ nghèo cả nước còn khoảng 10%, giảm so với năm 2011. Riêng các huyện nghèo, tỷ lệ nghèo bình quân khoảng 45%. Người nghèo tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 90%). Một số huyện miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền núi, duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ là những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50%).
Hiện có gần 4,8 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 22% số hộ cả nước. Đây là những hộ nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 400.000 đồng/người/tháng trở xuống ở nông thôn; và dưới 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị căn cứ theo tiêu chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.
Kết quả cuộc khảo sát do Tổ chức Oxfam Anh phối hợp với Action Aid quốc tế tại Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2011 cho thấy: “Nghèo “kinh niên” ngày càng rõ hơn, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số. Những người sống ở mức cận nghèo dễ bị tái nghèo do lạm phát cao, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai và dịch bệnh. Đây cũng chính là những rủi ro cả cũ và mới, là thách thức lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam”. Thực tế, 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm chưa tới 15% dân số quốc gia lại chiếm tới gần 50% số người nghèo trong năm 2010. Theo Bà Valerie Kozel, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB: "Những thành tựu đạt được rất ấn tượng. Tuy nhiên, tăng trưởng đang suy giảm trong những năm gần đây do các bất ổn vĩ mô và các cú sốc từ bên ngoài, bất bình đẳng gia tăng, nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số vẫn cao và khó xóa bỏ".
Một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay là chúng ta đang “bê-tông” hoá đất với tốc độ khá cao. Trong vòng 7 năm, từ 2001 - 2007, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp lên tới 500.000 ha, bằng 5% quỹ đất nông nghiệp. Xu hướng chuyển dịch diễn ra nhanh ở 2 vùng đồng bằng lớn liên quan đến sản xuất lương thực. Cục Hợp tác xã & Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tính toán, mỗi hecta đất thu hồi ảnh hưởng tới 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm đã ảnh hưởng đến đời sống của 2,5 triệu người. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ bị thu hồi lớn nhất với khoảng 300.000 hộ, kế đến là vùng Đông Nam Bộ với khoảng trên 100.000 hộ.
Khả năng khai thác, mở rộng diện tích để bù đắp vào diện tích đất trồng lúa đã mất đi là rất hạn chế và khó khăn. Diện tích đất cho nông nghiệp quá chật hẹp. Cả nước có 12 triệu hộ gia đình, nhưng chỉ có 9,4 triệu ha đất nông nghiệp. Bình quân mỗi hộ chỉ 0,7 - 0,8ha, mỗi lao động 0,3ha và mỗi nhân khẩu 0,15ha. Ở Đồng bằng Bắc Bộ, con số này còn nhỏ hơn, chỉ 360m2/khẩu. Đáng lưu ý, khi mỗi ha đất nông nghiệp bị mất sẽ kéo theo 13 người rơi vào cảnh không có việc làm. Bên cạnh đó, chúng ta lại là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo dự báo, đến năm 2020, có khoảng 6 nghìn ha đất lúa bị ảnh hưởng, cuối thế kỷ thì sẽ có khoảng 70% diện tích đất lúa bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. Tác động của mực nước biển dâng cao do hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể là một thảm họa đối với Việt Nam, mà tác động lớn nhất sẽ xảy ra ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Mực nước biển dâng cao sẽ gây tác động đến diện tích đất nông nghiệp và tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Kể cả khi không có hiện tượng biến đổi khí hậu hay mực nước biển dâng, đến năm 2025, dân số Việt Nam cũng tăng thêm khoảng 60%; và giá trị thiệt hại do lũ lụt hằng năm có thể tăng gấp 10 lần, tương đương 5% GDP của Việt Nam.
Theo báo cáo về Phát triển con người 2007 - 2008 của UNDP, nếu nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 2 độ C, thì 22 triệu người ở Việt Nam sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam sẽ ngập chìm trong nước biển. Dự đoán, khi mực nước biển dâng cao từ 0,2 - 0,6m, sẽ có 1.708km2 đất bị ngập ảnh hưởng tới 108.267 người sinh sống. Còn nếu mực nước biển dâng 1m sẽ ảnh hưởng đến 10,8% dân số, sản lượng hải sản và lúa gạo của Việt Nam sẽ giảm tới 20%; tần suất xuất hiện lũ lụt và hạn hán tăng, trầm trọng hơn....
Từ nay đến năm 2015, sản xuất đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng, nhưng dư thừa để xuất khẩu có thể không nhiều. Sau năm 2020, vấn đề sản lượng lương thực còn tùy thuộc vào quỹ đất được duy trì đến mức độ nào và những tiến bộ về năng suất thay đổi ra sao. Bài học từ các quốc gia trong vùng rất đáng để suy nghĩ. Philippines, Indonesia cũng đã từng là các nước sản xuất gạo lớn (Indonesia đã từng cho Việt Nam vay 100 nghìn tấn gạo trong các năm 87 - 88) thì nay đã trở thành nước nhập khẩu. Trung Quốc đang đối phó với nạn mất đất nông nghiệp và lo lắng về an ninh lương thực, phải tìm kiếm nguồn đất từ nước ngoài thuê để trồng trọt.
Con đường xóa đói, giảm nghèo, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (middle income trap) cho Việt Nam
Mới xuất hiện gần đây, thuật ngữ bẫy thu nhập trung bình dùng để chỉ tình trạng mắc kẹt của nhiều quốc gia đã thoát nghèo, song không giàu nổi do nhiều nguyên nhân.
Việc thiếu hụt lao động có kỹ năng sẽ tạo ra những rào cản cho tăng trưởng, vì vậy trước hết, phải tập trung cho đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ngay từ thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Ông Jonathan Pincus - Trưởng khoa kinh tế chương trình Fulbright, cho rằng “Muốn phát triển bền vững, các bạn phải nắm vững công nghệ sản xuất mới, nâng cao kỹ năng của người lao động để sử dụng công nghệ đó, tạo ra những sản phẩm tinh xảo và tung sản phẩm này xâm nhập vào các thị trường mới”. Tự tạo ra những “giá trị nội địa” chính là mấu chốt để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững và tạo ra sự khác biệt giữa các quốc gia thoát bẫy và kẹt bẫy. “Sẽ mất rất nhiều năm mới có thể đạt đến nền kinh tế hiện đại, do đó không bao giờ là quá sớm cho một quyết định khởi hành” - ông Jonathan Pincus nói.
Song song với việc làm trên, cần nhanh chóng tạo lập môi trường, cơ chế, chính sách khuyến khích cần thiết để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và giảm thấp chi phí kinh doanh. Xóa bỏ ưu đãi thuế quan, tạo ra sức ép cần thiết để các ngành công nghiệp sống trong môi trường cạnh tranh cũng được xem là “những việc cần làm ngay”.
Các chuyên gia nhận định, GDP tăng từ sản xuất nông nghiệp làm tăng thu nhập của người nghèo từ 2 - 4 lần so với GDP tăng từ các hoạt động phi nông nghiệp. Xu thế của một xã hội phát triển là phải giảm tỷ lệ của nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Như vậy, phải có sự dịch chuyển lao động, theo hai cách: i) dịch chuyển tuyệt đối, tức là đưa về các khu công nghiệp, đưa đi xuất khẩu lao động, đưa về thành phố - một quy luật không thể tránh khỏi, đang diễn ra và ii) dịch chuyển tại chỗ, nghĩa là đưa công nghiệp về nông thôn, phát triển làng nghề... Đây là một xu thế không thể đảo ngược. Việc cấp bách là Nhà nước cần đầu tư cho đào tạo nghề trước khi diễn ra sự dịch chuyển đó.
Việc tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp theo hướng mở rộng các ngành nghề chế biến dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra các tiền đề bên ngoài (nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu) để đưa sản xuất hàng hoá ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới. Chúng ta phải hình thành cho được một lớp doanh nhân kiểu mới chưa từng có trong lịch sử nước nhà, đó là lớp doanh nhân nông nghiệp - loại hình doanh nghiệp mới cả về quy mô lẫn chất lượng.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh công nghiệp và dịch vụ được tự do di chuyển đến các thị trấn, thị tứ, nơi gần đường giao thông để xây dựng cơ sở kinh doanh. Việc làm này vừa đáp ứng như cầu trước mắt, vừa tạo ra những điều kiện để sớm hình thành các tụ điểm công - thương nghiệp - dịch vụ ở nông thôn. Đây là quá trình “đô thị hoá” - “công nghiệp hoá - hiện đại hoá” nhưng “phi tập trung hoá”.
Làm thế nào để nước ta có thể cải thiện được phần của mình trong thu nhập của thế giới? Lời khuyên đặt ra là: “Chúng ta phải từ bỏ việc cố tìm ra điều sẽ phải làm bằng cách dựa vào điều chúng ta đã làm. Ở thế kỷ XXI, người chiến thắng là những ai đứng phía trước đường cong thay đổi, tạo ra thị trường mới, khai phá con đường mới, sáng tạo lại các quy tắc cạnh tranh, thách thức với hiện trạng… Đó là những người sáng tạo ra thế giới chứ không phải những người chỉ biết ứng phó với thế giới”. Đây chính là bài học kinh nghiệm của các con rồng châu Á mà Việt Nam cần phải suy ngẫm và học tập!
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho những người có công với nước  (15/05/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga  (15/05/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Công nghiệp điện tử có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế  (15/05/2013)
Đà Nẵng: Tạm giữ 98 ấn phẩm vi phạm chủ quyền Việt Nam  (15/05/2013)
Đồng chí Tô Huy Rứa làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang  (15/05/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm