I. KHÁI QUÁT:

- Tên nước: Cộng hoà Chi-lê (República de Chi-lê)
- Thủ đô: Xan-ti-a-gô (Santiago, từ 1541)
- Vị trí địa lý: ở Nam Mỹ, Bắc giáp Pê-ru, Đông giáp Bô-li-vi-a và Ác-hen-ti-na, Tây giáp Thái Bình Dương, Đông Nam giáp Đại Tây Dương.
- Diện tích: 756.950 km2. Ngoài ra còn có 1.250.000 km2 ở Nam cực.
- Dân số: 16.465.000 (năm 2006)
- Tôn giáo: 85% dân số theo Thiên chúa giáo.
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha (tiếng thổ dân bản địa: Mapuche).
- Tiền tệ: Đồng Pê-xô, 505 Pê-xô = 1 USD.
- Quốc khánh: 18-9-1810.
- Tổng thống: Bà Mi-sen Ba-chê-lê (Michelle Bachelet, nhậm chức ngày 11-3-2006, nhiệm kỳ 2006-2010).

II. CHÍNH TRỊ:

Là nước cộng hoà. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm.
Quốc hội bao gồm hai Viện: Thượng viện có 38 Thượng nghị sĩ, nhiệm kỳ 8 năm; Hạ viện có 120 Hạ nghị sĩ, nhiệm kỳ 4 năm, bầu trực tiếp.
Các đảng chính: Các đảng trong Liên minh Thống nhất cầm quyền gồm Đảng Xã hội, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo, Đảng vì Dân chủ và Đảng Cấp tiến; các đảng đối lập chính tập trung trong Liên minh vì Chi-lê gồm Đảng Phục hưng Dân tộc, Đảng Liên minh Dân chủ Độc lập, Đảng Miền Nam; ngoài ra còn có một số đảng khác (Đảng Cộng sản, Đảng Phong trào Cánh tả Dân chủ A-giên-đê).
 
III. KINH TẾ:

Giàu tài nguyên khoáng sản như đồng, diêm tiêu, sắt, than, có nhiều gỗ và hải sản; là nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới, chiếm 35,4% sản lượng toàn cầu và 46% xuất khẩu của Chi-lê; đứng đầu thế giới về sản xuất bột cá.
Từ thập niên 1990, kinh tế tăng trưởng khá ổn định, trung bình 6%/năm. Năm 2005, Chi-lê được tạp chí Kinh tế Thế giới xếp thứ hạng cao trong thành tích kinh tế với GDP đạt khoảng 110 tỉ USD, là một trong những nước đạt tăng trưởng bền vững tại khu vực. Chi-lê đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Mê-hi-cô, Mỹ, Ca-na-đa, EU, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Niu Di-lân, Bru-nei và Trung Quốc; đang thương lượng để ký Hiệp định tương tự với Ấn Độ và Nhật Bản.

IV. ĐỐI NGOẠI:

Quan hệ chủ yếu với Mỹ, Tây Âu và các nước khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); chú trọng thúc đẩy quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương; cùng Xin-ga-po đề xuất sáng kiến và thành lập Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh (FEALAC, 1999) nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai khu vực.
 
Ngày 7-4-1995: Nối lại quan hệ ngoại giao với Cu-ba sau 22 năm gián đoạn và thỏa thuận với Cu-ba không đánh thuế xuất khẩu đối với 1.400 mặt hàng.

Chi-lê đã ký các thoả thuận trợ giúp kinh tế với hầu hết các nước Mỹ La-tinh và các Hiệp định tự do thương mại với Trung Mỹ, Mê-hi-cô, Mỹ, Ca-na-đa, EU, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Brunei và Trung Quốc và đang thương lượng với Ấn Độ và Nhật Bản. Trong hoạt động kinh tế đối ngoại, những năm gần đây, Chi-lê coi châu Á là một ưu tiên cao, nhất là đối với Trung Quốc do hiện nay có vai trò quan trọng góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế của Chi-lê.

Là thành viên của Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới, Tổ chức các nước châu Mỹ (OEA), Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Phong trào Không liên kết (NAM), Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh (FEALAC), thành viên liên kết khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế khác.
 
V. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:

- Ngày 25-3-1971: Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao dưới thời Tổng thống Xan-va-đô A-giên-đê, mở Văn phòng thương mại và nâng cấp thành Đại sứ quán ngày 1-6-1972. Tuy nhiên, quan hệ bị gián đoạn từ tháng 9-1973 sau cuộc đảo chính quân sự tại Chi-lê.

- Tháng 9-1990, Chi-lê đề nghị Việt Nam khôi phục quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ và Việt Nam mở lại Đại sứ quán tại Xan-ti-a-gô (10-2003). Chi-lê cử Lãnh sự Danh dự (7-2001) và mở lại Đại sứ quán tại Hà Nội (10-2004).

- Trao đổi đoàn:

Các đoàn cấp cao Việt Nam thăm Chi-lê gồm: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (9-1999), Thủ tướng Phan Văn Khải (10-2002), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11-2004) và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5-2007)

Các đoàn Chi-lê thăm Việt Nam: Tổng thống Chi-lê Ri-các-đô La-gốt (10-2003), Tổng thống Chi-lê Mi-chen Ba-chê-lê nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC 14 (11-2006); Phó Chủ tịch Thượng viện Chi-lê Ma-ri-ô Ri-ốt (7-2000), Thứ trưởng Ngoại giao Thường trực Chi-lê H. Mu-nhốt (10-2000), Phó Chủ tịch Thượng viện Chi-lê Ma-ri-ô Ri-ốt (9/2001), Bộ trưởng Ngoại giao Chi-lê I. Uôn-cơ (1-2006).

- Việt Nam và Chi-lê đã ký các Hiệp định Hợp tác Kinh tế - Thương mại (11-1993); Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, Thoả thuận Tham khảo Chính trị và Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (9-1999); Bản ghi nhớ về Hợp tác Văn hoá - Giáo dục (12-2000); Kiểm dịch Động vật; Nghị định thư Hợp tác trong lĩnh vực mỏ và Thoả thuận Hợp tác giữa 2 Phòng Thương mại và Công nghiệp (10-2002); Miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao và công vụ (10-2003); Hợp tác Nghề cá và ý định thư về đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Hợp tác Khoa học - Công nghệ (11-2004); Thỏa thuận Hợp tác về Du lịch (1-2006); Hợp tác Khoa học - Công nghệ và Thỏa thuận thành lập Uỷ ban hợp tác liên chính phủ Việt Nam - Chi-lê (5-2007); “Ý định thư lập Nhóm nghiên cứu chung về đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương” và tiến tới lập “Uỷ ban hợp tác liên chính phủ” (11-2006).
 
Chi-lê ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc - ECOSOC (10-1997), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC, 1998), ký Thoả thuận kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Tại cuộc gặp giữa Nguyên thủ hai nước bên lề HNCC APEC 15 tại Xít-ni (9-2007), Chi-lê tuyên bố công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, thoả thuận hai bên xúc tiến đàm phán về Hiệp định tự do thương mại song phương (FTA). Công ty Ki-nhên-cô thuộc tập đoàn Lúc-xích tổ chức lễ ra mắt và nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam (11-2006)./.