Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Văn hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của gia đình, là cái gốc của văn hóa làng, văn hóa nước.

Hạt nhân của xã hội là gia đình...

Gia đình là xã hội thu nhỏ, là tổng hòa các quan hệ giá trị nhân cách, tình cảm, đạo đức, danh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật hôn nhân gia đình tháng 1-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình.

Nhiều thập niên qua, cơ cấu xã hội có sự biến đổi, cấu trúc của gia đình Việt Nam cũng biến đổi nhiều. Gia đình là tế bào của xã hội, do đó, văn hóa gia đình có vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Gia đình truyền thống Việt Nam xưa rất chú trọng xây dựng gia đạo, gia phonggia lễ [1] và coi gia đạo là sức mạnh của gia đình. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành, phát triển với những chuẩn mực và giá trị tốt đẹp, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc... Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình Việt Nam phát triển, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác xây dựng gia đình văn hóa trước những khó khăn, thách thức to lớn. Vì vậy, xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa là vấn đề ngày càng có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.

Văn hóa gia đình luôn là nền tảng cho văn hóa xã hội

Ở nước ta, vấn đề gia đình và xây dựng gia đình văn hóa là những vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thời kỳ đổi mới.

Văn hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của gia đình, là cái gốc của văn hóa làng, văn hóa nước. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa là rất cần thiết. Xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng mô hình gia đình Việt Nam hiện đại phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, hướng vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh; làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Trải qua bốn thập kỷ, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành văn hóa - thông tin từ trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo nên đã duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Năm 2007, cả nước có trên 13 triệu hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được khởi nguồn từ những năm 1960 ở tỉnh Hưng Yên rồi theo thời gian được nhân rộng trong cả nước và duy trì cho đến nay. Phong trào đã thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, quán triệt đường lối của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa:

- Gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tích cực tham gia phong trào thi đua của địa phương

Thách thức trong thời kỳ hội nhập

Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua của đất nước cùng với hội nhập kinh tế quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa đã và đang thổi luồng gió mới, đem đến cho “gia đình Việt Nam” nhiều cơ hội phát triển. Người dân có cơ hội phát triển kinh tế, mở rộng tầm giao lưu, tiếp cận thông tin nhanh nhạy, thụ hưởng nhiều thành tựu của khoa học, kỹ thuật, đồng thời tiếp cận với nét văn hóa đặc sắc của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới... Tuy nhiên, cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp, gia phong, đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ ngày càng gia tăng để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xu hướng kết hôn với người nước ngoài ngày càng nhiều, cuộc sống không “êm chèo, mát mái” của nhiều cô dâu Việt Nam ở nước ngoài đang đặt ra mối quan tâm lo lắng cho toàn xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống của người Việt Nam đang có biểu hiện mai một, xuống cấp. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu chè, đại dịch HIV/AIDS, lối sống hưởng lạc gấp gáp... đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn giữa các thế hệ về ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng, đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội.

Những vấn đề cần triển khai ngay

Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình, những khó khăn và thách thức sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gia đình không được chuẩn bị đầy đủ năng lực để thích ứng với xu thế tiến bộ, gia đình sẽ không thực hiện được chức năng vốn có của mình, không thực hiện được vai trò hạt nhân của xã hội. Do đó, đề cao giá trị văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa là mục tiêu vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của xã hội. Để đạt được hiệu quả thiết thực trong công tác xây dựng văn hóa gia đình và phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong giai đoạn mới cần tập trung vào một số nội dung:

1- Tiếp tục giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Từ đó, đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên gia đình.

2- Chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa và nội dung các tiêu chí công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Tránh xu hướng chạy theo thành tích, phản ánh không thực chất phong trào và chất lượng gia đình văn hóa. Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống của nhân dân, công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa phải được tiến hành theo tiêu chí thống nhất, trên nguyên tắc công bằng, dân chủ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.

3- Chú trọng đầu tư kinh phí và nguồn lực về mọi mặt cho phong trào xây dựng “gia đình văn hóa” ở các địa phương.

4- Rà soát và thực thi thất tốt những quy định và đầu tư đảm bảo cho các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa; tiến hành sơ kết, tổng kết, nhân rộng các điển hình và các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc để nêu gương cho toàn xã hội.../.
 

[1] Gia đạo là đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo hiếu là hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha me. Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên tiên, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh.