Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, hôm nay ngày 27-3-2008, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt và báo cáo viên khu vực phía Nam để nghiên cứu quán triệt và bàn biện pháp triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6, khóa X ở các ngành, các địa phương.

Dự Hội nghị có các đồng chí trong ban lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và hơn 300 cán bộ chủ chốt, báo cáo viên của 32 tỉnh, thành phía Nam và đại diện các tổ chức Đảng của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương khu vực phía Nam.

Hội nghị làm việc trong 2 ngày với nội dung quán triệt ba nghị quyết: “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Trong bài phát triển khai mạc hội nghị, PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu rõ, để hội nghị đạt hiệu quả thiết thực và góp phần đổi mới phương thức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, các vấn đề cốt lõi và mới của từng nghị quyết. Khi xác định nội dung nghiên cứu, cần chú ý đến cả hai mặt của vấn đề: quán triệt nhận thức lý luận, tư tưởng và các kỹ năng tổ chức, vận dụng nghị quyết trong thực tiễn của từng địa phương, từng ngành.

PGS, TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X, cần chú ý lồng ghép nội dung các nghị quyết với nội dung Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng giai cấp công nhân và việc sử dụng những hình ảnh Bác Hồ gắn bó với giai cấp công nhân, chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc quán triệt và thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X.

Đối với nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng vậy. Kinh tế thị trường có mặt tích cực là tận dụng tối đa các tiềm năng để phát triển và tiết kiệm từng giờ công lao động, từng gram nguyên liệu… để hạ giá thành sản phẩm, tăng thêm sức cạnh tranh và qua đó tăng thêm lợi nhuận. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một tư tưởng lớn. Vận dụng tư tưởng và tấm gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bác chắn chắc sẽ mang lại tác dụng tích cực khi triển khai nghiên cứu, quán triệt nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa được Hội nghị Trung ương thông qua.

Bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng có mặt trái, tiêu cực khi nó kích thích chủ nghĩa thực dụng, do nhấn mạnh nhiều đến lợi ích cá nhân. Vì vậy, việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa thiết thực, không chỉ cho việc định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, mà còn là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.