TCCSĐT - Năm 2009, quan hệ kinh tế Việt Nam - EU chịu tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu nên quy mô và tốc độ tăng trưởng thương mại, đầu tư, du lịch, viện trợ phát triển có chậm lại so với các năm trước. Song đó chỉ là tạm thời. Cùng với xu hướng phục hồi kinh tế thế giới cũng như EU năm 2010, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU sẽ có bước phát triển mới, toàn diện, cả về thương mại, đầu tư, du lịch,viện trợ phát triển.

1. Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - EU năm 2009

Năm 2009, quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hơn các năm trước. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ quý III năm 2008, kéo dài trong cả năm 2009 đã đẩy nền kinh tế các nước EU vào quá trình suy giảm nghiêm trọng cả về đầu tư, thương mại và du lịch. Nếu những năm trước đây, EU là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, thì bắt đầu từ cuối năm 2008 và cả năm 2009, quy mô và phạm vi của thị trường này bị thu hẹp không ít.

Trong hoạt động thương mại. Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang EU chủ yếu là dệt may, giày dép, hàng thuỷ sản, đồ gỗ, rau quả, thủ công mỹ nghệ, nhưng do tác động của khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp tại 27 nước thành viên EU tăng cao, nhu cầu tiêu dùng và sức mua của dân cư giảm, kéo theo thị trường thu hẹp.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2009 đạt 9,3 tỉ USD, giảm 14,4% so năm 2008. Trong năm 2009, Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu các mặt hàng thuỷ sản, giày dép, may mặc, đồ gỗ, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, chè, cà phê, hạt tiêu. Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực sang EU năm 2009 đều giảm: Hàng dệt may chỉ đạt 1,7 tỉ USD, giảm 31% so với năm 2008, thuỷ sản đạt 1,1 tỉ USD, giảm 5,7% so với năm 2008, giày dép đạt 1,9 tỉ USD, giảm 23,2%.

Trái ngược với xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU năm 2009 không giảm mà còn tăng so với năm 2008, cụ thể đạt 5,5 tỉ USD, tăng 2,2% so năm 2008. Hầu hết kim ngạch nhập khẩu từ EU trong năm 2009 chủ yếu là trang thiết bị, máy móc, vật tư chất lượng cao, chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép... phục vụ sản xuất; hàng tiêu dùng, bột mỳ, sữa bột... Dù kim ngạch nhập khẩu từ EU năm 2009 tăng 2,2% nhưng năm 2009 Việt Nam vẫn xuất siêu sang EU 3,8 tỉ USD.

Hàng nhập khẩu của Việt Nam từ EU chủ yếu là nguyên liệu, phụ liệu dệt may, da giày, máy móc thiết bị, sắt thép, sữa bột, bột mỳ và thực phẩm cao cấp... cũng chịu chung số phận.

Trong lĩnh vực du lịch. Suy thoái kinh tế toàn cầu trong đó các nước EU là khu vực chịu tác động mạnh nhất sau Hoa Kỳ đã làm thu nhập của người dân giảm so với các năm trước, dẫn đến chi tiêu cũng giảm mạnh, không chỉ giảm mua sắm hàng hoá mà giảm cả chi tiêu về các hoạt động văn hoá, du lịch, đầu tư ra nước ngoài. Khách du lịch từ EU đến Việt Nam năm 2009 giảm mạnh ở hầu hết các nước như Anh, Đức, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha. Ba nước có lượng khách du lịch nhiều nhất là Đức, Pháp và Anh đều giảm mạnh so với năm 2008, trong đó Pháp chỉ đạt 174 nghìn lượt khách, bằng 95,3% năm 2008, Đức bằng 94% và Anh bằng 93,5%.
 
Trong hợp tác đầu tư phát triển. Năm 2009 các nước EU dành cho Việt Nam khoản viện trợ ODA cam kết 893,48 triệu USD, trong đó, Pháp là thành viên đưa ra mức cam kết viện trợ cho Việt Nam cao nhất đạt 280,96 triệu USD, tiếp sau là Đức với 186 triệu USD, 13 nước còn lại trong liên minh này đưa ra các mức cam kết viện trợ dưới 100 triệu USD. Phần lớn viện trợ ODA của EU là không hoàn lại để thực hiện nhiều dự án quan trọng về công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch, hỗ trợ cải cách hành chính... Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp cao nhất của EU, cũng dành cho Việt Nam sự giúp đỡ rất có ý nghĩa. Trong năm 2009, viện trợ của EC chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực phát triển nông thôn, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra EC còn hỗ trợ hỗ trợ các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam và EU đều cho rằng việc triển khai thực hiện các chương trình hợp tác phát triển là có hiệu quả.

Đối với Việt Nam, tuy mức độ tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu không gay gắt như các nước EU, nhưng sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU hoặc phụ thuộc vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu từ EU như dệt may, giày da, thuỷ sản, xe đạp... cũng bị suy giảm mạnh. Hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp EU cũng chịu ảnh hưởng lớn và giảm sút nghiêm trọng. Theo Cục Đầu tư ngước ngoài ( Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2009, EU có 7 nước có dự án đầu tư đăng ký mới vào Việt Nam với 94 dự án trị giá 355,3 triệu USD, bằng 11,62% năm 2008 và chỉ chiếm 2,17% tổng số vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu nên hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp của các nước EU gặp khó khăn về nguồn vốn buộc phải thu hẹp đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, trong xu hướng suy thoái chung của FDI từ EU, vẫn có một số quốc gia giữ được nhịp độ tăng vốn tại Việt Nam như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan. Năm 2009 Vương quốc Anh hiện đứng thứ 14 trong tổng số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam Anh có 8 dự án đăng ký mới với số vốn 40,6 triệu USD, hiện đứng thứ 14 trong tổng số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 3 (sau Hà Lan và Pháp) trong số 22 nước EU có đầu tư tại Việt Nam đến năm 2009. Trong các dự án đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp chiếm 86% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đã chiếm 55% vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ tài chính,ngân hàng, bảo hiểm chiếm 11%, còn lại là lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Các tập đoàn Anh cũng đang để mắt đến các thị trường hàng hoá tiêu dùng đang phát triển của Việt Nam và họ dự định đầu tư tại đây.

2. Những yếu tố thuận lợi thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển

Thứ nhất, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU trong năm 2009 được củng cố và tăng cường thông qua các hình thức phong phú, đa dạng, trong đó đáng quan tâm là các cuộc thăm cấp Nhà nước giữa Việt Nam và EU được duy trì thường xuyên với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp của cả hai bên. Uy tín và vai trò của Việt Nam trên thế giới và đối với các nước EU được nâng lên cả về chính trị, kinh tế và ngoại giao sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO. Tình hình chính trị, xã hội ổn định, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và EU nói chung tốt đẹp. Cơ sở pháp lý cho quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU đã được xây dựng từ năm 1990 và liên tục được hoàn thiện đang phát huy tác dụng.

Thứ hai, Vòng đàm phán thứ 5 Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU đạt được bước tiến mới, hai bên hy vọng tiến tới hoàn tất đàm phán và ký kết PCA trong thời gian sớm nhất có thể. Vòng 5 cuộc đàm phán về Hiệp định PCA giữa Việt Nam và EU đã kết thúc ngày 6-11-2009 sau 3 ngày làm việc tại Brúc-xen (Bỉ). Hai bên đã thu hẹp được khác biệt trên nhiều điều khoản và đạt được thỏa thuận về một số điều khoản cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác chuyên ngành, đặt cơ sở tốt để duy trì và phát triển quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch… Kết thúc đàm phán, hai bên ra thông cáo báo chí nêu rõ: "Vòng đám phán thứ 5 diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, Việt Nam và EU đã trao đổi các điều khoản còn lại của PCA, bao gồm điều khoản về các nguyên tắc chung, các điều khoản về hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành khác. Hai bên hài lòng về những tiến triển mới của vòng đàm phán, đồng thời bày tỏ hy vọng tiến tới hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định PCA trong thời gian sớm nhất có thể".

Thứ ba, trong năm 2009, để mở rộng quan hệ kinh tế, Việt Nam và EU còn triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cấp quốc gia theo các hình thức thích hợp. Hình thức phổ biến nhất là tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam và nước đối tác trong EU khảo sát thị trường của nhau, từ đó ký kết các hợp đồng buôn bán và đầu tư. Trong năm 2009, Việt Nam đã có hàng chục đoàn doanh nghiệp thuộc nhiều ngành và lĩnh vực đến các nước EU để nghiên cứu thị trường và ký kết nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị. Ngược lại, phía EU cũng có nhiều đoàn cấp cao thuộc một số nước đến thăm Việt Nam, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn. Ví dụ, một đoàn 25 doanh nghiệp Phần Lan tháp tùng Thủ tướng Phần Lan Mat-ti Van-ha-nen trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 15 đến 17-11-2009, với mục đích tăng cường vị thế của nước này tại Việt Nam và thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Việt Nam ngày càng đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư với các nước EU, trong đó có những đối tác lớn như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, I-ta-li-a, với sự hiện diện của nhiều hãng nổi tiếng như Total, BP, Morgan, Shell... Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng như khai thác dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, ngân hàng, điện, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin… nhìn chung đều đạt hiệu quả. Các doanh nghiệp EU đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam và xác định đây là điểm hấp dẫn đầu tư và thương mại nhờ thị trường lớn, nguồn lao động trẻ, ở khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới trong khủng hoảng kinh tế, với sức mua liên tục được cải thiện, đồng thời có nhu cầu đổi mới công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa.

Tóm lại, trong năm 2009, quan hệ kinh tế Việt Nam - EU tuy chịu tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế - toàn cầu nên quy mô và tốc độ tăng trưởng thương mại, đầu tư, du lịch và viện trợ phát triển có chậm lại so với các năm trước, nhưng đó chỉ mang tính tạm thời xuất phát từ chủ yếu từ nguyên nhân bên ngoài. Cho đến nay EU vẫn nổi lên như một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, thể hiện qua các hoạt động liên doanh, hợp tác đầu tư, viện trợ phát triển và giao lưu thương mại giữa hai bên.

3. Triển vọng quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - EU

Đối với Việt Nam, việc đạt được vị thế xuất siêu trong giao thương với EU năm 2009 cũng như các năm trước đây là thành công khá ấn tượng bởi Việt Nam vẫn thường nhập siêu trong quan hệ thương mại với các đối tác khác. Việc giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU năm 2009 chỉ là tạm thời và sẽ được khắc phục trong năm 2010 cùng với quá trình hồi phục kinh tế hậu khủng hoảng.

Căn cứ vào thực trạng năm 2009 và xu hướng phục hồi kinh tế thế giới cũng như EU năm 2010, dự báo triển vọng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU sẽ có bước phát triển mới, toàn diện, cao hơn cả về thương mại, đầu tư, du lịch, viện trợ phát triển. Mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu cho biết, những năm tới EU mong muốn thúc đẩy phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai bên và xác định Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của EU. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp EU hoạt động tại Việt Nam được khuyến cáo tăng cường xúc tiến thương mại nhằm gia tăng xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi, chia sẻ chi phí sản xuất bằng cách chuyển đơn hàng từ cơ sở ở chính quốc hoặc từ nước khác sang Việt Nam để hạ giá thành, giảm chi phí vận chuyển. Doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế về chính sách tài chính, tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phát triển sản xuất, xuất khẩu.

Trong năm 2010, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư của EU, các chuyên gia cho rằng cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của các nước EU đang hoạt động tại Việt Nam triển khai hiệu quả, thông qua đó giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế của EU, giới doanh nghiệp EU cần quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán và các loại hình dịch vụ phục vụ cho hoạt động tài chính - ngân hàng. Nhiều nước EU như Anh, Pháp, Đức là trung tâm đứng đầu thế giới về thiết kế và kiến trúc, các công ty có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có việc phát triển kết cấu hạ tầng của ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghệ thông tin...

Hiện nay, ngoài những lĩnh vực hợp tác lớn nói trên, quan hệ du lịch giữa Việt Nam và EU cũng có nhiều nét nổi bật thông qua những dự án hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam, góp phần hấp dẫn một lượng khách châu Âu đáng kể vào du lịch và tìm hiểu thị trường đầu tư, kinh doanh và buôn bán ở Việt Nam. Đây cũng là một tiềm năng lớn nếu biết khai thác sẽ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển các mối quan hệ hợp tác khác.

Triển vọng năm 2010 là rất lớn, bởi đây là năm mà kinh tế Việt Nam và EU bước vào giai đoạn hồi phục và tăng trưởng sau suy thoái kinh tế. GDP của Việt Nam dự báo đạt mức tăng trưởng trên 6,5%. Kinh tế EU cũng bắt đầu giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng và tăng trưởng dương. Nhu cầu tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai bên có nhiều thuận lợi khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch hiệp hội các nước ASEAN.

Thị trường EU rộng lớn, đa dạng có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hoá do Việt Nam sản xuất, trong đó có những sản phẩm như dệt may, giày dép, chè, cà phê, hạt tiêu, thủy sản và cao su tự nhiên đã chiếm giữ được thị phần đáng kể tại nhiều nước châu Âu cũng như tạo được uy tín khá vững chắc đối với người tiêu dùng sở tại. Sức mua của người tiêu dùng châu Âu lớn và tương đối bền vững, đặc biệt là người tiêu dùng tại các nước Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, I-ta-li-a, Thụy Điển và Ba Lan. Cơ cấu kinh tế Việt Nam và cơ cấu kinh tế nhiều nước châu Âu có tính bổ sung cho nhau nhiều hơn tính cạnh tranh xét trên tổng thể. Do có trình độ phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ cao, những mặt hàng mà các nước EU có thế mạnh và có tính cạnh tranh cao hầu hết thuộc các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, hoá chất, giao thông vận tải, hàng không, dược phẩm, mỹ phẩm cao cấp, thực phẩm, đồ uống và dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng lớn. Đây là những sản phẩm Việt Nam có nhu cầu ngày càng tăng nhưng khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của EU phần lớn là cao su nguyên nhiên liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, may mặc, thuỷ sản, cà phê, chè, hạt tiêu… là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh so với nhiều nước khác và có nguồn cung tương đối dồi dào.

Cộng đồng người Việt Nam tại EU tương đối đông có nhu cầu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khá lớn. Hơn thế nữa, tại một số nước lớn như Đức, Pháp, Ba Lan có cộng đồng doanh nhân người Việt năng động có khả năng phân phối hàng Việt Nam trên qui mô lớn. Tình hình an ninh, chính trị tại hầu hết các nước EU và Việt Nam cơ bản ổn định. Đây là nhân tố quan trọng tạo tâm lý an tâm cho các doanh nhân mở rộng quan hệ buôn bán, đầu tư, du lịch, hỗ trợ phát triển và góp phần giảm thiểu các chi phí phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh.

Bên cạnh thuận lợi, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Đó là: hàng rào thuế quan của EU đối với một số sản phẩm của Việt Nam như giày mũ da, xe đạp, chốt cài inox vẫn thuế cao trên thị trường EU. Tháng 12-2009, Uỷ ban châu Âu quyết định kéo dài mức đánh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da của Việt Nam nhằm bảo hộ ngành giày dép của một số nước thành viên EU, gây tổn hại cho ngành giày dép Việt Nam, là rất đáng tiếc. Hàng rào kỹ thuật vẫn là một công cụ phòng vệ thương mại được nhiều nước EU sử dụng khá phổ biến để hạn chế hàng nhập khẩu với mục đích tuyên bố là bảo vệ người tiêu dùng nhưng suy cho cùng cũng nhằm bảo hộ các ngành sản xuất trong nước đang bị mất dần lợi thế so sánh so với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, các hàng rào thương mại phi thuế quan khác vẫn còn được sử dụng.
 
Khó khăn và bất cập tuy còn nhiều, nhưng chỉ là tạm thời vì cả Việt Nam và EU đều mong muốn mở rộng quan hệ kinh tế theo Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) đã ký kết. Tín hiệu tích cực là mới đây (đầu tháng 7-2010), Uỷ ban EC quyết định từ ngày 15-7-2010, thuế chống bán phá giá của EC đối với mặt hàng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ hết hạn và bị bãi bỏ. Quyết định đúng đắn đó đã mở ra triển vọng mới để củng cố và phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU không chỉ đối với mặt hàng xe đạp mà còn đối với các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam sang thị trường này như dệt may, giày dép, thuỷ sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... trong năm 2010 và các năm tới./.