Kinh tế thị trường bền vững - Mô hình phát triển thiết yếu cho Việt Nam
TCCS - Để xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất thiết phải xây dựng được nền kinh tế thị trường bền vững với 4 trọng tâm, đồng thời là 4 vấn đề mang tính cốt yếu đối với tiến trình phát triển, cần tập trung giải quyết, đó là thị trường, công nghiệp hóa, nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược hội nhập quốc tế.
1 - Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Một trong những tương phản đã và đang diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam là những diễn biến trái chiều giữa mức tăng trưởng cao và chỉ số cạnh tranh toàn cầu, giảm từ vị trí 68 (năm 2007) xuống 70 (năm 2008), rồi 75 (năm 2009). Yếu tố chính dẫn tới sự tụt hạng về chỉ số cạnh tranh là do chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô giảm từ vị trí thứ 51 (năm 2007) xuống 112 (năm 2009), tiếp đến là thể chế kinh tế thị trường chưa phát triển, cách điều hành chưa dựa trên những diễn biến của thị trường, chưa có sự hội nhập đầy đủ vào hệ thống tài chính quốc tế, mà chỉ đang ở giai đoạn đầu của quá trình tham gia mạng lưới sản xuất trong khu vực và thế giới, năng lực cạnh tranh ở các cấp quốc gia, của sản phẩm và doanh nghiệp đều ở mức thấp.
Bình ổn vĩ mô và an ninh kinh tế - xã hội là những vấn đề lớn đã và đang được đặt ra. Nhất là vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu á năm 1997 - 1999 và khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 - 2009 càng bộc lộ rõ những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam với tỷ lệ lạm phát tăng cao trở lại 20% - 25%; hiệu quả đầu tư giảm, chỉ số ICOR tăng từ 5% lên 8% trong khoảng một chục năm vừa qua, trong khi tốc độ tăng trưởng chưa được đo bằng hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động cao, mà chủ yếu dựa vào tăng nhanh đầu tư (hiện mức đầu tư chiếm khoảng 43% GDP); mức độ phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, thâm hụt cán cân thanh toán và cán cân thương mại cao; dự trữ ngoại tệ giảm từ 24 tỉ USD cuối năm 2008 xuống 16 tỉ USD cuối năm 2009; nợ nước ngoài đến hạn phải trả tăng; mức độ hưởng ứng, tin tưởng và đồng thuận của người dân vào một số chính sách kinh tế giảm (thể hiện qua việc giảm mua công trái, tăng số cuộc đình công, khiếu kiện... Năm 2009, số vụ biểu tình, đình công tuy giảm, nhưng vẫn còn 216 vụ so với khoảng 760 vụ trong năm 2008, phần lớn xuất phát từ những bất cập liên quan đến chính sách thu hồi, đền bù đất đai chưa thỏa đáng cho nông dân). Đây là những mặt trái mà kinh tế học gọi là “những thất bại của thị trường” cần được khắc phục để bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững.
2 - Thực thi mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động
Yếu tố cốt lõi, quyết định sự thay đổi về chất của nền kinh tế Việt Nam là công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH). Chúng ta đã và đang trải qua hai cuộc thử nghiệm lớn, thứ nhất là thử nghiệm mô hình CNH lấy công nghiệp nặng làm then chốt (từ thập niên 60 đến giữa thập niên 80 thế kỷ XX; thứ hai là mô hình CNH, HĐH đồng hành với tiến trình đổi mới triển khai từ năm 1986 đến nay, có người gọi cuộc thử nghiệm thứ hai là mô hình CNH “rút ngắn” nhằm mau chóng đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Cả hai cuộc thử nghiệm này đều đã mang lại một số kết quả nhất định, tạo ra một số ngành công nghiệp non trẻ, bước đầu phát huy được một số nội lực, nhưng chưa đạt được mục tiêu mong muốn là nhanh chóng chuyển nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp, mặc dù cả hai cuộc thử nghiệm đều đã kéo dài tổng cộng 6 thập niên, mà đến nay Việt Nam thực chất vẫn là một nước “nông nghiệp cận nghèo”. Nguyên nhân chính là do chúng ta tiến hành CNH một cách duy ý chí, nôn nóng muốn “đi tắt, đón đầu”, không xuất phát từ thực lực, thiếu thốn đủ mọi thứ, từ vốn đến công nghệ, nguồn nhân lực am hiểu công nghiệp và phương pháp quản lý công nghiệp, nên không những không tiến nhanh hay rút ngắn được, mà đã kéo dài hơn tiến trình CNH. Nay cần chuyển sang một tư duy mới, một cách làm mới, một mô hình mới, mô hình CNH phát huy lợi thế so sánh động, dựa trên thực lực và lợi thế mà ta có thể tiếp cận được. Mô hình mới được diễn tả theo sơ đồ CNH hai giai đoạn dưới đây:
Trong sơ đồ trên, hai đường cong mô tả sự phát triển của hai loại lợi thế so sánh (LTSS) bậc thấp và bậc cao. ở giữa là giải phân cách thể hiện mức thu nhập trung bình (TNTB) của quốc gia, đồng thời là chỉ giới phân định hai giai đoạn phát triển trong tiến trình CNH, HĐH. Các số liệu 1.000 USD, 5.000 USD và 10.000 USD là những chỉ số tương đối phản ánh ba mức thu nhập: trung bình thấp, trung bình và trung bình cao (những số liệu này là số tròn dựa vào sự xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2007, trong đó xếp nước có mức thu nhập thấp là ít hơn hoặc bằng 935 USD/người/năm, thu nhập trung bình thấp là từ 936 USD/người/năm đến 3.705 USD/người/năm, thu nhập trung bình cao là từ 3.706 USD/người/năm đến 11.455 USD/người/năm, và nước có mức thu nhập cao là trên 11.456 USD/người/năm). Các loại LTSS được đưa ra nghiên cứu là những yếu tố cơ bản mà các nước sử dụng trong quá trình CNH, HĐH. Các LTSS bậc thấp gồm năm loại: 1- lao động giản đơn, 2- nguyên liệu thô, sơ chế, 3- vốn vừa và nhỏ, 4- công nghệ phù hợp, 5- sức mua thấp. Các LTSS bậc cao gồm: 1- lao động chất lượng cao, 2- nguyên vật liệu tinh chế, 3- vốn lớn, 4- công nghệ hiện đại, 5- sức mua cao.
Sơ đồ trên có một lộ trình rất rõ ràng là, muốn thực hiện rút ngắn quá trình CNH, cần sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả các lợi thế mà đất nước sẵn có cùng với việc tranh thủ kịp thời các cơ hội mà xu thế toàn cầu hóa mang lại. Khi đất nước có nhiều nguồn lực hay lợi thế ở bậc thấp thì tranh thủ sử dụng các nguồn lực đó đến mức cao nhất; trong giai đoạn thấp này có thể sử dụng các nguồn lực bậc cao, nhưng nên chọn lọc những ngành, lĩnh vực có tính khả thi cao, không nên đầu tư dàn trải, vượt quá xa so với những nguồn lực thực tế, gây lãng phí và không hiệu quả. Chỉ đến khi chúng ta có khả năng tạo ra và được tiến trình toàn cầu hóa đem lại nhiều nguồn lực, nhiều lợi thế bậc cao thì lúc đó mới dành ưu tiên đầu tư cho sự phát triển những ngành dựa trên lợi thế bậc cao.
Theo sơ đồ trên và căn cứ vào những thay đổi về LTSS của nước ta, hiện cần ưu tiên cao cho các ngành thuộc 5 loại lợi thế bậc thấp, bao gồm: lao động giản đơn, giá rẻ; các loại tài nguyên, nguyên liệu truyền thống thông thường như nông sản với các sản phẩm đã có thương hiệu và thị trường trên thế giới (gồm lúa gạo, cà-phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, rau quả, chè, lâm sản, thủy hải sản), phát triển mạnh kinh tế biển và một số khoáng sản như dầu, khí, than...; các dự án, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, vốn ít; các ngành công nghiệp có công nghệ phù hợp; các ngành hàng đáp ứng sức mua thấp của người tiêu dùng.
Đến giai đoạn đạt mức thu nhập trung bình cao (từ 5.000 USD/người/năm đến 10.000 USD/người/năm), sẽ chuyển trọng tâm ưu tiên đầu tư cho các ngành có lợi thế bậc cao như lao động chất lượng cao, có trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp và kỹ năng cao; nguyên, vật liệu mới; vốn và quy mô lớn; công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ gắn với công nghệ cao như ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải; các ngành hàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng có sức mua cao. Như vậy mới có thể nhanh chóng nâng cao được năng suất, hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, từ đó rút ngắn được tiến trình CNH, HĐH, vừa giải quyết được tình trạng dư thừa lao động, thất nghiệp cao trong giai đoạn đầu, vừa có thể tiến nhanh đến hiện đại trong giai đoạn sau.
Những kết quả đạt được trong quá trình phân bổ vốn đầu tư của thời kỳ đổi mới vừa qua đã minh chứng hiệu quả thực tế của phác đồ trên. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2008, mặc dù nhiều ngành có lợi thế thấp, không được quan tâm đúng mức như sản xuất lúa gạo, trồng và chế biến cao su, chè, cà-phê, sản xuất phân bón, thuốc chữa bệnh, sản phẩm điện tử gia dụng, khu vực nông nghiệp, nông thôn (nơi đóng góp tới 20% GDP, nơi sinh sống của 70% dân số, một thị trường lớn về nguồn lao động giá rẻ và khả năng tiêu thụ cá nhân không cao), chỉ được đầu tư chưa đầy 9% tổng vốn xã hội, hay các lĩnh vực khác như kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, cải cách hành chính... đều chỉ được đầu tư ở mức thấp, thì đã đạt mức tăng trưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Trong khi đó, phần lớn vốn đầu tư tập trung vào những ngành, những tập đoàn, những dự án lớn mà chưa mang lại hiệu quả rõ ràng, chưa có được những sản phẩm và thương hiệu có tên tuổi, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.
Một vấn đề quan trọng khác trong CNH, HĐH là việc xây dựng và thực thi những chính sách công nghiệp hữu hiệu. Khi đã lựa chọn và xác định được những ngành công nghiệp trọng điểm, cần tập trung đầu tư và có chính sách hữu hiệu để xây dựng bằng được ngành đó trước khi mở rộng sang ngành khác. Thực tế cho thấy, mặc dù chúng ta đã nỗ lực để phát triển nhiều ngành công nghiệp, nhưng do đầu tư dàn trải, trong khi thiếu chính sách hữu hiệu và thiếu nguồn lực cần thiết, nên cho đến nay chưa xây dựng được một ngành công nghiệp nào theo đúng nghĩa. Chúng ta đã mất hơn 20 năm với những cam kết rất “hậu hĩnh” cho hơn một chục hãng ô-tô nước ngoài, nhưng cho đến cuối năm 2009, hãng có mức nội địa hóa cao nhất (Toyota Việt Nam) cũng mới chỉ nội địa hóa được 7% giá trị xe so với tỷ lệ cam kết trong giấy phép đầu tư là 30% sau 10 năm; hãng Suzuki Việt Nam nội địa hóa 3% so với giấy phép 38,2% vào năm 2006; hãng Ford Việt Nam nội địa hóa 2%; những hãng còn lại nội địa hóa khoảng từ 2% đến 4%(1). Nhiều hãng sản xuất ô-tô làm cho thị phần bị xé nhỏ. Vì thị phần nhỏ nên các hãng không có chiến lược tăng tỷ lệ nội địa hóa, mà chỉ loay hoay xung quanh khâu lắp ráp - tiêu thụ trong “chuỗi giá trị”. Các ngành công nghiệp khác như tàu thủy, sắt thép, điện tử, công nghiệp phụ trợ... đều ở trong tình trạng tương tự, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt được vài phần trăm.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn đi kèm theo những mặt trái. Đối với Việt Nam, 5 tác nhân ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững là tốc độ tăng nhanh dân số, tình trạng nghèo đói, hậu quả chiến tranh kéo dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ tăng đầu tư và một số chính sách bất cập. Các tác nhân này đã và đang phá hoại môi trường một cách nghiêm trọng, nhất là đối với rừng, ruộng, sông ngòi, biển. Rừng của Việt Nam từ chỗ che phủ 3/4 diện tích đất nước, đến năm 2000 chỉ còn che phủ khoảng 33% lãnh thổ. Năm 2009, tuy độ che phủ của rừng ở nước ta đã được nâng lên 45,5%, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, ít ra rừng phải che phủ được khoảng 50% lãnh thổ mới có thể bảo đảm được một sự phát triển bền vững. Đất nông nghiệp cũng vậy, một lượng không nhỏ diện tích đất tốt, phì nhiêu “bờ xôi, ruộng mật” đang bị hy sinh cho hàng trăm khu công nghiệp, thành phố, sân gôn... do thiếu quy hoạch hợp lý, đẩy hàng chục triệu nông dân ra khỏi làng mạc, quê hương của họ, mà nhiều người trong số đó chưa ổn định được cuộc sống. Một khu công nghiệp có khi phải mất hàng chục năm để đi một chặng đường từ giải phóng mặt bằng đến lấp đường. Trong hàng chục năm đó người nông dân bị thu hồi đất sống bằng nghề gì chưa phải lúc nào cũng có lời giải tối ưu.
Hiện nay, nắng, gió và sóng biển, những nguồn năng lượng có tiềm năng lớn, sạch, rẻ, kỹ thuật khai thác dễ và an toàn hơn so với nhiệt điện, thủy điện và điện nguyên tử, nhưng đang ít được quan tâm phát triển. Trong bối cảnh chúng ta chưa có được các điều kiện tối thiểu (xét từ nguồn vốn đến nhân lực, công nghệ, khả năng quản lý, đặc biệt là chưa hề có kinh nghiệm gì về chế ngự rủi ro, thảm họa nguyên tử), thì nên ưu tiên cao cho đầu tư khai thác và phát triển các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái sinh, có trữ lượng lớn, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết về công nghệ, vốn, nhân lực... để trong một vài thập niên nữa, khi có điều kiện khá hơn thì hãy đưa năng lượng nguyên tử lên hàng ưu tiên. Đó chính là chiến lược kết hợp sử dụng hiệu quả tài nguyên sẵn có với kiến tạo tài nguyên mới. Những thập niên qua chúng ta đã thiên về khai thác và bán rẻ tài nguyên thô, nay cần tăng đầu tư cho các hoạt động chế biến, chế tạo nhằm tăng cường sử dụng tài nguyên thiên nhiên vì mục đích xây dựng và phát triển nền công nghiệp nước nhà. Đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu kỹ để xây dựng và áp dụng những mô hình được nhiều nhà khoa học trên thế giới nói tới, đó là mô hình CNH xanh, tăng trưởng kinh tế xanh hay phát triển xanh, trong lúc còn chưa quá muộn.
3 - Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao
Một bất cập lớn trong hệ thống giáo dục nước ta hiện nay là ít coi trọng đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp. Điều đó lý giải vì sao học sinh Việt Nam luôn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, cả trong nước và quốc tế, nhưng thi tuyển dụng việc làm thì hầu hết không đạt, hoặc đạt ở mức thấp. Một ví dụ điển hình là, hãng Intel của Mỹ vào Việt Nam đầu tư, tổ chức thi tuyển nhân viên công nghệ thông tin, kết quả thật bất ngờ: trong số 2.000 ứng viên dự thi để vào làm việc cho cơ sở sản xuất của hãng tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 90 ứng viên, tức 5%, đạt chuẩn chuyên môn, trong đó 40 ứng viên (2%) đủ trình độ tiếng Anh để tuyển dụng, chung cuộc 2% đạt chuẩn tuyển dụng! Hay Renesas, một hãng thiết kế và sản xuất vi mạch hàng đầu của Nhật Bản đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh, muốn tuyển 500 kỹ sư cho giai đoạn hoạt động đầu tiên, mà suốt 2 năm 2007 và 2008 chỉ tuyển được 60 người đạt chuẩn. Bệnh thành tích đã lái hệ thống giáo dục, đào tạo Việt Nam phát triển theo hướng trái với nhu cầu phát triển, nay cần thay đổi theo hướng đáp ứng đúng nhu cầu thực tế: xây dựng một hệ thống giáo dục thực sự phục vụ phát triển, coi trọng “đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mười, thì thành tích thi cử chỉ nên một”.
Một nhiệm vụ cấp bách nhưng có ý nghĩa lâu dài, là phải xây dựng được một đội ngũ doanh nhân giỏi, đặc biệt là các nhà tài chính, thương nhân, các nhà công nghiệp và dịch vụ có tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Việc chúng ta tiếp nhận tới trên 90% đầu tư nước ngoài là đầu tư trực tiếp chứng tỏ đội ngũ các nhà kinh doanh của Việt Nam còn rất non kém, chưa đủ sức phát triển các ngành công nghiệp của đất nước, phụ thuộc quá nhiều vào các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chừng nào chúng ta làm được như Hàn Quốc trong thời kỳ đầu CNH, hay ấn Độ từ khi bắt đầu công cuộc cải cách, tự do hóa, thu hút trên 90% đầu tư nước ngoài là đầu tư gián tiếp để xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp của các nhà kinh doanh trong nước, thì lúc đó mới có thể yên tâm rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đủ khả năng phát triển nền công nghiệp của đất nước. Xây dựng một đội ngũ doanh nhân đông đảo và giỏi kinh doanh là một thách thức lớn của đất nước, nhưng không thể không làm, nhất là trong bối cảnh nước ta đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nhà kinh doanh phải cạnh tranh công bằng không chỉ tại thị trường trong nước, mà cả trên thị trường quốc tế.
Một vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là việc giải phóng tư duy và năng lực sáng tạo, trọng dụng người tài, loại bỏ những rào cản gây trở ngại đối với sự sáng tạo và đóng góp của họ. Những xã hội văn minh sở dĩ trở nên văn minh vì họ đã xây dựng được những cơ chế bảo đảm cho tự do sáng tạo và khuyến khích người tài sáng tạo. Các xã hội văn minh đã làm thế, nước ta muốn đi lên văn minh, hiện đại, không thể không làm như vậy.
4 - Mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng bổ sung giữa nội lực và ngoại lực, kết hợp hài hòa chiến lược hướng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu
Chiến lược thay thế nhập khẩu đã phát huy tác dụng tốt vào thập niên 50 và nửa đầu thập niên 60 thế kỷ XX, khi các nước đang phát triển cần xây dựng nền kinh tế độc lập, chống lại sự đô hộ của tư bản nước ngoài, nhưng đến giữa thập niên 60 đã trở thành vật cản đường của các nước đang phát triển do quá nhấn mạnh đến độc lập, tự chủ, nên đã dẫn đến chỗ bị khu biệt khỏi thế giới phát triển, không tranh thủ được các nguồn vốn, công nghệ, thị trường và kinh nghiệm quản lý. Các nước thế giới thứ ba đã bị mất nhiều cơ hội và nguồn lực cho phát triển. Rõ ràng đến lúc này chiến lược thay thế nhập khẩu không còn phù hợp nữa.
Từ giữa thập niên 60, một chiến lược mới đã được thiết kế - chiến lược hướng xuất khẩu - với mục tiêu khắc phục những hạn chế của chiến lược thay thế nhập khẩu, mở ra những cơ hội mới cho các nước đang phát triển trong tiếp cận thị trường thế giới rộng lớn, tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ và phương pháp quản lý hiện đại. Chiến lược hướng xuất khẩu đã phát huy tác dụng rất mạnh cho đến khi nổ ra cuộc khủng hoảng dầu lửa vào những năm 1973 - 1974, rồi khủng hoảng tài chính châu á năm 1997 - 1998 và khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 - 2009, thị trường thế giới bị thu hẹp, thì chiến lược hướng xuất khẩu đã mất dần tác dụng của nó. Lúc này nhiều nhà chiến lược và hoạch định chính sách đã quay lại nhấn mạnh tới các thị trường trong nước và khu vực.
Những thay đổi trên đây cũng đã diễn ra tương tự đối với Việt Nam, có thời đã nói rất nhiều về tự lực cánh sinh, rồi mở cửa thúc đẩy hội nhập quốc tế, và nay lại đang phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực tế đó đang đặt ra cho Việt Nam một yêu cầu là, một chiến lược hội nhập mới phù hợp hơn, cân đối hơn, khắc phục những lệch lạc, hướng nội hay hướng ngoại thái quá. Trong bối cảnh như vậy, thực hiện chiến lược mở rộng hội nhập quốc tế theo hướng bổ sung giữa nội lực và ngoại lực, kết hợp hài hòa hai chiến lược hướng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu là phù hợp nhất. Chiến lược mới này không những cho phép chúng ta vừa phát huy được các nguồn nội lực sẵn có, vừa tranh thủ được các cơ hội mà toàn cầu hóa, khu vực hóa mang lại, không quá dựa vào các cơ hội bên ngoài mà quên đi hoặc coi nhẹ những nguồn lực trong nước, bỏ trống thị trường trong nước cho tư bản nước ngoài. Khi kinh tế thế giới và khu vực tăng trưởng mạnh thì hướng ngoại mạnh, đẩy mạnh xuất khẩu, khi kinh tế thế giới và khu vực rơi vào khủng hoảng, suy thoái thì hướng nội mạnh, mở rộng thị trường trong nước, vào lúc bình thường thì có thể phát huy được cả hai./.
Khánh thành Ðền tưởng niệm - Bến thả hoa và khởi công Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ bờ bắc sông Thạch Hãn  (25/07/2010)
Thủ tướng yêu cầu bãi nhiệm chức vụ đối với ông Nguyễn Trường Tô  (25/07/2010)
Thủ tướng yêu cầu bãi nhiệm chức vụ đối với ông Nguyễn Trường Tô  (25/07/2010)
Xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm  (25/07/2010)
CPI tháng 7 tăng thấp nhất trong hơn 1 năm qua  (25/07/2010)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên