Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông ở Nghệ An

Nguyễn Tuấn Sơn
19:58, ngày 10-09-2010

TCCS - Từ năm 2007, nền nông nghiệp nước ta đã gắn với thế giới thông qua sự kiện Việt Nam gia nhập WTO. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp đạt năng suất cao và bền vững, cần chú trọng đến các hình thức bảo hộ nông nghiệp mà WTO cho phép, trong đó có hình thức thông qua công tác khuyến nông.

1 - Thực trạng năng lực cán bộ khuyến nông ở Nghệ An

Hội nghị Trung ương 7, khóa X, ra Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo động lực đột phá thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực này. Công tác khuyến nông (KN) ngày càng đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, hệ thống KN quốc gia nói chung, hệ thống KN Nghệ An nói riêng còn đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo số liệu công bố của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An và số liệu điều tra trực tiếp 228 đối tượng liên quan đến KN ở Nghệ An năm 2008 do Đại học Nông nghiệp Hà Nội tiến hành (trong đó có 52% hộ nông dân, 19% là cán bộ KN cơ sở, 20% cán bộ KN cấp huyện, tỉnh và 9% là cán bộ lãnh đạo cấp huyện, tỉnh) cho thấy, hệ thống KN tỉnh Nghệ An hiện được tổ chức tới cấp xã và thôn, bản. Tính tới tháng 6-2008, KN Nghệ An có 6.129 cán bộ, trong đó, đội ngũ KN cấp tỉnh chiếm 1,1%, cấp huyện chiếm 2,5%, cấp xã chiếm 7,6% và cấp thôn, bản chiếm tới 88,8%.

Trình độ đội ngũ cán bộ KN khá thấp, số người có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ chiếm 11,8%, còn lại là trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo. Xét theo trình độ chuyên môn, có 6% số cán bộ có chuyên môn trồng trọt; 1,1% số cán bộ có chuyên môn về chăn nuôi; 91,4% thuộc các chuyên môn khác. Trong khi thực tế, 64,63% số cán bộ được giao nhiệm vụ phụ trách trồng trọt và thủy sản; 36,59% được giao nhiệm vụ phụ trách chăn nuôi. Riêng ở cấp xã, có tới 85,11% số cán bộ phụ trách trồng trọt và 46,81% phụ trách chăn nuôi.

Sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ KN cũng chưa thực sự cao. Theo kết quả phỏng vấn 91 cán bộ KN (cùng cấp) và 17 lãnh đạo KN huyện và tỉnh (cấp trên), có 10,98 % số cán bộ KN và 48,65%% số cán bộ lãnh đạo cho rằng, cán bộ KN hiện nay chưa nhiệt tình trong công việc (xem bảng 1).

Bảng 1: Đánh giá năng lực cán bộ khuyến nông (% số ý kiến đánh giá)

Tiêu chí đánh giá

Cán bộ đánh giá

Cán bộ cùng cấp

Cấp trên đánh giá

Cấp dưới

Tốt

TB

Kém

Không

Có ý

Kiến

Tốt

TB

Kém

Trình độ kỹ thuật

76,83

21,95

0,00

1,22

13,51

81,08

5,41

Phương pháp KN

65,85

32,93

0,00

1,22

21,62

64,86

13,51

Nhiệt tình, năng động

89,02

9,76

0,00

1,22

51,35

40,54

2,70

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, tuy nhiên tập trung ở 3 nhóm nguyên nhân chính:

Thứ nhất, sự phối hợp giữa phòng nông nghiệp huyện, thị và trạm KN chưa thật chặt chẽ. Nhiệm vụ của cán bộ KN tương đối nhiều và còn chồng chéo nên hiệu quả chưa cao.

Thứ hai, một số nơi, do phân công trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến khuyến nông viên chưa có cơ quan quản lý cụ thể, việc bố trí công việc phù hợp với chuyên môn đã đào tạo vẫn còn nhiều bất cập.

Thứ ba, việc lựa chọn cán bộ KN cơ sở do lãnh đạo xã quyết định nên phụ thuộc nhiều vào quan hệ làng xóm, dòng họ, chưa thực sự xuất phát từ năng lực chuyên môn, do vậy phần lớn cán bộ KN cơ sở có trình độ văn hóa, chuyên môn thấp. Ngoài ra, thu nhập không cao cũng ảnh hưởng lớn đến sự nhiệt tình và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở.

2 - Mức độ đáp ứng nhu cầu của khuyến nông ở Nghệ An

Thực hiện Nghị định số 56/2005NĐ-CP, ngày 26-4-2005, của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư, năm 2008, công tác KN Nghệ An đã thực hiện được một số nội dung nổi bật sau:

- Xây dựng mô hình: Trong 116 hộ nông dân được phỏng vấn, có 56,9% số hộ nông dân đã tham gia xây dựng mô hình, chủ yếu là mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Nhưng việc tham gia xây dựng mô hình của nông dân hầu hết là bị động, có 41% số hộ tham gia do được phân công và 38% số hộ tham gia do cán bộ KN thuyết phục. Điều này cho thấy, việc cung cấp dịch vụ KN còn theo hướng từ trên xuống. Do vậy, chỉ có khoảng 25% số hộ cho rằng, mô hình đáp ứng trên 75% mong muốn của họ và có 7% số hộ cho rằng việc triển khai mô hình chưa kịp thời.

- Đào tạo, tập huấn: Nội dung các lớp tập huấn chỉ tập trung vào nội dung trồng trọt và chăn nuôi, tỷ lệ hộ tự đăng ký đi tập huấn chưa đến 1% (số còn lại phải cử, phải động viên tham dự), người dân còn thụ động trong việc tiếp cận khoa học, kỹ thuật; nội dung cũng như cách thức tổ chức tập huấn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế sản xuất. Đánh giá về các lớp tập huấn, chỉ có 46,55% số hộ cho rằng, nội dung phù hợp, cho thấy việc xác định nội dung và phương pháp KN cần xuất phát từ nhu cầu của người dân.

- Thông tin, tuyên truyền: Trung bình mỗi năm KN tỉnh Nghệ An in 50.000 tập san thông tin, 280.000 tờ gấp kỹ thuật cùng hàng ngàn trang tài liệu phục vụ cho tập huấn cùng các kênh chuyển giao thông tin khác như qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thể và các hội thi nông dân giỏi. Đánh giá về công tác thông tin tuyên truyền, trên 85% số ý kiến cho rằng, nội dung tin tức phù hợp, song khoảng 25% cho rằng, tin tức chưa kịp thời cho việc ra quyết định sản xuất và tiêu thụ nông sản của hộ nông dân. Hình thức chuyển tin hiệu quả nhất là tờ gấp kỹ thuật (73,28% số hộ sử dụng) và tin phát trên phương tiện thông tin đại chúng (84,48% số hộ tiếp cận).

- Dịch vụ tư vấn: Công tác tư vấn vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ đối với Nghệ An. Có 49,14% số hộ trả lời họ được tiếp cận với dịch vụ tư vấn, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, chỉ có 10,34% số hộ cảm thấy thỏa mãn với loại hình dịch vụ này, trong khi có tới 37,93% số ý kiến cho biết, họ hoàn toàn không hài lòng với dịch vụ tư vấn khuyến nông. Trong thực tế, qua điều tra, người dân đang rất cần tư vấn về quy hoạch, thiết kế, chuyển đổi sản xuất, song chưa được đáp ứng.

3 - Nhu cầu về dịch vụ khuyến nông giai đoạn tới ở Nghệ An

Đa số nông dân mong muốn được tham gia các mô hình trình diễn trồng trọt (95%) và chăn nuôi (92%). Khoảng 2/3 số hộ cho rằng, các mô hình khuyến lâm, khuyến ngư và KN chưa thực sự cần thiết đối với họ. Đối với tập huấn đào tạo, 100% số hộ có mong muốn được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và 98% muốn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Không đến 1/3 số hộ cho rằng, tập huấn khuyến lâm, khuyến ngư và KN cần thiết đối với họ. Riêng vùng ven biển, tỷ lệ hộ có nhu cầu tập huấn về nuôi trồng, chế biến thủy sản và chăn nuôi tương đương nhau.

Về nhu cầu thông tin, nông dân quan tâm hơn cả là thông tin về kỹ thuật (83,62% cho rằng họ rất cần), sau đó là thông tin thị trường (57,76% hộ rất cần). Các hình thức chuyển giao thông tin được nông dân đề nghị là tờ gấp kỹ thuật (100% hộ), các phương tiện truyền thanh, sách, băng đĩa hình (49,14%). Nông dân cho biết, họ sẵn sàng trả phí dịch vụ từ 50 - 60% tổng chi phí, khác với trước đây hoàn toàn không phải chi trả thể hiện nhu cầu tiếp cận thông tin, kiến thức làm ăn đang ngày càng bức thiết.

4 - Một số giải pháp nâng cao hiệu quả khuyến nông ở Nghệ An

a. Hoàn thiện hệ thống tổ chức khuyến nông trên địa bàn tỉnh:

Hợp nhất Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm và Trung tâm Khuyến ngư; sắp xếp lại lực lượng cán bộ KN chuyên trách cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế. Thành lập bộ phận dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên cơ sở hợp nhất tổ dịch vụ vườn ươm với trạm khảo nghiệm và chuyển giao thiết bị kỹ thuật nông nghiệp.

Củng cố và hoàn thiện tổ chức KN cấp huyện. Theo đó, trạm KN sẽ là đơn vị sự nghiệp độc lập, do trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh quản lý, làm chức năng KN trên địa bàn, phục vụ cho chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn chung của huyện.

Phân cấp quản lý cán bộ KN cơ sở, theo đó cần phải: bổ sung cán bộ KN cho các xã chưa có khuyến ngư viên; chuyển quản lý khuyến ngư viên xã cho Trạm KN huyện, hình thành Ban KN hoặc cụm KN thôn bản; và chuẩn hóa đội ngũ KN cơ sở bằng các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ cho họ.

b. Nâng cao trình độ cán bộ khuyến nông các cấp:

Cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ KN các cấp, tập trung nâng cao kiến thức về thị trường, kỹ năng cung cấp dịch vụ và tư vấn kỹ thuật.

Cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động KN. Các trang thiết bị chủ yếu là máy tính, máy chiếu cho công tác chuyển giao tập huấn; bình ni-tơ lỏng và dụng cụ phục vụ cho thụ tinh nhân tạo, phục vụ chương trình phát triển đàn bò lai và lợn hướng nạc.

c. Đổi mới phương pháp và nội dung hoạt động khuyến nông theo hướng cầu:

Đổi mới và hoàn thiện phương pháp KN linh hoạt, phù hợp với nội dung, đối tượng sử dụng dịch vụ, áp dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia của các bên liên quan từ khâu lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá các hoạt động KN. Bên cạnh đó, nội dung hoạt động cần đổi mới cho phù hợp với nhu cầu thực tế của sản xuất, kinh doanh, cần đúc rút kinh nghiệm và đánh giá sau mỗi khóa tập huấn. Ngoài ra, phân cấp quản lý phù hợp với định hướng quản lý tổ chức hiện nay, đặc biệt trong khâu lập kế hoạch, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ.

d. Tiêu chuẩn hóa và có chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở:

Cần có chính sách thu hút các kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp, KN đặc biệt con em địa phương về quê công tác. Các tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ KN cơ sở cần rõ ràng và theo hướng động viên, khuyến khích họ. Ngoài ra, do nông dân đã sẵn sàng chi trả một phần phí dịch vụ, nên cần xác định mức thu, hình thức thu và tỷ lệ phân phối sao cho bảo đảm lợi ích giữa người trực tiếp tham gia và cơ quan khuyến nông./.