Chỉ một tuần nữa, Festival Huế 2008 với chủ đề ''Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển'' sẽ chính thức khai mạc, mọi công việc chuẩn bị cho Festival Huế 2008 đến nay đã dần hoàn tất...

Tiếp tục phát huy thành quả của Festival Huế những năm: 2000, 2002, 2004 và 2006 và theo hướng nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như tính chuyên nghiệp để xứng đáng với vị thế của một trung tâm văn hóa du lịch, thành phố Festival của Việt Nam, Festival Huế 2008 với chủ đề “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển” sẽ diễn ra trong 9 ngày, từ 3 đến 11-6-2008. Festival Huế 2008, được khởi động ngay từ Tết Âm lịch với các lễ hội dân gian, truyền thống. Trong khuôn khổ đó, ngày 3-5 vừa qua, Trại điêu khắc quốc tế lần thứ V đã được khai mạc tại khu du lịch A-ba-lon Ri-sót (Abalone Resort) Tân Mỹ với sự tham gia của 19 nhà điêu khắc quốc tế, 8 nhà điêu khắc Việt Nam thuộc 16 quốc gia và sẽ kéo dài trong một tháng như một hoạt động mở đầu có tính truyền thống của Festival Huế.

Festival Huế năm 2008 được tổ chức đúng vào thời điểm Thừa Thiên Huế kỷ niệm 15 năm quần thể di tích cố đô được công nhận là di sản văn hoá thế giới (1993-2008); 5 năm âm nhạc cung đình Huế(nhã nhạc) được công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại (2003-2008). Festival Huế năm nay hứa hẹn sẽ là một lễ hội văn hóa du lịch, một diễn đàn sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế, gắn với mở rộng giao lưu quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Festival Huế 2008 sẽ là nơi hội tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật truyền thống và đương đại, các nghệ sĩ điêu khắc đến từ 27 quốc gia, với những chương trình biểu diễn đặc sắc, hoành tráng về nội dung, nghệ thuật phù hợp với chủ đề di sản với hội nhập và phát triển, như: ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, triển lãm, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật đường phố và điêu khắc..

Nhiều đoàn nghệ thuật tiêu biểu trong cả nước từ trung ương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, miền Trung, Huế (Nhà hát ca múa Quân đội, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn ca múa nhạc Phú Yên, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, Nhà hát ca kịch Huế, Nhóm ca nhạc nữ Cỏ lạ - Hà Nội, Chương trình của Phó An My - Đặng Tuệ Nguyên, Chương trình của Ánh Tuyết và ATB, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Câu lạc bộ ca Trù Thái Hà, Câu lạc bộ ca Huế, Nhóm nhạc tài tử Nam bộ, một số ca sĩ và nhóm nhạc khác…) sẽ mang đến những chương trình mới đặc sắc, cùng với những nét tinh tế và giai điệu tuyệt vời của các nhạc cụ và âm nhạc truyền thống dân tộc.

Trong suốt 9 ngày của Festival sẽ diễn ra rất nhiều lễ hội.Lễ khai mạc và bế mạc với phần tham gia đầy ấn tượng của các đoàn nghệ thuật nước ngoài, các trò diễn dân gian, đây là điểm mới so các kỳ Festival trước; Lễ hội tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung tại Núi Bân; Lễ hội Nam Giao tiếp tục lần thứ 3 và sẽ tập trung hoàn chỉnh phần lễ và rút gọn phần rước trong 3 phần của lễ tế giao; Hai lễ hội cung đình mới được phục dựng là Lễ hội tái hiện thi Tiến sĩ Võ và lễ tế Đàn Xã tắc; Lễ hội Áo dài đặc trưng của Festival Huế tiếp tục giới thiệu những bộ sưu tập áo dài độc đáo của các nhà thiết kế trong nước. Chương trình “Khám phá huyền thoại sông Hương”, một chương trình mới có nội dung và chủ đề rộng, hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, đầy chất trữ tình; Chương trình “Đêm Hoàng cung” tiếp tục được bổ sung hoàn thiện với chất lượng và sự hấp dẫn cao hơn.

Chương trình văn hoá nghệ thuật hưởng ứng và các hoạt động cộng đồng đa dạng: thả diều, múa lân, ngày hội “hành trình nối dài chuyện cổ tích”, rước đèn, cờ người, thư pháp, biểu diễn võ thuật cổ truyền, âm nhạc đường phố, nghệ thuật sắp đặt..., các lễ hội “Hương xưa làng cổ”, “Chợ quê ngày hội”, “Thuận An biển gọi” đã được lãnh đạo các huyện triển khai và hoàn thành kế hoạch chi tiết. Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ban tổ chức, nhà thiếu nhi, Nhà văn hóa thành phố Huế tổ chức ngày hội thiếu nhi với nhiều nội dung phong phú và các hoạt động xã hội gắn liền có nhiều y‎ nghĩa, cũng là một điểm nhấn sinh động trong Festival lần này về tính cộng đồng và hiệu quả xã hội. Các hoạt động triển lãm như triển lãm mỹ thuật 6 tỉnh Bắc miền Trung, Ảnh nghệ thuật về thành phố Festival, trưng bày hình ảnh và tư liệu Thuận Hoá - Phú Xuân thời Tây Sơn, hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 220 năm anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung đăng quang. Triển lãm bộ sưu tập tác phẩm đợt 2 của hoạ sĩ Lê Bá Đảng và hoạ sĩ Việt kiều Tô Trần Bích Hải cùng bộ trang phục của các dân tộc Việt nam. Ngoài ra, sở thể dục, thể thao Thừa Thiên Huế cũng đã có đề án về tổ chức các hoạt động thể thao hưởng ứng như giải tennis Festival, đăng cai giải U21 quốc tế… Hội chợ du lịch thương mại quốc tế tổ chức từ ngày 3 đến 9-6 góp phần sinh động phong phú thêm cho hoạt động Festival.

Du lịch Thừa Thiên Huế với các tour du lịch hấp dẫn, các sản phẩm có chất lượng. Hàng trăm khách sạn, biệt thự, nhà dân sẵn sàng đón khách./.