Hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 7-8 đã khai mạc tại thành phố Beppu, tỉnh Oita của Nhật Bản nhằm thảo luận chiến lược tăng trưởng bền vững sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.

Trong hai ngày hội nghị, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng tăng trưởng, cam kết theo đuổi tăng trưởng chất lượng cao để châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực có sự tăng trưởng cân bằng, toàn diện, bền vững và an toàn hơn.

Trong tuyên bố chung phổ biến sau Hội nghị bàn tròn về chiến lược tăng trưởng, các bộ trưởng kinh tế của APEC cho rằng, APEC đã trở thành trung tâm tăng trưởng của kinh tế thế giới thông qua việc thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, APEC đang phải đối mặt với các thách thức mới như các vấn đề năng lượng và môi trường, các vấn đề về an ninh con người và các khoảng cách về cơ hội và phát triển kinh tế giữa các nền kinh tế… Vì vậy, APEC cần chú ý nhiều hơn tới các vấn đề mới phát sinh nhằm đảm bảo sự thịnh vượng và hạnh phúc chung trong dài hạn.

Các đại biểu nhấn mạnh APEC cần đóng góp cho việc cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới thông qua việc xây dựng chiến lược tăng trưởng. Chiến lược tăng trưởng của APEC cần có đủ các yếu tố hướng tới hành động như kế hoạch hành động và các cơ chế đi kèm để chuyển hóa 5 nhân tố cấu thành tăng trưởng chất lượng (gồm tăng trưởng cân bằng, toàn diện, bền vững, sáng tạo và an toàn) thành các hành động cụ thể mang tính tập thể của các nền kinh tế thành viên.

Để chuyển sang nền kinh tế xanh, các đại biểu nhấn mạnh APEC cần tăng cường hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển các ngành năng lượng có lượng khí thải CO2 thấp.

Theo các đại biểu, cách tiếp cận mới đối với tăng trưởng của APEC phản ánh niềm tin của các nền kinh tế thành viên rằng thương mại và đầu tư tự do vẫn là chìa khóa quan trọng cho thịnh vượng của khu vực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thừa nhận tăng trưởng kinh tế cần phải kết hợp với các nhân tố khác như bảo vệ môi trường.

Chiến lược tăng trưởng được thảo luận tại hội nghị sẽ là định hướng cơ bản cho các hoạt động của APEC trong vòng 5-10 năm tới./.