Việt Nam - Bun-ga-ri thắm tình hữu nghị
Tạm biệt đất nước Ru-ma-ni, chiều 20-6-2008 (theo giờ địa phương) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã sang thăm chính thức Cộng hòa Bun-ga-ri theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri Ghê-oóc-ghi Pi-rin-xki (George Pirinski).
Sáng ngày 23-6, Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Đài chiến sĩ vô danh với nghi thức trọng thể. Sau lễ đón, tại Nhà Quốc hội Bun-ga-ri, hai Chủ tịch Quốc hội đã tiến hành Hội đàm và thông qua Tuyên bố chung giữa Quốc hội hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri Ghê-oóc-ghi Pi-rin-xki bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ truyền thống giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri mong rằng trong giai đoạn hiện nay, hai nước sẽ có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại vượt xa con số khiêm tốn 47 triệu USD một năm như hiện nay.
Cảm ơn những tình cảm của Chủ tịch Pi-rin-xki và nhân dân Bun-ga-ri dành cho Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việt Nam thực hiện chính sách nhất quán phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và nhiều mặt với Bun-ga-ri, đề nghị Bun-ga-ri ủng hộ Việt Nam thiết lập quan hệ toàn diện với Liên minh châu Âu. Hai nước sẽ tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tiếp xúc trực tiếp, tham gia hội thảo, hỗ trợ, tìm hiểu cơ hội đầu tư thương mại ở mỗi nước. Những lĩnh vực mà hai bên cần tiếp tục hợp tác là đào tạo cán bộ trình độ cao, hợp tác lao động, du lịch, chế biến thực phẩm…
Hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực lập pháp và các hoạt động giám sát của Quốc hội nhằm thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước. Quốc hội Việt Nam và Bun-ga-ri cùng Chính phủ hai nước tạo dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc và ổn định cho sự phát triển bền vững quan hệ truyền thống giữa hai nước, củng cố mối quan hệ song phương thông qua các chuyến thăm chính thức và làm việc của các đoàn đại biểu Quốc hội.
Hai bên sẽ tiến hành việc trao đổi đoàn giữa các Nhóm nghị sĩ Hữu nghị và cá nhân các nghị sĩ nhằm trao đổi thông tin và kinh nghiệm. Hàng năm, hai Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ có những thoả thuận cụ thể trao đổi khả năng thực tập, bồi dưỡng chuyên môn. Hai bên sẽ tham vấn lẫn nhau về những vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, tăng cường hợp tác tại các Diễn đàn Liên nghị viện như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP) và các Diễn đàn Liên Nghị viện khác.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã mời Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri sang thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri vui vẻ nhận lời và mong sớm sang thăm đất nước Việt Nam.
Kết thúc hội đàm, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung với những thoả thuận cụ thể giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam và Bun-ga-ri. Đây là lần đầu tiên Quốc hội hai nước Việt Nam và Bun-ga-ri ký Tuyên bố chung, cho thấy Quốc hội hai nước rất coi trọng mối quan hệ truyền thống và quyết tâm cùng nhau thúc đẩy sự hợp tác hữu nghị ấy lên một tầm cao mới.
Ngay sau đó, trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam và Bun-ga-ri, hai Chủ tịch Quốc hội khẳng định: cuộc Hội đàm đã thành công tốt đẹp, mở ra triển vọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước. Tuyên bố chung được thông qua là sở sở pháp lý quan trọng để hai bên tiếp tục triển khai nhiều thoả thuận mà lãnh đạo hai nước đã ký kết. Hai Quốc hội sẽ có trách nhiệm thúc đẩy các cơ quan của Quốc hội, tăng cường vai trò giám sát của mình, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn song phương và đa phương, vì sự nghiệp phát triển của mỗi nước.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Bun-ga-ri Ghê-oóc-ghi Pa-va-nốp (Georgi Parvanov). Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nêu rõ mục đích chuyến thăm lần này của đoàn nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ vốn có từ lâu giữa hai nước, hai Quốc hội, đáp ứng mong muốn và lợi ích của mỗi nước trong điều kiện mới.
Tổng thống Pa-va-nốp khẳng định từ lâu Bun-ga-ri và Việt Nam đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp, đồng thời bày tỏ mong muốn mối quan hệ đó tiếp tục phát triển trong điều kiện mới, trên cơ sở phù hợp với tiềm năng, lợi thế và lợi ích của cả hai bên. Tổng thống Pa-va-nốp nhấn mạnh vai trò quan trọng của hai Quốc hội trong việc phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nói chung giữa hai nước Bun-ga-ri và Việt Nam. Tổng thống đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Bun-ga-ri, cũng như đội ngũ đông đảo những người Việt Nam từng học tập, công tác tại Bun-ga-ri.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và nhân dân Bun-ga-ri sau khi đi thăm một số địa phương và chúc nhân dân Bun-ga-ri dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Pa-va-nốp sẽ tiếp tục đạt nhiều thành công mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cũng trong chiều 23-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pi-rin-xki đã tới dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Bun-ga-ri. Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn, qua Diễn đàn này, các doanh nghiệp Việt Nam và Bun-ga-ri sẽ thiết lập các mối quan hệ lâu dài, tìm được các cơ hội hợp tác, đầu tư hiệu quả.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến đặt vòng hoa tại Đài Chiến sỹ vô danh tưởng niệm các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc; dự tiệc chiêu đãi với Thủ tướng Bun-ga-ri Xéc-gây Xta-ni-sép (chiều) và Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri Pi-rin-xki (tối).
Ngày 21 và 22-6-2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tiếp thân mật đại diện Hội Hữu nghị Bun-ga-ri - Việt Nam. Chủ tịch Hội Hữu nghị Bun-ga-ri - Việt Nam vui mừng vì sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Về những định hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới, ông Xi-me-on Dim-chép (Simeon Dim Chev), Chủ tịch Hội Hữu nghị Bun-ga-ri - Việt Nam cho biết: “Hợp tác kinh tế là lĩnh vực chúng tôi rất quan tâm, nhằm kết nối các doanh nghiệp hai nước, giúp họ hiểu nhau hơn và tìm cơ hội làm ăn tại mỗi nước. Bên cạnh đó là văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật.. là những điểm mà Hội rất quan tâm. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức Tuần văn hoá Việt Nam tại Bun-ga-ri và Tuần văn hoá Bun-ga-ri tại Hà Nội. Rất mừng là lãnh đạo hai nước đều ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động này”. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng mong rằng, Hội Hữu nghị Bun-ga-ri - Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Bun-ga-ri tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, thúc đẩy truyền thống hữu nghị giữa hai nước.
Nói chuyện với cán bộ đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Bun-ga-ri, chia sẻ với những khó khăn vì xa nhà, Chủ tịch Quốc hội biểu dương tinh thần đoàn kết, hướng về Tổ quốc của cộng đồng người Việt Nam ở Bun-ga-ri. Chủ tịch mong mỗi cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam ở Bun-ga-ri tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết, góp phần nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước, làm giàu cho mình, cho bạn và luôn hướng về Tổ quốc.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã đi thăm cố đô Ve-li-cô Tu-rơ-nô-vô và thành phố Ca-dan-lứt, được mệnh danh là “Thủ đô hoa hồng” của Bun-ga-ri.
Theo lịch trình chuyến thăm, chiều 24-6-2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Pa-ri, bắt đầu chuyến thăm Pháp. Dự kiến Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ diễn ra vào sáng 25-6, sau đó sẽ tiến hành hội đàm, ký thoả thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt Nam, tiếp lãnh đạo một số tổ chức, hội hữu nghị và một số tập đoàn hàng đầu của Pháp đến chào.
Ngân hàng thế giới đánh giá về thị trường đất đai Việt Nam  (25/06/2008)
Ngân hàng thế giới đánh giá về thị trường đất đai Việt Nam  (25/06/2008)
Hội nghị cấp cao các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu mỏ tại A-rập Xê-út  (25/06/2008)
Hội nghị cấp cao các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu mỏ tại A-rập Xê-út  (25/06/2008)
Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni thăm chính thức Việt Nam  (25/06/2008)
Bến Tre gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với công tác giảm nghèo  (25/06/2008)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên