1. Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đưa ra phán quyết cuối cùng

Trong hai ngày xét xử 15 và 16-5 ở Thủ đô Pa-ri (Pháp), có 27 nhân chứng gồm các nạn nhân chất độc da cam, các chuyên gia Việt Nam và các nước đưa ra nhiều bằng chứng có sức thuyết phục về hậu quả mà các nạn nhân phải gánh chịu do nhiễm chất đi-ô-xin. Ðại diện chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ không tới dự dù tòa đã gửi giấy triệu tập. Ngày 18-5, Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế ra kết luận khẳng định, cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế; chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Kết luận của Tòa như sau: Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải các loại hóa chất có chứa chất đi-ô-xin, gây hậu quả lớn đối với con người, nguồn nước, hệ sinh thái và nền kinh tế Việt Nam. Ðế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam, ném bom đánh phá miền bắc Việt Nam là hành động vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Việc sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin là một tội ác chiến tranh, vì đây là loại vũ khí bị luật pháp quốc tế và Công ước La Hay cấm sử dụng. Các công ty hóa chất Mỹ đã đồng lõa với chính phủ Mỹ khi cung cấp chất hóa học có chứa đi-ô-xin, gây hậu quả nặng nề cho khoảng 3 đến 4 triệu người Việt Nam, để lại di chứng khủng khiếp cho nhiều thế hệ sau. Tòa đề nghị thành lập Ủy ban chất độc da cam nhằm đánh giá hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với người dân Việt Nam.

2. Kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết hai năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Sáng 18-5-2009, tại Hà Nội, Ðảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức mít-tinh trọng thể kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2009); 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2009). Trong diễn văn đọc tại Lễ Kỷ niệm, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói: “Trong buổi lễ trang trọng này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta... Kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn là dịp để chúng ta ôn lại sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự thể hiện quyết tâm thực hiện Di chúc của Người, đoàn kết đưa dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng”. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Người.

3. Tổng thống cộng hòa Trung Phi thăm chính thức Việt Nam

Theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Cộng hoà Trung Phi Phrăng-xoa Bô-di-dê I-ăng-gu-vông-đa và Phu nhân đã sang thăm chính thức Việt Nam vào ngày 19-5-2009. Đây chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra trang sử mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Trung Phi. Sau lễ đón, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Tổng thống I-ăng-gu-vông-đa. Tổng thống I-ăng-gu-vông-đa đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong xoá đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục; bày tỏ mong muốn được học tập kinh nghiệm trong đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội đồng thời mong muốn, với kinh nghiệm Việt Nam có được trong hợp tác ba bên với các nước châu Phi, Cộng hoà Trung Phi cùng Việt Nam sẽ xây dựng thành công mô hình hợp tác ba bên với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Cộng hoà Trung Phi kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp như trồng lúa nước, cà phê, nuôi trồng thuỷ sản, nhất là thông qua mô hình hợp tác ba bên, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong thực hiện chính sách xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội. Việt Nam cũng sẵn sàng giúp Cộng hoà Trung Phi mở rộng hợp tác với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Trung Phi.

4. Triển lãm “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh"

Sáng ngày 20-5-2009, Bảo tàng Hồ Chí Minh khai mạc Triển lãm “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Lần đầu tiên, khách tham quan được thấy toàn văn bút tích bản Di chúc của Người. Với gần 200 ảnh, tài liệu và hiện vật, Triển lãm “40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” gồm 2 phần. Phần thứ nhất giới thiệu toàn văn bút tích Di chúc của Bác, từ bản Di chúc đầu tiên được Đảng và Nhà nước ta công bố năm 1969 ngay sau khi Bác qua đời, đến các trang Người viết bổ sung năm 1968 (được công bố năm 1989). Những văn bản của Đảng và Nhà nước công bố về ngày mất và những vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác cũng được giới thiệu đầy đủ trong phần này. Phần thứ hai trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về những thành tựu sau 40 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội. Một nội dung quan trọng cũng được thể hiện rõ nét trong triển lãm là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

5. Hội nghị các Nhà lãnh đạo các Khu công nghệ cao châu Á lần thứ 4 tại Hà Nội

Ngày 20-5-2009, tại Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị các Nhà lãnh đạo các Khu công nghệ cao châu Á lần thứ 4 với chủ đề “Vai trò của các bên liên quan trong việc phát triển công nghệ cao”. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các khu công nghệ cao Châu Á, nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư tại khu công nghệ cao. Tại Hội nghị lần thứ 4 này, các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các Khu công nghệ cao châu Á (ASPA) sẽ thảo luận các chuyên đề quan trọng như nhìn nhận và đánh giá vai trò của các bên liên quan tham gia trong việc phát triển công nghệ cao; xây dựng định hướng chiến lược để cùng nhau phát triển công nghệ cao trong khu vực và củng cố vai trò của Hiệp hội trong việc thúc đẩy hợp tác ở châu Á thuộc lĩnh vực công nghệ cao; xây dựng mạng lưới và hình mẫu của các Khu công nghệ cao xuất sắc, thực hiện chiến lược trao đổi công nghệ giữa các bên. Hội nghị các nhà lãnh đạo được tổ chức lần này cũng là dịp để các nước thành viên cung cấp các cơ hội, mở rộng và củng cố mạng lưới, chia sẻ những thông tin sáng tạo.

6. Việt Nam tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)

Ngày 20-5-2009, các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao từ 24 nước thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) họp tại Phu-kệt (Thái Lan) đã nhất trí tăng cường đối thoại và hợp tác an ninh, cùng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đoàn Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, dẫn đầu đã tham dự Hội nghị. Hội nghị tập trung thảo luận hai nội dung quan trọng, gồm nỗ lực của các tổ chức an ninh khu vực nhằm đối phó với những hiểm họa an ninh phi truyền thống và ý nghĩa quốc phòng, an ninh trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hội nghị về chính sách an ninh của ARF được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ARF lần thứ 16 (ARF SOM 16) diễn ra tại Phu-kệt.

7. Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII

Ngày 20-5-2009, tại Hà Nội, đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XII. Dự kiến trong kỳ họp này, các đại biểu sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2009; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007; cho ý kiến về đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục, đào tạo giai đoạn 2009 - 2014; xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. thảo luận và thông qua 12 dự án luật và 01 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật; xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; và một số báo cáo chuyên đề khác; tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La; nghe các báo cáo giám sát chuyên đề thuộc lĩnh vực do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện, báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

8. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm, làm việc tại Nhật Bản và dự Hội nghị “Tương lai châu Á”

Từ ngày 21 đến 23-5-2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm, làm việc tại Nhật Bản và dự Hội nghị “Tương lai châu Á lần thứ 15 do báo Ni-cây tổ chức tại Tô-ki-ô (Nhật Bản). Thành công của chuyến thăm đã cụ thể hóa các nội dung nêu trong Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và đề xuất các biện pháp sớm đưa châu Á thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nổi bật là tại các cuộc hội đàm với Thủ tướng Ta-rô A-sô và hội kiến Chủ tịch Hạ viện I.Cô-nô và Chủ tịch Thượng viện X.Ê-đa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi ý kiến về phương hướng và biện pháp triển khai cụ thể các nội dung nêu trong Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, công bố trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tháng 4-2009.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị “Tương lai châu Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật sáu nhóm giải pháp ưu tiên phối hợp hành động, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là châu Á cần củng cố niềm tin và xây dựng một nền tảng vững chắc, với tất cả các yếu tố cần thiết bảo đảm sự phát triển bền vững. Thủ tướng đã giải đáp một số câu hỏi liên quan chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam và thông điệp tới các nhà đầu tư toàn cầu "Việt Nam luôn coi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của mình".

9. Tọa đàm "Kinh tế thế giới hậu khủng hoảng tài chính: khuyến nghị chiến lược phát triển cho Việt Nam"

Sáng ngày 22-5-2009, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm "Kinh tế thế giới hậu khủng hoảng tài chính: khuyến nghị chiến lược phát triển cho Việt Nam" giữa Giáo sư Paul Krugman với đại diện lãnh đạo Chính phủ, các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các nhà kinh tế, giới nghiên cứu của Việt Nam. Trao đổi tại cuộc tọa đàm, Giáo sư Paul Krugman cho rằng: Việt Nam đã thành công với việc tăng trưởng kinh tế đạt mức 8% liên tục trong nhiều năm; chiến lược kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng, sau khoảng 3-4 năm nữa, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh; trong tương lai gần, Việt Nam nên tập trung vào chấn chỉnh hệ thống giáo dục, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng và cảnh giác trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tiếp theo bằng nhiều biện pháp như cải tiến hệ thống tài chính, tiền tệ.

10. Hội thảo các nhà báo Á-Âu lần thứ năm

Trong hai ngày 23 và 24-5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Quỹ Á-Âu (ASEF) đã phối hợp tổ chức Hội thảo các nhà báo Á-Âu lần thứ 5 với chủ đề “Tiến tới một thế giới thời kỳ hậu khủng hoảng”. Đây là một trong những hoạt động bên lề hướng tới Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9. Hội thảo gồm phiên thuyết trình mở và phiên thảo luận của các nhà báo. Phiên thuyết trình mở ngày 23-5 đã thu hút gần 100 đại biểu đến từ nhiều bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam và đông đảo các nhà báo Việt Nam và quốc tế. Với chủ đề “Đồng Euro sau 10 năm ra đời - Thành tựu, thách thức và tác động đối với châu Á”, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về bài học thành công và các thách thức đối với đồng tiền chung châu Âu (Euro), những kinh nghiệm mà châu Á có thể rút ra và triển vọng của việc thiết lập một hệ thống tiền tệ chung của châu Á, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu hiện nay. Phiên thảo luận ngày 24-5 tập trung vào hai chủ đề: “Hậu quả của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đối với châu Á và châu Âu” và “Liệu khủng hoảng có dẫn tới chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ hơn?”. Các nhà báo đã trao đổi ý kiến về tình hình hai châu lục, những bài học rút ra được từ cuộc khủng hoảng, quan hệ Á - Âu và các thách thức của toàn cầu hoá, triển vọng của thế giới sau khủng hoảng…/.

*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 11-5-2009 đến 17-5-2009)