TCCSĐT - Các giải pháp tổng thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, với khu vực nông nghiệp cần giải quyết rất nhiều vướng mắc để nông dân thật sự nhận được sự trợ giúp này.

Hàng loạt các gói giải pháp tài chính hỗ trợ sản xuất và đời sống của người nông dân, người dân nghèo, người dân vùng sâu vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số đang được khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện. Đó là chương trình hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay tiền đầu tư thiết bị máy móc sản xuất nông nghiệp, mua vật tư nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng để nhà ở ở nông thôn. Đó là chương trình hỗ trợ 61 huyện nghèo phát triển sản xuất và xóa nghèo bền vững, là hỗ trợ đưa người nghèođi làm việc tại nước ngoài. Trước đó là chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long với chương trình hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ thu mua lúa và mua máy sấy lúa, hỗ trợ tiêu thụ cá ba sa và rất nhiều giải pháp khác v.v... Những biện pháp hỗ trợ này thật sự thiết thực đối với mỗi người nghèo.

Thế nhưng, khi các chính sách này mới bắt đầu được triển khai, người nông dân chưa kịp mừng, các nhà hoạch định chính sách vừa bắt đầu cảm thấy chao vơi đi được đôi chút lo âu luôn canh cánh trong lòng về cuộc sống của người dân ở các khu vực này thì một số vấn đề phức tạp đã lại nảy sinh.

Trước hết là chuyện đi vay vốn và cho vay vốn. Hiện tại, đa số những ai cần vay vốn hoạt động thì cũng đang vay ở một địa chỉ nhất định - có thể là tại ngân hàng, tại một tổ chức tín dụng khác và cũng có thể là ở những nguồn khác. Tuy nhiên, điều đáng nói là, với những khoản vay ấy, thì một tài sản hay giấy tờ quan trọng đã được đi kèm để thế chấp. Vì thế, nếu muốn vay thì người nông dân không còn gì để thế chấp. Thêm nữa, nếu có được vay thì cần phải có một cơ chế giám sát chuyện cho vay này, để tránh tình trạng thất thoát, tiêu cực nảy sinh. Ngay cả các thủ tục cho vay cũng cần cải thiện để đồng vốn đến tay người nghèo một cách kịp thời, nếu không, khi vụ thả cá đã qua lâu, thời điểm xuống giống lúa đã trôi đi hay rau xanh đã bắt đầu vào vụ thu hoạch rồi, thì người nông dân mới nhận được tiền vốn vay ưu đãi. Khi đó, mọi chính sách hỗ trợ đã không còn tác dụng. Hoặc ngược lại, làm sao để tránh được chuyện khi nông sản còn chưa đến vụ thu hoạch, chưa bán được thì đã đến kỳ trả nợ ngân hàng nên phải “bán lúa non” giá rẻ.

Thứ hai là chuyện mua sắm vật tư, thiết bị cho sản xuất. Nhà nước hỗ trợ nông dân phần lãi suất vay vốn ngân hàng để mua thiết bị sản xuất và vật tư nông nghiệp nhưng nếu thiếu sự hướng dẫn cụ thể và giám sát chặt chẽ thì người nông dân dễ mua phải phân bón giả và thiết bị sản xuất kém chất lượng, thậm chí là giống lúa, giống cây con kém chất lượng. Chuyện ưu đãi lãi suất vay tiền mua máy móc thiết bị sản xuất và chế biến nông sản cũng vậy. Theo quy định, vốn ưu đãi này phải mua thiết bị sản xuất trong nước, nhưng số lượng thiết bị chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đến nay còn quá ít so với nhu cầu thực tế nên nếu không khéo, số vốn ấy sẽ bị - bằng hình thức này hay hình thức khác, chuyển sang mua máy móc thiết bị nhập khẩu.

Thiếu nhất hiện nay là máy gặt đập và máy sấy lúa trong khi các cơ sở sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng đủ còn hàng hóa nhập khẩu thì đầy ắp trên thị trường, thậm chí có những loại còn được quảng cáo, rao bán ngay trên phương tiện truyền thông của ngành nông nghiệp. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển ngành cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng bây giờ chương trình này cũng mới được triển khai. Trong khi đó sự ưu đãi cho nông dân vay chỉ được phép triển khai trong 2 năm mà thôi. Còn với vật tư nông nghiệp, thì thực tế hiện nay, phân bón giả và phân bón kém chất lượng không hiếm trên thị trường và không ít người dân sau suốt một vụ sản xuất nhọc nhằn đã bị trắng tay vì bón phân giả.

Thứ ba là sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả. Thực tế, nhiều người nghèo khi vay được vốn nhiều khi lúng túng không biết sử dụng ra sao vì cũng chưa có ai đứng ra hướng dẫn sử dụng, đầu tư.

Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, lúa giống IR50404 (là giống cao sản nhưng chất lượng thấp) bắt đầu trở lại tình trạng bị ế không tiêu thụ được, nếu bán được thì cũng với giá rất thấp. Mới năm ngoái, loại lúa này tồn đọng hàng nghìn tấn không xuất khẩu được do không phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài, khiến Chính phủ phải hỗ trợ hàng nghìn tỉ đồng cho ngân hàng để đầu tư cho doanh nghiệp thu mua giúp. Năm nay, khó khăn cũ còn nóng hổi mà bà con dường như đã lại quên. Mặc dù các nhà khoa học đã khuyến cáo phải giảm diện tích trồng loại lúa này, nhưng ít thấy nơi nào có hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân. Phần nữa bà con dù có muốn thay đổi nhưng lại thiếu giống lúa cần trồng.

Thứ tư là phải có định hướng tiêu thụ sản phẩm làm ra. Thực tế ở một số địa phương, chính quyền chỉ cho người dân trồng cây này, nuôi con này, nhưng trồng rồi, nuôi rồi thì bán cho ai, giá cả ra sao thì cũng không có câu trả lời. Tại tỉnh Bắc Giang nổi tiếng với đặc sản vải thiều Lục Ngạn hiện giờ đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch năm nay. Cho dù nhiều dự đoán giá vải năm nay sẽ cao hơn năm ngoái do sản lượng hụt vì ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh vừa qua, song mức cao này cũng sẽ không hơn mấy so với giá mọi năm. Hơn nữa, với đặc điểm thu hoạch vải dồn dập trong khoảng thời gian ngắn nên chắc chắn tình trạng ứ hàng - kể cả ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu là khó tránh khỏi.

Mặc dù qua nhiều năm lâm vào cảnh giá hạ, hàng đọng, nhiều người trồng vải cũng đã biết cách áp dụng các phương pháp khoa học tác động vào quá trình ra hoa đậu quả của cây vải để giãn thời gian thu hoạch, song đây cũng chỉ là cách làm tự phát, nhìn nhau mà liệu chứ chưa phải là theo một chương trình, kế hoạch đồng nhất và tổng thể. Vừa rồi, tại An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã khuyến cáo những người nuôi cá ba sa rằng phải có hợp đồng tiêu thụ cá ký với doanh nghiệp thì mới nên đầu tư nuôi cá. Thế nhưng giờ đây, dù chuyện ký ấy có được thực hiện hay không thì giờ đây giá cá đang tăng lên mà nguồn cung trong dân lại giảm.

Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp thông tin rằng, ở Chi-ca-gô (Mỹ), tiêu thụ lúa gạo được thực hiện theo cách doanh nghiệp và nông dân ký hợp đồng tương lai. Theo hợp đồng này, người nông dân có trách nhiệm giao hàng cho doanh nghiệp đúng thời điểm và theo giá đã thỏa thuận, còn doanh nghiệp chịu trách nhiệm với giá ngoài thị trường. Giữa người nông dân và doanh nghiệp có sự ràng buộc và thực thi trách nhiệm như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Như vậy, sản xuất của nông dân ổn định, và doanh nghiệp cũng chủ động được trong việc kinh doanh. Việc ký kết hợp đồng và quy định trách nhiệm cũng như quyền hạn của mỗi bên để không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhau, là một kinh nghiệm cần được tham khảo, nhất là khi mỗi năm nước ta xuất khẩu trung bình 4,5 triệu tấn gạo, riêng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn một nửa sản lượng lương thực của cả nước.

Hiện giờ, rất nhiều chương trình hỗ trợ nông dân và khu vực nông nghiệp đang được Chính phủ đưa ra, tuy nhiên, nếu việc triển khai không đi kèm với những giải pháp cụ thể và thiết thực, và nếu không có sự giám sát chặt chẽ thì sự hỗ trợ rất lớn kia sẽ rất lãng phí và không mang lại hiệu quả mong muốn, thậm chí còn nảy sinh tiêu cực, tham nhũng./.