Cuối năm 2007, một loạt vụ tai nạn lao động liên tiếp xảy ra, gây hậu quả nặng nề về người và của cho thấy, đã đến lúc phải thực sự nghiêm túc nhìn lại điều kiện lao động và việc thực hiện, chỉ đạo thực hiện công tác an toàn lao động.

Những con số đáng báo động

Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước có 4.850 vụ tai nạn lao động với 5.009 người bị nạn, trong đó 522 người chết, tổng thiệt hại về vật chất trên 40 tỉ đồng. Các vụ chết người hàng năm tăng 7,2%. Năm 2006, đã xảy ra 5.881 vụ tai nạn lao động (tăng 31% so với năm 2005), trong đó 505 vụ có người thiệt mạng, số người bị nạn là 6.088, số người chết là 536, tổng thiệt hại về vật chất là 46 tỉ đồng.

Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng
diễn ra trong thời gian gần đây
 
1. Ngày 26-9-2007, sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ làm 54 người chết và 80 người bị thương
2. Ngày 15-12-2007, sập mỏ đá ở công trình thuỷ điện Bản Vẽ, Nghệ An làm 18 người chết
3. Ngày 27-12-2007, sập núi đá tại điểm khai thác mỏ Rú Mốc, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh làm 7 người chết.
4. Ngày 3-1-2008, 3 người lao động của công ty TNHH Thống Nhất chết tại vụ lở núi của công trình khai thác đá ở huyện Kim Bảng, Hà Nam.
5. Ngày 6-1-2008, thêm 3 lao động bị thiệt mạng tại khu vực mỏ đá Hóc Trùm, thuộc huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
6. Ngày 7-1-2008, tại công ty cổ phần cơ khí xây dựng Long An, huyện Bến Lức, tỉnh Long An xảy ra vụ nổ sà lan làm 5 người chết. Cũng ngày này, tại huyện Phú Xuyên, Hà Tây đã xảy ra vụ sập lò gạch làm 5 người chết, 6 người bị thương.
Theo báo cáo của 64 tỉnh, thành phố, năm 2007, cả nước đã xảy ra 5.951 vụ tai nạn lao động, trong đó có 505 vụ tai nạn lao động làm chết người; tổng số người bị nạn là 6.337 người, trong đó có 621 người chết và 2.553 người bị thương nặng. Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động năm 2007 lên trên 48 tỉ đồng và thiệt hại về tài sản là hơn 10 tỉ đồng. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động lên đến hơn 382 ngày. Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số chưa đầy đủ vì có đến 95,5% các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện báo cáo về tình hình tai nạn lao động. Nếu 100% doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, và nếu tính cả những vụ tai nạn lao động làm chết người, hoặc gây thương tích nhưng đã được nhà thầu thương lượng với gia đình nạn nhân, và vụ việc được giải quyết “ổn thỏa” giữa đôi bên, thì con số này chắc chắn còn cao hơn nhiều.

Theo thống kê, trong các ngành lao động - sản xuất, xây dựng và khai thác khoáng sản là hai lĩnh vực có nhiều vụ tai nạn lao động nhất. Trong 5 năm, từ 2002-2006, tổng số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng là 4.347 vụ, chiếm 17.99% tổng số vụ, làm chết 609 người, chiếm 23,32% tổng số người chết do tai nạn lao động. Xây dựng dân dụng, xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông là lĩnh vực xảy ra tai nạn lao động chết người cao nhất, chiếm 34,43%. Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, phần lớn các vụ tai nạn trong năm 2006-2007, đều do bục nước, sập đổ lò chợ cột chống thuỷ lực đơn, sập đổ lò dọc vỉa trong khi thu hồi vì chống sắt.

Vì sao tai nạn lao động gia tăng?

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chủ yếu do vi phạm quy trình, quy phạm an toàn lao động (chiếm tới 33,19% số vụ); trong đó người sử dụng lao động vi phạm là 17,62%, người lao động vi phạm chiếm 15,57%.

Về phía đơn vị, cá nhân sử dụng lao động, việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận đã chiếm gần hết tâm chí nhà quản lý, nên họ dễ cho qua hoặc thiếu quan tâm đến điều kiện an toàn lao động. Ở các đơn vị nhà nước, công tác an toàn lao động được quan tâm, chú ý hơn so với các doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã. Khối doanh nghiệp tư nhân phát triển với tốc độ nhanh, có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng trong công tác an toàn lao động, nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề này, chưa chủ động tìm hiểu và tự giác thực hiện những quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Máy, thiết bị của những đơn vị này, trong nhiều trường hợp, không đảm bảo an toàn, nơi làm việc không có quy trình, nội quy an toàn lao động; không trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, và người lao động cũng không được hướng dẫn các biện pháp làm việc an toàn. Trong khi đó, các doanh nghiệp này thường thực hiện các dự án nhỏ, sử dụng lao động phổ thông, vốn là những người lao động do không được đào tạo, không được hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn nên thiếu ý thức bảo vệ an toàn cho chính mình và người xung quanh khi làm việc. Kết quả điều tra an toàn lao động tại các công trình xây dựng vừa và nhỏ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, 84% người lao động trên các công trường xây dựng là lao động nông nhàn. Trong đó, trên 90% chưa qua huấn luyện an toàn lao động. Bên cạnh đó, còn không ít trường hợp người sử dụng lao động chủ quan, coi thường luật pháp, coi thường mạng người, dẫn đến tai nạn lao động, gây thiệt hại không nhỏ về người và của. Chẳng hạn, trong vụ Hoàng Mai, chủ đầu tư đã bị đình chỉ khai thác nhưng vẫn tiếp tục đưa phương tiện và công nhân vào khai thác, và tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước có khoảng 250.000 doanh nghiệp tư nhân và con số này sẽ còn lớn lên theo từng năm. Riêng trong năm 2007, cả nước có khoảng 51.000 doanh nghiệp thành lập mới. Với số doanh nghiệp tư nhân lớn như vậy, lại không tuân thủ nghiêm túc điều kiện an toàn lao động nên không khó hiểu vì sao tai nạn lao động lại “năm nay cao hơn năm trước”.

Giải pháp khắc phục

Bổ sung thanh tra lao động
tại các địa phương

Trong năm 2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung thanh kiểm tra về tình hình an toàn lao động tại các công trình trọng điểm quốc gia. Hiện cả nước có khoảng 250.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 100 thanh tra an toàn lao động trong tổng số 350 thanh tra lao động, trong đó thanh tra Bộ là 40 người, còn lại ở các địa phương. Địa phương có nhiều thanh tra lao động nhất là Thành phố Hồ Chí Minh: 30 người, Hà Nội: 20 người, ít nhất là Bắc Kạn: có 2 người. Số lượng thanh tra ít, nhưng số lượng đào tạo mới không nhiều. Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều thủ tục phức tạp để đào tạo thanh tra lao động như hiện nay thì phải mất 22 năm, một cán bộ mới có thể có thẻ thanh tra. (Theo VN Media)

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Phan Đăng Thọ, Phó chánh thanh tra nhà nước về lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bắt buộc người sử dụng lao động tuân thủ các quy định của nhà nước về an toàn lao động, bảo đảm điều kiện lao động, bắt buộc người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động, tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ông Thọ cũng đề nghị, cần coi trọng việc phổ biến, quán triệt các văn bản quy định của pháp luật an toàn vệ sinh lao động; các bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu thực hiện tốt chương trình quốc gia về an toàn lao động; từng bước xã hội hoá công tác này; đồng thời nhấn mạnh vào đối tượng cần tuyên truyền, giáo dục công tác an toàn lao động: “Đối tượng cần hướng tới ở đây chính là người sử dụng lao động. Cần nhất là hướng dẫn, giáo dục bắt buộc người sử dụng lao động hiểu rõ nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mình khi thực hiện tốt các điều kiện an toàn lao động cho công nhân, hướng dẫn, bắt buộc người lao động thực hiện những quy định về an toàn lao động và phải làm cho họ hiểu an toàn lao động là quyền lợi của họ. Có như vậy mới giảm thiểu tới mức thấp nhất tai nạn lao động”.

Theo kinh nghiệm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), căn cứ vào sự gia tăng số lượng lao động và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, đến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 120.000 đến 130.000 người bị tai nạn lao động với trên 1.200 người chết, gây thiệt hại kinh tế ước tính gần 1.000 tỉ đồng. Để dự báo này không trở thành sự thật, các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay từ bây giờ, kết hợp với công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí để thúc đẩy ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quy tắc an toàn của các đơn vị, cá nhân sử dụng lao động cũng như người lao động. Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh những cá nhân cố tình vi phạm các quy định về an toàn lao động gây tai nạn lao động.
 

Từ ngày 16 đến 22-3 vừa qua, Tuần lễ quốc gia lần thứ 10, với chủ đề: “Cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ” vừa được tổ chức, là một trong những hoạt động đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ, đặc biệt trong các lĩnh vực có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại đe dọa tính mạng, sức khỏe người lao động; nhằm thực hiện các mục tiêu của Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động đến năm 2010, đó là: Giảm số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người; trung bình hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện). Hàng năm, giảm 10% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; đảm bảo trên 80% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp được khám để phát hiện kịp thời bệnh nghề nghiệp. 100% người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được điều trị, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; trên 80% người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động và các cán bộ an toàn vệ sinh lao động được huấn luyện về nghiệp vụ.