Ngày 24-2-2009, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề: “Chuỗi giá trị toàn cầu đối với hàng nông sản và vấn đề tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong điều kiện hiện nay”.
 
Trong các bài viết và phát biểu tham luận tại Hội thảo, các nhà khoa học đã làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến chủ đề Hội thảo. Sau đây là tóm tắt một số vấn đề đã có sự thống nhất và một số vấn đề cần được tiếp tục thảo luận:

Một là, tuy cách tiếp cận khác nhau nhưng các nhà khoa học đều thống nhất rằng, chuỗi giá trị toàn cầu đối với hàng nông sản là một hệ thống các hoạt động nhằm cung cấp giá trị cho khách hàng. Các hoạt động này bao gồm các khâu từ nghiên cứu triển khai, thiết kế, sản xuất, phân phối và marketing. Chuỗi giá trị toàn cầu đối với hàng nông sản có sự khác biệt với chuỗi giá trị toàn cầu hàng công nghiệp là ở các điểm:

- Khâu thiết kế nằm trong khâu R&D và khâu sản xuất tách thành 2 khâu là trồng trọt/chăn nuôi và chế biến;

- Giá trị gia tăng được tạo ra trong khâu chế biến cao hơn so với khâu trồng trọt/chăn nuôi;

- Sự phân bố địa điểm trồng trọt/chăn nuôi phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu và tự nhiên;

- Tính không đồng đều giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi và độ lớn của mỗi chuỗi bị hạn chế do các rào cản khi tham gia.

Hai là, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hàng nông sản hoặc doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng được các quy định hoặc tiêu chuẩn đặt ra đối với các tác nhân tham gia chuỗi. Đó là cung ứng hàng đúng khối lượng và thời điểm, đảm bảo yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về bảo vệ môi trường, các quy định về bao gói và bảo quản theo từng loại thị trường và khách hàng. Tuỳ theo từng loại hàng nông sản mà lãnh đạo chuỗi giá trị toàn cầu đối với hàng nông sản có thể do nhà phân phối bán lẻ, nhà chế biến hoặc nhà đầu cơ đảm nhiệm. Vị thế đàm phán của nhà cung cấp và người mua luôn có sự thay đổi tuỳ theo tình hình cung - cầu trên thị trường cũng như tác động của mùa vụ, thời tiết và tình hình dịch bệnh trong sản xuất.

Ba là, hàng nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất và chủ yếu bằng các hợp đồng xuất khẩu FOB. Những hạn chế và nguyên nhân của thực trạng này là:

- Sức cạnh tranh thấp;

- Chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà phân phối bán lẻ;

- Tính manh mún của sản xuất nông nghiệp;

- Bất cập trong công tác quản lý tài nguyên phục vụ sản xuất nông nghiệp;

- Tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, thể chế chưa rõ ràng;

-  Kết cấu hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu;

- Rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ;

- Đầu tư cho khoa học trong nông nghiệp còn hạn chế.

Bốn là, trong điều kiện hiện nay, để hàng nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần quan tâm đến một số nội dung quan trọng sau:

- Nhà nước thực thi vai trò mở đường, tạo lập môi trường; các doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở lựa chọn đúng chuỗi, các khâu cần ưu tiên nhằm khai thác lợi thế so sánh, phát triển nhanh và bền vững;

- Xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị đối với hàng nông sản của Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao ở trong nước làm tiền đề và điều kiện cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu;

- Phát triển các chuỗi giá trị riêng biệt đối với một số ngành hàng theo hướng có thể đi tắt, đón đầu mà không nhất thiết phải đi tuần tự theo các nắc thang của chuỗi giá trị gia tăng;

- Điều chỉnh định hướng chiến lược về phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam theo bề rộng và tốc độ cao hiện nay sang phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả;

- Đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết để tăng cường sức mạnh khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhanh chóng khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún và thiếu sự liên kết giữa các tác nhân khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu;

- Tăng cường năng lực quản trị chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng lãnh đạo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, khai thác chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản…

Năm là, cần làm sáng tỏ nội hàm của thuật ngữ “năng lực tham gia của hàng nông sản”, tránh việc hiểu nhầm, đồng nhất thuật ngữ này với năng lực cạnh tranh của hàng nông sản/hoặc năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản./.