Quán triệt, triển khai thực hiện quy định mới về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng
TCCS - Ngày 14-3-2022, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8-2-2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và lấy ý kiến về dự thảo Hướng dẫn thực hiện Quy định. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu ở các địa phương trên cả nước.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương và đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương đồng chủ trì hội nghị.
Quy định số 58-QĐ/TW (gọi tắt là Quy định 58) được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 8-2-2022 là văn bản thay thế Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28-2-2018, của Bộ Chính trị một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng. Quán triệt Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương cho biết, về cơ bản, Quy định 58 gồm 6 chương, 22 điều, giảm 3 điều so với Quy định số 126-QĐ/TW trước đây.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh 7 điểm mới về nội dung của Quy định số 58-QĐ/TW so với Quy định số 126-QĐ/TW trước đây, bao gồm: Bổ sung quy định mức giới hạn bố trí đối với cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị phức tạp nhưng không vi phạm quy định này (những trường hợp này được bố trí cao nhất đến ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và tương đương; bổ sung trường hợp cán bộ, đảng viên là con liệt sĩ, con thương binh 1/4 nhưng có cha, mẹ, người nuôi dưỡng trực tiếp của vợ hoặc chồng vi phạm do làm việc cho chế độ cũ thì có thể bố trí đến ủy viên ban thường vụ cấp uỷ tỉnh và tương đương).
Theo đồng chí Nguyễn Quang Dương, đây là điểm rất mới so với các quy định, kết luận về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng của Bộ Chính trị các khóa trước.
Trường hợp cán bộ, đảng viên có con dâu, con rể là người nước ngoài thì bố trí, sử dụng cao nhất đến tỉnh ủy viên và tương đương; có thể làm đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, bố trí đến vụ trưởng và tương đương. Đây là nội dung mới, lần đầu đưa vào quy định của Bộ Chính trị.
Chính sách bố trí, sử dụng và mức bố trí sử dụng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc phức tạp do quan hệ gia đình trực tiếp (bên bản thân) thấp hơn một bậc so với trường hợp gián tiếp (bên vợ hoặc chồng).
Ngoài việc quy định mức trần tham gia cấp ủy, mức trần ứng cử làm đại biểu cơ quan dân cử ở các cấp và làm việc trong cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật thì Quy định 58 đã chỉ dẫn tương đương đối với các chức vụ chính quyền trong cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Điều này đã khắc phục được hạn chế do các nội dung này chưa được quy định cụ thể trong quy định trước đây.
Khắc phục triệt để mâu thuẫn bất cập trong việc cho phép một số trường hợp được tham gia đến cấp ủy cấp tỉnh, bố trí đến trưởng ngành cấp tỉnh, nhưng lại không được làm việc trong cơ quan, bộ phận và vị trí trọng yếu, cơ mật.
Đối với những trường hợp có vấn đề liên quan đến bản thân và quan hệ gia đình (tập trung là những vấn đề chính trị hiện nay), căn cứ mức độ của vấn đề chính trị; uy tín, phẩm chất, năng lực, quá trình phấn đấu, đóng góp của bản thân cán bộ, sẽ do cấp uỷ có thẩm quyền quy định tại Điều 15 xem xét, bố trí phù hợp.
Điều 15 của Quy định chỉ rõ diện cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị mà cấp uỷ cấp dưới cần phải xin ý kiến cấp uỷ hoặc cơ quan tổ chức cấp trên khi bố trí, sử dụng.
Tại hội nghị, các đại biểu cho nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo hướng dẫn, đặc biệt về các phần: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; những vấn đề liên quan đến chế độ cũ; những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, hồ sơ, lý lịch, những yếu tố liên quan đến nước ngoài; vấn đề chính trị nội bộ liên quan đến quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề hệ trọng, đòi hỏi sự chặt chẽ, cẩn trọng để bảo đảm vấn đề chính trị nội bộ không chỉ cho Đảng mà còn là sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên.
Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, hiện nay, riêng về vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ có những văn bản của Đảng hết sức quan trọng cần phải được tiếp tục nghiên cứu, quán triệt thực hiện để tạo sự thống nhất về mặt nhận thức, rõ về mặt quan điểm trước khi đi vào xử lý những vấn đề thực tiễn cụ thể như: Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 18-8-2014, của Bộ Chính trị, "Về tăng cường công tác bảo vệ chính trị trong tình hình hiện nay"; Kết luận số 72-KL/TW, ngày 19-5-2020, của Bộ Chính trị, "Về tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay"…
Đồng chí Trương Thị Mai dẫn lại nội dung của Chỉ thị số 39-CT/TW đã chỉ rõ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự sống còn, tồn vong của chế độ. Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ đường lối, quan điểm, Cương lĩnh, pháp luật; bảo vệ sự đoàn kết nội bộ trong Đảng; sự trong sạch của đội ngũ cán bộ; bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực địch. Bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị mà trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải chấp hành nghiêm Quy định, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật… Theo đó, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương là cơ quan tham mưu cho Đảng về những vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ đã nêu tại Chỉ thị số 39-CT/TW. Ban Tổ chức Trung ương có nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy.
Đồng chí nhấn mạnh, chúng ta đặt trọng tâm là vấn đề chính trị hiện nay. Khi xem xét lịch sử chính trị với chính trị hiện nay thì vấn đề chính hiện nay là chính, điều này đã được tiếp tục thể hiện rõ trong Quy định số 126-QĐ/TW và Quy định số 58-QĐ/TW mới ban hành. Theo đó, các vấn đề liên quan đến bản thân cán bộ và quan hệ gia đình thì bản thân là chính; giữa quản lý đầu ra và quản lý đầu vào thì đầu vào là chính; giữa xử lý và sử dụng thì sử dụng là chính… Việc quán triệt các nội dung liên quan đến bảo vệ chính trị nội bộ không chỉ dừng lại ở việc quán triệt Quy định số 58-QĐ/TW mới ban hành mà còn phải quán triệt Chỉ thị số 39-CT/TW, Kết luận số 72-KL/TW và các văn bản có liên quan khác để tạo sự thống nhất sâu sắc.
Đối với Quy định số 58-QĐ/TW, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng có một số chương có những điểm hết sức quan trọng như Chương II liên quan đến tiêu chuẩn chính trị; Chương III về xem xét kết nạp người có vấn đề chính trị vào Đảng; Chương IV xem xét bố trí cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị và Chương V về thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu cơ quan giúp việc là Cục Bảo vệ chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương) tiếp thu nghiêm túc, tối đa các ý kiến góp ý tại hội nghị và nghiên cứu sâu sắc hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW theo nguyên tắc bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, dễ thực hiện./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng họp chuẩn bị lễ trao giải lần thứ VI - năm 2021  (27/12/2021)
Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đến từng cấp ủy, chính quyền và người dân  (18/11/2021)
Hội nghị đóng góp ý kiến một số đề án của Ban Tổ chức Trung ương  (17/11/2021)
Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2021  (04/11/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên