Bế mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCS - Sau 3,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm, ngày 21-12-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành mục tiêu nội dung chương trình dự kiến đã đề ra. Sau khi xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2022 và Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu kết luận kết thúc Phiên họp thứ 6 (đợt 2).
Khái quát những kết quả Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về việc chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chủ động giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhất trí thông qua 3 nội dung cơ bản để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 1-2022.
Thứ nhất, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trên cơ sở kết quả phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan và Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, theo trình tự và thủ tục rút gọn.
Thứ hai, về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư toàn bộ dự án này bằng hình thức đầu tư công. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất cơ quan đầu mối thống nhất quản lý các dự án cũng như các thành phần, ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; đồng thời lưu ý Chính phủ cần bổ sung, làm rõ một số vấn đề của dự án để bảo đảm thực hiện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Rà soát, điều hòa các nguồn vốn đầu tư để ưu tiên bố trí vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng và có khả năng hấp thụ vốn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, nhất là tiến độ thực hiện trong 2 năm mà dự kiến gói kích thích tài khóa và tiền tệ thực hiện (năm 2022 và 2023), phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành xong dự án đường cao tốc phía đông giai đoạn 2 này, còn một phần sẽ chuyển sang năm 2026.
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Với các chính sách đặc thù bổ sung được Chính phủ làm rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Riêng nội dung cho ý kiến lần hai đối với gói giải pháp tài khóa và tiền tệ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết luận tại đợt 1, Chính phủ đã tiếp thu tối đa và đã có báo cáo đầy đủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định. Nội dung này chờ ý kiến của Bộ Chính trị, do đó đề xuất sẽ bố trí một buổi riêng trong tháng 12-2021 để xem xét, quyết định nội dung này.
Như vậy, những nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ nhất cơ bản đã sẵn sàng. Qua hội ý với Đảng đoàn Quốc hội, sau khi kết thúc phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo chủ trương, xin ý kiến Bộ Chính trị về tổ chức kỳ họp này, dự kiến tổ chức bằng hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 4-1-2022. Trong thời gian tổ chức họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành quỹ thời gian thích đáng để cho các cơ quan của Quốc hội cùng với cơ quan của Chính phủ tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ, hội trường, thuyết minh, giải trình và chuẩn bị các dự thảo nghị quyết để thông qua tại kỳ họp này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền cấp bách trong công tác phòng, chống dịch, đã được Quốc hội ủy quyền theo Nghị quyết 30 của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc gia hạn thời gian lưu trữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Vấn đề thứ hai quyết định cho phép thực hiện một số chính sách khác quy định của luật trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp trù bị, sau đó đã cho ý kiến chính thức; Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình tối đa. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến trong đợt này những nội dung nhằm cụ thể hóa chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 161, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét, cho ý kiến và kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một đề án trong 107 nhiệm vụ trong chương trình công tác của Quốc hội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về việc sửa đổi Nghị quyết số 524/2012/UBTVQH13 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí:
Thứ nhất, trong giai đoạn 1, chỉ điều chỉnh một số mức chi không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và quy định của pháp luật nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội. Trong giai đoạn 2 sẽ nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, tổng thể, đồng bộ, phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các quy định của pháp luật.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nội dung trong chương trình công tác đã được cụ thể hóa từ Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; kết luận, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đây cũng là ý kiến đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quy trình, nguyên tắc xây dựng dự kiến chương trình được thực hiện chặt chẽ, đã tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo. Các ý kiến góp ý hợp lý, đúng quy định của các cơ quan. Chương trình xây dựng một cách khoa học, phù hợp, bám sát thực tiễn nhằm đảm bảo dự kiến chương trình công tác năm 2022 được triển khai hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan, trực tiếp là Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận để hoàn thiện một bước nữa và trình các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi trình Chủ tịch Quốc hội thông qua.
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chương trình hoạt động đối ngoại của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022; cho ý kiến về chương trình đối ngoại hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội. Việc thông qua chương trình này là một trong những nội dung thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội, được quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội. Đồng thời, đây là ý kiến quan trọng để các cơ quan triển khai hiệu quả, phù hợp chương trình đối ngoại và hợp tác quốc tế đã đề ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu tối đa ý kiến thường vụ, hoàn thiện dự thảo chương trình này.
Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 11-2021 của Quốc hội với việc xem xét định kỳ hằng tháng việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chất lượng công tác dân nguyện đang từng bước được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân và cử tri.
Nhấn mạnh toàn bộ nội dung dự kiến Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã hoàn thành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện, cơ quan hữu quan, khẩn trương ban hành Thông báo Kết luận 72 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết để trình ký ban hành./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Ấn Độ  (19/12/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hàn Quốc, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ  (15/12/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc  (15/12/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phục hồi và phát triển xã hội của đất nước  (12/12/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển