Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Sự dũng cảm hy sinh của cán bộ, chiến sĩ "Đoàn tàu không số" đã trở thành huyền thoại
TCCS - Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2011), ngày 19-10-2021, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển và đại diện các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân có thành tích, chiến công xuất sắc, đặc biệt xuất sắc.
Cách đây 60 năm, thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, trước đòi hỏi phát triển mạnh mẽ của cách mạng Miền Nam, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 - "Đoàn tàu không số", đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, mở con đường biển chiến lược quan trọng vận tải chi viện chiến trường miền Nam. Bằng ý chí cách mạng tiến công, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng "Đoàn tàu không số” với Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển trên 150 ngàn tấn vũ khí, trang bị và hàng chục nghìn lượt cán bộ chi viện chiến trường Miền Nam, trực tiếp đến những nơi xa nhất, khó khăn nhất dọc các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nam Bộ để quân và dân ta làm nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược, sáng tạo, sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đó là kỳ tích trong chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đường Hồ Chí Minh trên biển giúp nối liền giữa hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường ác liệt miền Nam, đến các địa bàn xa xôi, khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất mà tuyến đường Trường Sơn trên bộ chưa vươn tới được. Điều đó góp phần quan trọng nâng cao khả năng chiến đấu, phát triển lực lượng, làm thay đổi cách đánh và tương quan về lực lượng giữa ta và địch, cổ vũ phong trào đấu tranh vũ trang ngay trong lòng địch, tạo ra bước phát triển mới cho cách mạng miền Nam; đáp ứng được yêu cầu “thần tốc”, “đại thần tốc” của Bộ Tư lệnh Chiến dịch lúc bấy giờ.
Chủ tịch nước khẳng định, những chiến công anh hùng và sự dũng cảm hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ "Đoàn tàu không số" đã trở thành bất tử, trở thành huyền thoại cho lớp lớp đời sau ngưỡng mộ, trân trọng và tự hào. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước đánh giá cao và tri ân những công lao to lớn của các cán bộ, chiến sĩ và đồng chí, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và làm nên con đường vận tải chiến lược huyền thoại trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Theo Chủ tịch nước, Việt Nam là một đất nước “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, 3 phần là núi, 4 phần là biển, chỉ một phần đất đai nông nghiệp. Biển không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là bờ cõi thiêng liêng của quốc gia. Bảo vệ biển cả chính là bảo vệ và giữ gìn non sông bờ cõi, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần ấy, Chủ tịch nước đề nghị Quân chủng Hải quân tập trung xây dựng quân chủng tiến thẳng lên hiện đại như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Trong đó lấy xây dựng quân chủng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nền tảng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn quân chủng.
Với yêu cầu mới, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tiếp tục phải bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển để phát triển đất nước; giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở đường lối quan điểm của Đảng, Nhà nước, luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Đối với các cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn mỗi đồng chí cựu chiến binh tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của "Đoàn tàu không số" để mãi mãi là những tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, không ngừng nỗ lực tham gia xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Cùng với đó là thực hiện tốt công tác nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ giúp đỡ nhau của các cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển. Các cựu chiến binh và các địa phương nỗ lực tôn tạo, gìn giữ các di tích của các con tàu không số, những nơi xuất phát, điểm đến với nhiều dấn ấn quan trọng để vừa tri ân các anh hùng liệt sĩ, vừa giáo dục cho các thế hệ mai sau./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc  (19/10/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại biểu Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam  (14/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển