Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ
TCCS - Ngày 15-4-2021, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ để triển khai công việc của Chính phủ trong thời gian tới. Đây là phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi Chính phủ được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc các thành viên Chính phủ sức khỏe, trí tuệ, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, nhân dân giao phó. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong phiên họp này Chính phủ thống nhất một số quan điểm chỉ đạo hoạt động của Chính phủ trong thời gian tới; triển khai tổ chức thực hiện thông báo kết luận số 01 của Bộ Chính trị ngày 12-4-2021, thông báo số 03 của lãnh đạo chủ chốt ngày 12-4-2021; xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác.
Các thành viên của Chính phủ thảo luận về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; Quy chế làm việc của Chính phủ; giải ngân vốn đầu tư công; phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm phòng vaccine; về việc phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; về việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2021
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình trong nước, thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều khó khăn và khó lường; đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; tăng trưởng quý I/2021 đạt 4,48%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn rất nặng nề… Do đó, Chính phủ, các thành viên Chính phủ cần bắt tay ngay vào công việc một cách thông suốt, phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được để thúc đẩy công việc sắp tới, tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với thành tích, kết quả đã đạt được, nhưng cũng không nóng vội mà phải chắc chắn, hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm, định hướng thực hiện trong thời gian tới như: Xây dựng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hành động thiết thực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để bảo đảm người dân được thụ hưởng tiến bộ và công bằng xã hội; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong hành động xây dựng Chính phủ số, kinh tế - xã hội số; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí một cách có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hội nhập quốc tế sâu rộng để phát triển; bám sát các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Nghị quyết số 01 của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan trong hệ thống chính trị, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ, thực chất, đồng bộ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát, hậu kiểm soát quyền lực; tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch…
Sau khi các thành viên Chính phủ thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận về những nhiệm vụ cụ thể thực hiện trong thời gian tới: Về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương phối hợp xây dựng chương trình hành động, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để trình Chính phủ vào phiên họp thường kỳ tháng 4-2021. Trong đó, chương trình hành động phải bám sát thực tiễn, thiết thực, khả thi và hiệu quả, căn cứ vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Về Quy chế làm việc của Chính phủ, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương tổng kết đánh giá và sửa đổi quy chế theo trình tự, thủ tục rút gọn; nội dung rõ, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân theo quy định pháp luật; Chính phủ tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, không quyết định thay những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương; các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường phân cấp cho địa phương, cấp dưới trực tiếp.
Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, các cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc giải ngân đầu tư công. Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công; đề xuất giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả để khắc phục, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhưng phải hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp tục thực hiện phương châm: Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Mỗi người dân cần thực hiện tốt “5k” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế). Ngoài ra, Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và sớm triển khai “hộ chiếu vaccine”; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện mua, tiêm vaccine; thúc đẩy nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước.
Trong công tác rà soát, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì rà soát hệ thống pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; Các bộ, cơ quan tiến hành rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.
Về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thủ tướng chỉ đạo, trên tinh thần chung là bảo đảm an ninh, an toàn, dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch, nhưng phải chọn được người thực sự xứng đáng vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bầu cử và đặc biệt là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện, tiếp tục hoàn thiện quy chế thi bảo đảm chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh; Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thi trên địa bàn. Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị để chỉ đạo sao cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm đúng luật pháp, an toàn, chất lượng.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các ngành thực hiện hiệu quả các giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 01 của Chính phủ: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô; quyết liệt giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề tồn đọng; theo dõi sát và có biện pháp phù hợp trước những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế như dấu hiệu tăng nóng của thị trường chứng khoán và giá đất tăng bất thường ở một số địa phương; chủ động nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phát sinh; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính…
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các thành viên Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ và sự phân công, chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII; Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, cũng như các hội nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo chương trình làm việc năm 2021./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc năm 2021: Xác định các mục tiêu, định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035  (07/04/2021)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2021  (03/03/2021)
Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP năm 2021 tăng 6,5%  (29/12/2020)
Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đứng vững trước khó khăn  (01/04/2020)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chống dịch viêm đường hô hấp cấp quyết liệt nhưng không hoang mang, dao động, không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội  (06/02/2020)
“Không chủ quan để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt kế hoạch năm 2019”  (03/10/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam