Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương
TCCS - Ngày 7-1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đại diện các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, chính xác, kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành công thương đã cùng cả nước nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Theo đó, ngành công thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%. Các nền tảng vĩ mô được bảo đảm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tái cơ cấu kinh tế đi vào chiều sâu. Trong đó, ngành công thương đã nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân.
Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất, nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy, với nhiều phương thức, sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế và toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân. Công tác bảo đảm ổn định cung, cầu, giá cả hàng hóa; kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao trật tự thị trường được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong các giai đoạn diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Cùng với đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai chính phủ điện tử được Bộ Công Thương kiên trì thực hiện, thúc đẩy triển khai và đi vào chiều sâu.
Bước sang năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh địa - chính trị giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt; đặc biệt là đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường... Bộ Công Thương xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đưa vào Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP, của Chính phủ, "Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021"; Nghị quyết số 02/NQ-CP, của Chính phủ, "Về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, định hướng đến năm 2022" và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm, xây dựng kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành…
Biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của ngành công thương trong năm vừa qua và thẳng thắn chỉ ra những bất cập còn tồn tại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho ngành công thương trong năm 2021 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Trong đó, trọng tâm xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành công thương năm 2021 và những năm tới như sau:
Một là, bám sát những nội dung nhiệm vụ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Hai là, tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong các lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển gắn liền với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp một cách mạnh mẽ hơn cho các địa phương.
Ba là, tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo. Trong đó lấy trọng tâm là tổ chức triển khai khẩn trương và thực chất Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018, của Bộ Chính trị, Về “Định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo chương trình hành động chung của Chính phủ đã được chính thức ban hành tại Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 3-9-2020, tạo sự chuyển biến về chất trong quá trình cơ cấu lại và phát triển công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.
Bốn là, tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung, cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ…
Năm là, tập trung triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các FTA mang lại. Tới nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, trong đó 14 FTA đã chính thức đi vào thực thi. Để khai thác tốt lợi ích mà các FTA này mang lại, ngành công thương cần tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Sáu là, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.
Bảy là, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập. Cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình cả ở trong nước và quốc tế, từ đó có những phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn.
Tám là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Chín là, thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung, cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản.
Mười là, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của cấp lãnh đạo trong Bộ, ngành công thương, gắn với phương châm hành động của Chính phủ. Thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ phải thực sự vì công việc, có bản lĩnh, sáng tạo, kiến thức đảm đương tốt nhiệm vụ, công việc được giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, gắn bó, sáng tạo, hăng say lao động và chuyên nghiệp, nhất định toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành công thương sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương xác định năm 2021 sẽ là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025". Đặc biệt, năm 2021 là năm ngành công thương hướng tới lập thành tích kỷ niệm 70 năm thành lập ngành. Với phương châm hành động “Đoàn kết, Kỷ cương, Đổi mới sáng tạo, Quyết liệt hành động, Khát vọng phát triển”, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao./.
Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP năm 2021 tăng 6,5%  (29/12/2020)
Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo  (27/12/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại tỉnh Thái Bình  (13/12/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển