Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ
TCCS - Từ ngày 1 đến ngày 3-10-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã diễn ra với chủ đề: “Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng và sức mạnh đoàn kết toàn dân; tập trung phát triển kinh tế và chăm lo đời sống nhân dân, giữ vững ổn định xã hội và quốc phòng - an ninh”. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội.
Dự Đại hội còn có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương…, cùng 350 đại biểu, đại diện cho trí tuệ, tinh thần đoàn kết của gần 37.000 đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ khoá X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa trọng đại. Trong đó, Đại hội thực hiện 4 nội dung theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, bao gồm: Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025; thảo luận đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
Trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị, đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa X, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã chủ động phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh nghiệm của gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và hơn 20 năm tái lập tỉnh; với quyết tâm chính trị cao, bám sát thực tiễn, đoàn kết, năng động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X đề ra. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của tỉnh ước đạt 7,25%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 3.000 USD; thu ngân sách tăng cao, bình quân đạt 22%; ước thu ngân sách năm 2020 đạt 10.000 tỷ đồng, vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu đề ra. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.560 triệu USD.
Hạ tầng giao thông có bước đột phá, các tuyến giao thông huyết mạch được kết nối liên vùng, lưu thông thuận lợi. Nền kinh tế được cơ cấu lại phát triển theo chiều sâu hơn, gắn với thực hiện 6 chương trình kinh tế trọng tâm và 12 dự án trọng điểm; các mô hình hợp tác kinh tế và hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi sản xuất, chế biến đem lại hiệu quả và thu nhập cao hơn cho nhân dân. Thu hút đầu tư và số doanh nghiệp thành lập mới đều tăng ấn tượng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả tích cực; cải cách hành chính được đẩy mạnh, phục vụ nhân dân tốt hơn; quốc phòng - an ninh được bảo đảm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh với nước bạn Campuchia ngày càng phát triển tốt đẹp. Phong trào “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” ngày càng lan toả. Tỉnh Bình Phước đã chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các giải pháp đồng bộ, hạn chế lây lan của dịch bệnh…
Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước về những thành tích, kết quả nổi bật đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Bên cạnh đó, đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Đảng bộ tỉnh Bình Phước cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác nhận diện, phân tích, đánh giá tình hình thế giới và trong nước. Từ đó, hoạch định những chính sách mang tính chiến lược, đưa Bình Phước từng bước khẳng định mình và ngày càng phát triển. Đặc biệt, việc Bình Phước chủ động xây dựng “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao.
Thứ hai, cần xem trọng công tác xây dựng Đảng, đây là yếu tố có ý nghĩa then chốt, quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Thứ ba, đối với công tác tổ chức, cán bộ, cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém", coi đây là khâu "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt".
Thứ tư, đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đôi với chuyển dịch cơ cấu lao động; ưu tiên đầu tư thích đáng cho việc xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống lưới điện, các công trình thủy lợi. Chú trọng nâng cao năng suất lao động; phát triển kinh tế số. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng các đề tài khoa học trong thực tiễn. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; sử dụng, đãi ngộ, bồi dưỡng, thu hút nhân tài để cống hiến cho sự phát triển nhanh và bền vững của Bình Phước.
Thứ năm, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; cùng với phát triển kinh tế, tỉnh phải đồng thời quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt các chính sách về tôn giáo, dân tộc; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chính sách đối với những người có công với nước, người khó khăn, yếu thế trong xã hội. Tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, không để trở thành "điểm nóng"; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy.
Thứ sáu, đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tỉnh cần có quyết tâm cao, bước đi phù hợp, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, giữ vững kỷ cương; thực hiện tốt việc phối hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, coi trọng chất lượng và hiệu quả, tạo đột phá để phát triển.
Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh Bình Phước xác định mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với khu vực đô thị trong tỉnh; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; bảo đảm quốc phòng - an ninh vững chắc. Tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, tỉnh Bình Phước đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản:
Một là, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục lựa chọn ngành, lĩnh vực trọng tâm để đầu tư hiệu quả; nâng cao vai trò quản lý của chính quyền các cấp, xây dựng các chính sách phù hợp thúc đẩy sản xuất phát triển
Hai là, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân để văn hóa thực sự trở thành nền tảng của xã hội. Trong đó con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.
Ba là, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Bốn là, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Năm là, tập trung nguồn lực phát triển hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện kết nối Bình Phước với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các sân bay, cảng biển.
Sáu là, đổi mới chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư; tổ chức xúc tiến đầu tư, khuyến khích hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiện toàn bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Đề án 999 của tỉnh; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, liêm chính; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Tám là, thực hiện quyết liệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình giảm nghèo bền vững.
Sau thời gian làm việc tập trung, dân chủ, Đại hội đã bầu 53 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa mới đã bầu 15 Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ tỉnh khóa XI; trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa X tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy khóa XI; Đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khóa X và đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa X, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tái đắc cử chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XI. Hội nghị cũng bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khoá mới gồm 11 người. Đồng chí Giang Thị Phương Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI, Chánh Thanh tra tỉnh được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XI./.
Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo cơ quan báo chí trước Đại hội đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (03/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Cần Thơ sớm trở thành trung tâm động lực vùng đồng bằng sông Cửu Long  (26/09/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển