Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành hậu cần quân đội
TCCS - Sáng 11-7-2020, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành hậu cần quân đội (11-7-1950 - 11-7-2020) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Cùng dự có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tại buổi lễ, thông qua hệ thống kết nối trực tuyến, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã nghe Chỉ huy Cục Quân y của Quân đội nhân dân Lào thông báo kết quả hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, Lào đã có 88 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tiếp đó, Thủ tướng và các đại biểu đã nghe Thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19; công tác bảo đảm đời sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền của quân và dân trên đảo.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng lực lượng quân y của Quân đội nhân dân Lào và Việt Nam hợp tác hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và mong muốn công tác phối hợp giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp vào truyền thống tốt đẹp giữa lực lượng quân đội hai nước nói riêng, mối quan hệ truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
Thủ tướng cũng đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa lớn đã có nhiều biện pháp tích cực trong phòng, chống COVID-19, bảo vệ đời sống cho nhân dân trên đảo cũng như góp phần giữ gìn, bảo vệ vùng trời, biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi tới toàn thể tướng lĩnh, sỹ quan, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đã và đang công tác trong ngành hậu cần quân đội những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và phát triển; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ngành hậu cần quân đội đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Thủ tướng khẳng định, trong kháng chiến chống thực dân Pháp cùng nhân dân cả nước đồng lòng nuôi quân đánh giặc, ngành hậu cần quân đội đã phối hợp chặt chẽ với dân công hỏa tuyến, các lực lượng khác để bảo đảm hậu cần phục vụ bộ đội chiến đấu trên chiến trường. Hình ảnh hào hùng: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ” thể hiện những nỗ lực đem hết sức người, sức của ra mặt trận, bảo đảm cho bộ đội ta ăn no, đánh thắng. Thắng lợi chiến dịch Đông Xuân và đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho thấy sự trưởng thành mạnh mẽ và đóng góp quan trọng của lực lượng hậu cần quân đội.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành hậu cần quân đội được xây dựng, phát triển nhanh chóng, trưởng thành vững chắc trên cả hậu phương lớn miền Bắc và chiến trường miền Nam. Với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bộ đội hậu cần đã sát cánh cùng các lực lượng khác thiết lập mạng lưới hậu cần rộng khắp; bảo đảm yêu cầu tác chiến, hợp đồng quân, binh chủng quy mô ngày càng lớn của quân đội ta. Việc bảo đảm chi viện liên tục, đầy đủ, kịp thời về hậu cần cho bộ đội góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước sang thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngành hậu cần quân đội được điều chỉnh về tổ chức đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới; tiếp tục phát huy thế trận hậu cần nhân dân gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, ngành hậu cần quân đội đã không ngừng đổi mới phương thức bảo đảm vật chất, hậu cần cho bộ đội phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều loại hình đa dạng, phong phú. Một thế trận hậu cần mới trong thời bình được hình thành, củng cố vững chắc, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận nhân dân vững chắc.
Trong những tháng đầu năm 2020 vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tổng cục Hậu cần đã kịp thời tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào đơn vị quân đội. Lực lượng quân y đã nỗ lực chung tay cùng toàn dân, toàn quân ngăn chặn, khống chế thành công dịch bệnh, tiếp tục làm ngời sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Giao nhiệm vụ cho ngành hậu cần quân đội, Thủ tướng nhấn mạnh, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn thể cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối chính trị quân sự của Đảng, nhất là đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân được thể hiện trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Chiến lược quân sự Việt Nam để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong mọi tình huống.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu ngành hậu cần tiếp tục đổi mới, bảo đảm hậu cần quân đội trong tình hình mới, xây dựng ngành chính quy, hiện đại, hoàn thiện hệ thống hậu cần toàn quân ở 3 cấp: Chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; xây dựng thế trận hậu cần nhân dân hiệu quả, vững chắc. Nghiên cứu, rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch, phương án bảo đảm hậu cần, sẵn sàng chiến đấu của từng cấp, từng khu vực phòng thủ nhằm kịp thời ứng phó mọi tình huống, khả năng chiến tranh có thể xảy ra. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá âm mưu, thủ đoạn tác chiến của địch, xây dựng các giải pháp bảo vệ hậu cần và cách thức tổ chức hậu cần liên tục, kịp thời để bộ đội ta sẵn sàng tác chiến trong điều kiện chiến tranh đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao, không để bị động, bất ngờ. Kiện toàn tổ chức, biên chế, trang bị phương tiện hệ thống hậu cần các cấp theo hướng tinh gọn, mạnh, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, điều chỉnh tổ chức và lực lượng trong toàn quân theo đúng chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trong xây dựng tiềm lực hậu cần vững mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân; giữa hậu cần Trung ương với hậu cần địa phương. Chủ động nghiên cứu sản xuất các loại thiết bị, vũ khí, phương tiện vật chất hậu cần đáp ứng yêu cầu huấn luyện, chiến đấu của bộ đội trong tình hình mới. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là những thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 và công tác hậu cần bảo đảm an toàn và hiệu quả.
Cùng với đó là không ngừng chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; nhất là cán bộ, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; coi đây là trọng tâm công tác chủ yếu, thường xuyên của ngành. Người cán bộ hậu cần phải thực sự thương yêu, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; coi cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị như anh em ruột thịt của mình.
Mỗi cán bộ, sĩ quan, nhân viên, chiến sĩ hậu cần quân đội cần phải nêu cao tinh thần cách mạng, trong sáng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư chấp hành nghiêm túc chế độ, tiêu chuẩn quy định, không để xảy ra thất thoát tài sản, tham nhũng và lãng phí. Thủ tướng đề nghị ngành hậu cần quân đội phải tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng hệ thống tổ chức chỉ huy vững mạnh, phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong quân đội; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện cuộc vận động: "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" trong phong trào thi đua Quyết thắng toàn quân./.
Minh Đăng (tổng hợp)
Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất đã vượt “bão” COVID-19  (07/07/2020)
Ngành tài chính theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước để quyết liệt thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế  (07/07/2020)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith  (05/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển