Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên
TCCS - Sáng 18-7-2020, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với 12 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị của địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là thành phố Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%. Đây cũng chính là 3 địa phương có tỷ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng. Thương mại, dịch vụ là một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương, chiếm trên 42% GRDP. Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành dịch vụ giảm 4,81%.
Về giải ngân, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 30-6-2020, giải ngân vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 của 7 địa phương miền Trung là 13.013 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm trên 60%.
Tỷ lệ giải ngân trên 40% có 1 địa phương là thành phố Đà Nẵng, từ 30-40% có 4 địa phương là Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên; tỷ lệ dưới 30% có Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến mục tiêu giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống, bảo đảm tăng trưởng cần thiết, giải quyết việc làm cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Nêu ra những tiềm năng rất lớn của khu vực này với hệ thống sân bay, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp hạ tầng tốt, du lịch biển đặc sắc, Thủ tướng đề nghị cần “mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp” để giải quyết tốt việc làm, tạo sinh kế mới, sinh khí mới, niềm tin cùng phát triển trong lúc thế giới và đất nước đang gặp khó khăn.
Thủ tướng nhận xét các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp và yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương cũng như thu hút các dự án mới. “Chúng ta đã thắng được kẻ thù trực tiếp thì trong khó khăn về kinh tế, miền Trung phải mạnh mẽ hơn, quyết chí hơn, không để tình trạng trì trệ như một số tỉnh đang vấp phải hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng dẫn chứng, tại sao cùng một cơ chế nhưng Bình Định, một tỉnh có đặc điểm như các tỉnh miền Trung mà giải ngân tốt như vậy, trong khi nhiều tỉnh giải ngân dưới 15-20%. Câu hỏi đặt ra là phải làm như thế nào để xử lý vấn đề bức xúc này?
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị cần có các giải pháp phát triển du lịch nội địa, phát triển các mô hình mới, thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, thúc đẩy dịch vụ hành chính công trực tuyến. Cùng với đó là đề xuất các giải pháp đột phá kết nối vùng, liên vùng; phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, logistic…, trong đó có thúc đẩy xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển.
Thủ tướng cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc thống nhất ý chí trong hệ thống chính trị các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời thông qua đó, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quản lý điều hành. Do đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo chủ chốt các địa phương “vừa lo đại hội, vừa lo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân”.
Đề cập đến mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cam kết đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu không để địa phương nào trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng trưởng âm. Các tỉnh đang phát triển tốt thì phải nâng cao quy mô. Đi liền với đó là bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công ở mức gần 100%, kể cả vốn ODA; kiên quyết kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút dòng đầu tư mới, với quyết tâm mới, lan tỏa.
Thủ tướng cho rằng, với vai trò, vị thế như “chiếc đòn gánh giữ cho đất nước cân bằng” của 12 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, các địa phương trong khu vực cần phấn đấu phát huy lịch sử hào hùng, xứng đáng với những hy sinh, mất mát của bao thế hệ quân và dân trên mảnh đất này.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng cũng còn nhiều khâu yếu, Thủ tướng nhìn nhận, 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù có nhiều cố gắng trong ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 nhưng ngoài 3 tỉnh tăng trưởng âm thì các tỉnh còn lại đều có mức tăng trưởng quá thấp. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước, trừ một vài tỉnh.
Hoan nghênh quyết tâm cao của 12 địa phương tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu cần “chấm dứt tình trạng trì trệ” trong giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chế tài mạnh mẽ đối với lãnh đạo địa phương trong vấn đề này.
Cho rằng đây là giai đoạn “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng đề nghị chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cần xây dựng chương trình hành động có thời gian cụ thể, thiết thực, hiệu quả với giải pháp đột phá để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2020, trong bối cảnh thời gian còn rất ngắn và mùa mưa bão sắp đến.
Mục tiêu là năm 2020, khu vực miền Trung - Tây Nguyên không tăng trưởng thấp hơn mức bình quân của cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị cần coi đây là quyết tâm chính trị để thực hiện. Cùng với đó là tìm cách kết nối các chuỗi giá trị; tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay ở từng địa phương, từng dự án, từng chương trình; khắc phục những lực cản, đồng thời “dám làm, làm đúng pháp luật, làm mạnh mẽ”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó là chú trọng kinh tế tư nhân, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo hành lang thông thoáng thu hút FDI, tạo điều kiện tốt nhất cho việc thu hút các dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên thế giới.
Các địa phương trong khu vực cũng cần nghiên cứu, tận dụng EVFTA và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đưa các sản phẩm thế mạnh vào các chuỗi giá trị lớn toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển mô hình quản lý, mô hình kinh tế hiện đại, phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế số đón bắt thời cơ để phát triển.
Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương trong khu vực tuyệt đối không chủ quan, theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại.
Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, Chính phủ đồng hành cùng các địa phương miền Trung vượt qua khó khăn. Trung ương bảo đảm kinh tế vĩ mô ổn định, thúc đẩy mở rộng thị trường; sửa đổi, bổ sung kịp thời, nghiêm túc thể chế, chính sách gây trở ngại cho các địa phương phát triển. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng tập trung giải quyết các kiến nghị, tồn tại của địa phương. Cùng với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ; không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.
Tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, giám sát việc triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020; kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn tại các ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm; cắt vốn đầu tư ở các công trình, dự án chậm triển khai./.
Trung Duy (tổng hợp)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thăm, làm việc tại Ninh Thuận  (13/07/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành hậu cần quân đội  (12/07/2020)
Ngành tài chính theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước để quyết liệt thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế  (07/07/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay