Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: "Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân,... Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân"... "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Đánh giá về đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Đại hội IX và X của Đảng ta chỉ rõ: Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... diễn ra nghiêm trọng. Do vậy, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực, là điều kiện để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.
Nghị quyết Đại hội IX và X của Đảng chỉ ra nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân, đồng thời khẳng định vai trò phản biện xã hội của các tổ chức này: "Kết hợp giám sát trong Đảng với giám sát của Nhà nước và giám sát của nhân dân. Xây dựng Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ".(1)
Như vậy, quan điểm xuyên suốt sự lãnh đạo của Đảng là luôn phát huy vai trò đại diện, khả năng tập hợp, đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với nhiệm vụ góp phần nâng cao hiệu lực của hệ thống chính trị, xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Cụ thể hóa chủ trương đó, nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát công tác, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998, Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phường, thị trấn và Chính phủ ban hành Nghị định số 79/CP năm 2003 Về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Một trong những nội dung chính của các văn kiện đó là việc lấy ý kiến tín nhiệm của nhân dân với đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngày 16-11-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), ra Thông báo số 161-TB/TW, về đề án Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Đối tượng giám sát là đảng viên, cán bộ, công chức cư trú, làm việc ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư; hoặc những cán bộ, công chức, đảng viên không cư trú nhưng công tác trên địa bàn dân cư. Nội dung giám sát về công tác, phẩm chất, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm trong việc gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định của khu dân cư, giải quyết công việc với nhân dân...
Theo đó, ngày 25-1-2005, Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tri số 06/MTTQ, hướng dẫn ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương, nhất là cấp xã, tổ chức việc hằng năm lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với trưởng thôn, ấp, bản, tổ dân phố, khu phố...
Thực hiện các thông báo trên, năm 2005 và 2006, Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trong cả nước đã báo cáo cấp ủy cùng cấp và phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch tập huấn, hướng dẫn Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương triển khai thực hiện và đã thu được kết quả đáng khích lệ. Số người có phiếu tín nhiệm dưới 50% là rất ít, chỉ chiếm gần 1% so với tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu, có thể rút ra một số nội dung quan trọng như sau:
Một là, trước khi Mặt trận Tổ quốc lấy phiếu tín nhiệm thì chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân phải gửi bản kiểm điểm, tự phê bình của mình tới các khu dân cư trong xã, phường, thị trấn để trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Ban Công tác Mặt trận tổ chức cho nhân dân góp ý kiến; sau đó, Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân ở tất cả các khu dân cư trong xã, phường, thị trấn để đọc tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.
Đây thực sự là một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở. Có thể nói, thông qua việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, lần đầu tiên người dân được trực tiếp góp ý kiến vào bản tự kiểm điểm của chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã do chính mình bầu ra, thực hiện mục tiêu: nhân dân tham gia xây dựng, giám sát và bảo vệ chính quyền của dân.
Hai là, thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm và sự đóng góp trực tiếp của nhân dân, các cấp ủy đảng và chính quyền nắm chắc hơn, cụ thể hơn tình hình đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực quản lý, điều hành và trách nhiệm đối với nhân dân. Trên cơ sở đó, làm tốt hơn công tác cán bộ ở cấp chính quyền cơ sở, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Mặt khác, cán bộ chính quyền cơ sở có cơ hội nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về bản thân để sửa chữa, phát huy và tự hoàn thiện mình.
Ba là, thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt của chính quyền cơ sở, đòi hỏi ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phải được kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở đáp ứng được yêu cầu và thực hiện có hiệu quả công tác này.
Đây là dịp tốt để cán bộ Mặt trận ở cơ sở tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, gương mẫu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật và những quy định của khu dân cư. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân để lắng nghe ý kiến nhận xét của nhân dân đối với chính quyền và cán bộ, công chức ở cơ sở. Trên cơ sở đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một cách khách quan, dân chủ, chính xác, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thực sự là "công bộc" của dân. Qua đó, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nâng lên một bước.
Thực hiện Thông báo số 161-TB/TW, ngày 21-4-2006, Chính phủ và ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư (ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 05/2006-NQLT). Quy chế này được thực hiện thí điểm bắt đầu từ tháng 6-2006, ở một số xã, phường, thị trấn tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình và Tiền Giang.
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Quy chế và Nghị quyết liên tịch, các xã, phường, thị trấn ở 5 tỉnh, thành phố trên đã nhận được 1.804 đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân. Nội dung đơn thư và ý kiến phản ánh phần lớn là việc vi phạm của cán bộ, công chức, đảng viên ở xã, phường, thị trấn trong lĩnh vực quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của dân; dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng; vệ sinh môi trường, chính sách xã hội và hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Đồng thời cũng có một số đơn thư phản ánh về phong cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.
Tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều, nhưng qua việc tổ chức sơ kết từ dưới lên cho thấy, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Quy chế này đã đạt được những kết quả tích cực sau:
Thứ nhất, hoạt động giám sát đã giúp cho cá nhân, tổ chức nâng cao hơn về ý thức, trách nhiệm, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định của khu dân cư.
Thứ hai, giúp cho các cấp ủy, chính quyền các cấp và tổ chức đóng trên địa bàn dân cư nắm chắc hơn về năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống, quan hệ với nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở làm căn cứ tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện và sử dụng cán bộ tốt hơn; đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với dân; kịp thời xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở.
Thứ ba, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Thứ tư, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là ở cơ sở và nhân dân trong việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức Mặt trận các cấp tiến hành giám sát đội ngũ cán bộ cơ sở, ngày 17-4-2008, Chính phủ và ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 09/NQLT, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong đó có nội dung quan trọng là Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, các phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp.
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr 135
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2009  (10/02/2009)
Tăng trưởng đầu tư của Việt Nam gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế  (10/02/2009)
Tháng 1 mới giải ngân được hơn 158 tỉ đồng cho các dự án nông nghiệp  (10/02/2009)
Tổng kiểm tra việc hỗ trợ tiền Tết cho người nghèo  (10/02/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên