Theo ông Giôn Hen-đra (John Hendra), Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam đạt thành tựu ấn tượng nhất về giảm nghèo trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 20-9, tại Hà Nội, về tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, ông Giôn Hen-đra cũng đưa ra con số về tỷ lệ giảm nghèo từ 58,1% năm 1990 xuống còn 14,5% năm 2008; tỷ lệ thiếu đói giảm hơn 2/3, từ 24,9% năm 1993 xuống còn 6,9% năm 2008.

Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể về phổ cập giáo dục tiểu học, với tỷ lệ nhập học tiểu học là 97% và 88,5% trẻ em đi học đã hoàn thành năm năm tiểu học.

Trong số này, hơn 90% tiếp tục học trung học cơ sở và không có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Tỷ lệ về giới cũng khá đồng đều, với gần một nửa học sinh là trẻ em gái ở cả cấp tiểu học lẫn trung học. Tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế năm 2010 ước đạt mực 83%, trong khi của nam giới là 85%. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu khu vực về tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội với 25,8% đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Đánh giá cao những cam kết và nỗ lực hành động của Chính phủ Việt Nam thông qua việc lồng ghép MDG vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các chính sách phát triển vì người nghèo, tạo thêm nhiều việc làm... tuy nhiên ông Giôn Hen-đra nhấn mạnh rằng Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cùng với duy trì những thành tựu đã có, Việt Nam cần xác định và giải quyết những chênh lệch phát sinh trong quá trình phát triển, dự tính được rủi ro có thể xảy ra và thực hiện những gì chưa làm được.

Theo ông John Hendra, trong khi Việt Nam đã đạt được hoặc đang trên đường đạt được đúng thời hạn hầu hết các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, các mục tiêu về HIV trong MDG6 có thể không đạt được vào năm 2015, nếu vấn đề tiếp cận dịch vụ không được tăng cường đáng kể, đặc biệt đối với nhóm dân cư nguy cơ cao.

Cam kết của Chính phủ về ngân sách cho phòng chống HIV ở cấp quốc gia và địa phương cũng cần tăng mạnh và tập trung vào lĩnh vực dự phòng, đảm bảo tính bền vững của các hoạt động phòng chống.

Trong khi thực hiện xã hội hóa giáo dục, Việt Nam cần bảo đảm rằng người nghèo cũng được tiếp cận các dịch vụ giáo dục. Các cơ quan có quyền quyết định ở địa phương cũng có vai trò rất quan trọng, không chỉ ở cấp Trung ương.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các gia đình đầu tư nhiều hơn cho con cái họ được học hành, đặc biệt là trẻ em gái, ông Giôn Hen-đra nói.

Một số chỉ tiêu trong lĩnh vực dinh dưỡng, tử vong mẹ, nước sạch và vệ sinh vẫn chưa đạt được hoàn toàn; đồng thời mục tiêu 7 (MDG7) về bền vững môi trường đang được xác định là một thách thức không nhỏ khi Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt và xuống cấp tài nguyên thiên nhiên. Các vấn đề mới phát sinh như tình trạng nghèo đô thị và di cư sẽ cần có sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đảm bảo rằng các mục tiêu thiên niên kỷ sẽ đạt được ở từng tỉnh và từng quận , huyện, xã, phường trong toàn quốc, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tây Nguyên....

Đồng thời, Việt Nam cần tính đến những rủi ro tiềm ẩn, những cú sốc bên ngoài như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng năng lượng và lương thực thực phẩm, thiên tai bão lụt... đang đặt ra những thách thức cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Những cú sốc này có ảnh hưởng nặng hơn đối với người nghèo, có thể làm cho những người vừa thoát nghèo có thể bị tái nghèo một cách nhanh chóng.

Tại cuộc họp báo, ông Giôn Hen-đra và Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc bảo đảm cho người dân tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường... cũng như mối tương tác lẫn nhau giữa phòng chống HIV/AIDS với giảm nghèo và kết quả thực hiện các MDG khác./.