TCCSĐT – Từ ngày 19 đến 21-9, tại Hưng Yên đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khoá XVI, nhiệm kỳ 2010 – 2015. 315 đại biểu, đại diện cho hơn 5000 đảng viên của tỉnh đã về dự Đại hội Đồng chí Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng dự và chỉ đạo Đại hội.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh uỷ trình bày báo cáo chính trị, trong đó nêu rõ: 5 năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn song, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên vẫn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội tỉnh khoá XVI đề ra. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 11,74%/năm (tăng hơn 1% so với mục tiêu đề ra), giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 21%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/ người/năm. Nông nghiệp phát triển theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; công nghiệp phát triển nhanh, sản phẩm đa dạng về chủng loại, có chất lượng, thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.

Toàn tỉnh đã thu hút 813 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký trên 3,5 tỉ đô la Mỹ, 475 dự án đã đi vào hoạt động; tài chính ngân hàng hoạt động có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nguồn vốn để đầu tư phát triển, thu ngân sách tăng bình quân 15%/năm, năm 2010 dự kiến thu ngân sách đạt 3000 tỷ đồng.

Số hộ nghèo giảm từ 13% năm 2006 xuống còn 3% năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 11 vạn lao động.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tạo sức lan toả trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; cuộc vận động "Xây dựng và chỉnh đốn Đảng" được đẩy mạnh, tập trung củng cố, phát triển và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, chất lượng sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề; tập trung giải quyết các cơ sở đảng yếu kém.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Tăng trưởng nhanh nhưng thiếu đồng bộ, sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, tiêu thụ sản phẩm khó khăn; lĩnh vực thương mại dịch vụ và du lịch phát triển chưa tương xứng với lợi thế; việc đào tạo nghề chưa tạo sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; chất lượng làng văn hoá, gia đình văn hoá nhiều nơi giảm sút. Nội dung sinh hoạt chi bộ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận cán bộ đảng viên tính chiến đấu thấp, lời nói không đi đôi với việc làm.

Phát huy những kết quả đạt được, nhận thức rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức, yêu cầu đặt ra, để đưa Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, Đậi hội đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2010 -2015: Tăng trưởng bình quân GDP 12,5%/năm; đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách đạt 6 nghìn tỉ đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 1%, tạo thêm việc làm mới cho 11 vạn lao động.

Một số giải pháp được nêu lên để thực hiện mục tiêu đề ra là:

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh, thâm canh sản xuất hàng hoá chất lượng an toàn.

Tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; huy động tối đa và sử dụng hợp lý các nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đại học Phố Hiến, tiếp tục nâng cao chất lượng khám và điều trị của các cơ sở y tế, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên; đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, giữ gìn phát huy các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể.

Đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và sử dụng cán bộ; đổi mới phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Ngô Văn Dụ, thay mặt Ban Bí thư, đã nhiệt liệt hoan nghênh những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời nêu những tiềm năng, lợi thế mà Hưng Yên cần tập trung phát huy; đồng thời đề nghị Đại hội thảo luận, làm sâu sắc hơn các nội dung, những giải pháp tích cực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu ghi trong nghị quyết. Đồng chí nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm mà Đại hội cần thảo luận: làm rõ hơn nữa những tiềm năng, lợi thế cũng như những mặt khó khăn, hạn chế của tỉnh để xác định được những khâu trọng tâm, đột phá cần tập trung chỉ đạo; vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối chung của Trung ương thành chủ trương, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phát triển văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới…
 
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII gồm 55 ủy viên. Tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVII, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh uỷ khoá XVI, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ khoá XVII./.